song
7 bí quyết để có một bức ảnh báo chí thực thụ
Ngày xuất bản: 29/11/2018 12:00:00 SA
Lượt đọc: 77490

 Trong một video được chia sẻ bởi Trust.org, Damir Sagolj đã chia sẻ 7 bí quyết để chụp được những bức ảnh báo chí đúng nghĩa và xuất sắc nhất. Đây chính là cẩm nang cho những phóng viên muốn làm nghề thực thụ.

Damir Sagolj là một nhà báo ảnh kỳ cựu làm việc cho Reuters từ năm 1997 và là Trưởng đại diện của hãng tin này tại Bangkok. 

Nhà báo ảnh Damir Sagolj của Reuters

Bamir Sagolj từng hoạt động ở nhiều vùng sự kiện nóng như Balkans, Trung Đông, Triều Tiên, Iraq, Pakistan, Bangkok… và đạt được nhiều giải thưởng ảnh báo chí quốc tế. Dưới đây là những bí quyết đã giúp Bamir Sagolj thành công trong sự nghiệp của mình.

1. Dự đoán khoảnh khắc và chụp càng nhiều càng tốt

Khi tác nghiệp, hãy lường trước khi sự kiện có thể xảy ra và mở máy trước đó, chụp càng nhiều càng tốt. Cho dù là các nhà báo lão luyện cũng không ai biết chắc được khi nào thì “khoảnh khắc quý giá” sẽ đến. Nếu bạn cứ ngập ngừng chờ đợi, đến khi khoảnh khắc ấy xảy ra và bạn vẫn đang loay hoay với chiếc máy ảnh, dây rợ, túi xách hay các thông số, bạn sẽ phải bất lực chứng kiến khoảnh khắc ấy trôi qua mắt bạn mà không kịp làm gì. Lời khuyên ở đây là hãy ước lượng và cố gắng chụp càng nhiều càng tốt trong suốt khoảng thời gian từ trước, trong và sau sự kiện diễn ra, có nhiều lựa chọn bao giờ cũng tốt hơn.

2. Nghiên cứu trước đối tượng hay sự kiện mà bạn định chụp

Đừng đợi đến khi bạn đặt chân đến nơi mình tác nghiệp mới bắt đầu định hình về câu chuyện mà bạn định kể qua những bức ảnh của mình.  Bạn cần biết nhiều thứ từ trước chuyến đi như đâu là nơi bạn đến, con người ở đó ra sao, văn hóa của họ như thế nào, môi trường tự nhiên, xã hội có gì khác… Và quan trọng nhất, bạn hãy ước chừng trước xem đâu là câu chuyện bạn muốn ghi lại trong các bức ảnh của mình.

3. Có càng nhiều người hỗ trợ càng tốt

Phải luôn nhớ không bao giờ đi một mình ra quá xa khỏi khu vực bạn đang ở, nhất là khi bạn đang ở các nước có bạo động, chiến tranh, biểu tình, hỗn loạn hay một nơi mà bạn mới chỉ đến một hoặc hai lần như Syria, Triều Tiên, Pakistan, Iraq… Đó thật sự là những “miền đất dữ đối với các nhà báo”. Khi ở các vùng nhạy cảm như trên, bạn cần phải có bạn đồng hành hoặc người trợ giúp như thông dịch, lái xe và cả những người có thể giúp đỡ, bao bọc cho bạn trong trường hợp không may gặp rắc rối.  Hãy tạo dựng càng nhiều mối quan hệ càng tốt, vì bạn không bao giờ có thể lường trước được khi nào bạn sẽ phải cần đến sự trợ giúp của một ai đó.

4. Ưu tiên làm nổi bật chủ thể ấn tượng

Hãy nghĩ về câu chuyện mà bạn muốn kể và hãy chọn lựa một khía cạnh độc đáo nhất để tiếp cận. Đừng quá tham lam và đừng cố gắng để “truyền tải tất cả”, chụp những bức ảnh “có tính bao quát” nhưng hời hợt. Khi tác nghiệp, các nhà báo hãy chọn lấy những chủ thể với chi tiết rõ ràng và ấn tượng để lan truyền thông điệp của mình. Đồng thời, hơn ai hết, bạn hiểu rõ mong muốn, khát vọng cũng như những kỹ năng ưu việt của chính mình, nên nếu đang làm việc trong cùng một nhóm, hãy trao đổi, phân công công việc để tận dụng những điểm mạnh của mỗi người.

5. Hiểu rõ thiết bị và ý tưởng của mình

Một trong những điều quan trọng đó là bạn phải nắm rõ những chức năng của chiếc máy ảnh bạn đang sử dụng và thực sự làm chủ được thiết bị để nó phục vụ cho ý tưởng, mục đích của bạn. Hãy nhớ, ý tưởng và khoảng khắc sẽ chỉ đến trong một thời điểm rất ngắn ngủi, nếu bạn không biết sử dụng thiết bị của mình đúng cách và đúng lúc, bạn sẽ vĩnh viễn bị bỏ lỡ.

6. Học hỏi từ đồng nghiệp

Hãy nâng cao hiểu biết của mình từ các đồng nghiệp, nhất là những người hoạt động trong cùng một lĩnh vực như mình. Thế giới có rất nhiều các nhà báo ảnh kỳ cựu, nhiều tác phẩm ảnh báo chí kinh điển, chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ. Muốn trở thành một nhà báo thực thụ, đừng ngồi cả buổi tối để tự “ngắm nghía” và tự thỏa mãn với những tác phẩm vừa được xuất bản của mình. Hãy dành thời gian đó để xem ảnh của những nhà báo khác và rút ra bài học cho bản thân.

7. Hãy là “người tàng hình” khi tác nghiệp

Nên nhớ chúng ta là những nhà báo ảnh chứ không phải là “thợ ảnh”, độc giả muốn được xem những câu chuyện càng thực càng tốt, không ai muốn thấy những “không thật”, cho dù điều đó có đẹp đẽ hay mang nhiều ý nghĩa. Khi đi tác nghiệp, hãy ẩn mình càng kín càng tốt, đừng để sự xuất hiện của mình ảnh hưởng đến thái độ, sự tự nhiên của nhân vật. Hãy tác nghiệp một cách kín đáo, dùng thiết bị ít gây tiếng động, ít gây chú ý. Thêm nữa, các nhà báo cần phải nhớ, điều cấm kỵ trong đạo đức báo chí là dàn cảnh hay chỉnh sửa quá đà nhằm thay đổi hoặc cường điệu nội dung, sắc thái của bức ảnh.

Tuấn Long (ST)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải