song
Một chặng đường gian khổ mà vinh quang
Ngày xuất bản: 22/10/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 45487

“Đây là Đài truyền thanh Yên Bái” - Lời xướng được lồng trên nền nhạc “Bài ca Cách mạng tiến quân” vang rộn khắp thị xã Yên Bái, ngày 1/9/1957 chính là tên khai sinh của Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái hiện nay.

Hồi đó, Đài chỉ có hơn chục km đường dây, hệ thống loa có chừng hai chục loa to từ 20w - 25w mắc ở các điểm đông dân cư như chợ, bến xe, vườn hoa…một số hộ dân và cơ quan chủ yếu thuộc phường Hồng Hà bây giờ được mắc loa kim tuy có tậm tịt nhưng cũng là ưu ái lắm trong thời buổi radio là thứ đã xa xỉ ít người dám mơ tới. Bộ phận kỹ thuật của Đài lúc đó thuộc Ty Bưu điện - Truyền thanh, còn bộ phận nội dung lại nằm trong phòng thông tin do Ty Văn hóa - Thông tin quản lý. Đến năm 1977 Ty Thông tin được thành lập, bộ phận kỹ thuật của Đài được chuyển từ Ty Bưu điện sang Ty Thông tin. Từ đây Đài được quản lý thống nhất bởi một đầu mối cả nội dung và kỹ thuật. Đây là một thuận lợi cơ bản để phát triển bởi chất lượng chương trình phát thanh luôn do cả nội dung và kỹ thuật có thể ví gắn với nhau như hai mặt của một tờ giấy.

Chương trình phát thanh trực tiếp của Đài Phát thanh - truyền hình Yên Bái phục vụ

Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, năm 2005. 

Từ khi Mỹ ném bom thị xã Yên Bái (9/7/1965), hệ thống truyền thanh bị hư hỏng nặng nề. Nhưng nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải củng cố, mở rộng mạng lưới truyền thanh, bảo đảm tiếng loa luôn “trong, rõ, vang xa” để phục vụ chiến đấu. Hệ thống truyền thanh của tỉnh được kéo dài, mở rộng gấp 4 lần trước chiến tranh với trên 40km đường trục từ Xuân Lan - Nam Cường qua nhà ga, bến xe vào đến Yên Bình, sang bên sông tới Hợp Minh, Bảo Hưng. Tiếng loa báo động, báo yên đã đi vào tiềm thức của một lớp công dân thị xã trong những ngày gian khổ, ác liệt ấy, thực sự là mệnh lệnh chỉ huy chiến đấu, sản xuất, phòng tránh máy bay địch hiệu quả và không thể thiếu. Mặc dù lực lượng ít, phương tiện thô sơ nhưng những cán bộ, phóng viên đầu tiên của Đài như các anh Hồ Thức, Cao Ngọc Thụy, chị Phùng Thị Thành và đội ngũ kỹ thuật là các anh Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thái…đã không quản gian khổ, hy sinh đảm bảo cho đài hoạt động liên tục suốt những năm chống Mỹ tiếng loa không bao giờ ngừng nghỉ, cùng với tiếng âm Đài tiếng nói Việt Nam đã thông tin kịp thời các chủ trương mới của tỉnh Ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, là công cụ sắc bén không thể thiếu của lãnh đạo tỉnh.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1976 tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập và đặt tỉnh lỵ ban đầu tại thị xã Lào Cai. Đài Truyền thanh Yên Bái cử những cán bộ chủ chốt làm nội dung đi Lào Cai bổ sung cho Đài Truyền thanh Lào Cai để trở thành Đài Truyền thanh Hoàng Liên Sơn còn cán bộ kỹ thuật và một số người làm nội dung chuyển đến Ủy ban nhân dân thị xã quản lý. Đến cuối năm 1977, Ủy ban nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn quyết định thành lập Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn trên cơ sở tiếp nhận cơ sở dự phòng số 3 (V3) của Đài tiếng nói Việt Nam, giải thể Sở Thông tin, chuyển bộ phận thông tin, cổ động sang Sở Văn hóa để thành lập Sở Văn hóa - Thông tin, bộ phận nội dung của Đài và bộ phận quản lý của Sở Thông tin chuyển sang Đài. Lúc này Đài mới thực sự trở thành tờ báo điện tử có đài phát sóng ở tỉnh với một sóng trung, hai sóng ngắn phát trên 3 tần số với 17 huyện thị và hàng trăm Đài cơ sở hình thành mạng lưới phát thanh, truyền thanh từ tỉnh đến xã vừa tiếp âm đài cấp trên, vừa phát chương trình mỗi cấp hoạt động mạnh và hiệu quả gấp nhiều lần những năm trước đây.

15 năm trong đại gia đình Hoàng Liên Sơn, Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn đã có bước phát triển vượt bậc. Cơ sở kỹ thuật từ một hệ thống truyền thanh có dây hoạt động chủ yếu ở thị xã, tỉnh lỵ được gọi là đài tỉnh, phòng lén âm là những căn phòng cấp 4 đóng chăn chiên để giảm tiếng vọng , máy ghi âm cá nhân không có, bộ phận nội dung chỉ có một phòng khoảng 5 - 7 người bao gồm cả làm công tác quản lý, biên tập, phóng viên, phát thanh viên. Từ chỗ chỉ là đơn vị tương đương cấp phòng thuộc ngành ở tỉnh, đài đã phát triển trở thành cơ quan trực thuộc UBND tỉnh với nhiều phòng ban chuyên môn quản lý toàn diện nội dung, kỹ thuật, vừa làm chức năng tờ báo nói vừa quản lý sự nghiệp truyền thanh toàn tỉnh. Từ lúc đầu chỉ phát mỗi ngày 15 phút thời sự tiếng phổ thông thì nay đài đã phát sóng 4 thứ tiếng dân tộc (Thái, Dao, Mông, Giáy), cộng tác với Đài tiếng nói Việt Nam tiếng mông cho toàn quốc đặt tại Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn, chương trình tiếng phổ thông đã được tăng lên 60 phút mỗi ngày và có chương trình ca nhạc, chương trình văn nghệ tổng hợp, thời lượng phát thanh tăng gấp nhiều lần trước đây. Về kỹ thuật cũng đã xây dựng được phòng lén âm theo tiêu chuẩn của Đài tiếng nói Việt Nam, cách âm bằng kính thủy tinh, máy ghi âm được trang bị khá hiện đại cả ở phòng lén âm và cho phóng viên, chất lượng sóng thật sự trong, rõ đảm bảo cho 17 đài huyện thị đến tận các huyện xa như Than Uyên, Bát Xát, Xi Ma Cai, Mù Cang Chải… đều thu tốt. Nhờ đó các đài huyện thị và các đài cơ sở đều tiếp âm thường xuyên đài tỉnh cùng với hàng vạn máy thu thanh của các đơn vị tập thể và cá nhân đã tạo thành mạng lưới tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, thông tin tình hình thời sự, định hướng dư luận, góp phần không nhỏ trên mặt trận tư tưởng, động viên quân và dân tỉnh Hoàng Liên Sơn chiến đấu, sản xuất thắng lợi, xứng đáng với sự tin yêu của cả nước và truyền thống anh hùng của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Khó khăn, gian khổ, ác liệt suốt những năm Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại đến những năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và trong những năm tiến hành công việc đổi mới, những người làm công tác phát thanh, truyền thanh tỉnh Yên Bái và tỉnh Hoàng Liên Sơn đã không quản hy sinh, không ngại gian khổ, luôn có mặt ở những nơi xung yếu, nơi mũi nhọn của cuộc chiến đấu, giáp mặt với quân thù, đồng thời đi khắp mọi địa phương trong tỉnh vừa hoạt động nghiệp vụ báo chí, vừa giúp các địa phương lắp đặt, sửa chữa thiết bị, phát triển mạng lưới truyền thanh rộng khắp. Sau giải phóng miền Nam, đài còn cử một đoàn cán bộ kỹ thuật vào giúp tỉnh Ninh Thuận kết nghĩa tiếp quản cơ sở kỹ thuật và xây dựng mạng lưới truyền thanh đài tỉnh và huyện thị.

Cùng với sự phát triển của đất nước, của tỉnh và thành quả của công cuộc đổi mới đem lại, sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình tỉnh Yên Bái hôm nay đã có những bước tiến vượt bậc. Đội ngũ đã đông, tinh, thông hơn, được đào tạo khá cơ bản. Đứng trước yêu cầu mới và kế thừa truyền thống vẻ vang 55 năm qua của đài, tin rằng những anh chị em làm Phát thanh và Truyền hình hôm nay sẽ xây dựng sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình tỉnh ta phát triển ngang tầm thời đại, sánh vai cùng các tỉnh bạn trên con đường phục vụ sự nghiệp Cách mạng, phục vụ nhân dân, trở thành phương tiện giải trí, khai trí không thể thiếu của mỗi người, mỗi nhà và là công cụ lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén, hiệu quả của cấp Ủy, chính quyền các cấp.

 

Nguyễn Thanh Vân

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải