song
75 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2024): Động lực cho hành trình viết tiếp trang sử vẻ vang của báo chí Việt Nam
Ngày xuất bản: 04/04/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 1068

 Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời trong lửa đạn chiến tranh, là dấu mốc đặc biệt gắn lớp dạy viết báo đầu tiên trong kháng chiến.

Nơi đây khắc ghi một sự kiện lịch sử gắn liền với một lớp nhà báo tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của Báo chí Cách mạng Việt Nam…

1. Và hôm nay, ngày 4/4/2024, trong không khí kỉ niệm 75 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và cũng là tròn 5 năm Công bố Quyết định xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949), xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên… chúng tôi lại nhớ về nguồn cội!

Quả thực, 75 năm đã qua song ký ức về trường báo chí cách mạng đầu tiên được Bác Hồ đặt tên là Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng luôn nhắc nhớ chúng ta về những giá trị còn mãi với thời gian. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ xuất sắc của dân tộc ta”.

 

Các hội viên, phóng viên về Khu di tích Cấp quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Sơn Hải

Lật giở lịch sử, vào những ngày cuối của năm 1946, sau khi công bố Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về Chiến khu Việt Bắc. Đến ngày 20/5/1947, Người về đến đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) và dừng chân tại vùng này. Cuối năm 1948, Bác chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh (lúc này cũng đóng ở Điềm Mặc) mở trường dạy làm báo – một trong những việc cấp bách phải làm.

Từ năm 1949 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, trong điều kiện vật chất khó khăn thiếu thốn đủ mọi bề của Nhà nước dân chủ nhân dân mới thành lập, Đảng và Chính phủ mở lớp dạy viết báo đầu tiên trong kháng chiến để đào tạo, gây dựng đội ngũ cán bộ Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Về tên trường, đồng chí Hoàng Quốc Việt cho bàn bạc kỹ trong ban chỉ đạo, cuối cùng: “Mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả”, (trích diễn văn ngày khai giảng 4/4/1949 – Xã luận Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc)…

Rất quan tâm đến Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần liền gửi thư để động viên, dạy bảo, hướng dẫn một cách tỷ mỉ, chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng… cho các học viên. Trong bức thư đề ngày 9/6/1949 của Người có đoạn viết:… Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng”!

2. Báo chí Cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử để càng lớn mạnh và trưởng thành. Trường học làm báo Huỳnh Thúc Kháng mở ra trong 3 tháng cũng là một trang lịch sử không thể nào quên đối với báo chí Việt Nam. Từ đây đã đào tạo ra những nhà báo, chiến sỹ trên mặt trận báo chí, văn hóa văn nghệ mà bằng cây bút, họ đã dũng cảm chiến đấu và chiến thắng. 42 học viên học trong 3 tháng được đón 29 giảng viên: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyên Tuân, Quang Đạm…, đại diện cho nhiều bộ môn mà người viết báo cần phải trau dồi…

Ba tháng nhưng học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ của 3 phần: lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: Phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Thực tế là đi làm tác phẩm và ra báo ở từng tổ. Các giảng viên đến nói ở lớp từng chuyên đề: xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào? (Võ Nguyên Giáp), lên trang (Trần Đình Thọ)...

Quả thực, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được ra đời trong bối cảnh khá đặc biệt, càng đặc biệt hơn khi 29 giảng viên tên tuổi được mời về giảng dạy và truyền lửa nghề nghiệp cho lớp học này. Đó là sự quy tụ tinh hoa của giới văn học, nghệ thuật trong cả nước lúc bây giờ. Lớp đầu tiên và duy nhất dạy làm báo trong kháng chiến ở nước ta, dù trong một thời gian ngắn nhưng đồ sộ về nội dung, bởi thế mà cái tên “trường dạy làm báo” cũng khá thú vị.

Đó không chỉ là dạy viết một bài báo mà còn là tổng hợp gồm cả phát hành, in ấn, thậm chí có cả những buổi giảng về an toàn thực phẩm, về thơ, về họa, cả những buổi tập huấn bắn súng... Trang bị cho một người làm báo đa năng, để có thể “dấn thân” vào mọi mặt của đời sống xã hội, để khi đặt bút viết về bất cứ lĩnh vực gì thì đều có những am tường, quả thực là sự độc đáo hiếm có trong hoàn cảnh đói khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần liền gửi thư đến lớp (đề ngày 9/6 và 6/7/1949). Hai bức thư ấy là dấu tích, là vật báu quan trọng, đáng tự hào. Bác viết thư để động viên, dạy bảo, hướng dẫn một cách tỷ mỉ, chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên. Trong những bức thư Bác viết đều chứa đựng những kiến thức căn bản của cơ sở lý luận gắn thực tiễn nghề báo, là sự gần gũi, chân thực và dễ hiểu, hướng đến công chúng, bạn đọc. Càng nhớ về năm tháng xưa, càng thấm thía những kỳ vọng mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta dành cho ngôi trường này, dành cho nghề báo cao quý.

Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến gian khó trăm bề, 42 học viên đầu tiên và duy nhất trong kháng chiến được cử đi học, coi đó không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm với nghề, với cuộc kháng chiến, với Tổ quốc… Và các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau ngày tốt nghiệp, được tung mình vào đời sống chiến đấu, lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên khắp mọi miền đất nước, tạo dựng sức mạnh của đội ngũ nhà báo - chiến sĩ. Nhiều người sau này đã trở thành những nhà báo, nhà hoạt động văn hóa văn nghệ nổi tiếng, có nhiều đóng góp được ghi nhận.

3. Chúng tôi vẫn nhớ như in cách đây tròn 5 năm, trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường, Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính thức trở thành Di tích lịch sử Quốc gia thứ 49 của ATK Thái Nguyên và là di tích lịch sử thứ 5 nơi thành lập các cơ quan báo chí tại Thái Nguyên. Đó là niềm vui, niềm tự hào và cũng là động lực to lớn để các thế hệ làm báo trong cả nước viết tiếp trang sử vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Mới đầu năm 2024 vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Đại Từ tổ chức Lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Mục tiêu phấn đấu của dự án là hoàn thành kịp phục vụ kỷ niệm  100 năm Báo chí Cách mạng (21/6/2025)…cũng là một niềm mong mỏi, chờ đợi của người làm báo cả nước trong những ngày này.

 

Một số học viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Nhà báo Phan Hữu Minh – Nguyên Ủy viên Ban Thường Vụ, nguyên Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, là một trong những người tâm huyết tìm hiểu về những tư liệu xung quanh ngôi trường đặc biệt này, ông chia sẻ: “Khi tìm hiểu về ngôi trường này, chúng tôi cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những hình ảnh, những dòng bút tích, những lời nhận định sống động tựa như một lời hiệu triệu cho thế hệ hôm nay. Cứ ngẫm về những điều mà Bác Hồ đã từng căn dặn, ngẫm đến tấm gương của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nghĩ về những điều nhà báo Đỗ Đức Dục nhắn nhủ mới thấy tầm nhìn xa của thế hệ đi trước. Đó là những điều căn dặn của 75 năm trước vẫn còn đầy tính thời sự, thời cuộc, vừa dạy làm báo – vừa dạy làm người cũng là sự hài hòa của kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức người làm báo mà thế hệ làm báo hôm nay đang tiếp thu và phát huy…”

Có thể nói, dù chỉ có duy nhất một khóa đào tạo nhưng ngôi trường đặc biệt này đã trở thành mốc son quan trọng và có giá trị không chỉ với những người trong cuộc mà còn với các thế hệ hôm nay và mai sau. Đặc biệt, trong một bối cảnh truyền thông báo chí với không ít thách thức, từ công nghệ, sự đổi mới thì rõ ràng, nhắc nhớ quá khứ, gìn giữ truyền thống sẽ là “mỏ neo” giáo dục quan trọng để những người làm báo hôm nay vừa như được nuôi dưỡng đam mê, trách nhiệm vừa để tự hào với nghề nghiệp cao quý.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải