song
Hội nghị "Cùng nhau quản lý tin tức giả mạo trực tuyến" kêu gọi toàn cầu đối phó với tin giả
Ngày xuất bản: 28/09/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8721

 

Hội nghị “Cùng nhau quản lý tin tức giả mạo trực tuyến” do Hội nhà báo toàn quốc Trung Quốc tổ chức vừa diễn ra ngày 26/9 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Internet Thế giới năm 2021 cũng được tổ chức tại thành phố này.

Báo động về tin giả

Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của 32 khách mời tại Trung Quốc, 40 đại biểu tham dự trực tuyến, trong đó có 20 đại biểu từ Trung Quốc Đại lục, 11 đại biểu nước ngoài và 9 đại biểu từ Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao.

 

Hội nghị "Cùng quản lý tin tức giả mạo trực tuyến" tại Trung Quốc thu hút được sự chú ý của nhiều diễn giả thế giới - Ảnh: Hoài Đức

Với chủ đề “Cùng nhau quản lý tin tức giả mạo trực tuyến”, Hội nghị tập trung trao đổi về hai nội dung chính gồm: "Niềm tin và Bảo mật" - Những thách thức và phản ứng toàn cầu đối với thông tin sai lệch trong bối cảnh đại dịch; "Sự thật và trách nhiệm" - Vai trò của truyền thông trong việc ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả mạo trong không gian mạng.

Trong các bài tham luận, các đại biểu đã trình bày quan điểm về tin giả và thực trạng tin giả, tin sai xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường Internet và các nền tảng công nghệ trực tuyến. Hầu hết đều khẳng định về mức độ nguy hiểm và mối đe dọa của tin giả trên không gian mạng và cho rằng cần phải nâng cao vai trò của tổ chức, cá nhân trong cuộc chiến chống tin giả, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động phối hợp, sự phản ứng toàn cầu đối với tin giả.

Đánh giá về tình trạng tin giả, các đại biểu Trung Quốc bày tỏ sự quan ngại với sự xuất hiện ngày càng nhiều tin giả trên nhiều nền tảng trực tuyến, ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, tin giả xuất hiện liên tục trong giai đoạn đại dịch COVID-19, khi những thông tin về virus Corona xuất hiện dày đặc, với tốc độ lan truyền nhanh chóng.

Rất nhiều ví dụ đã được các đại biểu đưa ra cho thấy tin giả, tin sai không chỉ gây ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân, cộng đồng còn cả tổ chức và cao hơn nữa. Chẳng hạn như tin giả về việc đóng cửa Hồng Kông sau khi hai cư dân của đặc khu này nhiễm COVID-19 từ Trung Quốc trở về rồi lây lan cho rất nhiều người, đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn bởi dòng người đổ xô đi mua nhu yếu phẩm… Hay như các tin giả về việc phong tỏa một số khu vực, rồi nguồn gốc COVID… đã tạo ra bầu không khí căng thẳng trong dân chúng.

Vì thế, các diễn giả cho rằng việc phát hiện sớm, ngăn chặn sớm là điều quan trọng. Để thực hiện được điều này, mỗi cá nhân, tổ chức khi hoạt trộng trên không gian mạng cần có phương pháp, phương tiện và kỹ năng để tránh trở thành nạn nhân của tin giả và không tiếp tay cho việc truyền bá tin giả, tin sai trên môi trường mạng.

Nhiều diễn giả đồng quan điểm rằng, “Internet là ngôi nhà chung của mọi người trên khắp thế giới, và nhiệm vụ của chúng ta là làm cho ngôi nhà chung sạch sẽ hơn, an toàn hơn. Đó là trách nhiệm chung của mỗi cộng đồng”, như chia sẻ của nhà báo Wu Jiing, Hội viên Hội nhà báo toàn quốc Trung Quốc.

Đồng thời, các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí truyền thông trong việc ngăn chặn tin giả. Mỗi nhà báo cần phải luôn “bật” chế độ tỉnh táo, cảnh giác trước mọi thông tin, cần có cơ chế kiểm tra, giám định thông tin trước khi đăng tải, bởi tác động của một thông tin sai từ một cơ quan báo chí có thể gây ảnh hưởng lớn. Ngoài việc tạo ra sự hoang mang, nó còn khiến dư luận mất niềm tin vào cơ quan báo chí truyền thông.

Các đại biểu đề cao “đạo đức truyền thông”, hay việc tôn trọng sự thật trong hoạt động báo chí. Bởi vì, chỉ điều đó mới góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tin giả và tạo niềm tin ở công chúng.

Phát biểu tham luận, các đại biểu quốc tế từ Nga, Argentina và một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Đài Loan, cùng nhấn mạnh vai trò của nhà báo và cơ quan truyền thông trong việc chống tin giả. Theo các đại biểu, cần sử dụng lợi thế của các tổ chức báo chí để loan tin và ngăn chặn tin giả, tin đồn. Việc đẩy mạnh các thông tin chính thống là điều cần thiết và quan trọng để tạo sự tin tưởng của công chúng và để cô lập tin giả mạo.

 

Hội nghị "Cùng quản lý tin tức giả mạo trực tuyến" diễn ra trong bối cảnh tình trạng tin giả diễn ra thường xuyên trên không gian mạng, trở thành mối thách thức với nhiều quốc gia - Ảnh: Hoài Đức

Những giải pháp chống tin giả

Các đại biểu cho rằng cần nâng cao kỹ năng cho người dân để nhận thức tin giả, tin đồn cũng như tính quan trọng của việc nói sự thật. Một môi trường không gian mạng hỗn loạn, nhiều thông tin xấu độc sẽ ảnh hưởng tới con người và xã hội. Thế nên, các cơ quan quản lý cần nâng cao trách nhiệm, tạo ra các cơ chế để quản lý không gian mạng, hạn chế thao túng tin tức; đặt ra quyền hạn và nghĩa vụ cho cư dân mạng (netizen).

Cũng cần thiết lập hệ thống pháp lý toàn diện, đổi mới theo cơ chế đa tầng và cùng quản lý với cơ quan hành pháp giám sát và xử lý tin giả; cần gắn trách nhiệm của cơ quan tài phán và nhấn mạnh sự hợp tác của tất cả các nền tảng trực tuyến, thậm chí yêu cầu nền tảng Internet phải chịu trách nhiệm về tin tức giả mạo; cần xây dựng cơ sở dữ liệu cho các loại tin đồn khác nhau; sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và công nghệ khác để xử lý ngăn chặn tin giả; xây dựng nền tảng ngân hàng tin tức với hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (Big data).

Các đại biểu đồng quan điểm rằng việc chấm dứt nạn tin giả là rất khó, thậm chí không thể. Nhưng có thể giảm thiểu tình trạng này bằng cách xây dựng lòng tin vào cơ quan truyền thông báo chí, nâng cao vai trò của báo chí trong việc chống tin giả. Việc đào tạo, trau dồi các kỹ năng cho những người làm báo cần được chú trọng, để các nhà báo có năng lực và ý thức tốt trong việc phòng và chống tin giả.

Đại biểu của Hồng Kông đề xuất “giáo dục trực tuyến” cho công chúng, để giúp họ nhận biết thông tin đúng/sai. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tiến hành điều tra về nguồn gốc tin đồn để cho người dân biết ai đang phát tán. Chính phủ cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc cung cấp sự thật và các nguồn tin đáng tin cậy để người dân có thói quen sử dụng các kênh thông tin này. Ý kiến trên nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu rằng, trong cuộc chiến chống tin giả cần có sự phối hợp giữa cơ quan báo chí, người dân và chính quyền.

Ở phần thảo luận chia sẻ kinh nghiệm về chống tin giả, các đại biểu cùng nhau chia sẻ cách thức để kiểm chứng thông tin giả mạo trên mạng xã hội cũng như các nền tảng trực tuyến khác, như kiểm chứng thông qua nhiều nhóm, qua truyền thông địa phương, trao đổi với nguồn tin…; phối hợp để xử lý tin giả như dịch vụ giải pháp Internet, xây dựng hệ sinh thái tin tức, từ nguồn tin đến việc đưa tin trên các mảng truyền thông.

Hội nghị “Cùng nhau quản lý tin tức giả mạo trực tuyến” tại Trung Quốc diễn ra trong bối tin giả, tin sai đang trở thành vấn nạn và thách thức lớn đối với mọi quốc gia ở giai đoạn đại dịch COVID-19. Tình trạng tin giả về nguồn gốc đại dịch, tin giả về phương pháp điều trị COVID-19 hay các loại thuốc điều trị virrus Corona gây hoang mang dư luận, thậm chí không ít người phải trả giá bằng cả tính mạng bởi tin vào những thông sai lệch trên không gian mạng.

Có thể nói, Hội nghị “Cùng nhau quản lý tin tức giả mạo trực tuyến” đã góp một tiếng nói vào cuộc chiến chống tin giả, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tin giả tràn lan, đồng thời kêu gọi phản ứng toàn cầu, sự hợp tác quốc tế và sự phối hợp giữa các tổ chức báo chí trên thế giới để hạn chế, giảm thiểu tác động của tin giả trên các nền tảng trực tuyến.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải