song
Facebook "ngoảnh mặt" với tin tức, báo chí liệu có "lao đao"?
03/02/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5628

 Động thái mới nhất của Facebook cho thấy, mạng xã hội này gần như đã ngừng hỗ trợ hoàn toàn tin tức báo chí. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí - Reuters, lưu lượng truy cập vào các trang tin tức báo chí từ Facebook đã giảm 48% vào năm 2023.

63% lãnh đạo cơ quan báo chí thế giới lo ngại

Báo cáo mới nhất có tên Xu hướng và Dự đoán Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2024 của Viện Reuters đã khảo sát hơn 300 nhà lãnh đạo xuất bản tin tức kỹ thuật số từ hơn 50 quốc gia, nhận thấy rằng gần 2/3 - 63% cho biết họ lo ngại về sự sụt giảm mạnh về lượng giới thiệu tin bài trên các nền tảng mạng xã hội.

Để ứng phó với những phát triển này, khoảng 3/4 (77%) cho biết họ sẽ tập trung nhiều hơn vào các kênh trực tiếp của mình, với 1/5 (22%) sẽ cắt giảm chi phí và tỷ lệ tương tự (20%) sẽ thử nghiệm với nền tảng bên thứ ba thay thế.

Các tòa soạn đang tập trung nhiều hơn vào các kênh trực tiếp của họ, chẳng hạn như các trang web và ứng dụng của họ, để đối phó với sự sụt giảm lưu lượng truy cập từ các trang truyền thông xã hội. Họ cũng đang đầu tư vào video, bản tin và podcast, cũng như giải thích tốt hơn về những câu chuyện phức tạp và mang tính xây dựng hoặc định hướng giải pháp hơn để kể chuyện.

 

Facebook đã chuyển sang trạng thái “không còn hỗ trợ” cho tin tức báo chí.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus cho biết, thực ra xu hướng này đã có từ vài năm trước và tiếp tục giảm, nên không có gì đáng ngạc nhiên. Trong thời đại Web3 thì chính người dùng cũng đang tạo ra nội dung và cạnh tranh với báo chí.

Do vậy, các cơ quan báo chí lớn cũng đã có chiến lược không phụ thuộc vào nguồn lưu lượng từ mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Twitter (X). Nhiều báo thậm chí đã bỏ fanpage, hoặc chỉ duy trì cho có. 

"Nghĩa là báo chí đã dự báo trước được sự suy giảm này nên đã có những giải pháp ứng phó. Dĩ nhiên, mạng xã hội vẫn là mỏ thông tin khổng lồ để báo chí khai thác cũng như lan tỏa thông tin, nhưng bằng cách thức khác thay vì chia sẻ đường link hay mời gọi người dùng mạng xã hội truy cập vào trang web của mình", ông Nguyễn Hoàng Nhật cho hay.

Để giải thích cho động thái này, theo CNBC - kênh tin tức truyền thông hàng đầu tại Mỹ, Giám đốc điều hành Meta, Mark Zuckerberg, dường như không mấy hứng thú tham gia vào các vấn đề nhạy cảm về chính trị và các vấn đề toàn cầu sau nhiều lần phải điều trần trước quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2016.

Kể từ khi đổi tên công ty thành Meta vào cuối năm 2021, Zuckerberg đã tập trung đầu tư hàng tỷ đô la mỗi quý để phát triển vũ trụ ảo tương lai đồng thời cố gắng chống lại sự cạnh tranh từ TikTok bằng cách củng cố Reels.

David Carr, Giám đốc quản lý thông tin tại Similarweb - một công cụ ước tính và phân tích lưu lượng truy cập của các trang web, cho biết thay đổi trong cách tiếp cận tin tức của Meta không hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích của Mark Zuckerberg. Người dùng cũng cảm thấy mệt mỏi với tất cả những tranh cãi trực tuyến.

"Một trong những điều mà Facebook đã nói về lý do khiến họ thực hiện một số thay đổi là người dùng cảm thấy hạnh phúc hơn khi không phải đọc các tin tức về chính trị", Carr nói.

Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Công ty Le Bros, sự cạnh tranh giữa báo chí với những nền tảng truyền thông về bản chất là vấn đề lợi ích. Nếu như Facebook có lợi ích liên quan đến những nội dung của báo chí thì họ sẽ phải đăng tải sử dụng tin tức báo chí trên nền tảng của mình.

Nhưng đây là câu chuyện không đơn giản, vì hiện nay Facebook và các nền tảng mạng xã hội không phụ thuộc vào nguồn thu của báo chí, họ sẵn sàng không đăng tải và chặn những nguồn tin tức đó nếu cần -  đây là thách thức lớn nhất cho báo chí hiện nay.

Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra

Phó Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, báo chí giờ đây chủ động hơn trong việc tiếp cận độc giả bằng nhiều giải pháp, gồm newsletter, web-push, mobile-push…Nó phù hợp với chiến lược ‘mobile first’ (ưu tiên cho điện thoại di động) của các cơ quan báo chí.

Chẳng hạn trong năm vừa rồi, trong chương trình hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Google News Initiatives, hàng loạt báo đã cho ra mắt bản Progressive WebApp nhằm tiếp cận độc giả sử dụng điện thoại thông minh. 

Theo ông Nhật, nhiều báo cũng cho ra mắt trang Zalo OA, gửi thông tin đến thẳng điện thoại của độc giả. Nó cũng tương tự việc báo chí thế giới tích cực sử dụng những hội nhóm trên các ứng dụng tin nhắn như Whatsapp, Telegram hay Messenger.

"Nghĩa là cánh cửa này đóng lại thì luôn có những cánh cửa khác mở ra, vấn đề là chúng ta tận dụng cơ hội ấy ra sao mà thôi", ông Nguyễn Hoàng Nhật tin tưởng.

 

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho biết, các cơ quan báo chí lớn cũng đã có chiến lược không phụ thuộc vào nguồn lưu lượng từ mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Twitter (X). Nhiều báo thậm chí đã bỏ fanpage, hoặc chỉ duy trì cho có. (Ảnh: Reatime)

Xu hướng và Dự đoán Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2024 cho thấy, các tòa soạn thế giới cũng đang tìm cách thu hút và giữ chân người đọc bằng cách cung cấp một loạt nội dung đa dạng, bao gồm cả tin tức và phi tin tức. Dự kiến ​​sẽ có sự thay đổi đáng kể trong việc kết hợp nội dung này, với các đăng ký quyền truy cập bao gồm trò chơi, podcast, tạp chí, sách và thậm chí cả nội dung từ tòa soạn khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, một vấn đề lớn cần bàn tới là kinh tế, đối với một số trang web dựa vào quảng cáo cần lượng lớn người dùng Facebook để kiếm tiền, sự thay đổi này mang tính nghiêm trọng.

BuzzFeed, từng nổi tiếng với các bài đăng và video lan truyền, đã đóng cửa trang web BuzzFeed News của mình vào tháng 4 năm ngoái.

Bà Monika Bauerlein - CEO Tạp chí Mother Jones đã chứng kiến việc Facebook thao túng ngành truyền thông. Theo bà, thời điểm năm 2017, các bài báo của ấn phẩm này thu về khoảng 5 triệu người dùng truy cập hàng tháng khi được chia sẻ trên Facebook. Tuy nhiên, kể từ khi Facebook rút khỏi việc hỗ trợ tin tức, luồng truy cập từ Facebook cho nhiều ấn phẩm như Mother Jones đã chứng kiến ​​mức giảm 99%, so với mức đỉnh.

Về câu chuyện này, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ: "Tôi mới nói chuyện với một bạn làm agency thì bạn đó có chia sẻ một câu chuyện thế này: Khi agency đi tiếp xúc các nhãn hàng thì đều nhận được câu hỏi rằng kênh báo chí truyền thống còn hiệu quả hay không. Câu trả lời của bạn dành cho nhãn hàng là vẫn có, dù cũng phải thừa nhận thực tế rằng hiệu quả đã suy giảm phần nào so với trước đây.

"Nhưng chúng ta vẫn thường nói, chuyển đổi số đem lại cơ hội để đa dạng hóa nguồn thu. Chúng ta sẽ có những nguồn thu khác để bù đắp vào những nguồn thu truyền thống đang suy giảm, như cách chúng ta bù đắp nguồn lưu lượng truy cập bằng những giải pháp nói trên", ông Nhật nói.

Còn theo chuyên gia Lê Quốc Vinh, sự hiện diện của báo chí trên nền tảng mạng xã hội không tạo ra giá trị quảng cáo trực tiếp, mục đích chính của dự hiện diện đó là kéo lượt người dùng sang trang báo của mình (traffic). Trong khi đó, tương lai nguồn thu chính của báo chí không phải quảng cáo mà là nội dung bán cho bạn đọc - đó chính là câu chuyện về giá trị của báo chí.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải