song
Để tạo 'tường phí' cần một cỗ máy sáng tạo nội dung chất lượng cao
Ngày xuất bản: 14/10/2024 10:02:13 SA
Lượt đọc: 817

 Báo chí cần phải có kinh phí để duy trì và phát triển cả một bộ máy lớn - nhân lực nhiều, chi phí đầu tư và vận hành lớn, không ngừng đổi mới mỗi ngày để thu hút độc giả thì việc đọc báo miễn phí liệu có còn phù hợp?

Nội dung chất lượng cao là yếu tố cốt lõi để thu hút và giữ chân độc giả

“Paywall” là bức tường ngăn cách giữa nội dung và công chúng. Muốn đọc được những thông tin thú vị, có tính chuyên môn cao hoặc tin độc quyền...thì người dùng phải trả một khoản tiền. 

Gần đây nhất, CNN đã triển khai tường phí yêu cầu một số người dùng trả 3,99 USD/tháng để truy cập nội dung, trong khi Reuters thông báo sẽ triển khai gói đăng ký kỹ thuật số bắt đầu từ tháng 10 - gia nhập thị trường đông đúc các tổ chức tin tức tính phí cho nội dung trực tuyến.

Nhận định về mô hình thu phí người đọc, nhà báo Ngô Trần Thịnh - Trưởng Bộ phận Nội dung số, Trung tâm Tin tức, Đài Truyền hình TP.HCM cho biết, cũng giống như rất nhiều ngành nghề trên thế giới, báo chí cũng cần phải có kinh phí để duy trì và phát triển cả một bộ máy lớn. Trong khi nhân lực nhiều, chi phí đầu tư và vận hành lớn, không ngừng đổi mới mỗi ngày để thu hút độc giả thì việc đọc báo miễn phí là không còn phù hợp. 

 

Các tổ chức tin tức bao gồm CNN đang tìm cách kiếm tiền từ phương tiện truyền thông kỹ thuật số để bù đắp cho sự suy giảm của truyền hình, trước đây vốn là nguồn doanh thu chính.

Theo nhà báo Ngô Trần Thịnh, không khác gì với báo in đang chật vật tồn tại giữa thời buổi công nghệ số, báo mạng điện tử dù có nguồn thu nhưng vẫn chưa ổn định. Cùng với sự tương hỗ của smartphone hay máy tính bảng, việc phát triển của báo mạng là điều chắc chắn, từ đó kéo theo chuyện thu phí người dùng. 

"Nhưng không có gì là dễ dàng, muốn thu phí của người đọc thì từng sản phẩm, bài viết của trang báo phải thực sự chất lượng trong tất cả các khâu như: Chủ đề, nội dung, hình ảnh, video, cách bố trí sắp xếp bố cục...và duy trì được sự tốt đẹp này", nhà báo Ngô Trần Thịnh nói.

Theo nhà báo Võ Hùng Thuật - Giám đốc Trung tâm truyền thông Báo Tuổi Trẻ, tại Việt Nam, chưa có cơ quan báo chí nào dám khẳng định mình thành công với mô hình thu phí. Sự thành công của New York Times và một số tờ báo lớn trên thế giới là nhờ sự kết hợp hài hòa và tổng hòa giữa nội dung chất lượng, dịch vụ tốt, công nghệ tối tân và mô hình kinh doanh hiện đại. 

Trong đó, nội dung chất lượng cao vẫn luôn là yếu tố cốt lõi để thu hút và giữ chân độc giả. Mô hình kinh doanh biết đặt độc giả là trung tâm thông qua việc hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của độc giả là điều kiện tiên quyết để thành công. Quan trọng nữa là biết sử dụng công nghệ làm công cụ, giúp tiếp cận độc giả một cách hiệu quả hơn và cá nhân hóa trải nghiệm.

Từ những vấn đề đặt ra và bài học thành công của một số ít tờ báo, có thể thấy vấn đề sống còn của báo chí là phải dám từ bỏ hoài niệm về việc bán thông tin, vốn đã được chứng mình là không thể thành công. Bên cạnh đó là mạnh dạn bỏ tư duy bán báo thông thường.

"Cần biến toàn bộ cơ quan thành một cỗ máy sáng tạo nội dung chất lượng cao. Khi đó, cần xác định sản phẩm cốt lõi của cơ quan báo chí là sản phẩm nội dung chất lượng cao. Việc truyền tải các sản phẩm nội dung đó đến công chúng, khách hàng như thế nào sẽ tùy thuộc vào nội dung đó cũng như mục tiêu của nhà sản xuất và thế mạnh của mỗi kênh phát", nhà báo Võ Hùng Thuật cho biết.

Chức năng thông tin của báo chí có bị ảnh hưởng?

Nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài THVN thông tin, tại Việt Nam doanh thu của các cơ quan báo chí đang sụt giảm nghiêm trọng, năm 2023 doanh thu của các Đài Truyền hình đã sụt giảm tới 40%.

Trong bối cảnh đó, nhiều cơ quan báo chí đang cố gắng giữ bằng được một phần doanh thu quảng cáo, bất chấp sự nhượng bộ và hy sinh các nguyên tắc báo chí để đổi lấy quyền lợi cho các nhà quảng cáo. Xu hướng tìm mọi cách “giật gân hóa” thông tin để thu hút người xem, hoặc đưa quảng cáo trộn vào nội dung là tương đối phổ biến. Những thay đổi này, mặc dù đôi khi thành công về mặt thương mại, nhưng có thể làm suy yếu chất lượng báo chí, ảnh hưởng đến tính khách quan và trung thực của tin tức báo chí.

 

Không có gì là dễ dàng, muốn thu phí của người đọc thì từng sản phẩm, bài viết của trang báo phải thực sự chất lượng trong tất cả các khâu.

Theo bà Hà, khi doanh thu quảng cáo sụt giảm, một số tờ báo và tạp chí đã chuyển sang chiến lược đăng ký thuê bao để tạo nguồn thu ổn định. Đối với các thương hiệu báo và tạp chí ở các quốc gia phát triển, thuê bao dài hạn là một nguồn doanh thu có giá trị vì độc giả là những khách hàng cao cấp có lòng trung thành với thương hiệu. Doanh thu từ nguồn thuê bao đăng ký này cũng ổn định hơn nguồn thu từ quảng cáo. 

Tuy nhiên, bà Hà cho rằng, khi báo chí chỉ tập trung vào việc phục vụ những người đăng ký thuê bao thì thông tin của họ có thể bị thiên lệch, và loại trừ những độc giả không có tiền mua thông tin, đồng nghĩa là không phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng. Mô hình phí đăng ký này cũng có tính loại trừ và do đó không đáp ứng được các tiêu chí của thông tin báo chí như nó vốn có, làm ảnh hưởng tới các chức năng báo chí như thông tin, giáo dục khai sáng.

Các tờ báo và tạp chí quy mô lớn cũng đang nỗ lực xoay sở sang các sáng kiến kinh doanh mới. Nhiều tờ báo phát triển mạnh dịch vụ tổ chức sự kiện, livestream, kinh doanh thương mại điện tử, thiết lập các app riêng với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng. Những dự án kinh doanh mới này được thiết kế chủ yếu để đa dạng hóa nguồn thu và tạo ra các nguồn thu nhập mới nhằm bù đắp cho doanh thu quảng cáo đang sụt giảm. Song nhà báo Nguyễn Thu Hà cho rằng, những chiến lược này chỉ phù hợp với các cơ quan báo chí lớn, trong khi các cơ quan báo chí quy mô nhỏ thì rất khó triển khai đa dạng hóa nguồn thu theo cách này.

Nhà báo Nguyễn Thu Hà cho biết, gần đây cũng đã xuất hiện nhiều giải pháp tài trợ cho hoạt động báo chí bền vững vì lợi ích cộng đồng, bao gồm cả mô hình giao nhiệm vụ, đơn đặt hàng đối với các cơ quan báo chí, đến từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức công, các quỹ phát triển và các tổ chức phi lợi nhuận. Các cơ quan báo chí Việt Nam cũng đang tích cực đẩy mạnh nguồn thu này với sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, Bộ Tài chính.

Các cơ quan phụ trách báo chí trong đó có Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế đặt hàng truyền thông đối với báo chí. Nội dung này cũng được đề xuất đưa vào Luật Báo chí sửa đổi để luật hóa cơ chế này nhằm tạo nguồn thu ổn định cho báo chí thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, mục tiêu trước mắt năm 2024 là quy trình đặt hàng truyền thông của các cơ quan tổ chức đối với báo chí phải được rút gọn, đơn giản và khả thi, đồng thời có hướng dẫn cụ thể để giúp cơ quan báo chí khơi thông nguồn doanh thu quan trọng này.

Có thể thấy, việc suy giảm nguồn thu nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, buộc chính các cơ quan báo chí phải điều chỉnh hoạt động chuyên môn và thích ứng với nhu cầu xã hội và công nghệ mới để thu hút và tìm các nguồn thu mới.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải