song
Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở Yên Bái - Đôi điều suy nghĩ
Ngày xuất bản: 07/04/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 56779

Hơn nửa thế kỷ trở lại đây, nhất là sau khi đất nước thống nhất, nhìn chung cả nước, văn học nhệ thuật dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tình cảm ấy, môi trường ấy đã khai hóa các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số hoặc đa số sáng tác về dân tộc thiểu số và miền núi, có đóng góp không nhỏ cả về số lượng và chất lượng trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Điều đáng quý nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ này đã làm phong phú và bền vững bản sắc văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nói về văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số và miền núi ở Yên Bái, xin đề cập hai vấn đề chính, đó là: tác giả và tác phẩm văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số và miền núi ở Yên Bái. Về tác giả, xin tạm chia: tác giả là người dân tộc thiểu số sáng tác về dân tộc thiểu số, miền núi và tác giả là người dân tộc đa số sáng tác về dân tộc thiểu số, miền núi.

Ấn phẩm tạp chí Văn nghệ Yên Bái vùng cao 

Tác giả, tác phẩm người đa số sáng tác về dân tộc thiểu số, miền núi: Không có tác giả đầu tư chuyên sâu theo mảng đề tài này. Hầu hết các hội viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái đều có tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi, ít thì dăm ba tác phẩm, có hội viên dăm chục tác phẩm, công trình. Điều đó dễ hiểu vì Yên Bái là một tỉnh miền núi, trên 30 thành phần dân tộc chung sống (trong đó có 12 thành phần dân tộc bản địa sinh sống lâu đời, có số dân trên 600 người), môi trường ấy ít nhiều ảnh hưởng đến sáng tác của các văn nghệ sĩ. Về văn học, phải kể đến nhà văn Hoàng Thế Sinh với các tiểu thuyết lấy bối cảnh, không gian vùng dân tộc miền núi như tiểu thuyết “Thuốc phiện và lửa”, “Rừng thiêng” vv…; tiếp đến là các tiểu thuyết của Trần Cao Đàm, lấy bối cảnh văn hóa, lịch sử vùng Văn Chấn- Mường Lò và sáng tác của một số tác giả khác. Về mỹ thuật, các tác phẩm sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi chiếm tỉ lệ khá nhiều, đi sâu vào phản ánh cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc, vùng cao. Về Nhiếp ảnh, đề tài dân tộc thiểu số, miền núi cũng được thể hiện rõ nét trong sáng tác của tất cả các nghệ sĩ, như: Thanh Miền, Vũ Chiến, Hoàng Đô, Tuấn Nghĩa, Thái Hoàng, Lê Bác Đạt vv... Tác phẩm nhiếp ảnh đoạt các giải thưởng của tỉnh, khu vực và toàn quốc chủ yếu là tác phẩm sáng tác về dân tộc thiểu số và miền núi. Về Âm nhạc, Nghệ thuật biểu diễn vv… cũng được chú ý khai thác và phát triển từ vốn văn hóa văn nghệ dân gian, dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc, vùng cao. Có thể nói rằng, bên cạnh đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số, đội ngũ văn nghệ sĩ là người đa số ở Yên Bái sáng tác về dân tộc thiểu số, miền núi không chỉ là người cùng đi mà còn là người thôi thúc, khích lệ các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số sáng tạo. Sự qua lại giữa hai đội ngũ văn nghệ sĩ này có vai trò rất tích cực trong hoạt động sáng tạo và phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Tác giả, tác phẩm người dân tộc thiểu số sáng tác về dân tộc thiểu số, miền núi: Ở Yên Bái, đội ngũ tác giả này còn quá mỏng. Trừ những hội viên đã mất với các tác phẩm tiêu biểu được nhiều người biết đến như Nhà văn Hoàng Hạc với “Ké Nàm”, “Xứ lạ mường trên”, “Sông gọi”, “Hạt giống mới”…; Hoàng Hữu Sang với “Cửa rừng”, “Chuyện lạ ở bản Coóc”, “Ông nội”  vv… hiện nay, tính cả Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, mới có 13 hội viên là người dân tộc thiểu số, gồm: 9 hội viên dân tộc Tày, 2 hội viên dân tộc Dao, 1 hội viên dân tộc Mường, 1 hội viên dân tộc Nùng; trong đó có 9 hội viên chuyên ngành văn học, 2 biên đạo múa, 1 nhạc sĩ. Trong tổng số 13 hội viên dân tộc thiểu số, có người đã có thành tựu, có người đang miệt mài trên con đường sáng tạo. Tuy nhiên một nửa số tác giả này trên 60 tuổi, sáng tác đã có phần chững lại do sức khỏe, tuổi tác. Có thể kể ra một số tác giả tiêu biểu như: Nhà văn Hà Lâm Kỳ với quá trình sáng tác lâu dài, bền bỉ, đã cho ra mắt bạn đọc 22 tập sách, có nhiều tác phẩm đoạt các giải thưởng từ địa phương đến Trung ương. Các tác phẩm của nhà văn Hà Lâm Kỳ tái hiện và thấm đẫm không gian văn hóa, lịch sử dân tộc Tày vùng Đại Lịch, Văn Chấn, tiêu biểu là các tác phẩm: “Kỷ vật cuối cùng”, “Những đứa con lên núi” “Gió Mù Cang”, “Chim ri núi”, “Con trai bà chúa Nả”...; Địch Ngọc Lân với tiểu thuyết: “Ngôi đình Bản Chang”…; Hoàng Tương Lai với các tập truyện: “Chõ xôi trưa ấy”, “Cây sẹt trổ hoa”…; Hà Bích Thảo, Hoàng Anh Đậu với các tiết mục, chương trình được dàn dựng, khai thác, phát triển bằng chất liệu dân gian, dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Yên Bái, giành nhiều giải thưởng vv… Cùng một số tác giả tiêu biểu khác như: Hoàng Xô, Hoàng Thị Hạnh, Phúc Tiến Hùng, Hoàng Thu Hiền, Lý Kim Khoa, Đặng Phương Lan, Hoàng Nhâm, Nông Quang Khiêm… Lực lượng tác giả mỏng, lại khó khăn trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới. Tác giả trẻ tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật đã hiếm, tác giả trẻ dân tộc thiểu số tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật lại càng hiếm. Phát hiện đã khó, nuôi dưỡng còn khó hơn, đấy là chưa nói đến thành công trong sáng tạo văn học nghệ thuật bao giờ cũng khắt khe. Vì vậy tác giả trẻ dân tộc thiểu số rất cần được quan tâm nuôi dưỡng, trân trọng, rất cần tâm huyết, trách nhiệm thực sự của những người trong cuộc.

Đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập, Nghị quyết của Đảng soi sáng, động lực thúc đẩy sáng tạo văn học nghệ thuật ở các tác giả dân tộc thiểu số có từ hai phía, bên trong và bên ngoài. Tác giả dân tộc có thế mạnh là giàu chất dân tộc, văn hóa riêng, nhiều người nhờ đó có thành quả trong sáng tạo nhưng nhiều người lại thiếu kỹ năng và năng lực để triển khai nó. Sự thiếu hụt này, các tác giả dân tộc thiểu số không tự bù đắp được, nhất là các tác giả mới vào nghề. Vì vậy cá nhân tôi nghĩ rằng, cần tạo điều kiện hơn nữa cho các tác giả dân tộc thiểu số tham dự các trại sáng tác, các cuộc tọa đàm, trao đổi, tạo điều kiện giao lưu học tập cũng như động viên, khuyến khích họ sáng tạo. Để có tác phẩm hay viết về dân tộc thiểu số và miền núi tôi nghĩ rằng, việc đầu tiên là phải xây dựng được đội ngũ đông đảo và nâng cao “chất lượng” đội ngũ tác giả người dân tộc thiểu số. Nhìn vào lực lượng tác giả dân tộc thiểu số ở Yên Bái hiện nay, ngoài lực lượng mỏng, có thể dễ dàng nhận thấy thành phần dân tộc còn thiếu hụt. Yên Bái có hơn 30 thành phần dân tộc với 12 dân tộc bản địa sinh sống lâu đời vậy mà chỉ có 4 dân tộc có người tham gia hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật. Như vậy chúng ta đang để hổng và bỏ phí rất nhiều thứ.

Một vấn đề nữa là sáng tác văn học bằng tiếng dân tộc, chữ viết dân tộc. Vài năm trở lại đây, Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái có thêm ấn phẩm Văn nghệ Yên Bái vùng cao. Đó “đất” rất quý dành cho các tác giả sáng tác bằng tiếng dân tộc, chữ viết dân tộc, song ngữ dân tộc, dễ dàng tiếp cận và phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, vùng cao, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Tuy nhiên lực lượng sáng tác này hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay với sự có mặt của một vài dân tộc như: Tày, Mông, Dao, Thái, Mường; các tác giả tiêu biểu có thể kể đến như: Vũ Khả, Lò Văn Biến, Đặng Ngọc Thông, Hoàng Tương Lai, Nông Quang Khiêm… Thiết nghĩ chúng ta cần có cơ chế khuyến khích hơn nữa cho các tác giả sáng tác bằng tiếng dân tộc, chữ viết dân tộc, không vì hướng tới hội nhập, không để cơn lốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa mà đánh mất gốc, đánh mất bản sắc dân tộc.

Rất đáng mừng là ở Yên Bái chúng ta có một Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Yên Bái, hiện có 25 hội viên có thể nói là những hội viên chững chạc và sung sức của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái; chúng ta có ấn phẩm Văn nghệ Yên Bái vùng cao dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, phát hành hai tháng một số. Hằng năm, các tác phẩm sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí xuất bản, công bố của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và các Hội chuyên ngành khác. Đó là sự động viên khích lệ, cũng là điều kiện thuận lợi để các tác giả là người dân tộc thiểu số hoặc đa số hăng say sáng tạo. Là một người dân tộc, mới cầm bút, tôi luôn tâm niệm, tác giả dân tộc thiểu số phải không ngừng học tập, nỗ lực rèn luyện bản thân. Rõ ràng, sự ra đời của những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đang trông chờ vào tâm huyết và sự say mê lao động của những tác giả thực sự gắn bó với miền núi, dân tộc, nhất là các tác giả dân tộc thiểu số.

Việc xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật về dân tộc thiểu số và miền núi là việc làm hết sức quan trọng để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc miền núi. Bản sắc văn hóa ấy là linh hồn, là cội nguồn của sự trường tồn, là mục tiêu quan trọng góp phần xây dựng văn hóa con người trong thời kỳ mới. Thiên nhiên tươi đẹp, sự đa dạng về thành phần dân tộc, không gian văn hóa độc đáo, văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ phong phú, là cảm hứng và là nguồn đề tài vô tận cho các văn nghệ sĩ Yên Bái sáng tạo. Dân tộc và miền núi vẫn đang là mảnh đất màu mỡ đợi chờ các văn nghệ sĩ.

Nông Quang Khiêm

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải