song
Khi phóng viên viết điều tra
Ngày xuất bản: 20/06/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 47975

 Điều tra là thể loại quan trọng của báo chí. Điều tra trả lời độc giả một cách xác đáng các vấn đề, sự kiện nảy sinh trong cuộc sống. Để có được những bài điều tra sắc sảo không chỉ đòi hỏi ở nhà báo sự dũng cảm, tận tâm, trách nhiệm mà còn cần sự nhanh nhạy, phát hiện thu thập thông tin, phân tích xử lý vấn đề.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường (thứ tư, từ trái sang), đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long chúc mừng các cơ quan báo chí tại buổi gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí Yên Bái năm 2015. (Ảnh: Minh Huyền)

Trong các nhóm thể loại của báo chí gồm: ký, chính luận, và thông tấn thì điều tra là thể loại báo chí quan trọng nằm trong nhóm thể loại thông tấn. Có người cho rằng: “Viết ký, phóng sự mới khó, chứ viết điều tra khó gì vì viết điều tra cũng như là viết tin vì điều tra cũng nằm trong nhóm thể loại thông tấn như tin”. Đây là nhận xét không phù hợp, bởi lẽ mỗi thể loại báo chí có một thế mạnh riêng của mình.

Ký báo chí thường sử dụng bút pháp giàu chất văn học, hấp dẫn bạn đọc hơn; hay điều tra giúp bạn đọc sáng rõ sự kiện, vấn đề nhưng không thể nhanh nhạy bằng tin. Tin thường ngắn gọn, súc tích giúp bạn đọc nắm được vấn đề gì xảy ra. Tiếp đó, phóng sự nằm trong nhóm thể loại ký hay điều tra, trong nhóm thể loại thông tấn sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu về sự kiện.

Có thể ví dụ như, vụ sập đất ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải làm chết nhiều người đi nhặt quặng chì kẽm cách đây ít năm. Sau khi đưa tin nhanh về vụ việc, báo có thể cử phóng viên viết điều tra sâu để giúp độc giả biết rõ nguyên nhân vụ việc. Còn để tránh sự khô cứng của điều tra, có thể viết phóng sự điều tra, một thể loại giao thoa giữa nhóm thể loại ký và thông tấn để bài viết vừa sâu, vừa hấp dẫn.

Trong cuộc sống muôn màu, muôn vẻ quanh ta có biết bao câu hỏi đặt ra như: Vì sao giá gạo tăng? Công nhân trong các doanh nghiệp không muốn vào Đảng vì sao? Do đâu nhiều doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn? Sao bác sĩ bỏ bệnh viện công? Rừng ở xã X sao vẫn bị khai thác trái phép? Còn không việc lạm thu học phí trong các nhà trường? Có hay không việc sử dụng hóa chất rửa sách trâu, bò?… Quả thực, những câu hỏi ấy làm day dứt biết bao nhà báo có tâm với nghề buộc họ đi sâu tìm hiểu để tìm ra câu trả lời.

Khi viết điều tra, có những vấn đề trước khi tiến hành thu thập thông tin, nhà báo có thể chuẩn bị được. Chẳng hạn, đi giải quyết đơn thư, ngay trước khi đi nhà báo đã nghiên cứu kỹ để biết hướng sẽ gặp gỡ ai để làm sáng tỏ vấn đề. Trước hết, nếu là đơn chính danh, có thể gặp trực tiếp người viết đơn để lần theo sự việc.

Còn nếu đơn không có danh có thể lần theo các địa chỉ, nhân vật có trong đơn, từ đó ta sẽ gặp liên tiếp các chuỗi câu hỏi đặt ra, theo đó mà khai thác cho đến khi vấn đề được sáng tỏ. Nhưng việc giải quyết đơn thư cũng rất phức tạp, bởi đây là vấn đề nhạy cảm có cả những tình tiết sắp đặt của những người làm sai để hợp lý hóa. Thậm chí có cả việc mạo chữ ký của người khác, nhà báo phải gặp gỡ trực tiếp người ký tên để xác nhận chữ ký xem đúng hay không.

Nhưng cũng có những vấn đề không thể chuẩn bị trước được, nhà báo phải dày công, thậm chí phải chấp nhận cả hiểm nguy để có được bài điều tra tốt. Có thể ví dụ, ở một xã nọ đang xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép. Để làm rõ vì sao có tình trạng này, nhà báo phải đóng vai người đi mua gỗ, gặp gỡ bọn buôn lậu ghi âm lại các cách vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn theo lời kể của đầu nậu để xem việc buôn lậu có sự tiếp tay của chính quyền cơ sở, hay kiểm lâm không. Thậm chí, nhà báo còn phải giả làm thợ xẻ, hay người đi lấy măng, lấy củi để tận mắt thực địa nơi rừng bị tàn phá, để có những bức ảnh và thông tin sát thực cho bài điều tra. Còn rất nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội mà mỗi nhà báo, bằng góc tiếp cận riêng của mình để làm rõ, không thể nêu hết trong bài viết này.

Điều tra là thể loại khó, đòi hỏi sự dày công tìm hiểu khai thác thông tin mang tính thuyết phục cho một vấn đề nhằm trả lời thỏa mãn câu hỏi của độc giả. Để có một bài điều tra tốt, nhà báo không chỉ dũng cảm, tinh thông nghiệp vụ, tận tâm với nghề, mà còn có đạo đức trong sáng, không gục ngã trước cám dỗ đời thường. Kinh nghiệm với người viết điều tra nên nhớ “Một bài viết hay không phải là một bài viết tốt, mà là một bài viết có những chi tiết khéo chọn tập trung cho chủ đề”. Bài điều tra rất cần những chi tiết khéo chọn ngay từ khi nhà báo tác nghiệp đã năng động, sáng tạo lựa chọn hướng đi cho mình. Người viết điều tra giỏi là người “luôn tự đặt ra câu hỏi và trả lời” cho bài viết của mình, để bổ sung tư liệu, tang chứng, vật chứng, lý lẽ thuyết phục người đọc.

Một bài điều tra thực sự thành công và có sức thuyết phục khi đơn vị, địa phương hay cá nhân bị phê bình chỉ còn biết tiếp thu, hay im lặng mà thôi!

Đào Minh

Nguồn: Theo Báo Yên Bái 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải