song
Lấy tư liệu
Ngày xuất bản: 02/11/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 50132

 Khâu lấy tư liệu có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhà báo. Có bột mới gột nên hồ. Không có tư liệu tốt thì không thể có tác phẩm báo chí tốt. Muốn có tư liệu tốt, nhà báo phải dày công tìm kiếm. Có lao động quá khứ, có lao động hiện tại và bức tranh hiện thực cuộc sống mới hình thành tác phẩm chất lượng cao. Có tư liệu thì mới có sự kiện. Sự kiện thực ra là những tư liệu tiếp nối nhau, đan xen chằng chịt tạo ra dư luận xã hội quan tâm. Có tư liệu trung tâm và có nhiều tư liệu vệ tinh mới tạo ra tác phẩm có hồn, thu hút mọi người quan tâm. Cho nên khâu lấy tư liệu đối với nhà báo là cực kỳ quan trọng và cần thiết.

Không có một nhà báo tài hoa nào lại lấy tư liệu một cách hời hợt. Cũng không có nhà báo tài hoa nào lại chỉ lấy tư liệu một chiều. Với giác quan nhạy cảm của người làm nghề, nhà báo luôn tìm kiếm, lấy được những tư liệu tốt nhất phục vụ cho mục đích trang viết của mình. Lấy được tư liệu bằng tài quan sát, cách nhìn thực tế từ những chuyến đi, qua đúc rút cộng với trao đổi với các nhà lãnh đạo hoặc người có trách nhiệm là nhà báo đã có được hàng loạt tư liệu quý góp phần hình thành nên tác phẩm báo chí đến với công chúng. Lấy tư liệu mà hời hợt kiểu “Cưỡi ngựa xem hoa”, “Được chăng hay chớ” thì không bao giờ có tác phẩm báo chí tốt. Do đó phải tỷ mỷ, dày công tìm kiếm mới có những tư liệu đắt. Lấy tư liệu bằng lao động thực tại với nhà báo thì cơ bản là dễ. Vì dù muốn hay không đều là những vấn đề có sẵn. Còn lao động quá khứ của người cầm bút mới thực sự cân não. Vấn đề gì đưa được, vấn đề gì còn phải nghiên cứu. Vấn đề gì đã được kiểm chứng, vấn đề gì chưa được kiểm chứng. Điều đó càng phải thận trọng. Đã từng xảy ra tình trạng viết về một con người. Thực tại họ rất tốt, như một nhân vật điển hình trong làm kinh tế giỏi, nổi tiếng khắp làng trên, xóm dưới. Thế nhưng trong quá khứ, anh ta lại là người đào ngũ. Nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh anh ta biết làm kinh tế thì được, nhưng viết ký hoặc phóng sự chân dung không cẩn thận sẽ gây ra phản cảm. Cho nên các cụ vẫn dạy: Cẩn thận bao nhiêu cũng không thừa là thế.

Hình thành một chuyến đi đối với nhà báo là hết sức cần thiết. Qua thực tế sẽ có nhiều tư liệu sống động về mảnh đất con người cần tìm hiểu. Những tư liệu này khi hình thành tác phẩm thể hiện tính chân thật rất cao. Tác phẩm có giá trị khích lệ, động viên, thuyết phục, cổ vũ, giáo dục, thu phục nhân tâm, gieo vào lòng người đọc, người nghe, người xem qua từng con người, cảnh vật. Những tác phẩm đó chắc chắn khác hẳn với những “anh hùng bàn phím” ngồi một chỗ phán sự việc theo kiểu võ đoán. Nhiều chi tiết sai hoàn toàn làm mất niềm tin độc giả.

Có những sự việc đến tận nơi rồi mà không tinh ý sẽ không lấy được tư liệu tốt, hoặc tập hợp tư liệu một cách không đầy đủ. Chỉ cần xao nhãng một chút là có thể làm hỏng cả một chuyến đi. Thường là những phóng viên trẻ, phóng viên mới vào nghề hoặc những người làm báo hời hợt, ít kinh nghiệm dễ mắc phải tình trạng này. Khi về đến cơ quan, lãnh đạo kiểm tra có khai thác được những tư liệu cần thiết đó không mới ớ người ra, tiếc hùi hụi. Ví dụ chứng kiến một vụ cưỡng chế đối tượng vi phạm, chiếm dụng đất đai. Đối tượng kéo được rất nhiều người tham gia chống đối chính quyền. Trong đó có cả những đồng chí thương binh một thời vào sinh ra tử, đánh giặc cứu nước bảo vệ quê hương. Những đồng chí này không phải xấu mà là bị người ta lợi dụng. Một số cứ nghe một chiều song tỏ ra bức xúc. Có những thương binh, cựu chiến binh vận động anh em đã dùng những ngôn từ rất mạnh: Các ông không muốn mất hình ảnh đẹp được trân trọng hàng ngày thì hãy rời khỏi chỗ đám đông kia. Sau khi được những đồng ngũ, những thương binh, cựu chiến binh có uy tín giải thích có lý có tình, anh em nghe ra và đã không bị cuốn vào những việc làm vô nghĩa đó nữa. Nếu không được chứng kiến cụ thể sự việc mà chỉ nghe đối tượng phản ánh một chiều đã viết thì hoàn toàn sai sự thật. Đúng là sai một ly đi luôn nghìn dặm.

Tư liệu báo chí

Tư liệu mà tốt sẽ làm cho tác phẩm sống động. nhà báo lấy được càng nhiều tư liệu càng tốt. Tư liệu nọ sẽ bổ trợ cho tư liệu kia. Chi tiết sẽ nối liền chi tiết, để sự kiện sẽ nối dài sự kiện. Lấy tư liệu để viết tin đòi hỏi phải thật nhanh, đặc biệt là tin thời sự mới đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ. Còn lấy tư liệu để viết ghi chép, phóng sự, ký, tùy bút đòi hỏi phải kỳ công. Ví dụ viết về xây dựng Nông thôn mới mà không chú ý đến tiêu chí nâng cao đời sống nhân dân, cứ thao thao bất tuyệt đâu đâu thì sao đòi tác phẩm có kết quả như mong muốn. Càng nhiều chi tiết đắt càng làm nên tác phẩm có giá trị. Từ những tư liệu khai thác được, nhà báo sẽ nhào nặn để cho ra đời tác phẩm - Đứa con tinh thần của mình. Tác phẩm đó hay hay không, chất lượng hay không chất lượng còn tùy thuộc rất nhiều vào cách thể hiện, phong cách, bút pháp của nhà báo.

Khâu vất vả nhất của nhà báo là lấy tư liệu. Điều này còn phụ thuộc vào kỹ năng nghề nghiệp từng người. Có những phóng viên, nhà báo xuống tận cơ sở rồi, chẳng đi xâm nhập thực tế, chẳng chịu quan sát mà lại xin lãnh đạo cơ sở một bản báo cáo. Sau đó về viết chỉ trên tinh thần của bản báo cáo. Trước mặt là máy vi tính, bên cạnh là báo cáo, nghí ngoáy một lúc đã thấy chuyển cho biên tập một tác phẩm. Như vậy không phải là bài báo tốt, đó chỉ mang tính ký lục mà thôi. Làm nghề báo mà không vất vả, khó khăn, lăn lộn với cuộc sống, không mày mò tìm kiếm, không lao tâm khổ tứ và không chịu hy sinh bản thân thì không thể có những tác phẩm chất lượng cao.

Muốn có tác phẩm chất lượng cao, trước hết người làm nghề này phải xuất phát từ khâu lấy tư liệu. Tư liệu là mắt xích quan trọng nhất để hình thành nên tác phẩm báo chí. Nhà báo là người của công chúng. Tác giả luôn gắn liền với tác phẩm. Đó là công việc cứ theo suốt cuộc đời của người làm nghề, rất vất vả, khó khăn nhưng cũng rất đỗi vẻ vang, tự hào.

Nguyễn An Chiến

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải