Tôi thôi nghề làm báo đã ngót chục năm nay, nhưng ấn tượng về những năm tháng làm báo thì chẳng bao giờ phai nhoà trong ký ức. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 21-6- ngày hạ chí- ngày của những người làm báo, tôi lại bày lên bàn của mình một số tờ báo mà tôi ưa thích và cắm vào lọ những bông hồng bạch, hương thơm tinh khiết và lan toả. Mấy năm trước vào ngày này lũ bạn thường tụ tập ở nhà tôi ăn bánh kem xốp và nói chuyện về nghề làm báo. Tất nhiên là chúng tha hồ bàn luận về tờ báo A, tờ báo Z, có đứa hết lời ca ngợi nhà báo nọ mà nó cho là dũng cảm, cũng có đứa chửi bới thậm tệ những gã nhà báo đã bán mình cho quỉ, viết chỉ để làm tiền...Tôi im lặng và chỉ mong có thế, buổi kỷ niệm buồn biết bao nếu mọi người chả ai đoái hoài đến nó. Còn mấy năm nay lũ bạn của tôi đứa lấy chồng, đứa mải làm ăn nên chúng chẳng còn nhớ tới tôi, kẻ mà chúng cho rằng đầu óc toàn mơ mộng viển vông và phù phiếm. Điều ấy thật chẳng công bằng, tôi tự biết mình là con người của thực tại, tôi làm việc cật lực, tự tay xây dựng nên cuộc sống gia đình tôi như bây giờ. Chồng tôi là một người nông cạn, nhưng lại tốt vô cùng. Bởi thế anh luôn bị người ta lợi dụng, lôi kéo vào những việc không đâu. Thú thật, tôi rất yêu anh, nhưng coi anh như đứa trẻ, một đứa trẻ vô tích sự trong ngôi nhà này.
Ngày hạ chí năm nay cha tôi đón cu Binh về bên ấy, suốt ngày ông liên miên hết dự lễ kỷ niệm: Ngày báo chí Việt Nam, Câu lạc bộ những cây bút trẻ, rồi gặp mặt những nhà báo cựu chiến binh...cu Binh dường như thích những buổi ồn ào như thế. Cha tôi bảo: “ Thằng này lớn lên sẽ theo nghề của ông...” Tôi cười: “ Làm nghề báo như ông ngoại sướng gì, rặt phải nói theo điều người ta bảo nói...” Cha tôi nổi khùng, bởi vì tôi đã chạm vào chỗ đau nhất của cha. Trong đời làm báo, có nhiều chuyện ông phải né tránh. Tôi biết những lần ấy ông khổ tâm lắm. Ở vào địa vị ông người khác cũng không thể làm hơn thế. Nhiều lần ông nói với mọi người: “ Lúc này chúng ta cần ổn định để phát triển. Cứ xới tung lên, rũ rối ra phỏng có ích lợi gì?” Đọc những bài viết của ông tràn đầy niềm tin, hay đấy mà sao tôi cứ thấy buồn. Có lần tôi bảo: “Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, tại sao những bài viết của cha chỉ một giọng điệu thôi?” Gương mặt ông thoáng buồn: “ Nhà báo cũng như mọi người cầm bút khác, phải hướng con người vào những niềm tin, hy vọng và cái đẹp. Cái đẹp sẽ cứu chuộc con người khỏi lỗi lầm. Nghề cầm bút khắc nghiệt lắm con gái yêu của cha ạ...” Ngày hạ chí năm nay chỉ một mình tôi ở nhà, tôi ngồi thẫn thờ trước những đoá hoa hồng bạch và hai mươi mốt ngọn nến, tâm hồn tôi phiêu diêu trở về những năm tháng đã qua của tuổi trẻ. Nhớ những ngày hạ chí khi tôi còn làm báo, thấy tôi thắp hai mươi mốt ngọn nến, lũ bạn có đứa hỏi:
- Không phải ngày sinh nhật tại sao mi lại thắp nến vào ngày này?
- Mình làm báo, phải cháy hết mình như những ngọn nến kia. Hôm nay là ngày hai mươi mốt, ngày của bọn mình các bạn hiểu chưa ?
Tôi chống chế, khéo bịa ra cái điều ấy. Nhưng, kỳ thực tôi thắp hai mươi mốt ngọn nến là để nhớ lại cái tuổi 21 của tôi, ngày mà anh bước vào cuộc đời tôi, vụng về và hấp tấp. Tối ấy tôi chưa biết mình sẽ đến với Câu lạc bộ các nhà báo trẻ hay tới buổi liên hoan văn nghệ ngoài trời do Đoàn thanh niên tổ chức, thì anh tới. Anh mang đến một bó hoa hồng bạch, vụng về cắm vào chiếc lọ thuỷ tinh, lóng ngóng thế nào anh làm rơi chiếc lọ, may mắn sao chiếc lọ không vỡ. Tôi hoảng quá, đây là chiếc lọ hoa do Hội nhà báo Mianma tặng cha tôi trong chuyến ông dẫn đầu một đoàn nhà báo tới đó hội thảo, rồi anh đốt lên mười ngọn nến. Tôi hiểu anh muốn nói với tôi, chúc mừng tôi làm báo phải thanh bạch như những bông hoa kia, mười ngọn nến là mười tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo. Quả thật, tôi không thể chịu nổi cái kiểu chúc tụng đầy lối giáo huấn ấy. Nhưng có một điều phải nói, tôi rất yêu hoa hồng bạch và thích thắp nến trong phòng của mình. Thích vì sao thì tôi không biết nữa, nhưng viết dưới ánh sáng ngọn nến tôi cảm thấy ngòi bút của mình linh hoạt, có sức lôi cuốn hơn. Hình như trong cái ánh sáng màu hoàng yến, nửa hư nửa thực ấy đã làm thức dậy trong tôi những gì gọi là vô thức, tiềm ẩn sâu thẳm trong lòng mình. Còn viết dưới ngọn điện sáng choang, ngòi bút của tôi trơ lỳ, điều tôi viết ra rặt những thông tin vô thưởng vô phạt. Cha tôi có lúc phải kêu trời:
- Viết như vậy xoàng quá, một cây bút hạng bét, con hiểu chứ?
- Con biết mình không hợp với nghề này cha ạ. Tới đâu con cũng được người ta săn đón, bợ đỡ. Không hiếm những điều con nhận ra ngay là giả dối, mà con thì chả chịu được sự giả dối...thành thử điều con viết ra như cha thấy đấy...
Hình như ông không nghe hết câu tôi nói. Ông cười phá lên:
- Cũng là bởi con gái của tôi xinh đẹp quá. Làm nghề báo phải đi, mà con thì say xe, rồi sau này phải xây dựng gia đình. Có mấy anh chồng hiểu cho cái nghề này, nay tiếp ông này mai đi với ông kia? Cha tính phải chuyển con sang nghề khác phù hợp với con hơn...
Tôi không đáp, việc ấy mặc cho cha tôi định liệu. Còn bây giờ anh đang ngồi kia, im lặng, đôi mắt thâm quầng nhớn nhác như sợ cha tôi về lúc này và nghĩ rằng anh làm cái việc tặng hoa là để chinh phục tôi. Từ sâu thẳm của lòng mình tôi rất quí trọng anh. Nhưng anh không biết được điều ấy thì phải. Anh sống đầy mặc cảm, ai cũng biết cha tôi nhận anh về đây do sự mách bảo của người bạn. Mấy năm trước tờ báo này thiếu người viết, anh từ chiến trường trở về chẳng biết xin việc ở đâu ngoài cái nghề đánh xe trâu và đóng gạch. Những năm ở trong quân ngũ anh từng làm thơ và viết bài cho một số tờ báo, khi trở về địa phương anh cũng gửi đôi bài đăng báo. Một người viết tên tuổi mới toanh như anh rõ ràng chẳng ai để ý. Vả lại, cha tôi lúc đó đang nhờ người giới thiệu, không biết anh là người như thế nào. Khi thấy anh xuất hiện với cái dáng quê mùa thô vụng, qua chuyện trò và qua một số bài mà anh đưa cho cha tôi đọc, ông đã phát hiện ở anh một khả năng làm báo bẩm sinh. Thế là cha tôi quyết định nhận anh. Anh ngỡ ngàng, cứ tưởng như mình đang nằm mơ. Vài ba lần tôi đi công tác cùng anh, anh lấy tài liệu rất kỹ, hỏi cặn kẽ, đi tận nơi, mắt phải nhìn thấy. Theo anh tôi thấy sốt ruột, tôi đã từng đi với một vài nhà báo có máu lãng tử, đi láng cháng, hỏi láng cháng, điều gì cũng có vẻ biết, hoá ra chẳng tường tận một cái gì cả. Một lần kia anh hỏi tôi:
- Thương có để ý thấy ở thị trấn này có chợ lao động không?
- Ở cái thị trấn miền núi có một nhúm người làm gì có chợ lao động- Tôi cãi lại anh.
- Thế mà có đấy! Anh bảo.
- Đừng có mà bịa. Báo chí không phải là văn học để anh hư cấu đâu nhé...
- Thôi được, nếu Thương không tin ngày mai mình dẫn tới đó, chúng ta giả vờ thuê người làm, Thương đồng ý chứ?
- Được! Nhưng anh phải cuộc cái gì?- Tôi giao hẹn.
- Nếu thua cuộc, mình xin mang đồ cho Thương suốt cả chuyến đi này...
Sớm hôm sau anh cùng tôi ra chợ, chúng tôi cứ y như đôi vợ chồng trẻ đi tìm người sửa sang nhà cửa và thế là những người đang cần việc làm cứ xúm lấy chúng tôi, họ hỏi chỗ chúng tôi đang ở, công việc cần bao nhiêu người...Từ đó tôi rút ra: Làm báo theo kiểu gặp giám đốc, lấy báo cáo, uống bia và nhận phong bì...nhà báo thường viết theo ý của người khác, đơn giản và sơ lược chứ thực ra chẳng phát hiện ra điều gì mới mẻ. Có lẽ thế mà bạn đọc lạnh nhạt với một số tờ báo, họ thấy báo viết ra để cho ai đó đọc chứ không phải viết cho mọi người.
- Thế là Thương thua cuộc rồi nhé, sớm mai hoặc là Thương phải đi xách nước cho mình rửa mặt, hoặc là phải xách đồ cho mình suốt chuyến đi này.
Tôi mỉm cười:
- Anh giống hệt cha em, sớm nào cũng dậy từ ba bốn giờ sáng đọc sách và làm những việc không đâu. Hình như ông không thể ngồi yên được hay sao ấy. Thật tội nghiệp! Những năm tháng chiến tranh đã tạo ông thành một con người cứng nhắc, ngay cả em có lúc cũng không chịu nổi...
- Này đừng “ Bắn súng lục vào quá khứ”. Mình cũng là thằng lính vừa từ mặt trận trở về đây, mình sẽ bảo vệ bố em như bảo vệ đồng đội của mình. Đừng đổ tất cả lỗi lầm lên cái thời đã qua...
- Thôi, thôi không bàn cãi về chuyện này nữa- Tôi xua tay- Em sợ phải cãi nhau với những người như anh lắm. Họ luôn lấy máu để nói về thời đại của mình. Thật nhẫn tâm khi bàn tới chuyện ấy. Xét cho cùng mỗi thời đại đều có điều để tự hào. Tốt nhất là chúng ta không nên phủ nhận nhau...
Quả thật, tôi vô cùng kiêu hãnh về cha mình, ông sống mực thước, tốt với tất cả mọi người dù người ấy đã từng hãm hại mình. Ông bảo: “ Nhân vô thập toàn, con người đang hướng tới sự hoàn thiện chính mình. Điều quan trọng là phải nhìn thấy cái tốt của họ. Đừng bao giờ thành kiến, giúp họ trở thành người tốt khó hơn là đẩy họ vào sự cùng quẫn...”
Phải, anh kính trọng ông nhưng lại ngại tranh luận với ông, mặc dù tôi biết anh là người rất mới trong cả cách nghĩ lẫn cách viết. Với linh cảm của người con gái, tôi biết anh rất yêu tôi, có lẽ anh ngại người đời nói rằng anh yêu tôi để trả ơn cha tôi đã nhận anh về. Một tối trên đường từ nhà đứa bạn gái trở về, chúng tôi ghé vào công viên, ngập ngừng một lúc anh khoe:
- Mình vừa làm được mấy bài thơ, xin đọc cho Thương nghe nhé.
Về thơ tôi chỉ yêu chứ không sành, nghe những bài thơ của anh viết về đồng đội, bạn bè nghe thương lắm. Tôi hỏi:
- Sao anh không làm thơ về tình yêu, em thích đọc những bài thơ tình của Puskin, Hai-nơ, Ta go, On ga-Bec gôn...Hình như họ là những bài thơ của mọi người, mọi thời đại.
- Mỗi người đều có cái tạng của mình. Anh cũng đã làm thử mấy bài thơ tình nhưng đều hỏng cả.
- Nhưng nếu anh làm tặng em? Tôi níu vào vai anh, một cái gì đó dâng lên ngực tôi, mặt tôi nóng ran, như kẻ háo nước, tôi khát khao chờ đợi.
Anh vội gỡ bàn tay tôi ra như thể sợ ai nhìn thấy. Giọng anh thảng thốt:
- Không! Thương ạ...Anh cảm thấy mình không đáng làm thơ để tặng em. Những bài thơ anh vừa đọc cho em nghe cũng chỉ làm cho khuây khoả lòng mình khi nhớ về bạn bè và đồng đội...
Tôi lặng lẽ đứng lên và từ chối sự đưa tiễn của anh. Tự nhiên tôi thấy lòng mình trống trải. Buồn vu vơ, giận vu vơ một cái gì đó chẳng rõ. Đêm ấy tôi lần lượt thắp hai mươi mốt ngọn nến để từ giã cái tuổi 23 phũ phàng. Vậy là đã ba năm tôi thầm yêu anh, thầm chờ đợi sự ngỏ lời của anh. Hoá ra anh chỉ là một kẻ hèn nhát không dám nói thật lòng mình với người con gái mình yêu.
Cuối năm ấy tôi quyết định xin cha cho tôi sang ngành khác, ông đã đồng ý, vì ông thấy điều ấy hợp với sức khoẻ và nguyện vọng của tôi. Hai năm sau tôi lấy chồng, chồng tôi là một người thực tế hơn anh, nhưng vô tích sự hơn anh- ít nhất là đối với tôi.
Sau đó ít lâu anh xin đi học rồi vào viết cho một tờ báo ở Hà Nội. Tôi vẫn thỉnh thoảng được đọc bài của anh, nghe nói anh chưa xây dựng gia đình. Vừa rồi anh gửi tặng cha tôi một tập thơ, tôi đọc được ở đó những bài thơ anh làm tặng tôi-điều ấy chỉ mình tôi biết. Nhưng bây giờ thì có ý nghĩa gì?
Ngày hạ chí năm nay tôi lại đốt lên hai mươi mốt ngọn nến bên những bông hoa hồng bạch. Trong ánh sáng lung linh của những ngọn nến tôi nhận thấy mình mười năm về trước, ngày ấy tôi còn trẻ con quá. Tình yêu là một chuỗi nhưng kỷ niệm buồn, nhưng trong sáng và đẹp lạ lùng. Hình như nó giống như những ngọn nến cháy mãi trong ký ức tôi. Khuya, cha tôi mới cõng cu Binh trở về, ông vui cười đầy vẻ mãn nguyện:
- Thằng chó con ngủ rồi đây! Ngày hạ chí nóng kinh người...
Truyện ngắn của Thái Sinh
CÁC TIN KHÁC