song
Vui buồn nghề làm báo
Ngày xuất bản: 07/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 35167

 Ông Chũm ra tay thì anh mất nghiệp!

Hoàng Tử Sơn

 

Chuyện bây giờ mới kể.

 

Cách đây cả chục năm, Báo Yên Bái có chuyên mục “Chuyện làng bản phố phường” - chuyên mục được nhiều bạn đọc quan tâm, tìm đọc, thấy thú vị lắm. Chuyện làng bản phố phường được kể dưới hình thức một tiểu phẩm: khuôn khổ, bố cục, kết cấu đều ngắn gọn, nhân vật thì hư cấu, không gian và địa điểm rất “mở” nghĩa là đặt vào bất cứ nơi nào và thời gian nào cũng được, gần với truyện mi-ni, giống như một “ký họa” mang tính nghệ thuật. Về nội dung, các tiểu phẩm trong chuyên mục “Chuyện làng bản phố phường” thường ngụ ý phê phán những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội, có tính chiến đấu cao, như: “Cho em xin tí trưởng”, “Phôn ơi đừng reo nữa”, Thần tham biến hóa”, “Gã thợ săn và con Vẹt”, “Công nghệ nịnh”, “Tập huấn nói thật”, “Dẫm vạch”, “Phạm Văn Đoạt”, “Quả gì ngọt nhất”, “Nên trồng cây Tếch, cây Nhót”, “Bệnh tòm tem”, “Ông Lưu Hành Nội”, “Chữa bệnh phong bì”,vv. Hàng loạt tiểu phẩm được in ra chẳng khác gì những phát đạn, vâng, dù chỉ như loại “đạn ghém” đòm xòe của súng kíp thôi, nhưng khiến người “có tật” thì phải “giật mình”. Cùng hàng loạt tiểu phẩm ấy, tôi có tiểu phẩm “Chữa bệnh mất đoàn kết”. Tôi xin trình bạn đọc.

Chữa bệnh mất đoàn kết

Tiểu phẩm của Hoàng Tử Sơn

 

Xưa nay, người có tướng mới làm nên nghiệp lớn. Nhưng anh hàng xóm của tôi ở chân núi Cú Diều mặt choắt, tai dơi, mắt tròn mắt dẹt, người phình, chân ngắn, chả chút thông minh, tóm lại, chẳng tinh thông tướng, chỉ mỗi cái tài chạy ngược dốc thế mà cũng thành danh nên nghiệp. Đấy là anh chàng Chũm, mấy năm liền bản Hoa Văn dưới chân núi Cú Diều tổ chức thi chạy ngược dốc Chũm đều về nhất. Cho rằng Chũm có tài, dân liền bầu Chũm làm trưởng bản thay cho ông trưởng bản cũ vừa được thuyên chuyển công tác khác. Tôi may mắn được Chũm chọn làm thư ký riêng.

 

Chũm giữ chức rồi liền đặt ra luật lệ mới: Lệ ở bản Hoa Văn, mỗi khi có việc, các chức sắc trong bản từ tổ trưởng đến phó bản phải đứng xếp hàng dọc con đường dốc lên đỉnh núi Cú Diều để nghe lời phán truyền của trưởng bản. Chũm đã làm điều này thành nếp, giữ được kỷ cương và công việc làm ăn phát triển như các trưởng bản tiền nhiệm. Nhưng gần đây, Chũm do quen nghe lời khen, lời nịnh nọt, lời dèm pha, lời kích động, lại được nâng giấc, biếu xén nhiều thành ra Chũm đổi tính đổi nết. Chúm sinh tính đa nghem kiêu ngạo và độc ác. Mới nghe phong thanh mấy người có chức sắc trong bản khác ý, Chũm liền đuổi việc, đưa con cháu, anh em mình vào làm thay. Xưa, mỗi lần chạy lên đỉnh Cú Diều đều phán truyền công việc, Chũm thường bắt tay cười tươi và ban tặng lời khen cho các chức sắc. Giờ, mỗi lần lên đỉnh Cú Diều mặt Chùm đằng đằng sát khí, tay cầm nắm bùn ném vung vẩy vào hết mặt người này đến mặt người khác. Tôi không đành lòng trông thấy cảnh ấy, liền can ngăn Chũm.

 

- Anh đừng ném bùn vào mặt người ta, tội chết!

- Tội gì? – Chũm trợn mắt- Trong số họ có mấy người tỏ vẻ không phục ta, lại còn xì xào chuyện ta khuyết điểm này khuyết điểm nọ. Mấy người chẳng hiểu phép tắc gì cả. Xưa nay lệ thường cấp dưới phải tuân phục cấp trên, không được xì xào bàn tán này nọ, chứ chưa nói đến chuyện góp ý phê bình cấp trên, nhá.

- Thì ai chẳng có khuyết điểm!- Tôi cười xuê xoa.

- Bậy, rất bậy, cả cậu nữa!- Chũm nói như quát, miệng chành ra - Đã là cấp trên làm gì có khuyết điểm bao giờ. Mà có thì ai cho phép cấp dưới thì thao to nhỏ, lại đòi phê bình ta nữa chứ.

- Sao anh không góp ý với họ?

- Góp, góp cái con Khỉ! - Chũm vung tay vẻ căm tức - Chỉ có bôi bẩn vào nặt mấy người ấy, hạ uy tín xuống, nếu cần thì đánh cho bật khỏi nơi làm việc, hết nhăm nhăm thay ta trị vì.

- Xin anh! - Tôi lựa lời - Anh bớt giận, đừng gây mất đoàn kết. Gây mất đoàn kết nội bộ thì dân sẽ mất lòng tin và có tội với tổ chức, có tội với cấp trên và cán bộ phê bình chết!

Tôi đếch sợ gì hết! – Chũm vênh mặt, vung hai bàn tay vẫn còn dính đất bùn.

 

- Thế còn thiên hạ? Cả vùng nay ai cũng khen Hoa Văn có truyền thống đoàn kết, năm nào cũng lá cờ đầu. Rừng thì xanh bát ngát. Lúa thì năm nào cũng trĩu hạt nặng bông. Công viên, nhà văn hóa, ga tàu, bến chợ, bãi sông thay đổi từng ngày. Mùa nào thứ ấy. Mía ngọt, Gừng cay, Quế thơm, Trà đậm. Bây giờ anh gây mất đoàn kết thì tất cả dần dần cũng sẽ tan nát hết. Thiên hạ cười, bia miệng để đời.

 

- Á à! Ai cho phép cậu huấn thị tôi? Cấp dưới mà lại dám ra giọng với cấp trên hả? Còn cái đội nón của cậu đấy. Cậu còn muốn làm thư kí cho tôi hay về nhà đuổi gà đấy?

- Thì thôi! Tôi chả nói nữa.

 

Hôm sau đoàn thanh trả của tỉnh lên làm việc ở huyện, yêu cầu huyện tạo điều kiện để đoàn thanh tra làm việc với bản Hoa Văn. Tin xuống bản, Chũm cuống lên, rỉ tai tôi: “Cậu đừng có be cái mồm lên, nghe chưa! Đỉ mổ ngay cho tôi con dê và nhớ chuẩn bị ít cao gấu, cao khỉ gì đấy để làm quà!”. Đoàn thành tra xuống gần trưa, trưởng bản Chũm và các chức sắc của bản Hoa Văn đón tiếp nồng nhiệt. Bắt tay, chào hỏi, tươi cười, mời mọc. Thì ăn trưa đã. Chủ và khách bên nhau quây quần quanh mâm cỗ. Đùi kề đủi. Tay chạm tay. Mắt nhìn thân thiết. Mâm cỗ đầy ứ. Rượu ngô rót tràn cốc, long lanh. Thơm nồng. Bao nhiêm món của dê thật hấp dẫn. Nướng, Xào lăn, Hấp, Lòng gan xách xào, Tiết canh, Nậm bịa, Sốt vang chân. Ôi dà, cứ gọi là xả láng nhậu. Cuộc nhậu vui kéo dài tận hai giờ chiều. Nhậu xong, khách lên mấy nhà sàn nghỉ một chút, rồi ra Văn phòng bản Hoa Văn làm việc.

 

Cán bộ thanh tra hỏi Chũm:

- Có đơn tố cáo việc anh gây mất đoàn kết?

- Dạ, họ vu khống cho em đấy ạ! - Chũm khúm núm.

- Còn việc anh thường ném bùn vào mặt những người giúp việc?

- Dạ, cũng do họ bịa đặt cả đấy anh ạ! – Chũm xoa xoa tay, vẻ xum xoe nịnh bợ.

- Thế bùn còn dính đầy tay anh là làm sao vậy? – Cán bộ thanh tra chỉ vào hai bàn tay đã đen kịt bùn của Chũm.

- Dạ, em thường ngâm tay vào bùn để chữa bệnh đấy ạ! – Chũm giật mình, xòe hai bàn tay, cúi mặt, giọng lí nhí.

- Ngâm tay vào bùn để chữa bệnh mất đoàn kết hả? – Cán bộ thanh tra nói dõng dạc.

- Chũm cúi đầu im lặng!

 

Phát “đạn ghém” này vừa “bắn” đòm xòe, nào ngờ trúng ngay một ông bạn của tôi. Nên chỉ vài ngày sau tôi nhận được một lá thư phản hồi. Mặt trước bì thư ghi: To: Hoàng Tử Sơn. Mặt sau bì thư ghi: Nhờ anh Hữu Tê chuyển tới tận tay Hoàng Tử Sơn. Nội dung thư cũng ngắn gọn, lời lẽ cay cú pha chút hài hước và đặc biệt là, lên mặt “hăm dọa”. Thư nguyên văn rằng, “Thân gửi: Hoàng Tử Sơn. Tôi giật mình khi đọc xong bài báo của nhà dòng dõi đăng trên báo Yên Bái. Cái “Bản” anh sao nó giống “Làng” tôi đến thế. Nhưng bảo đảm 100% với anh rằng chẳng có loại thuốc chữa bệnh ấy đâu, anh đừng có mơ hồ. Ơ mà này! Tôi có thấy anh đi cùng ông “Chũm” ngày nào đâu! Nếu vậy anh đích thị không phải là nhà dòng dõi, đâu phải là “Hoàng Tử” để tôi mến mộ, yêu thương. Mà tôi cũng chắc rằng anh chẳng có giây nào được ông “Chũm” cậy tin để chọn làm “riêng” thư ký. Này nhé:

 

- Là Hoàng Tử mà đi tiết lộ việc triều đình trước bàn dân thiên hạ, thì là “Hoàng Tử” loại bét.

- Là thư ký riêng mà làm lộ bem chuyện thủ trưởng thì anh mất nghiệp.

Ôi dào! Vậy cái việc ông “Chũm” đưa con, cháu vào thay anh là “phải”; Ông ấy cũng cao mưu đấy chứ. Ừ! Mà anh nói chuyện “Bản” anh, chứ anh nói chuyện “Làng” tôi đâu, mà tôi rỗi hơi bênh vực; nhưng không nói để anh biết thì tôi tấm tức lắm. Tôi ghét cái kiểu khoe khoang của anh; Anh khoe “bản” anh nào sơn hương “tứ vị”, chỉ ở “bản” anh mới có đấy à! “Làng” tôi cũng có. Còn cái kiểu cách xưng danh của anh thì từ nay nên bỏ đi. Tai hại vô cùng. Ông “Chũm” phen này mà ra tay thì anh mất nghiệp. Mà đâu phải đã xong, còn bao nhiêu người khác nữa chứ. Bởi lẽ nếu mà là thư ký kiểu anh, hàng xóm như anh thì còn ai mà dám tin dùng. Tôi chắc rằng ông “Chũm” xóa tên anh thẳng tay. Thật là lợi bất cập hại. Bây giờ chuyện đã thế rồi thì anh ráng mà chịu lấy. Tôi ái ngại thay cho anh; Tôi lo thay cho những ai đang ở hoàn cảnh tương tự như anh. Có mấy ai rỗi mà để tâm cứu giúp. À mà này! Lúc ấy anh có nhắc nhở “cái cán bộ” đứng xa ông “Chũm” ra không. Không khéo lại bẩn hết. Rõ khổ!

                                                                       Công chúa Nhởn”

Ôi dô! Phen này tôi chắc mất nghiệp mất nghề làm báo, chứ bỡn!

Đọc thư của “Công chúa Nhởn”, tôi mới giật mình bởi sự nguy hiểm vốn có của nghề làm báo. Tuy nhiên, tôi không sợ mất nghề làm báo, mà tôi thật sự lo lắng chuyện ông “Chũm” và “Công chúa Nhởn” rất có thể ngầm “mượn tay” người có thế lực tìm cách hại tôi theo cách “đen tối” giống như bao chuyện từng xảy ra với các nhà báo???

Sự thật, tôi thừa biết “Công chúa Nhởn” (người viết lá thư hăm dọa này) là ai. Và, người viết lá thư này lại gửi cho tôi qua tay nhà báo Hữu Tê cùng cơ quan, cũng thừa biết Hoàng Tử Sơn là ai. Nên tôi phải “chuẩn bị tinh thần” để đối phó, nếu có “sự gì” xảy ra. Dĩ nhiên, tôi tự biết, tôi là người cần “mềm” thì “mềm” luôn, muốn “rắn” thì đây sẽ “rắn”, rất “rắn”, chứ đùa! Bởi những năm tháng từng chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, từng “tay trắng, chân trần” vượt qua thời bao cấp khốn khổ, từng “ngậm ngải” mà viết ra hàng ngàn trang sách để lại cho đời, đã cho tôi nhiều kinh nghiệm sống vững vàng và mạnh mẽ. Nên tôi đã sẵn sàng cho một “cuộc đấu” nếu nó diễn ra thật. Nhưng chờ mãi. Chờ mãi. Hóa ra chuyện Đông Ky Sốt đánh nhau với cối xay gió? Hì hì! Khỉ thế! Rốt cuộc chỉ khổ cho cái chuyên mục “Chuyện làng bản phố phường” đương vui thì dứt dây đàn, do ai đó ngầm chọc chịa và xúi bẩy, liền bị cấp trên “stop”! Mãi sau này cấp trên cho Báo Yên Bái lập lại chuyên mục “Chuyện làng bản phố phường” nhưng không một nhà báo nào “động bút”, thôi đành bỏ phí hoài.

Thật chẳng còn ra làm sao!

Và, lạy Giời, lạy Phật! Tôi chưa kịp mất nghiệp mất nghề làm báo bởi sự sẽ “ra tay” của ông “Chũm” thì... chuyện đã thành xửa xưa, kỷ niệm rêu phong xanh rì!

                                                                                                           Hoàng Thái Sinh

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải