Trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí, không phải lúc nào nhà báo cũng tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí của thể loại, mà tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để họ có thể triển khai bài viết theo các hình thức tương xứng. Điều này đã tạo lên sự giao thoa về mặt loại thể và tác động trực tiếp đến chất lượng của tác phẩm báo chí. Ở bài viết này, tác giả đề cập đến tiêu chí của thể loại phóng sự và bài phản ánh cũng như ảnh hưởng của sự giao thoa giữa hai thể loại này trong một số tình huống nghiên cứu cụ thể.
Lý luận báo chí xác định rõ những tiêu chí thể loại cho Phóng sự và Bài phản ánh. Theo đó, khi nói đến phóng sự, là nói đến thể loại với những đặc điểm: Chủ đề tiêu biểu, chứa đựng mâu thuẫn - câu hỏi được công chúng quan tâm; phản ánh hiện thực có quá trình diễn biến, có bề dày và chiều sâu, vừa khái quát, vừa cụ thể, chi tiết, sống động; có sự xuất hiện trực tiếp của cái “tôi” tác giả “tổng hợp”; có sự kết hợp ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói, vừa mang tính hàm súc, vừa giàu chất văn; có khả năng gợi hình ảnh qua tiếng động, âm nhạc; có sự kết hợp linh hoạt bút pháp thuật, tả, bình, trong đó, đặc dụng thuật, tả.
Trong khi đó, bài phản ánh là dạng bài tỏ rõ sự linh hoạt, nhạy bén trong phản ánh sự thật của đời sống xã hội. Nó có thể là một cái tin được phát triển lên về số lượng chi tiết và dung lượng. Ngoài ra, không chỉ phản ánh sự kiện giống tin, bài phản ánh còn lấy đối tượng phản ánh là quang cảnh hiện trạng, vấn đề, nhân vật, với những đặc điểm như: Có thể có ngôn ngữ tác giả hoặc không; có thể có lời nhân chứng hoặc không; có thể có tiếng động hiện trường hoăc không; có thể có ngôn ngữ giàu chất văn hoặc không; có thể có giọng điệu bình luận hoặc không...
Thực tế, trong quá trình sáng tạo, không phải nhà báo nào, không phải tình huống nào, nhà báo phát thanh cũng tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí thể loại phóng sự. Nhiều tác phẩm phóng sự đã có (và đã bị) giao thoa mạnh mẽ với phản ánh, tất nhiên, điều này đã ít nhiều làm giảm chất lượng, hiệu quả của bài phóng sự. Qua nghiên cứu cho thấy, phóng sự sẽ giao thoa với bài phản ánh khi bài phóng sự có từ 1 - 2 biểu hiện sau đây:
1) Thiếu một số lượng chi tiết cần thiết để tạo bề dày, chiều sâu cho tác phẩm.
2) Thiếu bút pháp tả, khiến bài phóng sự thiếu chất văn, chất thơ, chất nhạc tạo sự nềm mại, thu hút.
3) Thiếu chất văn để tạo mạch cảm xúc, khơi dậy chiều sâu nhân văn và đem đến cảm nhận thẩm mỹ cho tác phẩm.
4) Thiếu sự xuất hiện trực tiếp của cái “tôi tổng hợp”, thiếu danh xưng “tôi”: cái tôi nhân chứng để thuật, kể; cái tôi thẩm định để đánh giá, bình bàn, kết luận; cái tôi cảm xúc để rung động với hoàn cảnh, nhân vật tạo chiều sâu nhân văn; cái tôi thẩm mĩ để cảm nhận được cái hay, cái đẹp và đánh thức cảm xúc thẩm mỹ của thính giả.
5) Ít đa dạng lời nhân chứng với tính cách, tâm trạng, hoàn cảnh được khắc họa nổi bật.
6) Không giàu có, phong phú về tiếng động hiện trường.
Khảo sát riêng trên Đài TNVN hiện nay, cho thấy phóng sự giao thoa với bài phản ánh trong những tình huống sau:
1. Giao thoa do thiếu chi tiết có bề dày, chiều sâu.
Nhiều tác phẩm gần như có đủ các tiêu chí về chủ đề hấp dẫn, sử dụng tổng hợp bút pháp thuật - tả - bình, có ngôn ngữ sự kiện hàm xúc và giàu hình ảnh, có xuất hiện cái tôi trực tiếp, có lời nhân chứng - nhân vật và sự xuất hiện của tiếng động, nhưng do hàm lượng chi tiết nông, nên được xem là sự giao thoa với bài phản ánh.
Xin dẫn bài Đi tìm bệnh nhân (Thời sự 12h, 21.12.2014) làm ví dụ. Bài viết kể về niềm vui của những người thầy thuốc - bác sĩ khoa phẫu thuật tim - lồng ngực (bệnh viện Việt Đức) khi được đến khám chữa bệnh cho bà con vùng cao. Tác giả tập trung kể và tả quang cảnh khám chữa bệnh vào buổi sáng ở bệnh viện đa khoa Bắc Cạn. Câu chuyện về những bác sĩ có tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng đến với những vùng khó khăn để chữa bệnh cứu giúp đồng bào là chủ đề rất phù hợp để phóng sự vào cuộc. Bài viết khá đầy đủ các tiêu chí của thể loại phóng sự, như; Chủ đề mang tính nhân văn; có kết hợp bút pháp thuật, tả, bình; đa dạng lời nhân chứng (4 lời bệnh nhân, 1 lời của Giám đốc bệnh viện đa khoa Bắc Cạn; lời của trưởng khoa tim mạch - lồng ngực Việt Đức và 1 lời của bác sĩ chuyên khoa Việt Đức); 3 đoạn tiếng động hiện trường; ngôn từ vừa hàm súc, vừa kết hợp chất văn ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, nghe tác phẩm, thính giả có cảm giác chi tiết chưa giàu có, phong phú, chưa đủ để giúp người nghe hiểu và đồng cảm với công việc nhiều ý nghĩa của những bác sĩ thiện nguyện. Toàn bộ diễn biến câu chuyện trong bài phóng sự chỉ gói gọn trong một buổi khám bệnh, được kể, tả, bình trong 954 chữ. Cảnh đông đúc của bệnh viện, ý kiến của người dân, ý kiến của các bác sĩ...mới được đề cập sơ sài. Thực tế, tác giả có thể kể, tả sâu hơn, rõ hơn quang cảnh, không khí bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Cạn trước và trong giờ khám bệnh; tấm lòng, trái tim, sự nhiệt tình của các bác sĩ thiện nguyện (cụ thể hơn về dáng vẻ, chuỗi hành động của một vài bác sĩ cụ thể, cùng câu trả lời phỏng vấn của họ); các bác sĩ tuyến tỉnh đã được học hỏi, nâng cao tay nghề như thế nào là các đồng nghiệp tuyến trung ương. Không khí và ý nghĩa của sự kiện cũng cần được kể, tả, bình ấn tượng hơn nữa.
Ngoài ví dụ trên, nếu chỉ chọn phóng sự trong một số chương trình trên VOV1 tháng 6.2015, cũng dễ bắt gặp sự giao thoa của phóng sự với phản ánh do dung lương chi tiết ít, nội dung thông tin còn “nông”; chẳng hạn các bài: (Biếm họa lên tiếng về vấn đề an toàn giao thông (Điểm hẹn 17h); Sách thiếu nhi - càng nhiều càng lo (Điểm hẹn 17h); Học kỳ quân đội - Có như sự kì vọng? (Điểm hẹn 17h); Về làng then nghe tiếng vĩ cầm (Văn hóa giải trí); Ngày quốc tế Yoga - lan tỏa văn hóa Ấn Độ (thế giới 24h); Trà quán Dương Tùng (Văn hóa giải trí); Giải tỏa căng thẳng trước kỳ thi (Điểm hẹn 17h); Lật lại vụ án Thủy lừa đảo tìm mộ liệt sĩ (Điểm hẹn 17h); Dịch vụ dạy bơi (Điểm hẹn 17h); Giá sữa chưa giảm (Điểm hẹn 17h)...
Tóm lại, dung lượng chi tiết đủ dày, đủ sâu để giúp nhà báo tái tạo hiện thực vừa khái quát, vừa cụ thể, chân xác là yêu cầu cần thiết cho một bài phóng sự. Nhưng thực tế, không khí phóng sự phát thanh chưa đạt được điều này. Quy định về thời lượng là yếu tố khiến nhiều nhà báo phải co ngắn tối đa bài viết của mình, do vậy, việc cắt gọt bớt chi tiết là điều dễ xảy ra. Những nguyên nhân chính là do nhà báo không chú trọng đến tiêu chí thể loại phóng sự khi sáng tạo tác phẩm. Một số nhà báo khác có thể chưa ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của những chi tiết cần thiết nhưng còn khuyết thiếu trong tác phẩm.
2. Giao thoa do bị tiết giảm bút pháp miêu tả và ngôn ngữ giàu tính văn học
So với phóng sự thời kì 1930 -1945 thời kỳ đầu ra đời và hoạt động của phóng sự, hay so với những năm 90 -95, khi mà, Tôi đi bán tôi của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trở thành mẫu mực của lối viết phóng sự đẫm chất văn, đến mức làm cho bài phóng sự gần giống như câu truyện, có cốt truyện, có nhân vật, có những tính đối thoại mang tính kịch..., thời nay, trên báo chí nói chung và trên sóng phát thanh nói riêng, thính giả khó tìm được những bài phóng sự phản ánh hiện thực dưới dạng “cốt truyện”, với lối tả cảnh, tả tình đậm nét. Chất “truyện”, trong phóng sự phát thanh hiện nay ít dần và nhường chỗ cho chất thông tin thời sự; “phóng” ít mà “sự” nhiều, “tả” ít mà “kể” nhiều. Do vậy, ngôn ngữ giàu tính văn cũng bị tiết giảm sử dụng.
Có thể thấy rõ nhất điều này ở những phóng sự trên hệ thời sự Chính trị tổng hợp VOV1, Đài TNVN. Trên VOV1, phóng sự ít tả nhất, do đó, cũng ít chất văn nhất, thường tập trung trong chương trình: Nông nghiệp và nông thôn, Kinh tế Khoa học và Công nghệ, Quốc hội với cử tri, Đầu tư tài chính, Biên giới xanh, Khoa học và công nghệ, Không gian số, Pháp luật và đời sống, Chính phủ và người dân... Trong những chương trình này, lối hành văn trọng tả, bút pháp tả gần như bị lược bỏ, chỉ còn lại yếu tố thuật, bình. Ví dụ là những bài: Giữ lửa trên những cung đường vùng cao Lào Cai (Thời sự 18h, 13.10.2015); Thiếu minh bạch trong quản lý biệt thự cổ (Thời sự 18h, 11.6.2015); Khó khăn trong việc đưa người nghiện đi cai (Pháp luật và đời sống, 26.6.2015) Hội đồng nhân dân vay, tướng mượn, tiền đi xin (Theo dòng thời sự, 3.6.2015); Sát cánh cùng ngư dân bám biển (Thời sự 18h, 30.6.2015); Hội đồng nhân dân: quyền lực lớn nhưng làm gì cũng vướng (Theo dòng thời sự, 1.6.2015); Con đường tơ lụa và mục tiêu ngầm của Trung Quốc (Biển đảo, 24.6.2015), v.v.
Xin được dẫn phóng sự Chiềng Yên và những lớp học mầm non “nhiều không” Thời sự 12h, 28.7.2014) làm ví dụ. Trước hết, phải khẳng định, chủ đề bài viết “có vấn đề”: sự thiếu thốn, khó khăn tứ bề đe dọa tới quyền được học tập của trẻ em tại 8/12 bản ở xã vùng 3 đặc biệt khó khăn Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.Trong bài viết, đoạn đầu, tác giả dùng bút pháp kể (những chỗ tác giả kể, chúng tôi trích lại bằng chữ in thẳng) kết hợp với tả (những chỗ tác giả tả, chúng tôi trích lại bằng chữ in nghiêng) để tái hiện hình ảnh điểm trường Phụ Mẫu 1:
“Điểm trường Phụ Mẫu 1, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La - nơi học tập, sinh hoạt, vui chơi của 20 cô trò là những cột kèo xiêu vẹo, chỉ chờ một cơn bão mạnh là có thể đổ sập. Lớp học rộng chỉ hơn 40m2. Do lớp học chật chội nên dù có bàn ghế cũng không đủ chỗ kê. Sân chơi chỉ là một góc rất nhỏ chỉ đủ cho 5 cháu nhỏ đứng, vào ngày mưa nền sân đất ướt nhão đất đỏ. Đến gian bếp, gọi là bếp nhưng trống hơ hốc trống hoác, cột kèo xiêu vẹo. Nhà vệ sinh đằng sau được quây thêm cả ni lon mà vẫn không thể kín đáo”.
Về hệ thống chi tiết kể, có lẽ, cũng không cần thêm nhiều (tất nhiên, nếu tác giả bổ sung được tiếng nói của trò, của phụ huynh về ước mơ được đến trường, được học dưới mái trường an toàn, thì bài sẽ có chiều sâu hơn). Điều đáng nói, khi nghe tác phẩm, thính giả có cảm giác phóng viên chưa thực sự thâm nhập sâu ở những điểm trường kể trên. Tiếng động không có, miêu tả dừng ở cấp độ chung, thiếu những chi tiết miêu tả cụ thể: Lớp học mầm non tại bản Bướt trông như thế nào, rộng hay hẹp, lớp ngói hay xi măng, sáng hay tối, cũ kỹ ẩm mốc hay hơ hoác hoang tàn? Cảnh học trò ngồi chen chúc trong không gian chật chội, dột nát vào ngày nắng, ngày mưa (hay buổi mà tác giả có mặt tại điểm trường) hiện lên trước mắt tác giả ra sao? Những đứa trẻ gương mặt ngây thơ, đôi bàn chân, bàn tay cáu bẩn trông như thế nào? Cảnh đứa trẻ đòi đi “bộ” và cách xử trí của cô giáo ra sao? Bữa ăn của các cháu đơn giản đến tội nghiệp như thế nào?...
Tất cả những chi tiết thiên về miêu tả này, nếu có, chắc chắn sẽ tạo được chiều sâu thông tin cho bài phóng sự. Và hơn nữa, nó giúp thông điệp nhiều cảm xúc, khơi dậy được sự đồng cảm ở người nghe, từ đó, thôi thúc hành động (chẳng hạn, thính giả sẽ quyên góp tiền, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để giả quyết vấn đề nhanh hơn). Và, bởi vì những chi tiết mà chúng tôi đề xuất thêm vào bài đều là chi tiết quan sát, nên ngôn ngữ từ giàu chất văn có cơ hội “vào cuộc”, giúp bài viết sinh động hơn.
Tóm lại, không phải cứ miêu tả thật nhiều, sử dụng chi tiết quan sát thật nhiều, từ ngữ thật giàu chất văn là có thể tạo được bài phóng sự tốt. Bởi vì, chất lượng bài phóng sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố “phóng” (phóng bút, phóng chuyện). Tuy nhiên, nếu thiếu đi những chi tiết tả và chất văn, có thể sẽ làm giảm niềm tin của thính giả vào tính chân xác của thông tin, có thể khiến tác phẩm khô cứng, khả năng gây xúc động kém. Và như vậy, hiệu quả thông tin xẽ giảm sút ít nhiều.
3. Giao thoa do bị tiết giảm danh xưng tác giả
Một trong những điểm khác biệt của phóng sự so với các thể loại báo chí khác là ở sự xuất hiện đậm nét của “cái tôi” tác giả. Như đã trình bày “cái tôi” tác giả trong bài phóng sự là “cái tôi” tổng hợp. Việc kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố cái tôi tác giả trong tác phẩm có tác dụng giúp những chi tiết rời rạc trở lên gắn kết, hòa quyện, sống động, có chiều sâu; làm tăng độ xác thực và khách quan của thông tin; giúp câu chuyện trở lên minh bạch, rõ ràng; đưa ra những kiến nghị, giải pháp làm vấn đề có thể được giải quyêt tích cực; làm người nghe dung cảm... Vì thế, có thể coi “tôi”, tác giả là một đặc trưng của tác phẩm là một “đặc quyền” của nhà phóng sự. Tất nhiên không cứ xưng “tôi” là bài báo thể hiện được hết chiều cạnh thông tin. Nhưng nếu tiết giảm tối đa danh xưng “tôi”, có thể làm bài báo nghiêng lệch về dạng bài phản ánh.
Khảo sát thực tế cho thấy, phóng sự hiện nay đang có xu hướng tiết giảm danh xưng “tôi” , “chúng tôi”. Trong nhiều tác phẩm, dù có xuất hiện cái tôi tổng hợp - nhà báo có chứng kiến, theo dõi quá trình diễn biến, có trực tiếp tiếp xúc, trò truyện với các nhân vật trong câu chuyện; có nghiên cứu các tình tiết liên quan đến vụ việc và tường thuật lại cho thính giả; có bày tỏ quan điểm của mình trước hiện thực, thậm chí có bình giá, đề xuất kiến nghị giải pháp..., nhưng mới ở mức chàng màng, nghĩa là còn “mờ”. Danh xưng “tôi’, “chúng tôi” xuất hiện hạn chế, thậm chí thiếu vắng.
Cụ thể, theo khảo sát, ở các bài phóng sự được phát vào tháng 6.2014 và 7.2014, tần xuất xuất hiện danh xưng ‘tôi”, “chúng tôi”, “ nhóm phóng viên” trong bài sau:
Chương trình Không xuất hiện xuất hiện 1 lần/ bài Xuất hiện 2 lần Xuất hiện 3 lần trở lên
Diễn đàn các vấn đề xã hội 2/14 bài 3/14 bài 7/14 bài 2/14 bài cuộc sống xanh 3/14 bài 4/12 bài 3/12 bài 2/12 bài Thời sự 18h 4/16 bài 7/16 bài 4/16 bài 1/16 bài Điểm hẹn 17h 4/18 và bài 6/18 bài 1/18 bài Tổng 13/60 bài 20/60 bài 6/60 bài tỉ lệ % ( 21.7% 35,0% 33,3% 10,0% Như vậy theo khảo sát, trong số 60 bài phóng sự, danh xưng “tôi”, “chúng tôi” xuất hiện nhiều nhất 1 lần, chiếm 35% tiếp theo 2 lần, chiếm 33,3%. Danh xưng “tôi”, “chúng tôi” không xuất hiện, đứng thứ 3, chiếm 21,7%; cuối cùng là xuất hiện 4 lần, với 10%. Đáng lưu ý, Thời sự và Điểm hẹn 17h là các chương trình mà tác giả ít xưng danh nhất. Điều này cũng giống hầu hết các chương trình có sử dụng phóng sự trên hệ VOV1, như: Kinh tế, Nông nghiệp, Đầu tư tài chính, Khoa học công nghệ, Chính phủ với người dân, Pháp luật và đời sống, Quốc hội với cử tri...
Lý giải cho điều này, nhà báo Phạm Mạnh Hùng (nguyên Phó Giám đốc hệ VOV1, Đài TNVN) cho rằng: Trong phóng sự, chi tiết là số 1, nó đòi hỏi sự sắc sảo của người viết. Chi tiết sẽ giúp người ta đặc tả. Không nên hiểu cái tôi cá nhân của tác giả là tôi đi, tôi thấy, chúng tôi đến, chúng tôi gặp, quan điểm của chúng tôi thế này... mà cái tôi cá nhân của người viết chính là khả năng xử lý thông tin, khả năng quan sát, khă năng nắm bắt những thông tin, chi tiết hay, đặc sắc mà cùng đi với họ - những phóng viên khác không phải phát hiện ra, chứ không phải cái tôi theo nghĩa là xưng danh tôi, chúng tôi, nối quan điểm cá nhân lên. Ở Đài, chúng tôi đi, chúng tôi thấy, trao đổi với chúng tôi”... là cách viết sáo rỗng, không cần thiết vì anh không đi đến đấy, làm sao viết được bài. Không cần nói những cái đấy vì thính giả không quan tâm. Thính giả chỉ quan tâm câu chuyện ấy diễn ra như thế nào? Câu chuyện ấy làm như thế nào...
Về cơ bản, chúng tôi đồng ý với quan điểm của Phạm Mạnh Hùng cũng như hầu hết của nhà báo Đài TNVN có đồng quan điểm khác. Tuy nhiên, thực tế khảo sát các phóng sự đã được phát sóng, chúng tôi nhận thấy, việc thiếu vắng danh xưng “tôi” đem lại một số bất cập hoặc cảm giác không hài lòng sau:
1- Người nghe có cảm giác tác giả và sự kiện tồn tại một khoảng cách nhất định, tác giả ở xa sự kiện, hoặc gần như lùi xa sự kiện. Cũng từ đó, người nghe cảm giác sự dấn thân, nhập cuộc nhiệt huyết của nhà báo mờ nhạt, tính thuyết phục về độ chính xác thông tin chưa cao.
2- Sự trống vắng danh xưng “tôi” khiến nhiều bài phóng sự nghèo về giọng điệu, nhòa về phong cách cá nhân, lời văn ít nhiều thiếu đi sự mềm mại. Chẳng hạn, nếu so sánh đoạn văn danh xưng “chúng tôi”: “Vượt hơn 40 km từ chung tâm huyện Quan Sơn, qua trập trùng bao dãy núi cao, những con đèo quanh co, chúng tôi đến Sơn thủy - một xã nghèo đặc biệt khó khăn của vùng cao biên giới, 4 dân tộc sinh sống, trong đó, chủ yếu là người Thái và người Mông. Trước đây, Sơn Thủy cái gì cũng thiếu, đường không điện không, đời sống người dân vất vả; cái bụng chưa no, trường lớp tạm bợ, thầy cô giáo không giữ nổi học trò... (Cô nuôi dậy trẻ ở vùng cao biên giới - Nông nghiệp và nông thôn, VOV1 18.11.2014).
Với đoạn văn không có danh xưng: “Sơn Thủy là một xã nghèo đặc biệt khó khăn của vùng cao biên giới, 4 dân tộc sinh sống, trong đó, chủ yếu là người Thái và người Mông. Trước đây, Sơn Thủy cái gì cũng thiếu, đường không, điện không, đời sống người dân vất vả; cái bụng chưa no, trường lớp tạm bợ, thầy cô giáo không giữ nổi học trò..., thì rõ ràng, trong đoạn 2, không chỉ thiếu chi tiết tả, mạch cảm xúc dồi dào, mà sự dấn thân, nhập cuộc của nhà báo cũng hạn chế hơn. Do vậy, không lạm dụng xưng “tôi”, “chúng tôi”, không đồng nghĩa với việc hạn chế tối đa sự xuất hiện trực tiếp của cái tôi tác giả. Nếu hạn chế tối đa, bài phóng sự dễ rơi vào khô khan, khó có được mạch văn phong vừa hàm súc, vừa giàu sắc thái biểu cảm.
Hay, thử so sánh hai cách viết trong bài Trả lại màu xanh cho tây Nguyên (Thời sự 18h, 16.1.2014): Mùa mưa này, các đơn vị lâm nghiệp ở tỉnh Kom Tum đã chuẩn bị gần 2 triệu cây giống, cấp tập thực hiện kế hoạch trồng 850 ha rừng thay thế. Ông Nguyễn Kim Phương, Phó Giám đốc sở NN và PTNT tỉnh Kom Tum cho biết, sau khi tính toán định mức trồng rừng trung bình 44 triệu đồng 1 ha để các chủ đầu tư nộp tiền vào Qũy bảo vệ phát triển rừng, tỉnh đã nhanh chóng triển khai cho các đơn vị trồng rừng.
Với: Ông Nguyễn Kim Phương, phó Giám đốc sở NN&PT tỉnh Kom Tum, cho chúng tôi biết, sau khi tính toán định mức trồng rừng trung bình 44 triệu đông 1 ha để các chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng, tỉnh đã nhanh chóng triển khai cho các đơn vị trồng rừng.
Bằng sự xuất hiện danh xưng “chúng tôi”, khoảng cách giữa nhà báo với nguồn tin, nhà báo với sự kiện được kéo gần. Người nghe có cảm giác tác giả không đứng ngoài cuộc để phản ánh về tình trạng rừng Tây Nguyên bị tàn phá, mà là người trong cuộc, đang đau với nỗi đau mất rừng, đang trăn trở tìm kiếm giải pháp để đem lại màu xanh cho Tây Nguyên. Sự đồng cảm và tinh thần nhập cuộc của tác giả không chỉ tạo độ tin cậy cho thông tin - tác giả là người thẩm định độ chính xác của lời nhân chứng, mà còn thể hiện tấm lòng của tác giả với vấn đề, qua đó, lôi kéo sự đồng cảm của người nghe.
Tóm lại, không lạm dụng danh xưng tác giả, nhưng thực tế cho thấy, các bài phóng sự không có sự xuất hiện trực tiếp của cái tôi tác giả thường thiếu đi màu sắc riêng, nghiêng sang hơi hướng bài phản ánh. Những chỗ miêu tả - sự dụng các chi tiết quan sát để tái hiện quang cảnh, không khí, hiện trạng; những đoạn có đối thoại với nhân vật đều cần thiết có sự hiện diện của danh xưng “tôi” trực tiếp.
Kết Luận:
Từ thực tế nghiên cứu đã cho thấy, các thể loại báo chí không trong trạng thái tĩnh tại. Giữa chúng luôn có sự vận động, giao thoa, phóng sự cũng vậy. Việc giao thoa giữa bài phóng sự với bài phản ánh, hay ghi nhanh là hiện tượng phổ biến, không chỉ với phóng sự phát thanh, mà còn đối với phóng sự truyền hình hay phóng sự báo chí nói chung. Điều quan trọng đặt ra là, nhà báo cần nắm vững tiêu chí thể loại, biết được sự lằn ranh của sư giao thoa để có cách sáng tạo phù hợp, tránh xu hướng “gọi nhầm” thể loại, hoặc sáng tạo tùy tiện, để tuột mất những ưu thế tự thân của thể loại bản thân.
Nguyễn Vinh (ST)
CÁC TIN KHÁC