song
Niềm tin vào báo chí tăng trong thời Covid-19
Ngày xuất bản: 23/09/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 15156

 Nghiên cứu kéo dài gần một thập kỷ của các chuyên gia Anh đã hé lộ những xu hướng mới của truyền thông thế giới cũng như sự biến đổi trong thái độ của độc giả.

Từ năm 2012, Viện Nghiên cứu báo chí của Reuters, một trung tâm nghiên cứu và tư vấn tại Đại học Oxford (Anh) đã thu thập dữ liệu về thái độ đối với phương tiện truyền thông và thói quen sử dụng tin tức ở 46 thị trường trên khắp thế giới. Khoảng 92.000 người đã tham gia cuộc khảo sát quy mô này.

Nhu cầu về tính khách quan của tin tức

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 23/6, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, niềm tin của công chúng đối với báo chí đang suy giảm. Trong khoảng thời gian từ năm 2015 - 2020, số lượng người tuyên bố “luôn luôn tin tưởng hầu hết các tin tức” đã giảm ở một số quốc gia. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, xu hướng giảm này đã dừng lại.

Sự tin tưởng vào truyền thông đã được cải thiện kể từ đầu năm 2020. Lí do chính xác chưa rõ ràng, dù các tác giả suy đoán Covid-19 đã “cho thấy giá trị của thông tin chuẩn xác, đáng tin cậy tại một thời điểm khi mạng sống bị đe dọa" và cuộc khủng hoảng "làm cho tin tức chân thực, dựa trên thực tế nhiều hơn và bóp chết nhiều tin tức chính trị đảng phái hơn".

 

% dân số trả lời "đồng ý" hoặc "có xu hướng đồng ý" với tuyên bố "Tôi nghĩ bạn có thể tin tưởng hầu hết tin tức trong phần lớn thời gian". Đồ họa: The Economist 

Tuy nhiên, Mỹ là ngoại lệ. Chỉ 29% người Mỹ “tin vào hầu hết các tin tức trong phần lớn thời gian”, thấp nhất trong số 46 quốc gia được khảo sát. Sự chia rẽ chính trị được phản ánh trong ý kiến của các phương tiện truyền thông. 51% những người thiên tả nghĩ truyền thông “đưa tin về quan điểm chính trị của mọi người một cách công bằng”, trong khi chỉ 16% thuộc phe cánh hữu tin điều này.

Nhiều người bảo thủ đã hoàn toàn ngưng theo dõi tin tức kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền tại Nhà Trắng. Vào năm 2020, 74% trong số họ tiết lộ quan tâm đến các vấn đề hiện tại, nhưng đến năm 2021 chỉ có 57%.

Kiểu phân chia theo tư tưởng chính trị cũng rõ thấy ở các nước khác. Tại Đức, sự tin tưởng của giới truyền thông giảm mạnh đối với những người thuộc cánh hữu. Những người biểu tình tham gia các cuộc tuần hành chống nhập cư trong những năm gần đây cũng bày tỏ không hài lòng với “báo chí dối trá”.

Ở một số nơi khác, chẳng hạn như Đan Mạch, Italia và Tây Ban Nha, niềm tin vào các phương tiện truyền thông thấp hơn ở cả hai thái cực chính trị. Tại Anh, những người cánh tả là những đối tượng hoài nghi nhất với giới truyền thông. Họ tin tưởng các đài truyền hình dịch vụ công như BBC, ITV và Kênh 4 nhưng không thích các tờ báo như Daily Mail và The Sun.

 

"Bạn đồng ý hay không đồng ý với tuyên bố rằng bạn có thể tin tưởng hầu hết tin tức trong phần lớn thời gian", câu trả lời giảm dần theo mức độ 5-rất đồng ý xuống 1-rất không đồng ý của người dân phân chia theo tư tưởng chính trị. Đồ họa: The Economist 

Trong các tòa soạn trên khắp thế giới, đặc biệt ở Mỹ, sự thiếu tin tưởng này đã dẫn đến một cuộc thảo luận rộng rãi hơn về bản chất và mục đích của báo chí. Một số cây bút thậm chí đã hoài nghi về tính khả thi của việc duy trì sự khách quan khi tác nghiệp và liệu có đáng theo đuổi điều đó hay không.

Tuy nhiên, nghiên cứu hé lộ, việc từ bỏ hoàn toàn lý tưởng đó sẽ không được ưa chuộng. Mặc dù 24% số người được hỏi cảm thấy có những chủ đề “không có ý nghĩa gì khi cố gắng giữ thái độ trung lập”, nhưng 74% cho rằng “các báo đài nên phản ánh nhiều quan điểm thay vì giữ một quan điểm về câu chuyện thời sự nào đó”. 66% muốn các phương tiện truyền thông đưa tin trung lập mọi lúc.

Sự lên ngôi của truyền thông xã hội

Báo cáo mới cho thấy, sự phát triển của truyền thông xã hội trong thập kỷ qua đã khuyến khích sự phát triển của các trang web và kênh tin có đường lối đảng phái công khai. Khoảng 1/4 số người được hỏi chia sẻ, họ thích bắt đầu hành trình tìm kiếm tin tức thông qua một trang web hoặc ứng dụng trực tuyến.

 

Những người trong độ tuổi 18 - 24 (còn gọi là thế hệ Z) được phát hiện có liên kết yếu với các trang tin tức kiểu truyền thống và có xu hướng thích truy cập tin tức qua mạng xã hội, các trang/ứng dụng tổng hợp tin hoặc cảnh báo tin di động cao hơn gấp 2 lần.

Các nền tảng như WhatsApp, Instagram, Telegram và TikTok tiếp tục thu hút nhiều người trẻ tuổi hơn, với nhiều câu chuyện chia sẻ về Covid-19 và phong trào phản đối phân biệt chủng tộc Black Lives Matter (Sinh mạng người da đen cũng quan trọng) trong năm qua.

Theo báo cáo, những người có ảnh hưởng đóng vai trò trong tin tức trên TikTok, Snapchat và Instagram lớn hơn nhiều so với những mạng xã hội "truyền thống" như Facebook và Twitter.

Simge Andi, đồng tác giả của báo cáo viết: “Việc thiếu sự hiện diện mạnh mẽ của báo chí có thể khiến những người dựa vào mạng xã hội đặc biệt dễ tiếp nhận thông tin sai lệch. Tin tức chủ yếu là ngẫu nhiên trong những không gian này và những kỳ vọng về nội dung hấp dẫn, hình ảnh và giải trí không phải lúc nào cũng đến với các tòa soạn, do các nhà báo tập trung vào những định dạng truyền thống".

 

Báo in đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự lên ngôi của mạng xã hội, các nền tảng cung cấp tin trực tuyến và sự hoành hành của dịch bệnh. Ảnh: BBC

Thách thức từ việc thu phí độc giả

Sự bùng nổ của mạng xã hội cùng các trang tin, ứng dụng trực tuyến đã đẩy báo in vào khó khăn. Dịch Covid-19 khiến khó khăn lớn hơn do các biện pháp phong tỏa ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát hành và doanh thu quảng cáo của các tờ báo. Điều này đã thúc đẩy việc đăng ký đọc báo trực tuyến, đặc biệt là ở các quốc gia có doanh số bán báo in tương đối cao như Đức, Áo hay Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, ở khoảng 20 quốc gia nơi các tờ báo đang tích cực phát triển doanh số bán phiên bản điện tử của họ, chỉ 17% số người được hỏi cho biết họ trả tiền để mua tin tức trực tuyến, tăng 2 điểm so với báo cáo năm ngoái và 5 điểm so với năm 2016.

 

Để tồn tại, các tòa soạn báo đã triển khai thu phí đối với phiên bản điện tử của họ. Ảnh: France 24

Số người đang trả tiền để đọc tin tức trực tuyến cao nhất là ở những quốc gia giàu có hơn, với truyền thống đăng ký mua báo in cao như Na Uy (45%) và Thụy Điển (30%). Con số này thấp hơn ở Mỹ (21%), Pháp (11%), Đức (9%) và Anh (8%).

"Một số nhà xuất bản đã bắt đầu thu hút được độc giả đăng ký trả tiền đọc tin tức trực tuyến, nhưng không phải mọi nhà xuất bản đều làm được điều này và không phải mọi độc giả đều sẵn sàng móc hầu bao trả tiền”, Rasmus Kleis Nielsen, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay.

Theo Nielsen, với khả năng dễ dàng truy cập vào nhiều nguồn tin tức miễn phí, các nhà xuất bản sẽ cần phát triển các tùy chọn ấn phẩm đa dạng, các gói nội dung hấp dẫn hoặc nhiều cách chia nhỏ thu phí hơn với quyền truy cập hạn chế tương ứng để đáp ứng nhu cầu độc giả.

Theo Vietnamnet

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải