song
Mỗi bài báo là một thử thách
Ngày xuất bản: 23/05/2018 1:28:03 SA
Lượt đọc: 32765

 Là một phóng viên nữ chuyên viết về mảng Nông - Lâm - Ngư nghiệp, nên chuyện lội ruộng, vào chuồng bò, lợn, dê, gà đối với Hồng Duyên đã trở nên bình thường. Những câu chuyện về cuộc đời, lỗ - lãi, về những rủi do người nông dân gặp phải, những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm làm ra, hay sự thành công trong sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng một loại giống mới là những kỷ niệm Hồng Duyên có được khi làm nghề.

Có mẹ làm ngành bưu điện nên từ nhỏ Duyên được đọc rất nhiều báo từ Nhi đồng, Thiếu niên, Hoa học trò…, lớn hơn một chút thì thường ra quầy báo của mẹ để đọc các loại báo, có khi đọc cả Báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân... Nhiều khi được hỏi lớn lên thích làm nghề gì, Hồng Duyên vô tư đưa tay chỉ sang tòa nhà đối diện nhà mình và bảo “Lớn lên cháu làm ở đó”.

Nhà báo Hồng Duyên

Tòa nhà đối diện mà Duyên ước ao từ nhỏ là Báo Yên Bái và cũng thật may mắn sau khi tốt nghiệp Khoa Văn - Trường Đại học xã hội và nhân văn Hồng Duyên được nhận làm phóng viên tập sự tại đó. 3 tháng tập sự, công việc là đọc báo mỗi ngày, đọc để biết được văn phong của báo, cách triển khai một vấn đề, dần dà theo chân các anh, chị để học hỏi cách lấy tư liệu, sắp xếp tư liệu cho một bài viết. Cô ghi chép đầy đủ những gì các anh, chị phỏng vấn nhân vật, ghi lại những cảm xúc, cảnh vật xung quanh, kể cả thời tiết… sau đó về tập viết, khi tác phẩm của các anh, chị lên Báo Duyên ngồi đọc lại thật kỹ xem cách viết thế nào với những tư liệu đó, so với bài của mình còn thừa, thiếu chi tiết gì.

Viết về Nông - lâm - ngư nghiệp, Duyên bắt đầu làm quen với khái niệm vụ sản xuất nào gọi là vụ mùa, vụ đông xuân, rồi sản xuất hè thu, những câu chuyện về lỗ - lãi, dịch bệnh, những rủi ro của chăn nuôi, trồng trọt. Hiểu hơn những vất vả “một nắng, hai sương” cũng như những trăn trở, băn khoăn của bà con.

Viết về nông - lâm - ngư nghiệp cũng cần có sự thể hiện tinh tế, đan xen giữa tính khoa học và các thể loại báo chí, nên Hồng Duyên phải tìm hiểu, đọc rất nhiều sách kỹ thuật để có kiến thức về nông - lâm - ngư nghiệp và phải lăn lộn thực tế để nắm tình hình, có vậy bài viết mới sinh động, thiết thực, mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống.

Hồng Duyên luôn tâm niệm, nghề báo luôn đồng hành với những chuyến đi không mệt mỏi. Đi để mà nghe thấy, cảm thông, suy ngẫm rồi chắt lọc lại thành câu chữ, thành tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống.

Với Duyên, mỗi chuyến đi xa không chỉ dừng lại là đi làm, mà đó là được đi, được tiếp xúc với những con người mới, viết những câu chuyện mới. Có một câu nói mà Duyên vẫn luôn ghi nhớ “Nếu bạn không có đam mê cho công việc của mình thì đừng chọn nó, và nếu đã lựa chọn thì hãy đốt cháy bản thân để theo đuổi nó”. Để gắn bó được với nghề báo, đam mê thôi chưa đủ, mà mỗi người phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều, Duyên cũng vậy. Có những chuyến tác nghiệp khi ngồi nghĩ lại cũng không hiểu tại sao khi đó mình lại làm được như vậy, như chuyến đi viết bài về dịch lợn tai xanh tại Văn Chấn và Nghĩa Lộ năm 2008. Chuyến đi kéo dài đúng 1 tuần mà không may đồng nghiệp đi cùng lại bị ốm không dậy nổi, vậy nên ngày nào Duyên phải một mình cặm cụi đi từ sáng sớm đến tối muộn mới quay về phòng nghỉ, có những hôm Duyên cùng người dân đốt đuốc đi tiêu hủy lợn đến 10h đêm mới lọ mọ phóng xe từ Nghĩa Lộ về Văn Chấn, đường vắng mỗi khi thấy thấp thoáng ánh đèn xe máy phía sau lại lo có người đuổi theo mình. Nhưng điều ám ảnh nhất lại chính là giọt nước mắt của những chủ trang trại lợn khi chứng kiến lực lượng chức năng tiêu hủy cả đàn lợn bị dịch tai xanh.

Hồng Duyên chia sẻ “Nghề báo là nghề không có quy luật, mảng đề tài nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn chứa đựng trong mình nhiều điều mới mẻ, yêu cầu mới. Vì thế mỗi một bài báo là một đề tài mới, là một hành trình tìm hiểu thêm về cái mới và là một thử thách mình phải vượt qua”.

Đ/c Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy trao giải nhất Cuộc thi "Xây dựng đời sống mới" cho tác giả Nguyễn Thị Hồng Duyên

Viết nông nghiệp là không ngại nắng, ngại gió, ngại da đen, ngại khi tháo dép, lội ruộng, trèo đồi. Nhà báo đi cơ sở mà chẳng khác nào một bác nông chính hiệu. Để có một bức ảnh đẹp đôi khi phải chui vào chuồng lợn, gà… Có hôm về nhà, con vừa sà vào lòng vội buông ra ngay vì người mẹ có mùi gì… ghê lắm!

Từ những chuyến đi như vậy, Hồng Duyên đã có nhiều bài báo sinh động, thiết thực, tạo được hiệu ứng tốt và đã đạt nhiều giải cao Giải báo chí Yên Bái hàng năm. Năm 2017, Hồng Duyên đạt Giải Nhất cuộc thi Xây dựng đời sống trên Báo Yên Bái và được Hội Nhà báo Yên Bái hỗ trợ mức A theo Đề án hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2017. Biết rằng điều đó còn rất khiêm tốn so với nhiều đồng nghiệp, nhưng đó là nguồn động viên để Hồng Duyên nỗ lực hơn với nghề. 

Khi còn độc thân, Hồng Duyên có thể bay nhảy với những chuyến đi tác nghiệp kéo dài tới một tuần. Nhưng sau khi lấy chồng, sinh con, hàng trăm thứ việc không tên của người vợ, người mẹ đã khiến công việc vất vả hơn gấp bội. Nhưng may mắn là Duyên luôn nhận được sự động viên khích lệ của lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo phòng cùng các anh, chị đồng nghiệp và sự sẻ chia của gia đình. Đã lâu rồi Duyên chưa có chuyến đi xa nào, nhớ vùng cao, nhớ những người dân chất phác, thật thà nhưng giàu lòng hiếu khách.

Cho tới bây giờ, Hồng Duyên chưa từng hối hận khi chọn nghề báo để “lang thang” khắp nơi, dù có những chuyến đi khi nhắc lại vẫn muốn rơi nước mắt. Sau những chuyến công tác Duyên cảm nhận được nhiều những điều về cuộc sống, tự đối diện với biết bao suy nghĩ và thấy mình ngày càng trưởng thành, chín chắn hơn.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải