song
Những nhà báo, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại sự kiện Trưng bày “Quảng Trị - bản hùng ca vang mãi”
Ngày xuất bản: 28/04/2022 9:14:31 SA
Lượt đọc: 7642

 Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang gấp rút thực hiện những phần việc còn lại cho sự kiện Trưng bày chuyên đề: Quảng Trị - Bản hùng ca vang mãi sẽ chính thức được khai mạc vào 14 giờ ngày 28/4 tại Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị.

Tại trưng bày, Ban tổ chức sẽ giới thiệu rất nhiều những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và các mặt trận khác tại mảnh đất Quảng Trị anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng tại nơi đây, lớp lớp các nhà báo nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, vượt qua mưa bom bão đạn, xông pha nơi tuyến đầu, viết bài phản ánh và cổ vũ tinh thần đấu tranh của quân dân Quảng Trị. Công chúng sẽ được hiểu hơn về một số nhà báo hiện vật tiêu biểu, là những nhà báo sinh ra tại Quảng Trị, có bài viết, hiện vật về vùng "đất thép anh hùng" Quảng Trị.  

 

Hiện vật: Bếp dầu hỏa, ấm, vỏ đạn của Nhà báo Phan Quang ( Nguồn: Bảo tàng báo chí Việt Nam)

Đó là nhà báo liệt sỹ (NBLS) Hoàng Kim Tùng. Ông sinh năm 1936 tại khu phố 2, phường Đông Giang, Đông Hà, Quảng Trị được học tập, công tác tại miền Bắc nhiều năm. Đến năm 1965, đồng chí đi B vào chiến trường miền Nam, mang theo niềm tin lý tưởng cách mạng mãnh liệt. Năm 1965 -1972, đồng chí hoạt động trong các lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, giữ chức Chánh Văn phòng, Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư chi bộ, Phụ trách Báo Giải phóng Quảng Đà (tiền thân của Báo Đà Nẵng ngày nay).

Sáng 22/5/1972, do địa điểm hoạt động bị lộ, địch đã thả xuống cơ quan hàng loạt bom B52, làm 10 đồng chí hy sinh, trong đó đồng chí Hoàng Kim Tùng cùng 4 đồng chí khác bị vùi lấp trong hang đá phía Tây Nam Đà Nẵng.

Hiện vật của NBLS Hoàng Kim Tùng trưng bày tại đây là bức thư cuối cùng ông gửi gia đình tháng 9/1971 trước lúc hy sinh. Ngoài ra còn có cuốn sổ tay ghi chép cụ thể, tỉ mỉ về những diễn biến tin tức, quân sự và những cuộc hành trình của tác giả từ khoảng những năm 1965 – 1968. Mỗi nơi nhà báo Hoàng Kim Tùng đi qua, tất cả đều được ghi chép lại có hệ thống, thời gian và nội dung cụ thể. Bên cạnh đó, cuốn nhật ký còn cho thấy hình ảnh của một nhà báo chiến sỹ không chỉ xông pha trận mạc, tận tâm trong công việc mà đó còn là một người chồng, người cha hết lòng thương yêu vợ con với tình yêu thương vô bờ bến, luôn đau đáu nỗi nhớ gia đình và quê hương

Đó là nhà báo Hồng Chương, tên thật là Trần Hồng Chương (1921 – 1989), bút danh Trần Quốc Tú, quê ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị; nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1979, Nhà báo Hồng Chương là một trong số ít các nhà báo Việt Nam đã vinh dự được tặng Huân chương Phu – xích, là một sự tôn vinh danh giá của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).

Đối với sự nghiệp báo chí, lĩnh vực ông có nhiều cống hiến nhất là thể loại chính luận. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được nhiều tài liệu, hiện vật của nhà báo Hồng Chương, trong đó có nhiều bản thảo, thư viết tay của ông gửi đồng bào Quảng Trị để cổ vũ, khích lệ tinh thần đoàn kết, chiến đấu quật khởi của vùng đất thép, nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Đó là nhà báo Phan Quang, sinh năm 1928 tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Ông bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1945, viết báo từ những năm 1948 rồi chuyển qua làm báo Cứu Quốc, báo Nhân Dân. Ông  nguyên là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. 

Nhà báo Phan Quang từng chia sẻ: "Đời tôi có cái may, mỗi lần cơ quan có việc cần, Phan Quang là một trong số những phóng viên được ưu ái. Đất nước chia cắt, tôi vào vùng giới tuyến viết bài phản ánh tâm tình người dân “đôi bờ tắm nước một dòng sông”, cùng ra khơi “đánh cá Cửa Tùng”.

Sau mùa hè đỏ lửa năm 1972, phần lớn tỉnh Quảng Trị được giải phóng, ông lại về “nơi đụng đầu lịch sử”, mừng đảo “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận”, “thăm lại chiến trường Khe Sanh Đường 9”, viếng nhà tù Lao Bảo, viết về “ánh điện Đông Hà” và “những tà áo trắng” các chiến sĩ ngành y chăm sóc sức khỏe người dân trong cái bệnh viện vừa dựng bằng tre nứa lá trên đổ nát hoang tàn"...

Tại Trưng bày chuyên đề sẽ giới thiệu một số hiện vật của nhà báo Phan Quang trong những chuyến công tác tại chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị... như bếp dầu hỏa, ấm nước và vỏ đạn đồng. Trong đó, vỏ đạn đồng ông được pháo binh ta tặng trong một lần đến thăm đơn vị đóng ở vùng phía Tây tỉnh Quảng Trị trong trận chiến năm 1972 "mùa hè đỏ lửa". Ông đã sử dụng nó để cắm những cành đào chơi Tết - "cũng bao hàm ý tưởng dùng một thứ đã giết chết con người làm công cụ thưởng thức hoa".

 

Thẻ Nhà báo của nhà báo Phạm Đình Hải, Biên tập viên Đài Phát thanh Vĩnh Linh, năm 1961 (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

Đó là đồng chí Trần Trọng Tân (tức Trần Trọng Hoãn, (1926 - 2014)  tại xã Tân Mỹ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Ông nguyên là Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, sau một thời gian hoạt động tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, năm 1952, ông đươc tổ chức điều động ra Việt Bắc theo học trường Nguyễn Ái Quốc. 

 Sau đó, ông vượt Trường Sơn vào Nam bộ hoạt động cách mạng trên cương vị Ủy viên thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Từ tháng 11/1967, ông được biệt phái vào nội thành Sài Gòn hoạt động bí mật, chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị và có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo phát triển mạng lưới báo chí vùng Sài Gòn - Gia định trước 1975. 

Đặc biệt, thời kỳ đầu đổi mới, ông giữ chức Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, với phẩm chất và bản lĩnh của một nhà báo, nhà hoạt động chính trị, ông đã có những bài báo bày tỏ mạnh mẽ quan điểm đổi mới, nhiệt tình ủng hộ đổi mới. Nhà báo Hà Đăng nhận xét rằng, ông “đã thể hiện khá rõ những tư tưởng lớn, chính sách lớn của Ðảng về đổi mới. Là một trong những cánh tay nối dài tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư trên hai lĩnh vực báo chí và văn hóa - văn nghệ, hai lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách trực tiếp của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương”.  

Đó là nhà báo Phạm Đình Hải, Biên tập viên Đài Truyền Thanh Vĩnh Linh với tấm thẻ nhà báo được cấp năm 1961 là hiện vật tiêu biểu của những người làm báo phát thanh bên bờ sông Hiền Lương, địa đầu giới tuyến Vĩnh Linh những năm chống Mỹ.   

Ngày 20/7/1955, Đài truyền thanh Vĩnh Linh được thành lập, xây dựng hệ thống truyền thanh Hồ Xá với 3 máy tăng âm và 4.000 loa nhỏ phục vụ một số xã thuộc đặc khu Vĩnh Linh, cùng hệ thống truyền thanh giới tuyến chạy dọc theo sông Bến Hải từ Cửa Tùng đến Hói Cụ dài trên 10 km. Từ đó đến tháng 8/1963, hệ thống loa truyền thanh đã được đầu tư, trang bị với công suất cực mạnh, có thể vào đến vùng Chợ Cầu, huyện lỵ của quận Gio Linh lúc ấy với 4 cụm loa, gồm 140 loa, mỗi loa có công suất 25W. Ngoài ra, đài còn có một xe lưu động gắn loa 180W và một loa đại có công suất lên đến 500W phục vụ công tác binh vận, địch vận. Cùng với những chương trình phát thanh phong phú, đa dạng, hệ thống loa này đã thực sự lấn át giàn loa bờ Nam của chính quyền Mỹ - ngụy" đã góp phần giữ trọn niềm tin của nhân dân vào Đảng và Bác Hồ, vào một ngày thống nhất đất nước.

Có thể nói, trong cuộc tấn công chiến lược năm 1972, Thành cổ Quảng Trị với trận quyết chiến 81 ngày đêm đã trở thành một trong những trận quyết chiến mang tầm chiến lược đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Nó thể hiện được tinh thần Việt Nam, thà hy sinh tất cả chứ không để mất nước, lớp này ngã xuống đã có lớp khác tiến lên. Cả nước hướng về Quảng Trị, trong đó có những phóng viên, nhà báo chiến trường, họ xông pha ra mặt trận, ghi lại cuộc chiến đấu không cân sức qua những trang báo, thước phim, bức ảnh, kịp thời cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta và vạch trần tội ác của kẻ thù xâm lược.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải