song
Điệu Xòe như cơm ăn, nước uống
Ngày xuất bản: 21/09/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 10816

 - Điệu dân vũ nồng say này được trường tồn qua bao thế hệ phải kể đến sự chung tay gìn giữ của biết bao thế hệ đồng bào Thái ở Tây Bắc.

Xòe - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Trung tâm của Xòe có thể được coi là ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Thuận Châu (Sơn La), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên). Điệu dân vũ nồng say này được trường tồn qua bao thế hệ phải kể đến sự chung tay gìn giữ của biết bao thế hệ đồng bào Thái ở Tây Bắc.

Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái hiện có 196 đội văn nghệ quần chúng, trong đó có trên 15 đội văn nghệ nòng cốt. Các đội văn nghệ này chính là những hạt nhân trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá nghệ thuật Xòe Thái.  

 

Các đội văn nghệ quần chúng là nòng cốt trong gìn giữ các điệu Xòe.

Em Lường Thị Minh, thành viên Đội Văn nghệ thôn Đêu 2, xã Nghĩa An chia sẻ: "Nghệ thuật xòe cũng như tất cả các điệu dân vũ khác, muốn xòe dẻo, xòe đẹp thì không chỉ bằng động tác mà phải bằng cả tâm hồn, nên ngoài việc thường xuyên tập luyện, chúng em cũng lắng nghe các bà, các chị kể và thấu hơn về ý nghĩa của các điệu xòe cổ để trong quá trình biểu diễn giới thiệu được nguyên bản, cũng như phát triển thành các điệu xòe mang tính nghệ thuật cao hơn nhưng không pha tạp với văn hóa của các dân tộc khác. 

Từ năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức biên soạn cuốn bài giảng "Nghệ thuật xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò”, do nghệ nhân Lò Văn Biến là chủ biên để truyền dạy 6 điệu xòe trong cộng đồng. Theo đó, đã truyền dạy cho đội ngũ cán bộ của thị xã Nghĩa Lộ; đội ngũ này sau đó lại trực tiếp xuống các xã, phường, bản, làng để truyền dạy. Kết quả là ở Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn hiện nay có trên 5.000 nghệ nhân có thể xòe hay, xòe đẹp, diễn tả được “hồn” xòe. Nhờ đó, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức thành công nhiều màn đại xòe kỷ lục hàng nghìn người tham gia, xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam. Ông Lương Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phát huy việc truyền dạy các điệu xòe trong các nhà trường. Tiếp tục phát triển, thành lập các đội xòe ở các thôn bản để phát huy nét văn hóa riêng có cộng đồng dân tộc Thái".

 

Nghệ nhân Lò Văn Biến truyền dạy các điệu Xòe cho thế hệ trẻ ở Mường Lò.

Tại châu Mường So xưa, nay là các xã Khổng Lào, Bản Lang và Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, ở mỗi bản Thái lúc nào cũng đều có từ 2 đến 3 đội múa xòe. Nhiều địa phương cũng đã đưa múa xòe vào trường học để truyền dạy, giúp thế hệ trẻ tiếp cận và lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình. "Cứ ngày tết là những chàng trai, cô gái sẽ hội tụ nhau để vui xòe. Ai cũng mong muốn đến một năm mới để mọi người cùng nhau ôn lại những điệu xòe và những làn điệu hát Thái của dân tộc mình", chị Lò Thị Hồng, ở bản Hổi Én, xã Mường So cho biết.

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bày tỏ: Đồng bào Thái Tây Bắc, trong đó có bà con người Thái trắng ở Phong Thổ rất vui mừng và tự hào khi xòe Thái được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là cơ hội để địa phương quan tâm sâu hơn nữa đến việc đầu tư, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Về phía huyện cũng đã có đề án phát triển du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trọng tâm là khai thác các làn điệu dân ca và xòe Thái. "Điệu xòe là hồn cốt của đồng bào Thái trên địa bàn huyện Phong Thổ và vùng Tây Bắc. Chúng tôi đã có đề án phát triển du lịch gắn với bản sắc dân tộc trên địa bàn, trong đó trọng tâm vào xòe Thái của đồng bào. Chúng tôi sẽ làm một số hoạt động để khôi phục lại các lễ hội, cũng như là triển khai các sự kiện văn hóa, gắn với hoạt động của nhân dân ở các thôn, bản, trong đó trọng tâm vào các điệu xòe để duy trì và nâng cái tầm của các điệu xòe lên", ông Mẫn khẳng định.

 

Xòe Thái cũng được đưa vào truyền dạy trong các nhà trường ở Yên Bái.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ nghệ thuật xòe, tỉnh Điện Biên đã và đang tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo, phổ biến nghệ thuật xòe Thái, đặc biệt cho thế hệ trẻ; tổ chức lễ hội văn hóa, lễ hội truyền thống hàng năm, đặc biệt quan tâm đưa nghệ thuật xòe Thái vào thực hành. Toàn tỉnh Điện Biên có khoảng trên 1.150 đội văn nghệ thuộc các bản, trong đó đa phần là các đội văn nghệ thuộc bản dân tộc Thái, đây được xem là những hạt nhân ưu tú để bảo tồn và phát triển nghệ thuật xòe.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Sự kiện UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến Di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng.

Tuy nhiên cũng đặt ra trách nhiệm cho các địa phương có đông đồng bào người Thái sinh sống về việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại. "Theo định hướng của ngành thì không chỉ trong dịp lễ hội, mà tại các bản văn hóa du lịch, mỗi khi có sự kiện, lễ hội đều đưa điệu xòe Thái vào biểu diễn; trước đây chúng tôi đã duy trì và nay tiếp tục tiếp nối. Trong thời gian tới, ngoài các sự kiện tại tỉnh, tại Làng Văn hóa Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ mời các nghệ nhân tham gia trình diễn điệu xòe Thái để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế", ông Hiệp bày tỏ.

 

Biểu diễn Xòe Thái tại các ngày hội lớn.

Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết: Tới đây, các tỉnh có Nghệ thuật Xòe Thái sẽ có sự liên hệ chặt chẽ để cùng nhau bảo tồn di sản: "Sau khi đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có một chương trình hành động để triển khai những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để thực hiện".

Nghệ thuật Xoè Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Thái các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái nói riêng. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Bắc, bởi điệu xòe vốn được lưu giữ qua nhiều thế hệ, từ đây càng có thêm điều kiện để trường tồn mãi với thời gian

Theo VOV

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải