song
Kiến tạo Môi trường văn hóa báo chí: Bài 2: Khi các tòa soạn vào cuộc…
Ngày xuất bản: 22/07/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6593

 Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là trách nhiệm, đồng thời cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo.

Để phong trào “Xây dựng Môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, đội ngũ những người làm báo cả nước đã thiết thực hưởng ứng, thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội; duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều những sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Lan tỏa những điều tử tế…

Phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí được kỳ vọng sẽ nhân lên những điểm sáng trong báo chí để mỗi tòa soạn là một điểm sáng văn hóa, mỗi nhà báo đều là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Ngay trong ngày đầu tiên phát động phong trào đã có 11 cơ quan báo chí ký cam kết thi đua và ở các cơ quan báo chí đã và đang có nhiều các hoạt động cụ thể, các cách thức khác nhau để triển khai phong trào này.

Là cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT, Báo VietNamNet từ nhiều năm nay đã quy định, tỷ lệ tin bài tích cực mang tính xây dựng, giải pháp phải đạt ít nhất 30% trên tổng số tin bài. Đây còn được tòa soạn đặt ra là tiêu chí bình xét thi đua hằng năm. Mặc dù đây không phải là một quyết định dễ dàng nhưng là một quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tờ báo. Vì thế khi phong trào thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa được phát động đã như thắp lên ngọn lửa tích cực, tạo động lực cho đơn vị tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn.

Nhà báo Phạm Anh Tuấn - Tổng Biên tập Báo VietNamNet cho biết, từ xu hướng, thị hiếu của độc giả hiện nay của báo chí đã có sự khác biệt, nên ngoài quan tâm đến số lượng view, các cơ quan báo chí còn phải quan tâm đến chất lượng view nữa. Lượng view ít hơn nhưng view chất lượng, mà chất lượng view được đo bằng chất lượng độc giả thì uy tín của tờ báo vẫn tăng lên, kết quả hoạt động của tờ báo vẫn tốt, tốt theo xu hướng tích cực, thay vì chạy theo số lượng view…

Trên tinh thần đó, tờ báo đã nỗ lực không ngừng để nâng tầm tờ báo trở thành một thương hiệu có vị thế chính trị - xã hội, có sức lan tỏa lớn không chỉ trong giới truyền thông Việt Nam mà còn tạo dựng uy tín mang tầm quốc tế. Báo VietNamNet kiên định với định hướng truyền tải thông tin tích cực tới độc giả, coi đó là nét văn hóa đặc trưng của tòa soạn, của người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp.

Xung quanh vấn đề này, Tổng Biên tập Báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi luôn bắt đầu một ngày mới bằng ít nhất một câu chuyện tử tế trên báo. Đó là những tấm gương điển hình nhưng rất đỗi bình dị, họ có sức lan tỏa mãnh liệt, giúp ích cho cộng đồng. Họ được các phóng viên tình cờ phát hiện hoặc tận mắt chứng kiến, theo dõi. Những việc làm của họ có sức lan tỏa mãnh liệt, giúp ích cho cộng đồng, góp phần vào sự phát triển của đất nước”.

Có thể nói, những bài báo về những câu chuyện tử tế, những con người nhân hậu giống như những hạt mầm nhân văn gieo xuống cánh đồng sẽ chỉ có yêu thương và hạnh phúc. Báo VietNamNet luôn kiên trì theo đuổi, đã và đang kiên định lan tỏa những điều tốt đẹp bằng sự kiện thường niên “Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng”. Để rồi hàng năm trong Lễ trao giải nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng luôn đọng lại trong lòng công chúng nhiều ấn tượng về một chương trình đặc biệt sâu sắc và ý nghĩa của báo. Đây cũng chính là chiến lược văn hóa với sứ mệnh kết nối toàn dân để Việt Nam ngày một phát triển hùng cường, thịnh vượng…

Trách nhiệm và nhân văn

Không phải bây giờ câu chuyện về cơ quan văn hóa, người làm báo văn hóa mới được đặt ra ở tờ báo Người Lao Động. Như Tổng Biên tập báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đã chia sẻ, trước tình hình thực tế, đâu đó vẫn còn một số hiện tượng đưa tin thiếu tính trách nhiệm, thiếu nhân văn với mục đích câu like, câu view, khai thác tình tiền tù tội, đâm cướp giết hiếp quá nhiều. Thậm chí có một số trang mạng cắt cúp, xào nấu, lấy thông tin đầu này cắm sang đầu kia để câu like, câu view. Đâu đó, trong một vài cơ quan báo chí chính thống cũng đã manh nha xuất hiện chuyện này vì chịu áp lực với lượt view đối với nhà quảng cáo... Sự sụt giảm niềm tin của công chúng vào báo chí có thời điểm xuống mức báo động.

 

Báo Người Lao Động trong hoạt động an sinh xã hội.

Chính vì vậy, trong mấy năm qua, Báo Người Lao Động đã xác định lại tiêu chí của mình đó là nhanh, hay, chính xác, trách nhiệm và nhân văn. Bởi dù khó khăn đến mức nào thì báo chí chính thống, trong đó bao gồm các báo, đài phát thanh, đài truyền hình thuộc hệ thống thông tin chính thống của Nhà nước vẫn phải giữ gìn giá trị truyền thống và cốt lõi của mình.

Giá trị ấy cũng chính là nền tảng của văn hóa báo chí mà mỗi cơ quan, mỗi tòa soạn đang nỗ lực vun đắp, phát huy. Trước hết, đó phải là sự thật, đưa thông tin một cách chính xác bên cạnh thông tin nhanh, gần gũi, hấp dẫn nhưng không được vượt ra khỏi ranh giới của sự thật… Sau nữa là tính trách nhiệm của mỗi cơ quan báo chí chính thống. Đó là trách nhiệm với Đảng, với đất nước, với Tổ quốc, trách nhiệm với cộng đồng xã hội và trách nhiệm với chính bản thân mỗi người làm báo.

Giá trị cốt lõi tiếp theo đó là tính nhân bản, nhân văn của cơ quan báo chí chính thống, tức là mỗi thông tin mà chúng ta đưa đến cho người đọc, phải đảm bảo được chất nhân văn, làm sao để thông tin đó giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Công chúng sau khi đọc xong thì cảm thấy mình nhận được thêm thông tin, được trưởng thành và tử tế hơn.

Trên thực tế, tờ báo Người Lao Động đã tái cơ cấu các trang, mục theo hướng cung cấp cái bạn đọc cần chứ không phải cung cấp cái tờ báo đang có. Nghĩa là luôn xác định bạn đọc đang cần cái gì, muốn cái gì, quan tâm cái gì để đáp ứng theo chiều hướng đó và đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo.

Bên cạnh đó, tờ báo được biết đến với hàng loạt chương trình hoạt động sau mặt báo để thực hiện được trách nhiệm của cơ quan báo chí truyền thông đóng góp cùng cộng đồng xã hội, làm sao cho cuộc sống vượt qua khó khăn và ngày càng tốt hơn.

Chẳng hạn như, “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, hay trong đại dịch, báo Người lao động tổ chức chương trình “ATM thực phẩm miễn phí” , “Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch”, “Tổ quốc cần cả nước chung tay”, “Trái tim miền Trung”

“Chúng tôi thực hiện hàng loạt các chương trình như là Mai vàng nhân ái, chương trình thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch, ATM thực phẩm miễn phí, Tổ quốc cần cả nước chung tay, chương trình Tình thương cho em,... đều không có bất cứ một lợi ích nào về kinh tế, nhưng qua những chương trình đó thì chúng tôi được bạn đọc ủng hộ, xã hội yêu quý và từ đó góp phần làm cho uy tín, thương hiệu của tờ báo được nâng cao, góp phần giải quyết ở một góc độ nào đó về kinh tế báo chí. Bởi khi bạn đọc ủng hộ mình, giúp đỡ mua báo, đọc báo nhiều và khi doanh nghiệp, đối tác đến với mình cũng cảm thấy yên tâm bởi tờ báo có uy tín, có vị trí trong lòng bạn đọc, giúp đỡ được cho cộng đồng, làm được nhiều điều tốt...

Tôi nghĩ rằng chúng tôi, chúng ta cứ làm bằng tất cả trái tim, tình cảm của mình thì sẽ được xã hội và bạn đọc ghi nhận và điều ấy chính là giá trị không gì lay chuyển được. Đó cũng chính là góp phần xây dựng và phát huy được văn hóa tòa soạn, vun đắp được nét văn hóa cho người cầm bút để mỗi dòng tin, mỗi chương trình thực hiện đều mang ý nghĩa tốt đẹp, giàu tính trách nhiệm, nhân văn trong bối cảnh hiện nay” - nhà báo Tô Đình Tuân cho biết.

Có thể nói, phong trào xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa mang ý nghĩa rất lớn, dù không thể là câu chuyện của một sớm một chiều hay triển khai theo thời vụ mà lâu dài, bằng tháng bằng năm… nhưng khi từng cơ quan báo chí đều chung tay, từng tòa soạn đều nỗ lực vì nhiệm vụ cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác, tích cực, hướng đến giá trị tốt đẹp của cuộc sống, thắp lên ngọn lửa nhân văn thì chắc chắn sự “cam kết” thi đua sẽ được hiện thực hóa bằng hành động, bằng giá trị tin tức và bằng việc làm ý nghĩa.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải