song
Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Bản đồ công nghệ ở 8 lĩnh vực
Ngày xuất bản: 10/10/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 4109

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là bộ, ngành đầu tiên nghiên cứu và công bố 8 bản đồ công nghệ cho tất cả các lĩnh vực bộ quản lý, gồm: viễn thông, bưu chính, báo chí, xuất bản, chính phủ số, an toàn thông tin, đại học số và công nghệ số.

Ngày 9/10, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 3 với các đối tượng quản lý tại Hà Nội. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT chủ trì với sự tham gia của 5 đồng chí Thứ trưởng, đại diện các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành TT&TT, các nhà xuất bản và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Lĩnh vực thông tin và truyền thông của chúng ta đang có những thay đổi mang tính cách mạng. Chính công nghệ số đã tạo ra sự thay đổi này. Tương lai bây giờ không còn nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Và chúng ta phải sáng tạo ra tương lai mới của mình dựa trên công nghệ số”.

 

Bản đồ công nghệ số lĩnh vực báo chí.

Tại Hội nghị, Bộ TT&TT đã công bố Bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bản đồ công nghệ cho 8 lĩnh vực của bộ quản lý được xem là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, dẫn dắt, quyết định lựa chọn chấp nhận, ứng dụng, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất.

Mỗi bản đồ công nghệ gồm một tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và một trang đồ họa (bản đồ) thể hiện thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đáng kể đến lĩnh vực, với 4 loại thông tin là: mức độ trưởng thành của công nghệ, mức độ ảnh hưởng của công nghệ, các giai đoạn của sự kỳ vọng của công nghệ theo thời gian.

Bản đồ công nghệ sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm công cụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, lập chiến lược mang tính dẫn dắt, xây dựng các kế hoạch triển khai từ ngắn hạn đến trung và dài hạn phù hợp với sự phát triển của công nghệ gắn với chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về ứng dụng, triển khai công nghệ mới, tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ đã lỗi thời.

Theo ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, lĩnh vực báo chí tuy không phải là lĩnh vực công nghệ nhưng không thể thiếu công nghệ. Hiện báo chí đã có được một bản đồ công nghệ gồm 12 công nghệ, định hướng công nghệ cho lĩnh vực báo chí trong nhiều năm tới, đặc biệt là với công nghệ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại nhiều năm về tự động hóa nghiệp vụ, trải nghiệm người dùng, bằng công nghệ nền tảng số, nhận dạng tiếng nói, cá nhân hoá trải nghiệm người dùng, robot, tổng hợp tiếng nói từ văn bản…

Trong kỷ nguyên số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đột phá và đa chiều trên phạm vi toàn cầu và trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và mọi quốc gia.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải