song
Một lần đi với Ủy viên Bộ Chính trị
Ngày xuất bản: 11/01/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 29247

 Theo chương trình, các đồng chí lãnh đạo trung ương sẽ đi thăm một số cơ sở để tìm hiểu thức tế trước khi vào dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. Chiều hôm ấy Bí thư Tỉnh ủy bảo tôi sáng mai anh đi cùng đồng chí Đào Duy Tùng thăm huyện Văn Yên. Đi xã nào huyện sẽ bố trí, Tỉnh ủy đã báo cho huyện rồi. Từ lúc được Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ tôi rất mừng. Đi với ông cũng có nghĩa là tôi có dịp gần một nhà lý luận, một nhà tư tưởng lớn của Đảng. Một lần đi thực tế.

Sáng hôm sau xe của chúng tôi đến huyện ủy Văn Yên rất sớm. Đến nơi đã thấy huyện ủy chuẩn bị vài mâm cơm. Bí thư huyện ủy ngày ấy là Lê Thanh Hà mời khách vào phòng ăn. Đồng chí Đào Duy Tùng ngồi vào bàn nhưng Bí thư huyện ủy lại chạy loanh quanh đi tìm ai đấy để bố trí ngồi mâm. Chưa thấy ai đến, ông Tùng giơ tay lên vẫy tôi, ông nhà báo ngồi vào đây, lái xe ngồi vào đây cho đủ mâm. Ăn để đi làm việc, có phải cỗ bàn gì đâu mà phải sắp xếp chỗ ngồi. Khi Bí thư huyện ủy quay lại thì mâm chúng tôi đã đủ người.

Ăn uống xong ông Tùng bảo Bí thư Hà, ta đi sớm cho nó mát, đến sớm dân người ta còn ở nhà, đến muộn người ta lên đồi, lên nương cả thì còn gặp được ai. Nói xong, xe của Bí thư huyện ủy nổ máy dẫn đầu đoàn đến xã Viễn Sơn - xã có nhiều quế nhất và có nhiều người giàu nhất huyện từ nghề trồng quế.

Về vùng đất Quế Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (ảnh: Nguồn Báo Yên Bái)

Được huyện thông báo trước, khi đoàn đến đã thấy cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã có mặt ở trụ sở đón tiếp. Bí thư đảng ủy xã báo cáo với ủy viên Bộ Chính trị về tình hình ở xã, đặc biệt là quá trình phát triển cây quế đã xóa đói giảm nghèo. Đồng chí Đào Duy Tùng biểu dương xã biết chọn cây quế vốn là cây truyền thống của địa phương làm cây chủ lực để phát triển kinh tế và đã đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng. Biểu dương cán bộ và nhân dân trong xã xong, đồng chí Đào Duy Tùng cũng thân mật hỏi luôn:

Thế huyện, xã có giúp dân đầu tư cho cây quế không hay dân tự làm. Đầu tư bao nhiêu? đầu tư thế nào?

- Dân được vay vốn đầu tư cho khâu làm đất giống cây trồng.

- Xã được vay đầu tư cho mỗi héc ta đất là bao nhiêu, lãi xuất bao nhiêu, thời hạn vay là bao nhiêu?

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã giở sổ báo cáo. Ông Tùng lại hỏi xen vào.

- Thôi được biết lãi xuất là ngày ấy, thời hạn vay là ngày ấy. Thế cho tôi

hỏi cây quế trồng bao nhiêu năm thì được thu hoạch được bóc vỏ.

- Báo cáo đồng chí trung bình 5 năm. Nhưng thực tế 5 năm chưa thu hoạch bóc vỏ được đâu vì là quế non bóc chả được bao nhiêu tiền. Trừ khi túng thiếu quá mới phải bóc vỏ quế 5 năm còn phải từ 10 năm trở lên càng lâu năm sản lượng càng cao, chất lượng vỏ cũng tốt, giá bán càng cao.

Vẫn giọng nói sang sảng rành rõ ông Tùng bảo. Ngần này tiền lãi suất tiền vay là ngần ấy, mười năm cộng lại là bao nhiêu. Trừ chi phí đầu tư người trồng quế lãi được bao nhiêu. Tôi tính thế là âm. Đấy là các đồng chí chưa tính công người ta bỏ ra chăm sóc, bảo vệ suốt 10 năm trời. Làm kinh tế phải hạch toán, phải tính cho dân.

Hình như cũng phải tiết giảm thời gian trao đổi ở trụ sở xã. Bí thư huyện ủy mời đồng chí Đào Duy Tùng cùng đoàn đi xem đồi quế của một số gia đình. Phải nói là đồi quế rất đẹp, cây nào cũng như cây nào cao to, có cây hai cánh tay ôm không xuể. Cái giống quế là thế cứ thẳng đuột đua nhau vươn lên trời xanh, tuyệt nhiên không cây nào cong queo, khúc khửu. Mấy người còn lân na cố chụp mấy bức hình bên cây quế, chúng tôi xuống trước.

Cách chân đồi quế không xa là một ngôi nhà nền đất khang trang rộng rãi, sân và nền lát gạch. Các anh ở huyện và xã muốn mời đoàn vào thăm nhà. Tôi về sát ông Tùng. Ông hỏi “nhà ai đây”. Tôi trả lời ông “Nhà ông Vo người giàu nhất vùng quế này”.

Trong lúc đoàn đang lục tục vào nhà. Ông Tùng bảo tôi:

- Tôi với ông, ta đi thăm mấy nhà khác có được không?

- Được ạ.

Tôi dẫn ông đến thăm mấy gia đình nhà cửa bình dị và có phần tuềnh toàng, cạnh nhà ông Vo vài trăm mét. Ngôi nhà đầu tiên tôi đưa ông Tùng vào là ngôi nhà rất tềnh toàng, cửa ngõ chống hơ, chống hoác. Xung quanh nhà là quế. Những cây quế non bằng bắp chân, lá xanh mướt xòa vào tận cửa làm cho ngôi nhà thiếu ánh sáng. Vào hẳn trong nhà mới nhìn thấy một ông già đang ngồi vót nan ở cửa bếp. Tôi giới thiệu là các bác ở Trung ương dưới Hà Nội lên tỉnh công tác đến thăm gia đình. Ông già lấy hai cái ghế bện bằng mây, song đã cũ đặt ở gần bên mời khách ngồi rồi bê ra một cái khay nhựa có ba cái chén đã có nước chưa kịp rửa.

Tôi cảm ơn ông già và nói rằng các bác ấy đến thăm gia đình một lúc thôi, không phải nước nôi gì cả. Ông Tùng đi lại phía cái hòm gian vừa hỏi vừa mở nắp ra xem, ông già trả lời là hết lúa, hết gạo từ nâu rồi.

- Thế hàng ngày lấy gì ăn? Ông Tùng hỏi

- Các cháu nó đi lấy củi trên rừng. Chiều gánh ra thị trấn bán. Bán được nhiều tiền mua nhiều, bán được ít mua ít.

- Nhà không có quế để bán à.

- Nhà trồng được ít thôi, cây còn bé chưa bóc vỏ được.

Chúng tôi ngó hết cái hòm nọ đến cái bồ kia chẳng thấy có hạt thóc, bắp ngô nào đúng như lời ông già nói. Ông Tùng bảo với tôi:

- Ông xem hộ tôi xem trong cái gia đình này có cái gì đáng giá vài nghìn đồng không? Tôi hiểu câu hỏi của ông sâu nặng đến mức nào.

Mấy gia đình sau, tôi dẫn ông đến thăm có khá hơn đôi chút, nhưng trong nhà cũng chẳng có được cái gì có giá trị. Trên đường trở về huyện ông Tùng nói với tôi như một lời tâm sự: Phải đến với dân mới hiểu được dân. Đồng bào còn nhiều người nghèo lắm. Một vài gia đình ở đây giàu có là mừng lắm, nhưng phải biết nghĩ đến số đông để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người ta.

Trọn vẹn có một ngày được đi với ông thật gần gũi. Từ phong cách tiếp cận thực tế của ông và cả những từ của ông khiến tôi nghĩ nhiều đến nghề làm báo.

                                                                                                         Hải Đường

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải