song
Miền đất của những nghệ nhân Tây Bắc
Ngày xuất bản: 06/02/2024 2:31:08 SA
Lượt đọc: 6230

 - Xuân "gõ cửa" miền Tây Bắc, một mùa lễ hội đã đến, vui trong những điệu xòe, những trò chơi truyền thống, các thế hệ ở Mường Lò luôn ghi nhớ những đóng góp của các nghệ nhân dân gian trong nỗ lực gìn giữ, bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trong suốt thời gian qua.04:31

 Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai miền Tây Bắc, ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), được coi là cái nôi của người Thái đen. Cùng với thời gian, có thời  điểm những nét văn hóa đặc sắc của người Thái cứ mai một dần. Nhưng vài năm lại đây, những nét văn hóa này đã được khôi phục và phát huy, được đông đảo nhân dân trong và ngoài nước biết đến. Kết quả này có sự đóng góp của những nghệ nhân lặng thầm sưu tầm, gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau.

Người dân bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ thường gọi bà Điêu Thị Xiêng, dân tộc Thái là người hát gọi mùa xuân. Tiếng hát của người phụ nữ ấy bao năm vẫn thế, hôm nay đã vào tuổi 74 nhưng vẫn rất ấm áp. Các bài khắp Thái qua giọng hát vang vọng của bà Xiêng như gọi hát thóc nảy mầm, cây cối đâm chồi nảy lộc đón xuân.

 

Ở Yên Bái có rất nhiều nghệ nhân dân gian tâm huyết trong gìn giữ các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Bà Xiêng sinh ra ở một bản Thái cổ và lớn lên cùng với tiếng khèn, tiếng pí, trong vòng xòe nồng say và những câu khắp thiết tha của ông bà, cha mẹ. 5 tuổi bà Xiêng đã biết khắp, 8 tuổi đã đi biểu diễn và đến 15 tuổi thì rất nhiều người biết đến. Hội diễn nghệ thuật các dân tộc thiểu số toàn quốc hay các hội diễn địa phương, giọng khắp của bà đều được trao huy chương vàng.

Giờ đây, với mong muốn những điệu khắp không bị mai một, bà Xiêng đã tập hợp các cháu thiếu nhi để truyền dạy. Bà hướng dẫn tỉ mỉ để các cháu thật thuộc từng lời hát và phân tích những cái hay, cái đẹp trong văn hoá dân tộc mình để các con cháu có ý thức gìn giữ.

Bên cạnh dạy khắp, bà Xiêng còn dạy các cháu thiếu nhi những điệu xoè cổ và các điệu dân vũ Thái: "Từ các ông các bà truyền lại có phần nào tôi hiểu và nắm được. Tôi cứ sợ bị mai một đi nên tôi cũng dạy cho các cháu. Mỗi lần tôi dạy 15, 16 cháu. Các thầy cô giáo cũng rất là giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cháu được đến học ngoài giờ nên các cháu rất là phấn khởi".

 

Bao năm qua, bà Điêu Thị Xiêng vẫn miệt mài dạy các cháu thiếu nhi từng câu khắp.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái nay đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn dành thời gian dạy chữ Thái cổ cho cán bộ và người dân địa phương. Ông vẫn luôn sẵn sàng truyền đạt những hiểu biết của mình về 6 điệu xòe cổ, các nét văn hóa đặc sắc, các trò chơi dân gian truyền thống cho những tập thể, cá nhân tìm đến. Thị xã Nghĩa Lộ phát huy được các điệu xòe – Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và nhiều nét văn hóa đặc sắc có công rất lớn của người nghệ sỹ dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu, truyền bá, phục dựng các nét đẹp văn hóa Thái.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến nói: "Đã người Thái thì mọi người phải biết dân tộc mình có những điều đặc sắc gì. Những người già, những người biết thì nên truyền lại để mọi người thấy mà học tập".

Khèn bè là loại nhạc cụ truyền thống, rất đỗi quen thuộc với đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ, Yên Bái cũng như nhiều địa phương trong vùng Tây Bắc. Khèn bè không chỉ là nhạc cụ kết nối tình yêu, linh hồn trong dân ca, dân vũ, mà còn là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe.

 

Nghệ nhân Lò Văn Biến được coi là "pho sử sống" về văn hóa Thái ở Nghĩa Lộ.

Ông Cầm Văn Hoa ở xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ là người duy nhất còn chế tác được khèn bè chuẩn, phục vụ những lễ hội lớn ở Nghĩa Lộ chia sẻ, làm khèn cần sự tỉ mỉ, khéo léo và ông luôn sẵn sàng dạy các chế tác cho những người yêu thích nhạc cụ này, chỉ cần họ có đam mê và có đủ kiên nhẫn: "Làm khèn thì nó hơi lâu một tí, phải mất chục ngày, làm phải nên chiếc khèn thổi hay mới thôi".

Dù không phải là người Thái nhưng anh Lê Thanh Tùng ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ lại đam mê văn hóa Thái, dành nhiều công sức và thời gian để tìm hiểu sâu, kĩ. Sau khi lĩnh hội được đầy đủ, anh Tùng mở lớp dạy chữ Thái cổ miễn phí ở trường học. Ngoài ra, anh còn truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ như: Pí Tam Tặn, Pí Pặp, khèn… cho thế hệ trẻ.

Anh Tùng tâm sự: "Gần đây rất nhiều các bạn trong giới trẻ đã biết đến các nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là khèn bè. Các lớp sử dụng nhạc cụ dân tộc, giới trẻ tìm đến rất nhiều".

Anh Lê Thanh Tùng chia sẻ với các em học sinh về nhạc cụ của dân tộc Thái.

Ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái hiện nay, tại các bản làng còn rất nhiều bậc cha chú, các bà, các mẹ am hiểu sâu về các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái, từ chữ viết đến dân ca, dân vũ, nhạc cụ, ẩm thực, các trò chơi dân gian truyền thống... Họ đang dành nhiều tâm huyết để lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo. Em Lường Thị Hằng, bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết, ban đầu tiếp thu những gì được chỉ dạy thấy tương đối khó, nhưng khi được các nghệ nhân bảo ban thì một thời gian sau em và các bạn đều nắm bắt được: "Nghệ thuật xòe cũng như tất cả các điệu dân vũ khác khi thể hiện không chỉ bằng động tác mà phải bằng cả tâm hồn, nên ngoài việc thường xuyên tập luyện thì chúng em cũng lắng nghe các bà, các mẹ để hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình".

Xuân "gõ cửa" miền Tây Bắc, một mùa lễ hội đã đến, vui trong những điệu xòe, những trò chơi truyền thống, các thế hệ ở Mường Lò luôn ghi nhớ những đóng góp của các nghệ nhân dân gian trong nỗ lực gìn giữ, bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trong suốt thời gian qua.

Theo VOV

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải