song
Lễ hội Văn hóa - du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Ngày xuất bản: 23/09/2019 12:00:00 SA
Lượt đọc: 62078

 Múa xòe là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái Tây Bắc nói chung, người Thái Mường Lò nói riêng. Qua bao năm tháng, người Thái Mường Lò vẫn gìn giữ văn hóa truyền thống ấy, để giờ đây, múa xòe đã được bạn bè quốc tế biết đến, yêu thích và cùng đắm say.

Trước ngày khai hội. (Ảnh: Xuân Tình)
Trước ngày khai hội. (Ảnh: Xuân Tình)
Nghệ nhân dân gian Điêu Thị Xiêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Múa xòe gắn với người Thái từ xa xưa rồi. Mỗi khi xòe là mọi người cảm thấy tinh thần thoải mái, phấn chấn, tiêu tan đi tất cả mệt mỏi, bệnh tật, điều không vui…, cứ vui là có xòe. Vì người Thái quan niệm: "Xòe cho cây lúa trổ bông, xòe cho cây ngô to bắp, xòe cho con gà đẻ nhiều trứng, xòe cho trai gái thành đôi… Múa xòe thì phải vui, càng đông càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu…”.
 
Xòe có sáu điệu cơ bản vẫn thường được gọi là xòe cổ. Đầu tiên phải kể đến điệu "Khắm khen” (nắm tay nhau vòng tròn) - điệu xòe cơ bản, biểu hiện tình đoàn kết của các dân tộc anh em cộng đồng. Mỗi khi có niềm vui, người Thái lại cùng nhau nhảy múa, khi khó khăn hoạn nạn vẫn nắm chặt tay cùng chung sức vượt qua. 
 
Điệu múa thứ hai tỏ lòng yêu quý và mến khách trong văn hóa giao tiếp của người Thái là "Khắm khăn mơi lảu” (nâng khăn mời rượu). Điệu thứ ba là điệu "Phá xí” (điệu bổ bốn) nghĩa là xòe bổ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất và tình đoàn kết trong cộng đồng người Thái. 
 
Dù có phải chia xa bốn phương trời, mười phương đất thì con người vẫn luôn nghĩ về nhau, cùng hướng về cội nguồn. Điệu xòe thứ tư, tưng bừng, sôi nổi là điệu "Nhôm khăn” hay còn gọi là điệu tung khăn. 
 
Cùng với những chiếc khăn piêu choàng trên cổ, những cô gái Thái thể hiện niềm vui vô bờ mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui như đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa bội thu… 
 
Tiếp đến là điệu "Đổn hôn” điệu múa với những bước tiến, lùi nhịp nhàng, uyển chuyển trong cung vòng tròn biểu trưng cho tình cảm son sắt của người Thái. Dẫu trời đất có giông bão, cuộc sống có lúc gặp khó khăn, trở ngại nhưng ý chí, tình cảm con người vẫn luôn keo sơn, bền chặt. Cuối cùng là điệu "Ỏm lọm tốp mư” (vòng tròn vỗ tay), là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, chất chứa niềm hân hoan hòa cùng nỗi bịn rịn trong không khí chia tay.
 
 
Những vòng xòe đẹp lung linh trong đêm hội Mường Lò. 
 
Sáu điệu xòe cổ với những thế chân, thế tay cơ bản nhất của nghệ thuật múa dân tộc Thái chính là khởi nguồn cho 36 điệu xòe khác vẫn được người Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ gìn giữ, lưu truyền với mong muốn về cuộc sống bình yên, hạnh phúc... Nó cũng phản ánh một phần lịch sử của cha ông đoàn kết chống lại kẻ thù, tạo nên sức mạnh trị thủy, khai phá đất đai và mong ước cuộc sống tốt đẹp. 
 
Những điệu xòe cổ cũng là một xã hội thu nhỏ của người Thái phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy, ngôn ngữ múa dân gian. Múa xòe giờ đây không chỉ còn ở các bản làng nữa mà nó đã được bạn bè trong nước và quốc tế biết tới. 
 
Trong vòng xòe đắm say bên ánh lửa bập bùng, anh Andrew - du khách người Pháp chia sẻ: "Hiếm có một dân tộc nào yêu ca múa như ở đây. Điệu múa của họ khiến tôi ngây ngất”.
 
Đúng vậy, bởi ở Mường Lò, không phân biệt già trẻ, gái trai, ai cũng có thể tham gia vòng xòe, kể cả các em bé chỉ tầm 3, 4 tuổi ở đây đều tham gia được. Múa xòe trong lễ, tết, ngày hội của làng, của bản hay đơn giản khách đến chơi nhà cũng xòe. Bên ánh lửa bập bùng, tiếng trống, chiêng vang lên như mời gọi bạn xòe đến quây quần, cùng nhau cười vui quên đi mệt nhọc, sầu lo, nắm tay trong không khí đêm hội lung linh của ánh lửa cùng điệu xòe hoa, đó là bức tranh huyền diệu Mường Lò về đêm khiến du khách phải say đắm.
 
Giờ đây, không chỉ người Thái múa xòe mà tất cả các dân tộc khác cũng đều tham gia vòng xòe, để quảng bá hình ảnh Nghĩa Lộ - Mường Lò đến nhiều bạn bè trong nước và các du khách nước ngoài. Vòng xòe nối rộng con người ở nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, đưa mọi người xích lại gần nhau hơn trên vùng đất văn hóa Mường Lò.
 

Du khách Nguyễn Thị Kim Ngân - huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang:

"Tôi đến Nghĩa Lộ theo lời giới thiệu hấp dẫn của một người bạn Yên Bái. Nghe thôi đã thôi thúc tôi phải tới bằng được để tìm hiểu. Xòe Thái thật kỳ diệu, lôi cuốn, đem những con người từ xa lạ thành thân quen. Những khúc hát, điệu nhạc thật rộn ràng, còn những vòng xòe lớn nhỏ như những bông hoa ban rừng rất đẹp và thú vị”.

 

Du khách Mustafa Helil - người Ai Cập:


"Đã đặt chân đến nhiều vùng đất, được tìm hiểu nhiều nền văn hóa của các nước trên thế giới nhưng đến Việt Nam, được tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái Mường Lò và điệu xòe truyền thống, tôi thấy rất hoành tráng, đẹp mắt và thật sự ấn tượng. Điệu xòe rất dễ nhớ, sau vài lần hướng dẫn là tôi có thể hòa mình cùng người dân múa xòe”.

Du khách Ngô Văn Dương - quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội:


"Mỗi lần đặt chân đến Mường Lò là mỗi lần tôi cảm thấy bồi hồi, tươi mới. Điệu xòe của đồng bào dân tộc Thái có tính cố kết cộng đồng rất cao, văn hóa dân tộc Thái thật độc đáo. Trang phục truyền thống của các cô gái Thái mỗi khi múa xòe rất hấp dẫn, tôn lên vẻ đẹp đặc trưng của con người vùng Tây Bắc Việt Nam”.

Du khách Nguyễn Thị Mùa - thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên:


"Mới chỉ xem qua các clip, các bài báo giới thiệu mà tôi đã cảm thấy xao xuyến, tò mò về xòe Thái Mường Lò. Qua tìm hiểu, tôi biết dân tộc Thái là dân tộc chiếm số đông ở đây, còn nghệ thuật xòe Thái gắn liền với đời sống của đồng bào, là sợi dây gắn kết cộng đồng. Xòe xuất hiện trong các lễ hội cộng đồng, được trao truyền và bảo tồn khá nguyên vẹn qua hàng trăm năm. Được biết, năm nay, tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Yên Bái sẽ tổ chức màn đại xòe với sự tham gia của 5.000 người. Dù cũng có tuổi rồi nhưng nhất định Lễ hội này tôi sẽ đến để mục sở thị điệu xòe nổi tiếng”.

Lê Huyền - Bùi Minh

Nguồn: Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải