song
Chuyện của một người viết báo không chuyên
Ngày xuất bản: 27/12/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 13596

 Chưa một ngày được đào tạo về nghiệp vụ báo chí, thế nhưng với niềm đam mê, ông Trần Thi đến với nghề viết như một cái duyên và là một cộng tác viên tích cực của các cơ quan báo chí.  

Hàng ngày ông Trần Thi vẫn dành thời gian để viết báo

Ông đam mê đọc sách và viết ngay từ khi còn là học sinh, đến những năm  học ở Trường cao đằng nghề của Bộ Lâm nghiệp ông được đọc nhiều tạp chí của ngành. Năm 1982, tốt nghiệp ông về công tác tại Ban Kinh tế Tỉnh uỷ Hoàng Liên Sơn, sau đó là Ban Kinh tế Tỉnh uỷ Yên Bái lúc đó ông lại được đọc nhiều tờ báo khác nhau.

Ban Kinh tế Tỉnh uỷ là cơ quan tham mưu cho Tỉnh uỷ về chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Muốn tham mưu được, cán bộ của Ban phải đi các huyện trong tỉnh, nghiên cứu, tổng kết các mô hình kinh tế trong doanh nghiệp, hợp tác xã và kinh tế tư nhân. Trong quá trình chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, rất nhiều vấn đề đặt ra, đặc biệt là về đường lối đổi mới trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng còn có những nhận thức khác nhau, dẫn đến cách làm chưa thống nhất. Trong quá trình nghiên cứu chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước và thực tiễn của tỉnh, ông thấy cần phải viết để thông tin tới các địa phương.

 Trải qua các vị trí công tác như Phó trưởng Ban kinh tế Tỉnh uỷ, phó Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ phụ trách công tác tổng hợp, ông đã đi khắp các huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn, đặt chân đến nhiều xã khó khăn trong tỉnh, ông được tiếp cận tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó có nhiều chuyến đi cùng phóng viên của tỉnh, Trung ương nên ông bắt đầu để ý đến nghề báo. Những chuyến đi với những điều mắt thấy, tai nghe, với các kênh thông tin khách quan, trung thực, giúp cho công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ chính xác, kịp thời, đó cũng chính là nguồn tư liệu quý giúp ông có thông tin để viết bài, ông có tác phẩm ngay trong môi trường làm việc của mình, khi đó ông chủ yếu viết bài về lĩnh vực kinh tế, gửi cho báo Hoàng Liên Sơn, Báo Yên Bái, Báo Nhân Dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đài Phát thanh  -  Truyền hình tỉnh. Sau mỗi bài viết được đăng, ông đọc rất kỹ bài của mình trên báo, so sánh với bài viết gốc để xem các báo sửa như thế nào, từ đó rút kinh nghiệm để viết theo đúng phong cách của từng tờ báo.

Chia sẻ về kỷ niệm đầu tiên khi viết báo, ông nhớ rõ chuyến công tác lên huyện Bắc Hà vào tháng 5 năm 1984. Lần đầu tiên đến Bắc Hà, ông bị choáng ngợp bởi các vườn mận trĩu quả ở các xã Tà Chải, Na Hối. Sau đợt công tác, ông suy nghĩ và quyết định viết bài “Bắc Hà được mùa mận Tam Hoa”, với mục đích giới thiệu sản phẩm của địa phương và gửi cho Báo Nhân Dân theo địa chỉ ghi trên báo. Hơn một tuần sau khi gửi bài, ông được đồng chí Trưởng Ban gọi sang phòng, đưa tờ báo Nhân dân và nói: Chú viết bài này à? viết được đấy! Bài báo của ông được in ngay trang đầu tiên. Điều đặc biệt là chính đồng chí Trưởng Ban từng làm Bí thư huyện uỷ Bắc Hà và là người chỉ đạo phát triển cây mận thành sản phẩm hàng hoá. Ông quá bất ngờ, không nghĩ bài viết của mình được đăng. Đó là khởi đầu tốt đẹp để ông có động lực tiếp tục viết báo và trở thành một cộng tác viên xuất sắc của Báo Hoàng Liên Sơn.

Phút thư giãn sau những trang viết

Trong sự nghiệp viết báo của mình, ông đã có nhiều bài viết về ngành nông nghiệp, liên quan đến chính sách mà ông đang được giao nghiên cứu. Khi nghiên cứu về chính sách giao khoán đất ruộng ông đã có loạt bài viết 3 kỳ trên báo Hoàng Liên Sơn để tranh luận với một kỹ sư về quan điểm khoán, thậm chí có nhiều bài viết của ông khi được đăng báo còn có người phản đối, nhưng với trách nhiệm của một cán bộ tham mưu, nghiên cứu các chính sách kinh tế của tỉnh và đam mê với nghề viết ông  muốn lan tỏa những mô hình kinh tế hay, làm tốt, cũng như tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1996 và ông Trần Thi là số ít những người không làm việc ở cơ quan báo chí của tỉnh Yên Bái đã được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, đối với ông đó là niềm vui và cũng vinh dự lớn lao.

Gia đình ông đã sống ở Yên Bái khoảng 150 năm, được làm việc trên mảnh đất Yên Bái, được kinh qua nhiều cương vị công tác, trong nhiều môi trường nên ông được trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, có nhiều kỉ niệm sâu sắc cũng như sự hiểu biết về lịch sử quê hương. Về nghỉ hưu, ông vẫn thường xuyên nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ các đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa, các bậc cao niên đã hoạt động trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám ở Yên Bái để khai thác tư liệu viết bài, những điều đó có thể làm đề tài cho những bài hồi ức, hồi ký, hay những bài đánh giá, tổng kết. Đó là lý do để một cán bộ dù đã về nghỉ chế độ gần 15 năm nhưng vẫn đam mê viết báo. Ông vẫn lặng lẽ làm một “người viết không chuyên” nhưng luôn đặt hết tâm huyết của mình vào từng con chữ.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải