Trong sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin truyền thông hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội thì văn hóa đọc báo giấy nói chung và đọc báo trên bảng tin hay còn gọi là đọc báo “đứng” vẫn được coi là một phần giá trị truyền thống không bị lãng quên.
Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, thói quen tiếp cận và đọc báo thay đổi, tuy nhiên vẫn có những cơ quan đơn vị, tòa soạn báo luôn lưu giữ một không gian văn hóa đọc từ xa xưa để đưa báo giấy và bạn đọc đến gần nhau hơn.
Từ sáng sớm 5h30, anh Lê Văn Thịnh một cán bộ chiến sỹ Báo Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ dán báo lên bản tin lên trên tường, tại số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội gần cổng tòa soạn Báo Quân đội nhân dân. Công việc này của anh diễn ra trong phần lớn các ngày trong cả năm.
Đều đặt vào sáng sớm, cán bộ chiến sỹ Báo Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ dán báo lên bản tin lên trên tường. Ảnh: Lê Tâm
Đã có rất đông người cao tuổi từ các tổ dân phố trên địa bàn quận đến chăm chú đứng đọc tin tức thời sự chính trị từ những trang báo in. Ông Nguyễn Huy Lự, phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) đã nhiều năm nay vẫn giữ thói quen đạp xe thể dục buổi sáng và dừng tại đây để đọc, cập nhật thông tin thời sự. Với ông đọc báo “đứng” như đã ăn sâu vào tiềm thức, là niềm vui, một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Ông Nguyễn Huy Lự chia sẻ: “Đi tập thể dục xong tôi vẫn luôn giữ thói quen xem báo, thế hệ chúng tôi vẫn giữ thói quen đọc báo giấy, ít sử dụng các thiết bị điện tử, việc ra đọc báo ở đây còn là dịp để bạn bè trong tổ dân phố gặp nhau, giao lưu trao đổi về các vấn đề báo chí nêu, vừa mở mang thêm kiến thức vừa đỡ căng thẳng".
Tương tự, tại khu vực trước cửa trụ sở Báo Hànộimới, số 44 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, hàng ngày tòa soạn cũng đón nhiều đọc giả từ khắp nơi đến, họ được đọc báo trong một không gian cảnh quan thoáng đáng, vừa đọc vừa suy ngẫm, vừa dạo phố, ngắm hồ Gươm. Không chỉ đến đọc các tin tức sự kiện về Thủ đô đăng trên Báo Hànộimới, lâu dần nơi đây trở thành một nét văn hóa, một điểm đến đặc sắc riêng của của người dân yêu Thủ đô Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, thành viên Câu lạc bộ xe đạp hồ Gươm cho biết, “Chúng tôi ngày nào cũng đạp xe thể dục quanh hồ, xong ra đây để đọc báo, nhiều người cao tuổi ra đây đọc rất nhiều, không phải ai cũng có điều kiện để mua hay được hỗ trợ Báo Hànộimới đọc, phải là Đảng viên nhiều năm mới được hỗ trợ. Tôi thấy ngoài người cao tuổi các bạn trẻ ở khắp nơi cũng thường xuyên về đây để cập nhật thông tin. Tôi rất mong tòa soạn giữ được nét văn hóa truyền thông đặc biệt này”.
Thực tế nhiều người cao tuổi, thậm chí ở độ tuổi xưa nay hiếm vẫn giữ thói quen ra bờ hồ đọc báo hàng ngày. Họ cùng nhau thể dục, cùng đọc báo trên các bản tin, cùng bình luận về các vấn đề trong đời sống xã hội, đây cũng là cách để người cao tuổi rèn luyện sức khỏe và duy trì thói quen đọc để rèn luyện trí nhớ của mình.
Đọc giả đọc báo trước cửa trụ sở Báo Hànộimới, nằm ở số 44 đường Lê Thái Tổ của phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Lê Tâm
Có thể khẳng định, trong sự phát triển của xã hội hiện đại và sự thay đổi không ngừng của các loại hình truyền thông thì đọc báo giấy trên các bản tin vẫn như một nét độc đáo riêng có mà mỗi cơ quan báo chí cần tận dụng. Tranh thủ diện tích ít ỏi để đa dạng hóa các hình thức tiếp cận bạn đọc, duy trì bạn đọc trung thành và mở rộng thêm số lượng độc giả mới.
Không chỉ ở khu vực phía Bắc, tại Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) trong dịp chào đón Tết Nguyên đán 2024, Đài đã khai trương không gian văn hóa đọc Báo Bình Phước tại khu vực cổng đơn vị.
Không gian văn hóa đọc Báo Bình Phước nhằm giới thiệu đến độc giả các trang Báo Bình Phước - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước, diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Khi nhân dân đến với không gian văn hóa đọc Báo Bình Phước có thể đọc báo, cập nhật tin tức mới nhất trên Báo giấy Bình Phước mỗi ngày. Ngoài ra Ban biên tập cũng ghi lại các ý kiến góp ý từ độc giả, từ đó Ban biên tập sẽ ngày càng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo.
Ngoài ra, khi đọc báo ở khu vực cổng chính, độc giả có thể quét mã QR Code để trải nghiệm theo dõi các ấn phẩm, các hạ tầng phát sóng của BPTV như: Đọc báo in trực tuyến, đọc báo điện tử, nghe kênh phát thanh Bình Phước, xem truyền hình Bình Phước, trải nghiệm kênh Youtube Truyền hình Bình Phước, Tiktok Truyền hình Bình Phước, Fanpage Truyền hình Bình Phước, Fanpage Phát thanh Bình Phước, Fanpage Báo Bình Phước và ứng dụng BPTVgo.
Ngoài đọc báo, bằng cách quét mã QR Code, người đọc cũng được trải nghiệm theo dõi các ấn phẩm, các hạ tầng phát sóng của BPTV. Ảnh: NVCC
Không gian văn hóa đọc Báo Bình Phước là tâm huyết của BPTV nhằm nâng cao vị thế tờ báo Đảng, đem thông tin đến gần hơn với công chúng, đồng thời là kênh lắng nghe ý kiến góp ý của công chúng để từng bước nâng cao chất lượng tờ Báo Bình Phước và các dịch vụ, ấn phẩm, kênh sóng... phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đất nước. Đây cũng là không gian văn hóa đọc gần gũi, nơi mà công chúng có thể trải nghiệm, tham quan và có những bức ảnh lưu niệm đẹp.
Trải nghiệm không gian văn hóa đọc Báo Bình Phước, ông Trần Thanh Hải, ở khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài cho biết: “Mỗi ngày tôi đều dành 15-20 phút để đọc Báo Bình Phước. Tôi thấy BPTV phát triển mô hình này rất hay vì ai cũng có thể đến đây đọc báo thì thông tin sẽ được lan truyền rộng rãi, đặc biệt đối với những người chưa biết đến báo Bình Phước. Tôi mong muốn Báo Bình Phước sẽ có nhiều tin, bài chất lượng hơn nữa để phục vụ cho công chúng, xã hội”.
Đúng là công nghệ số ngày càng phát triển, giờ đây mỗi người chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử có thể cập nhật thông tin thời sự từng giây, từng phút. Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi của thời cuộc, đọc báo trên bảng tin, gắn trên tường vẫn như một thói quen, một cách thức để thông tin từ mỗi tòa soạn ngày càng đến gần hơn với công chúng hơn.
Theo Nhà báo và Công luận
CÁC TIN KHÁC