Trong xu thế của báo chí hiện đại, bên cạnh việc cạnh tranh thông tin, thì mỗi loại hình báo chí cũng cần tìm ra thế mạnh của mình để tạo ra những sản phẩm báo chí đặc trưng. Để có được những tác phẩm báo chí nói chung, đặc biệt là tác phẩm báo hình cần phải có sự chủ động, đào sâu; bên cạnh các yếu tố kỹ thuật về hình ảnh, âm thanh, hậu kỳ, thì yếu tố độc đáo lại nằm ở sự tư duy một cách chuyên nghiệp. Công việc sáng tạo tác phẩm báo hình luôn luôn mới, chủ động và khai thác đề tài một cách sáng tạo, độc đáo, tạo ra một nét riêng mà nhiều loại hình báo chí khác không có được.
Để giúp cho các phóng viên nắm bắt được những nền tảng kiến thức mới, thông qua những nội dung được Ngài David Brewer chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đan Mạch soạn thảo nhằm “Phát triển năng lực nhà báo truyền hình trong kỷ nguyên số” sẽ cung cấp thêm cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí địa phương, trong đó có các đài PT-TH từng bước đổi mới hình thức tác nghiệp, cách diễn đạt và phát triển đề tài báo chí đáp ứng với xu thế của truyền thông hiện đại.
Các phóng viên một số Đài PT-TH địa phương được Ngài David Brewer chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông trao giấy chứng nhận lớp bồi dưỡng nghiệp vụ: “Phát triển năng lực nhà báo truyền hình trong kỷ nguyên số”.
Đó là 5 bước cần thiết khi phóng viên tác nghiệp:
Quan sát: Đây là việc hầu hết các phóng viên làm hàng ngày. Họ quan sát, lắng nghe, cảm nhận và cảm thụ thông tin, sau đó tổng hợp lại để hình thành một tác phẩm báo chí thời sự. Nhưng kể cả với bước đơn giản này nhiều khi cũng làm ẩu. Có lẽ họ đang vội hoặc bị áp lực. Có lẽ họ nghĩ đến làm tin một cách đơn giản mà không cần bỏ nhiều công sức. Nhưng nếu phóng viên chỉ biết sản xuất những gì họ quan sát thấy, thì quả là tiếc cho những thông tin nền bị lãng phí, đồng thời họ còn làm cho khán giả thất vọng, tiếc nuối. Trong một chừng mực nào đấy, có thêm thời gian, nhân lực, đặc biệt là sự chủ động về phương thức tác nghiệp, kinh nghiệm biến những thông tin nhàm chán đó thành những món “đặc sản”. Họ có thể làm tốt hơn thế, kể cả với bước đầu trong mô hình báo chí chủ động này, phóng viên cần đào sâu hơn. Nếu bạn nhận được một thông cáo báo chí hay tham dự một sự kiện có tổ chức và chỉ nghe một bài diễn văn, bạn không có một đề tài thời sự. Tất cả những gì bạn có ở giai đoạn đó là một vài tài liệu mà bạn có thể bắt đầu để xây dựng một tác phẩm thời sự. Tự hỏi bản thân mình liệu những gì bạn nghe thấy có khớp với những gì bạn chứng kiến không? Nếu không, hãy phỏng vấn, trò chuyện, tìm hiểu từ những người đã cung cấp thông tin đó, đồng thời liên lạc với những người bị ảnh hưởng để có thêm thông tin phản hồi, những quan điểm của một nhóm người cụ thể nào đó? Có như vậy, những ý kiến đó sẽ rất quan trọng, có thêm nhân chứng, củng cố thêm chi tiết, để hoàn thiện đề tài. Tài liệu này có chỉ trích những người khác không? Nếu vậy, họ cần có cơ hội để đáp lại. Những người chia sẻ thông tin với bạn có đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ không? Nếu có, những gì họ đang nói cần phải kiểm chứng với những dữ liệu độc lập. Việc của bạn là lắng nghe những người liên quan trong câu chuyện đang nói gì và chất vấn từng giả định một. Bạn không bao giờ được chấp nhận thông tin ngay từ đầu. Hầu hết mọi người sẽ cố nói lên quan điểm của họ; công việc của bạn là phản ánh những quan điểm đó trong một bối cảnh rộng hơn, chứ không chỉ đơn giản là lặp lại những thông tin theo một công thức nhất định. Thường sẽ có ít nhất hai phía của mỗi câu chuyện nhưng có rất nhiều tiếng nói. Và không bao giờ đưa ngay những thông tin bạn được cung cấp, luôn sử dụng những từ ngữ phù hợp như ‘tuyên bố’, ‘cho là’ và ‘nói’.
Học hỏi: Đây là lúc bạn cần xử lý những thông tin bạn nghe thấy, nhìn thấy sao cho có ý nghĩa. Việc này sẽ bao gồm nghiên cứu sự chính xác của thông tin được chia sẻ. Mỗi phóng viên cần phải kiểm tra mọi thứ. Nếu có bất kể nghi ngờ nào, bạn cần phải tìm cách làm rõ. Bạn không bao giờ được dùng lại những gì bạn không hiểu hay không thể xác nhận hay kiểm chứng. Nếu vấn đề không rõ rệt, bạn cần tìm khía cạnh mới để giúp mọi người hiểu những sự kiện cũ và hiện tại. Qúa trình học hỏi nghĩa là bạn tư duy, đầu óc cởi mở và cố tìm những cách mới để khám phá vấn đề bạn đang thực hiện. Gạch đầu dòng danh sách các điểm bạn không hiểu và xem xét, tìm kiếm thông tin, hay tìm sự giải thích của chuyên gia, cho đến khi bạn hoàn toàn hiểu rõ và có thể giải thích cho mọi người hiểu. Khi bạn làm, bạn sẽ khám phá ra những khía cạnh mới và bạn sẽ lưu tâm thấy những khoảng trống thông tin bạn cần phải lấp đầy trước khi phát sóng hay xuất bản thông tin. Tại giai đoạn này bạn sẽ có ba yêu tố trong câu chuyện của mình. 1) Những gì bạn nghe kể, 2) Những gì bạn quan sát được và 3) Những gì bạn tìm ra.
Phân tích: Có nghĩa là phân tích những gì bạn có. Hiểu một cách đơn giản lập ra một danh sách những gì bạn có, gồm: những gì bạn được nghe kể, những gì bạn quan sát được và những gì bạn tìm ra. Cần liệt kê tất cả những yếu tố quan trọng của một câu chuyện và sau đó đánh giá những ảnh hưởng có thể xảy ra trong cuộc sống của những người liên quan và những người sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi những sự kiện mà bạn đang thực hiện đưa tin. Bạn cũng nên tính toán tầm ảnh hưởng của câu chuyện đó trên các khía cạnh sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu người. Có thể có nhiều người dính dáng hơn dự kiến khi phóng sự được tung ra. Và khi mở rộng tài liệu đã có trong câu chuyện, bạn cần ngồi lại phản ánh về những gì bạn đã tìm thấy. Bây giờ ta có: 1) Những gì bạn nghe kể, 2) Những gì bạn quan sát được và 3) Những gì bạn chắt lọc được thông qua phân tích bằng chứng bạn phát hiện ra.
Phản ánh: Đây là lúc có thể nên tham khảo với một ai đó. Có thể là cấp trên, có thể là người tổ chức sản xuất hay là một đồng nghiệp giúp đánh giá những gì bạn đã tìm ra. Trong qúa trình này bạn cần đảm bảo rằng bạn đã có tất cả những tiếng nói và quan điểm quan trọng. Bạn cần phải kiểm tra tất cả những giả định, đặc biệt là của chính bạn. Trên hết, bạn cần đảm bảo đã thực hiện đề tài khách quan, không thiên vị, công bằng và chính xác trong việc thu thập thông tin. Khi đó, rất có thể là câu chuyện bạn đang làm có thể được thay đổi; có thể là tiêu đề bạn định giật làm tít không phù hợp nữa; có thể câu chuyện cần phải bỏ hoặc thêm bớt chi tiết để có thể có đề tài hay nhất. Bạn sẽ không thể tự mình đánh giá, việc tham khảo chuyên môn với đồng nghiệp rất quan trọng.
Đặt vào văn cảnh: Đây là lúc bạn cần đưa những thông tin giúp khán giả hiểu tầm quan trọng của sự kiện tin tức bạn đang thực hiện. Ví dụ: Cái chết của 10 người sau trận lũ thật bi thảm nhưng nếu con số tử vong là 1.000 trong năm trước thì thông tin đó cần được bổ sung vào để đặt sự kiện mới nhất vào văn cảnh. Con số tử vong sẽ là rất thương tâm đối với cộng đồng dân cư đị phương, những người mất đi người thân và láng giềng và có lẽ cả nhà cửa của họ nhưng bạn cần biết liệu những lời cảnh báo có được đưa ra trong quá khứ không và tại sao chúng không được chú ý. Vì vậy bạn cần phải tìm kiếm tình hình trước đó. Chuyện này đã từng xảy ra bao giờ chưa? Khi nào? Hậu quả là gì? Bạn cũng cần so sánh địa phương, khu vực, quốc gia khi cần thiết. Có thể bằng việc nhìn vấn đề rộng hơn, bạn có thể tìm ra một câu chuyện lớn hơn rất nhiều. Có phải hợp đồng xây dựng đập thuỷ điện đầy tranh cãi dưới hạ lưu sông có liên quan gì đến tình hình lũ lụt không? Kiểm tra tư liệu, khám phá nguồn gốc của câu chuyện, tiếp tục tìm kiếm sâu hơn để có được căn nguyên của vấn đề.
Tất cả đều là một phần của qúa trình tìm hiểu tại sao một đề tài lại quan trọng và đưa nó vào văn cảnh để bạn có thể đẩy mạnh hiểu biết của khán giả. Bạn cần tìm hiểu xem nó đứng ở đâu trong một bức tranh lớn hơn. Bạn cần khám phá những mối quan hệ giữa đề tài bạn đang làm và những sự kiện trước đó. Tìm ra mối liên quan chính trị và kinh tế trong câu chuyện sẽ là khá đặc biệt. Có lẽ có nghi vấn về việc tham nhũng và những chuyện khuất tất ở đây. Trong phần sau, chúng tôi sẽ bàn sâu hơn đến nội dung phát triển đề tài để có thể thể thực hiện chúng như thế nào, trong mô đun đào tạo có tiêu đề “phát triển đề tài, đảm bảo các khía cạnh được đưa toàn hiện nhằm thông tin cho công chúng tranh luận”.
Ngọc Khôi
CÁC TIN KHÁC