Các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong các vụ sạt lở tại Yên Bái, bà con mong mỏi chờ tin tức của người thân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 15h00, ngày 11/9, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 44 người bị chết và mất tích (trong đó, có 39 người chết do sạt lở đất, 02 người chết do ngập lũ và 03 người mất tích); 22.675 nhà ở bị thiệt hại (trong đó, có 111 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 112 nhà bị hư hỏng nặng; 854 nhà bị sạt lở, ta luy ảnh hưởng; 21.288 nhà bị ngập nước, 12.008 nhà phải di dời người và tài sản, 9 nhà phải di dời khẩn cấp...). Cùng với đó là những thiệt hại về nông nghiệp (nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi), nhiều công trình, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, thông tin liên lạc... bị hư hỏng nặng. Ước thiệt hại khoảng 820 tỷ đồng.
TRÊN HẾT, TRƯỚC HẾT, TẤT CẢ VÌ DÂN
Ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái đã chỉ đạo UBND tỉnh tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thiên tai theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của các bộ, ngành Trung ương. Với sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 đã và đang được triển khai với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh Yên Bái.
Chỉ tính riêng từ ngày 4/9 đến ngày 11/9, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành 04 Công điện để tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra và nhiều văn bản chỉ đạo trên từng lĩnh vực để ổn định đời sống nhân dân sau bão lũ. Cùng với đó, ngày 9/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai (mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập úng) trên địa bàn tỉnh.
Các cuộc họp khẩn cấp, các đoàn công tác của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương được tiến hành không kể ngày giờ. Các nhóm zalo hoạt động liên tục để kịp thời thông tin, chỉ đạo tới tận cơ sở. Tại các địa phương, đã chủ động thành lập các đoàn công tác xuống tận địa bàn để chỉ đạo, rà soát các khu vực nguy cơ, tất cả sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần chủ động, nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt, đặt tính mạng và cuộc sống của người dân lên trên hết, trước hết.
Đặc biệt, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Từ ngày 7/9 đến 10/9, hai Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Trưởng đoàn, trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó và khắc phục mưa bão trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Các đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Yên Bái đã kịp thời kiểm tra tình hình ảnh hưởng của mưa lũ, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và động viên đồng bào vùng lũ.
Những con số thống kê hằng ngày đã đủ khiến chúng ta cảm nhận được sự khốc liệt và hậu quả nặng nề do thiên tai mang lại. Song cùng với đó là những hình ảnh đầy sức nặng và ám ảnh. Hàng nghìn ngôi nhà ngập giữa trắng trời mưa tuôn ở Thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên. Những đổ nát, hoang tàn, ngổn ngang do sập đất, sập nhà. Nỗi đau tuyệt vọng của những gia đình đột ngột mất đi người thân...
Nhằm khắc phục hậu quả, các, sở, ban, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm "4 tại chỗ". Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị sẵn các khu vực, đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán.
Toàn tỉnh đã huy động 61.929 người (gồm các lực lượng bộ đội, công an, dân quân dự bị, dự bị động viên…) sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra (những ngày qua, đã có gần 31.000 người tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ); huy động trên 2.100 ô tô, tàu xuồng, máy xúc các loại và hơn 70.000 trang thiết bị khác phục vụ công tác phòng, chống bão lũ.
Hình ảnh những chiến sĩ công an, quân đội ngày đêm dầm mình trong nước lũ, bất chấp khó khăn, đối diện hiểm nguy rình rập, căng mình chống chọi với dòng nước lũ để tiếp cận và di chuyển những người dân đang bị cô lập đến nơi an toàn. Những đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương dầm mình trong mưa, băng qua nước lũ để đến tận nhưng nơi người dân đang cần sự giúp đỡ, cứu trợ; chia sẻ, động viên, đau cùng nỗi đau của mỗi hoàn cảnh, trăn trở tất cả các giải pháp tốt nhất để người dân được đảm bảo cuộc sống, từ bữa ăn, chai nước, viên thuốc...
Công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ đồng bào vùng lũ trên tinh thần trên hết trước hết, tất cả vì nhân dân
Hình ảnh những chiếc thuyền, xuồng máy hoạt động hết công suất mang theo nhu yếu phẩm tiếp tế cho người dân trong vùng bị ngập.
Những cuộc cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân thiệt mạng được tiến hành khẩn trương, tận dụng từng giây, từng phút.
Những dòng tin nhắn cầu cứu trên mạng xã hội và các trang cá nhân đều được triển khai cứu hộ. Đến thời điểm này, các lực lượng cứu hộ của tỉnh đã tiếp cận được tất cả các trường hợp, đồng thời tiếp tế nhu yếu phẩm, nước sạch đầy đủ.
Những thông tin nhanh chóng, kịp thời trên báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Ứng dụng công dân số Yenbai-S.
Những đêm trắng của các y, bác sĩ trong bệnh viện vẫn là chuyện thường, nhưng trong đêm bão lớn còn phải lo hướng dẫn cho cả các ca cấp cứu trên đường đến viện...
Đến nay, người dân vẫn được bảo đảm an toàn. Toàn tỉnh Yên Bái đang dốc sức khắc phục hậu quả bão lũ.
Tất cả đều xuất phát từ hai tiếng gọi từ trái tim: "Vì dân".
ẤM TÌNH DÂN TỘC, TRỌN NGHĨA ĐỒNG BÀO
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đang tích cực hướng về Yên Bái với những việc làm mang đậm tình dân tộc, nghĩa đồng bào, thể hiện tình cảm đoàn kết, truyền thống tốt đẹp "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", cùng chung tay chia sẻ, giúp đỡ, ủng hộ, đồng hành cùng hệ thống chính trị khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân.
Riêng ở Thành phố Yên Bái, đã triển khai mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu; đồng thời tiếp nhận nhu yếu phẩm từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân (như: Hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh...) để kịp thời cấp phát, hỗ trợ cho các xã, phường cứu trợ cho các hộ trong vùng ngập lụt.
Cả nước đang hướng về người dân các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, trong đó có tỉnh Yên Bái.
Chỉ tính riêng 2 ngày (10 và 11/9), đã có 32 tổ chức và cá nhân đăng ký ủng hộ chuyển khoản và tiền mặt, tổng số trên 19 tỷ đồng về tài khoản của Ban vận động Cứu trợ tỉnh Yên Bái. Cùng với đó là hỗ trợ hiện vật của 56 đoàn bao gồm số lượng lớn nhu yếu phẩm (mỳ tôm, lương khô, nước, bánh mỳ, đèn pin, các loại đồ ăn nhanh, sữa, xuồng cứu trợ, áo phao,...), số hàng này đã được chuyển đi 5 địa phương (Thành phố Yên Bái, các huyện Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên).
Cả nước đang hướng về người dân các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, trong đó có tỉnh Yên Bái.
Những chuyến xe vẫn đang miệt mài, gấp rút chạy xuyên đêm mang theo hàng hóa cứu trợ, nhu yếu phẩm thiết yếu đến với vùng ngập lụt.
Những nhà hàng vẫn đang đóng cửa kinh doanh để dành tặng hàng nghìn suất cơm, đủ các bữa chính trong ngày cho người dân, cùng nhiều nhà hàng, quán ăn, các câu lạc bộ, đội nhóm cũng đã và đang trao gửi yêu thương trong từng chai nước, chiếc bánh, suất ăn...
Và còn nhiều, rất nhiều những hành động, việc làm cụ thể của những con người bình dị mà cao quý. Tất cả đều xuất phát từ tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong mỗi người dân của đất nước Việt Nam./.
Theo Chinhphu.vn
CÁC TIN KHÁC