song
Nhà báo đi đầu trong cuộc chiến chống tin giả
Ngày xuất bản: 22/05/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6851

 Bằng đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, những nhà báo chân chính chắt lọc, lựa chọn thông tin trên mạng xã hội, điều chỉnh thông tin theo hai hướng: Cổ vũ, khen ngợi và khai thác những thông tin tốt, cũng như phê phán, chấn chỉnh và định hướng cho công chúng những thông tin sai lệch.

 

Ảnh minh họa

Tin giả được hiểu là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc sử dụng một phần sự thật với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Tin giả làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức của người tiếp nhận, làm cho họ có cách nhìn nhận lệch chuẩn, từ đó có những hành động gây bất lợi cho nhà nước ở các phương diện mà họ tiếp cận. Dần dần, những tin giả, xấu độc đó không chỉ tiêm nhiễm vào những người thiếu bản lĩnh mà còn như một chất xúc tác, thúc đẩy họ chống lại những giá trị cốt lõi được các thế hệ cách mạng đã hy sinh máu xương, trí lực để dựng xây nên.

Nhà báo triển khai thế trận chống tin giả 

Đội ngũ nhà báo ở các cơ quan báo chí đã triển khai các chuyên mục nhằm đấu tranh với tin giả. Trên các báo mạng điện tử có “Bình luận - phê phán” (Báo Nhân Dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân), “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch” (Tạp chí Cộng sản), “Chống diễn biến hòa bình” (Quân đội Nhân dân, VietnamPlus, Công an Nhân dân), “Biển đảo Việt Nam” (Vietnamplus)... Các chuyên mục này đề cập nhiều nội dung đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật là các bài phân tích, bình luận, phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, quan điểm sai trái.

Ở các kênh truyền hình, các nhà báo đã sản xuất nhiều chương trình chính luận nhằm chống luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc. Từ 2019, VTV1 cho ra mắt chương trình chính luận “Đối diện”, ANTV có chuyên mục “Xây dựng Đảng”, “Góc nhìn và sự thật”, “An ninh mạng”; QPTV có “Nhận diện sự thật”, Truyền hình Thông tấn có chuyên mục “Nhận diện”... Các chương trình đều nhằm trực diện đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với những nội dung được nghiên cứu chắt lọc kỹ càng và có sự tham gia của các chuyên gia cùng phân tích sâu sắc, thấu đáo. Đội ngũ các nhà báo đang từng bước nắm thế chủ động trong việc đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc.

Năm 2021, khoảng thời gian trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, trong các chương trình Thời sự 19h, các nhà báo của VTV liên tục cập nhật tin bài về các hội nghị tập huấn công tác vận động bầu cử với các ứng cử viên, đặc biệt là các luận điểm như: “Khi tiếp xúc với ứng cử viên, cử tri có thể hỏi ứng cử viên bất cứ điều gì họ quan tâm”, “Không được dùng vật chất lôi kéo cử tri”, “Vận động bầu cử - cuộc ‘sát hạch’ trực diện với những ứng cử viên đại biểu Quốc hội”... đã gián tiếp phản bác lại luận điệu của các thế lực thù địch phát ngôn trên mạng Internet đã nhiều năm, cho người dân thấy rằng đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đều không “cơ cấu”, không có gian lận như một số người lầm tưởng, ứng viên phải đưa ra chương trình hành động thuyết phục, trả lời được những thắc mắc của cử tri. 

Trong chuyên mục “Đối diện” của VTV, để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc từ các thế lực thù địch, các nhà báo trong ê-kip sản xuất chương trình không chỉ sử dụng triệt để việc lý luận sắc bén dựa trên quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước mà còn đưa ra những dẫn chứng thực tế để phản bác. Ví dụ, để phản bác lại những tin giả trên mạng xã hội như “Dân nghèo TP. HCM kiệt quệ vì dịch bệnh mà chưa nhận được gói hỗ trợ...”, “Chỉ biết ra lệnh phong tỏa, cách ly rồi mặc dân sống chết ra sao”, “Ai sẽ giúp người nghèo không chết đói giữa phong tỏa”..., trong chương trình “Đối diện” tháng 8/2021, nhà báo đưa hình ảnh và trực tiếp phỏng vấn người dân nghèo về cảm nhận của họ khi đã được nhận trợ cấp thất nghiệp cùng những thông tin liên quan về các đợt hỗ trợ người yếu thế giữa mùa dịch.

Nhà báo định hướng nhận thức, hành vi cho công chúng

Bên cạnh đó, nhà báo tích cực định hướng thông tin trên mạng xã hội trước hết bằng việc kịp thời đưa ra thông tin chính xác, đính chính những thông tin sai lệch. Họ thể hiện vai trò nắm bắt dư luận xã hội và định hướng thông tin, tạo sự ổn định trên cộng đồng mạng và trong xã hội. 

Đầu năm 2020, khi vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), thông tin về vụ việc rất “nóng” trên các trang mạng xã hội, trong đó rất nhiều thông tin lệch lạc, sai sự thật. Dù không có nguồn tin đáng tin cậy, không có mặt tại hiện trường nhưng không ít người vẫn đăng tải những thông tin vô căn cứ, tường thuật diễn biến vụ việc như thể đang được chứng kiến. Nhiều Facebooker dù không hiểu bản chất sự việc nhưng vẫn đăng các bài bình luận mang tính chủ quan, phiến diện, mục đích gây sự chú ý, câu like, câu view, khiến vụ việc ở Đồng Tâm bị “biến dạng”, thay đổi bản chất trên các trang mạng xã hội. Các đối tượng chống phá với nhiều nội dung xuyên tạc bản chất của sự việc, vu cáo chính quyền. Trên các trang mạng phản động “Báo Tiếng dân”, “Nghiệp đoàn báo chí”, “Việt Tân”, “Việt Nam Thời báo”... Các đối tượng cũng tích cực sử dụng tính năng phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội tán phát rộng rãi, số lượng tiếp cận thông tin cùng lúc rất lớn, tạo các tiêu đề, bài viết, video mang tính “nóng”, giật tít liên quan vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm nhằm tạo sự tò mò, thu hút người đọc để tăng khả năng tương tác, chia sẻ, bình luận; thực hiện các tuyên bố, kiến nghị, lấy ý kiến qua mạng hòng tạo dư luận, gây áp lực đối với chính quyền.

Cùng thời điểm này, báo chí đã phát huy vai trò định hướng dư luận khi đưa tin trung thực, khách quan về sự việc, như đưa tin về việc một số đối tượng chống đối tại địa bàn xã Đồng Tâm sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, hậu quả khiến 3 cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh. Các trang báo đồng loạt đưa tin về vụ việc các đối tượng cản trở việc xây dựng tường rào quanh sân bay Miếu Môn, chống người thi hành công vụ. Các nhà báo thể hiện vai trò đưa tin khách quan, viện dẫn hồ sơ, căn cứ pháp lý giúp người dân hiểu đúng bản chất vụ việc. Cả đội ngũ nhà báo vào cuộc, hàng trăm cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình liên tục thông tin về vụ việc với tần suất dày đặc, với nhiều hình thức khác nhau: Tin, phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, bình luận... Trong khi kịp thời đưa các thông tin chính xác về vụ việc, vạch trần các tin tức giả mạo và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhiều nhóm nhà báo cũng đã tổ chức các tuyến bài phân tích sâu, chỉ rõ căn nguyên và bản chất vụ việc để người dân hiểu đúng, hiểu rõ vấn đề.

Bên cạnh đưa thông tin chính xác để điều chỉnh nhận thức của người dân cho đúng đắn và phù hợp với tình hình, các nhà báo cũng thường thể hiện quan điểm của mình trên các trang báo. Các nhà báo cũng tận dụng mạng xã hội để đưa tin cải chính, điều chỉnh thông tin sai lệch, tránh làm cho dư luận hiểu sai về sự kiện, vấn đề thời sự trong đời sống xã hội.

Nhà báo chủ động đưa thông tin chính thống vào truyền thông xã hội, từ đó, định hướng cách nghĩ, cách phản ứng cho công chúng. Nhà báo còn có thể sử dụng mạng xã hội như phương tiện cổ vũ, tập hợp quần chúng hưởng ứng các sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt với nhóm công chúng trẻ. Nhờ mạng xã hội, nhiều chiến dịch truyền thông đã được lan tỏa và thực hiện thành công. Chiến dịch “Tôi đi bầu cử” năm 2021 của VTV được coi là một nỗ lực “trẻ hóa” sự kiện chính trị để tiếp cận Gen Z (người trẻ) hiệu quả hơn. Chiến dịch tập trung nhắm đến đối tượng cử tri trẻ, từ 18 - 34 tuổi và chú trọng vào Gen Z, giúp họ nhận rõ tầm quan trọng của việc bầu cử là hành động của một công dân trưởng thành, có trách nhiệm với Tổ quốc, từ đó thuyết phục họ đi đến một hành động rất tự nhiên và đáng tự hào: Tôi đi bầu cử. Chiến dịch đạt được 43 triệu lượt xem và tiếp cận trên các nền tảng mạng xã hội của VTV Digital và VTV.

Bên cạnh đó, nhà báo phát hiện, giới thiệu những cách làm hay, những mô hình tốt, những điển hình tiên tiến trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; thể hiện rõ vai trò đi đầu trong công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống văn hóa cho nhân dân, qua đó nâng cao khả năng đề kháng của nhân dân trước đại dịch hoặc những thông tin sai trái, nhất là thế hệ trẻ trước những âm mưu, thủ đoạn đầu độc tư tưởng, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhà báo cũng đăng tải, lan tỏa những thông điệp nhân văn, những thông tin, tác phẩm ý nghĩa của báo chí rộng rãi trên nền tảng truyền thông xã hội.

Trong đợt cao điểm dịch Covid-19, các phóng viên, nhà báo đã phải tăng tốc để truyền tải các thông tin nhanh nhất đến công chúng. Hoạt động buôn bán, sinh hoạt có thể phải ngừng lại, nhưng các tòa soạn, các đài phát thanh, truyền hình, thì không thể ngừng hoạt động. Họ phải tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh với sức ép tin bài lớn, nhưng báo chí, giữa khó khăn của bệnh dịch bủa vây, vẫn đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực nhất. Thông qua báo chí, người dân không chỉ cập nhật kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh tại các địa phương, trong nước, quốc tế mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng tránh dịch bệnh. Mặt khác, những thông tin tích cực, hành động tử tế, những câu chuyện đẹp trong thời dịch được báo chí chuyển tải đã mang đến luồng gió mới, góp phần mang đến sự lạc quan, tinh thần đoàn kết, sẻ chia hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch. Đặc biệt, sự đồng hành của các nhà báo và ghi nhận sự đóng góp của các lực lượng trong tuyến đầu chống dịch đã mang đến nguồn động viên, cổ vũ lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội.

Là lực lượng đi đầu trên mặt trận thông tin, nhà báo luôn xác định vai trò định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh hiện nay, chủ động đấu tranh ngăn chặn tin giả, góp phần bảo vệ sự ổn định của đời sống xã hội. Nhiệm vụ của nhà báo bên cạnh thông tin trung thực, công bằng và cân bằng, còn là tích cực quan sát, nhận diện tin giả, chủ động bóc trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo. Quá trình đó đòi hỏi nhà báo không ngừng tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong việc tiếp nhận, xử lý, tổ chức thông tin cùng năng lực sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ chuyển tải thông tin nhanh, chính xác, hấp dẫn.

Theo Tạp chí Người làm báo điện tử

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải