Phỏng vấn là một thể tài báo chí thể hiện một cuộc đối thoại được định hướng. Trong đó Nhà báo nêu các câu hỏi và người được phỏng vấn trả lời với chủ đề mà khán thính giả quan tâm. Trong cuộc phỏng vấn, thông tin là dành cho khán, thính giả chứ không phải dành cho người phỏng vấn. Cho nên tất cả các cuộc phỏng vấn đều hướng tới công chúng.
Phỏng vấn nhân vật
Nhà báo chuẩn bị tốt cho một cuộc phỏng vấn cần phải có chủ đề tập trung. Không thể đi liên miên và luôn phải có kết cấu hợp lý. Trong vòng 3 đến 5 phút, có những vấn đề quá lớn không thể tóm tắt trong một cuộc phỏng vấn. Chính vì vậy, không phải mọi chủ đề đều phù hợp cho một cuộc phỏng vấn.
Phỏng vấn là một thể tài tưởng dễ mà khó. Có nhà báo khoe một năm tôi làm được 50 cuộc phỏng vấn. Như thế là khó tin và nếu có làm được đi chăng nữa thì đó là những cuộc phỏng vấn ít chất lượng và nhạt nhẽo. Phỏng vấn muốn tốt và có chất lượng, trước hết Nhà báo phải có sự hiểu biết về chuyên môn và thực tế. Trong cuộc trò chuyện, giữa Nhà báo và người được phỏng vấn phải có những hiểu biết lẫn nhau mới hy vọng có một cuộc phỏng vấn có chất lượng. Trong mọi trường hợp, người được phỏng vấn phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Như vậy cuộc phỏng vấn mới đạt được yêu cầu như mong muốn. Nhà báo cần chủ động xác định thời lượng phỏng vấn. Trong khoảng từ 03 đến 05 phút, chỉ có thể đưa được một lượng thông tin vừa phải. Có thể dùng 02 đến 03 câu hỏi liên quan đến chủ đề. Nhiều câu hỏi quá hoặc chỉ đưa ra một câu hỏi cũng làm cho cuộc phỏng vấn không đạt yêu cầu.
Trước khi phỏng vấn, Nhà báo phải vạch ra đề cương câu hỏi và xác định khối lượng và chất lượng thông tin cho những câu hỏi đặt ra. Làm một cuộc phỏng vấn tự coi là mình viết tác phẩm về chủ đề đó. Do đó trước khi phỏng vấn, Nhà báo phải hiểu rõ những những điều mình muốn thu lượm ở người được phỏng vấn, cần biết hỏi người phỏng vấn câu hỏi nào, nghe và biết câu trả lời của đối tượng phỏng vấn, theo dõi người trả lời phỏng vấn, khi nào thì phải đặt thêm câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề. Có những khi phải lật ngược vấn đề mà người được phỏng vấn trả lời.
Một cuộc phỏng vấn được thực hiện, Nhà báo phải đoán định được độ dài ngắn của nó, bao gồm mào đầu, giữa và kết thúc. Nhà báo nên đặt câu hỏi một lần, vì đặt 02 hoặc 03 câu liền một lúc cũng chỉ được trả lời một câu, còn các câu khác sẽ bị quên.
Phỏng vấn cũng đòi hỏi sự lao động sáng tạo của Nhà báo. Chỉ nên chuẩn bị những từ chính ghi trên giấy, không chuẩn bị cả câu hoàn chỉnh ra giấy. Làm như thế không khác gì ta lên sân khấu. Như vậy giống như một sự sắp đặt trước. Làm như thế sẽ không bao giờ có một cuộc phỏng vấn như mong muốn. Nhà báo phải có sự giao lưu tình cảm thật với người được phỏng vấn. Với báo nói báo hình, vấn đề này càng hết sức quan trọng. Thậm chí phải cùng tông. Người được phỏng vấn nói nhanh thì người hỏi cũng phải nhanh và ngược lại. Nghĩa là làm sao để có sự hòa đồng tốt nhất để thu hút được người nghe, người xem. Khi làm phỏng vấn, Nhà báo phải giàu chất sáng tạo. Làm sao để đưa ra câu hỏi cho phù hợp, đừng để tình trạng ra câu hỏi mà không có câu trả lời. Câu hỏi đặt ra thế nào thì câu trả lời thế ấy. Nghĩa là đúng trọng tâm, trọng điểm. Không thể có chuyện ông nói gà, bà nói vịt.
Làm được một cuộc phỏng vấn hay sẽ đạt được một số yêu cầu cơ bản. Đó là: Thông tin sẽ rất nhanh. Tính chiến đấu sẽ rất cao. Biểu cảm được nhân cách con người. Nâng được giá trị thẩm mỹ vấn đề đưa ra. Một số phóng viên làm việc một cách hời hợt lười nhác. Không muốn khai thác là thực hiện luôn một cuộc phỏng vấn giản đơn. Như vậy phỏng vấn để cho có chứ thực chất nội dung thì nhạt nhẽo, hình thức thể hiện thì đơn điệu. Ví dụ: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện công tác 6 tháng của đơn vị ta thế nào. Vậy thời gian tới đơn vị sẽ có biện pháp gì để cả năm đạt được kết quả như mong muốn. Vâng, xin cám ơn đồng chí. Cả người đọc, người nghe và người xem gặp loại phỏng vấn này không khác gì bị khủng bố về tinh thần. Thế thì phỏng vấn để làm gì. Có phóng viên nọ còn thực hiện cuộc phỏng vấn bằng cách cắm micro vào máy ghi âm, bật máy lên kiểm tra tín hiệu xong rồi mời người đối diện nói. Người được phỏng vấn đề nghị anh đặt câu hỏi thì phóng viên làm một câu, anh cứ nói thoải mái về tôi tự cắt được mà. Rõ ràng anh này là Nhà báo chuyên nghiệp mà làm chẳng chuyên nghiệp tý nào. Có một số tờ báo còn phỏng vấn bằng cách gửi câu hỏi trước để người trả lời phỏng vấn có câu chuẩn bị trước. Làm như thế có khác gì khuôn mẫu. Thậm chí còn đưa duyệt cả câu hỏi và câu trả lời rồi mới được in càng làm cho thể tài phỏng vấn mất đi tính đặc thù của nó.
Phỏng vấn có một số dạng cơ bản. Thứ nhất là Phỏng vấn độc lập một đối tượng. Nghĩa là giữa phóng viên với người được phỏng vấn. Đây là cuộc phỏng vấn chúng ta hay gặp nhất trên phương tiện thông tin truyền thông. Những cuộc phỏng vấn này có tính chiến đấu rất cao vì thông tin luôn mới và có sự chờ đợi từ khán giả về những thông tin đó. Ví dụ trong các cuộc họp báo thường kỳ, khi trả lời phỏng vấn báo chí, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng luôn bày tỏ quan điểm rõ ràng của Việt Nam về chủ quyền Biển Đông hoặc quan điểm không ủng hộ chiến tranh trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga với Ucraina. Dạng thứ hai, Phỏng vấn theo tính chất một cuộc trao đổi. Nghĩa là giữa phóng viên và đối tượng có những hiểu biết tương đương. Những cuộc trao đổi mà làm tốt cũng rất có ý nghĩa. Các chuyên gia sẽ nói được những vấn đề cốt lõi mà mọi người đang muốn tìm kiếm. Ví dụ có đào rừng hay không. Chuyên gia giải thích rằng không có đào rừng. Dù đào đó có mọc trong rừng vẫn là hạt do nhân dân đi nương rẫy nhả hạt ra và mọc cây trong rừng. Như vậy khái niệm về đào rừng là không có. Một dạng nữa là Phỏng vấn vấn đề (Hay còn gọi là phỏng vấn tập thể). Dạng này cũng có những thế mạnh, phóng viên sẽ phỏng vấn với 5 hoặc 6 người xung quanh để làm rõ một vấn đề mọi người đang quan tâm. Thêm một dạng nữa là những cuộc tọa đàm. Phóng viên sẽ phỏng vấn với nhiều người xung quanh làm rõ một vấn đề nào đó trong đời sống, xã hội. Tuy nhiên lạm dụng sẽ trở nên nhàm chán. Có một thời gian dài, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các Đài địa phương thi nhau làm tọa đàm. Thậm chí còn tổ chức rất nhiều trong các cuộc liên hoan phát thanh toàn quốc. Có những Đài còn coi dạng tọa đàm là chủ chốt, là xương sống trong chương trình. Như vậy là thái quá. Báo chí đâu chỉ đơn thuần hướng vào một thể tài. Cho nên dạng tọa đàm hiện nay do quá lạm dụng nên mất đi vị thế của nó vốn rất đáng quan tâm. Hiện nay còn xuất hiện một loại phỏng vấn rất nhanh và thông tin rất thiết thực. Đó là phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại, điện đàm. Những cuộc phỏng vấn này luôn mang tính thông tin thời sự nổi bật và sự chú ý lớn của dư luận. Ví dụ thông tin về các cuộc chính biến, thông tin về động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là những sự kiện luôn được dư luận mong chờ.
Trong một cuộc phỏng vấn, thông tin là dành cho khán, thính giả chứ không phải cho người phỏng vấn. Cho nên giữa phóng viên và người được phỏng vấn phải hướng tới công chúng chứ đừng nặng về cái tôi sẽ làm cho cuộc phỏng vấn không thành công.
Nguyễn An Chiến
CÁC TIN KHÁC