song
Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái: Nỗ lực cho bước tiến dài
Ngày xuất bản: 20/10/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 79349

Ngày 1/1/2014, chương trình phát thanh - truyền hình tỉnh Yên Bái đã chính thức phát sóng trên vệ tinh, giải quyết được “bài toán” khó lâu nay là việc phủ sóng chương trình PT - TH tỉnh đến các vùng miền, cùng với đó khán giả đã và đang thấy được những đổi thay rất lớn của Đài. Để hiểu hơn về những nỗ lực và quyết tâm của Đài, Đặc san Người làm báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Ất - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

* Hơn 1 năm qua chương trình PT-TH Yên Bái đã phát sóng lên vệ tinh. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định bước phát triển của tờ báo nói, bào hình tỉnh nhà. Ông có thể chia sẻ thêm về những cố gắng và quyết tâm của Đài khi thực hiện mục tiêu này.

Ông Hà Minh Ất: Trong quá trình xây dựng và trưởng thành sự nghiệp PT - TH Yên Bái đã có những “bước nhảy” đáng kể để theo kịp với yêu cầu của thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển chung của tỉnh. Song dấu mốc ấn tượng và quan trọng nhất đó là từ ngày 1-1-2014 chương trình PT - TH Yên Bái đã chính thức phát sóng trên vệ tinh Vinasat 1, giải quyết được “bài toán” khó khăn lâu nay phải tìm lời giải là làm thế nào để phủ sóng đài địa phương trên phạm vi toàn tỉnh và mở rộng ra bên ngoài.

Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của 2 Đài Trung ương và những cố gắng không ngừng nghỉ của các thế hệ làm báo nói, báo hình của tỉnh, sự nghiệp PT -TH đã từng bước lớn mạnh. Mặc dù vậy, do địa hình đồi núi chia cắt nên việc tiếp phát sóng địa phương mới chỉ phục vụ tập trung ở vùng thấp và trung tâm các huyện, thị, các xã phường, thị trấn trong tỉnh. Trên địa bàn vẫn còn nhiều nơi “đói” thông tin từ PT - TH, nhất là ở vùng cao, vùng sâu. Để giải quyết “ách tắc” này, từ năm 2011, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, Đài PT - TH Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng PT - TH Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”. Từ thuận lợi cơ bản này, năm 2013 Đài PT - TH Yên Bái bắt tay vào thực hiện hóa Đề án, bằng việc tham mưu tuyển chọn thêm nguồn nhân lực, cử hơn 2 chục phóng viên, biên tập viên tham dự lớp Đại học báo chí, 8 người đi đào tạo trên đại học, đầu tư thêm trang thiết bị chuyên ngành và đặc biệt là thay đổi lề lối, tác phong làm việc, xây dựng khung chương trình phát sóng, từng bước nâng dần thời lượng, mở thêm các chuyên mục mới cả tiếng phổ thông và các thứ tiếng dân tộc (Thái, Mông, Dao). Nhờ đó đến cuối năm 2013, những điều kiện cơ bản cho việc phát sóng vệ tinh đã hoàn tất và từ ngày đầu tiên của năm 2014, trên vệ tinh đã có thêm kênh YTV phát sóng phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh từ 6h00 sáng đến 23h30 phút hàng ngày, đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Bộ thông tin và truyền thông, trong đó thời lượng tự sản xuất đạt 6 tiếng/ngày và trong suốt thời gian đó đến nay Đài PT - TH Yên Bái đã duy trì đảm bảo thời lượng và từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu nghe, xem của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

* Bên cạnh kết quả đã đạt được cũng còn có những ý kiến nhận xét chất lượng, nội dung một  số chương trình của Đài chưa thật sự phong phú, hấp dẫn. Ý kiến của ông về nhận xét đó như thế nào ?

Ông Hà Minh Ất: Nhận xét là hoàn toàn có cơ sở. Việc đổi mới, tăng thời lượng đi đôi với nâng cao chất lượng là mục tiêu phấn đấu lâu dài, đồng thời đấy cũng là đòi hỏi hàng ngày, hàng giờ đối với những người làm công tác PT - TH. Trong thời gian qua, nhất là khi bắt tay vào thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng PT - TH Yên Bái giai đoạn 2012- 2015” có thể nói là khối lượng công việc tăng lên đột biến, từ chỗ mỗi ngày sản xuất phát sóng truyền hình 2 chương trình thời sự tổng hợp gốc, mỗi tuần 2 chương trình văn hóa - văn nghệ, tổng thời lượng khoảng 3h/ngày thì nay tăng lên gấp đôi, chương trình truyền hình tiếng dân tộc từ 6 số/tháng tăng lên mỗi tháng 12 chương trình. Đối với phát thanh mỗi ngày 2 chương trình thời sự tổng hợp, 1 chương trình ca nhạc tăng lên 3 chương trình thời sự, 2 chương trình ca nhạc. Trong khi đó các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất chương trình, tác nghiệp của phóng viên chưa đầy đủ lại liên tục phải đổi mới cho kịp với sự phát triển nhanh của kỹ thuật công nghệ. Mặt khác nguồn nhân lực được bổ sung còn ít so với yêu cầu, lực lượng trẻ, khỏe song vốn sống thực tế, kinh nghiệm nghề nghiệp còn hạn chế. Trình độ đội ngũ cộng tác viên của các ngành, đoàn thể có chương trình phối hợp, các đài truyền thanh - truyền hình huyện, thị, thành phố tuy đã được nâng lên song chưa đồng đều. Số phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên giỏi chưa nhiều. Do đó chất lượng các thể loại báo nói, báo hình của các cá nhân, đơn vị thực hiện có lúc, có nơi chưa đạt như mong muốn dẫn đến tổng hợp thành các chương trình phát sóng hàng ngày với mức độ bổ ích, hấp dẫn khác nhau. Bên cạnh đó, lĩnh vực vui chơi, giải trí trên sóng PT - TH thời lượng còn ít cũng ảnh hưởng đến sự phong phú của các chương trình. Những hạn chế đó đã được những người làm công tác PT - TH trong tỉnh nhìn nhận và tiếp tục tìm giải pháp khắc phục để các chương PT - TH ngày càng đúng, trúng và bổ ích, hấp dẫn, phong phú hơn.

Ngày nay công nghệ truyền thông ở nước ta phát triển rất nhanh. Bên cạnh mặt tích cực,  có không ít thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thiếu trung thực, phiến diện một chiều, thậm chí là xuyên tạc, sai sự thật. Theo ông vai trò của các cơ quan báo chí nói chung và Đài Phát thanh Truyền hình Yên Bái nói riêng trong việc thông tin định hướng dư luận xã hội?

Ông Hà Minh Ất: Về toàn cảnh báo chí của đất nước, nhận định đó đã được nêu lên nhiều lần. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng những hạn chế, khuyết điểm đó chủ yếu là ở các báo kinh doanh nhất là báo mạng. Còn đối với báo chí địa phương, trong đó có PT - TH đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ít có những khuyết điểm đó. Mà hạn chế lớn nhất với báo chí địa phương là chưa thật sự phong phú, bổ ích, hấp dẫn. Vì vậy, yêu cầu đòi hỏi đặt ra đối với báo chí địa phương nói chung, PT - TH nói riêng là cần không ngừng đổi mới cả nội dung, hình thức, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đó là: Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Công tác thông tin tuyên truyền phải đảm bảo đúng định hướng của Đảng, thông tin kịp thời, chính xác các sự kiện diễn ra trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu nghe, xem ngày càng cao của khán, thính giả. Đồng thời góp tiếng nói điều chỉnh những mặt còn hạn chế, những hành vi lệch chuẩn với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, các biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của quê hương, đất nước và đạo đức truyền thống. Báo chí Yên Bái nói chung, PT - TH nói riêng đã và đang thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ đó nhưng cần phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt hiệu quả cao hơn.

Để đáp ứng yêu cầu của khán, thính giả, ông có thể cho biết những giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng các chương trình của Đài trong thời gian tới?

Ông Hà Minh Ất: Bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và sự phối hợp với các cấp, các ngành, trong thời gian tới Đài PT - TH Yên Bái tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chính sau:

Một là: Tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo xây dựng đội ngũ 105 biên chế hiện có thật sự có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của kỹ thuật công nghệ và nhu cầu ngày càng cao của người xem, người nghe trong tỉnh. Bên cạnh đó tăng cường cộng tác, bồi dưỡng, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cộng tác viên, nhất là đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị, thành phố, coi đây là các “Trung tâm khu vực” để cung cấp thông tin và phản ánh các sự kiện diễn ra ở cơ sở làm phong phú thêm chương trình PT - TH hàng ngày của Đài tỉnh.

Hai là: Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tiếp theo của Đề án Nâng cao chất lượng PT - TH trong năm 2015, Đề án hỗ trợ tác nghiệp báo chí và chương trình phát triển PT - TH tiếng dân tộc đã được tỉnh phê duyệt. Trong đó chú trọng lựa chọn các thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đầu tư mang tính kế tiếp để hoàn chỉnh hệ thống kỹ thuật sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Ba là: Chuẩn bị các điều kiện để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ PT - TH trong giai đoạn mới. Đó là chuyển đổi trang thiết bị từ SD sang HD, truyền dẫn, phát sóng sang kỹ thuật số mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tỉnh Yên Bái thuộc nhóm 4, giai đoạn 4 từ năm 2018 đến 2020.

Bốn là: Trên cơ sở khung chương trình PT - TH hiện có, tập trung nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, chất lượng các chuyên đề, chuyên mục, mở rộng các hoạt động vui chơi, giải trí, các hoạt động từ thiện, nhân đạo hình thành rõ nét hơn các chương trình phục vụ chuyên đối tượng nghe xem, phấn đấu đến năm 2020, chương trình của Đài Yên Bái khép kín 24/24 giờ trong ngày.

Năm là: Tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, quảng cáo để từng bước thực hiện các yêu cầu mà Nghị quyết hội nghị TW10 khoá XI đã đề ra là phấn đầu đến năm 2020 các cơ quan báo chí cơ bản tự trang trải được nguồn tài chính và Nghị định số 16 năm 2015 của Chính phủ về tự chủ của các đợn vị sự nghiệp công lập.

Vâng, xin cảm ơn ông!

 

Thanh Thuỳ

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải