song
Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
Ngày xuất bản: 24/06/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 13076

  - Phát triển hệ thống báo chí, truyền thông mạnh, phong phú, nhân văn và hiện đại chính là xây dựng, củng cố một công cụ của Đảng trong giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ văn hóa và nhận thức chính trị cho Nhân dân, động viên, cổ vũ sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là xây dựng và tăng cường một loại hình vũ khí vô cùng sắc bén, lợi hại của Đảng trong cuộc đấu tranh chống các âm mưu thù địch, phá hoại của kẻ thù, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhân dân.

Báo chí cách mạng Việt Nam – một loại hình vũ khí vô cùng sắc bén, lợi hại của Đảng trong cuộc đấu tranh chống các âm mưu thù địch, phá hoại của kẻ thù, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhân dân. Ảnh: Thu Hương.

 

Nền báo chí chuyên nghiệp

Lịch sử 96 năm xây dựng và phát triển Báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, báo chí Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là kênh thông tin hữu ích góp phần cùng Đảng, Nhà nước ta không ngừng bổ sung, hoàn thiện chủ trương, cơ chế, pháp luật và tổ chức thực thi đường lối, chính sách ngày càng hiệu quả.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của báo chí, coi trọng sự cần thiết phải chuyên nghiệp của báo chí. Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962), Người chỉ rõ: ‘‘đối với những người viết báo chúng ta, báo chí là một mặt trận, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng”(2). Và, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(3).

Người yêu cầu các nhà báo phải có lập trường, tư tưởng vững chắc, không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời, phải hòa vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Để bảo đảm tính chuyên nghiệp, nhà báo phải có những kiến thức căn bản, như: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?”(4).

Thực hiện những điều căn dặn của Người, 96 năm qua, đội ngũ những người làm báo Việt Nam đã không ngừng phấn đấu vươn lên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tính đến đầu năm 2021, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập và 72 cơ quan báo chí hoạt động phát thanh, truyền hình. Hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, với 21.132 người được cấp thẻ nhà báo(5). Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học của đội ngũ những người làm báo không ngừng được nâng lên. Hầu hết các tòa soạn báo, tạp chí đã triển khai làm báo thời chuyển đổi số với trang thiết bị, công nghệ hiện đại; các báo in hầu hết đã có phiên bản điện tử.

Cơ sở vật chất cũng đã được quan tâm đầu tư theo xu thế báo chí hiện đại, nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành đã đầu tư các trung tâm báo chí phục vụ các sự kiện lớn quan trọng, như đại hội Đảng các cấp, góp phần to lớn trong việc tuyên truyền, đưa tin, sự kiện nhanh chóng, rộng khắp cả trong nước cũng như toàn cầu. Đặc biệt, nhờ có tính chuyên nghiệp cao, các cơ quan báo chí – truyền thông của chúng ta đã góp phần không nhỏ trong việc phòng, chống dịch Covid-19, trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của đất nước.

Gần đây nhất, tính chuyên nghiệp của báo chí thể hiện rõ trong hoạt động tập trung tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; trong vạch mặt các âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động phá hoại cuộc bầu cử để Nhân dân nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn, bảo đảm cho cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.

Nền báo chí nhân văn

Theo nhiều nghiên cứu thì nhân văn có thể hiểu là thuộc về văn hóa của loài người, tức là những tính chất “giá trị văn hóa chung của loài người, của nhân loại”. Theo đó, tính nhân văn của báo chí chính là đề cao, quý trọng, ca ngợi và bảo vệ những giá trị văn hóa chung của cộng đồng, vì lợi ích chính đáng và cuộc sống của con người, của cộng đồng. Tính nhân văn phải được hiểu là báo chí tôn trọng, bảo vệ và truyền bá những giá trị văn hóa chung nhất của nhân loại. Tính nhân văn được coi là cốt lõi của đạo đức nghề báo, một nghề mà chỉ một câu, một chữ, một hình ảnh trong những thời điểm đặc biệt có thể làm thay đổi nhận thức, thái độ ứng xử, lay động con tim và dẫn dắt hành động của hàng triệu, triệu người.

Tính nhân văn của báo chí là hệ giá trị vừa rất trừu tượng, vừa rất cụ thể thông qua các sự kiện, vấn đề thời sự hằng ngày, thể hiện nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của con người. Trong báo chí, truyền thông, đó là thái độ tiếp cận, đánh giá các sự kiện và vấn đề trong cuộc sống hằng ngày liên quan đến cộng đồng cũng như số phận con người; đó là quan điểm, thái độ và những nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc đấu tranh vì quyền con người, quyền công dân, dân chủ, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam chỉ ra, người làm báo phải bảo đảm nguyên tắc trung thực: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Ðồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”(6).

Nhà báo chân chính với tinh thần trách nhiệm trước xã hội, trước Nhân dân biết hòa mình trong niềm vui, nỗi lo lắng trước khó khăn của đất nước, đồng thời luôn luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động của sự nghiệp vinh quang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nguồn đề tài vô tận, chất liệu mới phong phú để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Trong việc phê phán cái xấu, cái sai, cái lạc hậu cũng phải góp phần mang tới công chúng niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, vào những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân văn của dân tộc ta. Nếu người làm báo thiếu hoặc ý thức trách nhiệm xã hội không cao thì khó có thể viết được những tác phẩm tốt có giá trị đi vào đời sống xã hội.

Báo chí Cách mạng Việt Nam, hằng ngày đã phản ánh sự đa dạng, phong phú muôn màu, muôn vẻ các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mong muốn và mục tiêu của báo chí chúng ta là góp phần để người dân được sống trong yên bình, hạnh phúc, “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là mục tiêu nhân văn cao cả của cả dân tộc, trong đó có báo chí, truyền thông.

Nền báo chí hiện đại

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, ngày 06/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm hẳn hoi. Không hợp lý hóa thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc và tốn kém một trăm thứ”(7).

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công nghệ truyền thông mới tạo ra những thuận lợi cũng như thách thức cho cơ quan báo chí và những người làm báo.

Công nghệ hiện đại đã hỗ trợ cho nhà báo trong các hoạt động khai thác thông tin để truyền tải cho công chúng. Nếu như trước đây, nhà báo muốn khai thác, tra cứu thông tin lưu trữ thì phải tìm sách báo cũ, đến thư viện, đến hiện trường để theo dõi, quan sát, nắm bắt trực tiếp, thì hiện nay, nhà báo có thể tìm kiếm thông tin dễ dàng, thuận tiện từ mạng internet kết nối thông tin trên toàn thế giới.

Nhưng cũng chính vì vậy, nhà báo, cơ quan báo chí cần phải nhanh chóng thay đổi, đổi mới tư duy, đổi mới sáng tạo cách thức làm báo, đặc biệt là việc tiếp cận với công nghệ mới. Nếu không bắt kịp với sự phát triển này, các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ những người làm báo sẽ tụt hậu.

Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 cũng tạo ra môi trường truyền thông mở. Tiến trình toàn cầu hóa phương tiện thông tin đại chúng diễn ra mạnh mẽ, tạo sự cạnh tranh lớn giữa các loại hình sản phẩm truyền thông, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông mới. Việc phải đổi mới trong mỗi tòa soạn báo, tạp chí là hết sức cấp thiết. Nhiều tòa soạn báo chí đã xây dựng các chương trình đa phương tiện, nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau như văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… để mang lại tính tương tác với độc giả, cung cấp thông tin cho độc giả, công chúng một cách linh hoạt.

Khó khăn trong việc đưa tin đa phương tiện là đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên phải nỗ lực, đầu tư công sức trong thời gian nhanh nhất để có được một tác phẩm báo chí đa phương tiện. Phóng viên phải biết và thành thạo tác nghiệp cả báo in và báo mạng.

Cũng do cuộc CMCN 4.0, hiện nay mạng xã hội phát triển rất nhanh chóng, mặc dù có những mặt trái nhất định của mạng xã hội, nhưng nhu cầu sử dụng mạng xã hội rất cần thiết ở đời sống hiện thực. Báo chí không thể đối lập với mạng xã hội, do đó, báo chí phải tương tác có chọn lọc, được kiểm chứng với mạng xã hội (vì mạng xã hội là một môi trường truyền thông có thông tin đa dạng, phong phú song cũng rất hỗn tạp).

Báo chí luôn phải khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội bằng luồng thông tin chủ đạo, chính thống; phải nhanh chóng “trả lời” được những vấn đề mà mạng xã hội nêu lên và xã hội đang quan tâm. Điều này đòi hỏi tính trách nhiệm cao của các nhà báo, của các cơ quan báo chí. Mạng xã hội càng phát triển, vai trò của báo chí càng  cần được khẳng định, nâng cao. Đây chính là lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí để trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất, tin cậy nhất trong xã hội.

Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

“Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(8) được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời cũng là chiến lược của cả hệ thống báo chí của chúng ta.

Thực chất nội dung “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” chính là tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01/8/2007 về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới: “Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới… nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ”.

Yêu cầu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại thể hiện chủ trương của Đảng thống nhất giữa hai mặt phát triển và quản lý trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển một công cụ quyền lực vô cùng quan trọng của Đảng, của chế độ.

Thứ nhất, phải xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp.

Đội ngũ người làm báo phải có kiến thức chuyên môn, có năng lực làm báo, trung thực liêm chính, luôn thực hiện tốt 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; luôn có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân đối với tác phẩm, sản phẩm của mình. Nhà báo phải luôn bản lĩnh, dũng cảm, tỉnh táo, tâm huyết, luôn có mặt ở những nơi “đầu sóng ngọn gió” của cuộc sống để thấu hiểu, để khám phá sự thật và chuyển tải lại cho bạn đọc, công chúng của mình.

Các phóng viên, biên tập viên cần không ngừng rèn luyện trí lực, bút lực, đạo đức nghề nghiệp, đổi mới tư duy, phương pháp, cách thức hoạt động, nỗ lực sáng tạo, cũng như trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, công nghệ để có thể tác nghiệp báo chí đa phương tiện, vừa chuyên sâu, vừa đa năng, hướng tới việc tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, hấp dẫn, định hướng dư luận đúng đắn, kịp thời, góp phần thực hiện được sứ mệnh cao cả của báo chí.

Đồng thời, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí phải nhanh nhạy, có bản lĩnh chính trị và trình độ hiểu biết rộng, có kỹ năng nghề nghiệp, am hiểu công nghệ để chỉ đạo báo chí vào cuộc một cách kịp thời, chuẩn xác, tỉnh táo, nhất là đối với những vấn đề bức xúc, nhạy cảm hoặc những quyết định lớn, hệ trọng của đất nước.

Thứ hai, phải xây dựng nền báo chí nhân văn.

Nội dung này luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm hàng đầu, ngay trong bài viết gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”(9). Báo chí phải góp phần cho nhiệm vụ cao cả đó.

Để thực hiện được yêu cầu về nhân văn, đòi hỏi mỗi nhà báo phải tích lũy về kiến thức và kinh nghiệm; thể hiện tính nhân văn phải xuất phát từ cái tâm của nhà báo và từ những thái độ và kỹ năng trong tác nghiệp, có thái độ và hành vi chuẩn mực đối với những con người bình dị xung quanh, những con người bất hạnh có hoàn cảnh éo le, hay khi phản ánh phê bình những cá nhân sai phạm, vi phạm pháp luật, nhà báo cũng luôn phải vừa phê phán, vừa có thể chia sẻ, cảm thông, không a dua “dậu đổ bìm leo”, không “té nước theo mưa”, “đục nước béo cò”, “đánh hội đồng”.

Nhà báo luôn phải xác định nhiệm vụ chính trị của mình là góp phần bảo đảm công bằng, phát triển và tiến bộ xã hội; bảo vệ lợi ích chính đáng và đấu tranh vì hạnh phúc của đông đảo Nhân dân cũng như lợi ích của đất nước. Bảo đảm tính nhân văn và gia tăng hàm lượng văn hóa trong sản phẩm báo chí, truyền thông là mục tiêu không ngừng nghỉ đối với báo chí cách mạng và với mỗi nhà báo chân chính.

Thứ ba, phải xây dựng nền báo chí hiện đại.

Các cơ quan báo chí cần xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, có sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản in (hay phát thanh, truyền hình) và điện tử. Sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản xuất báo chí dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí (trong đó có những trải nghiệm số)…

Báo chí tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, tạo những tiện ích tốt nhất cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng thông tin, lan tỏa và chiếm “thế thượng phong” trên không gian thực và không gian mạng, trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong đời sống xã hội.

Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí, truyền thông nhằm tiếp cận và tiếp thu (có chọn lọc) cách làm báo hiện đại của thế giới; bắt kịp và ứng dụng kịp thời tiến bộ của khoa học – công nghệ vào hoạt động báo chí, truyền thông.

Thứ tư, kết hợp hài hòa, chặt chẽ cả ba yếu tố chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại để phát triển.

Trong hoạt động báo chí, truyền thông, các nội dung chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại có mối quan hệ biện chứng, luôn đan quyện nhau, song hành cùng nhau. Bởi vì, tính chuyên nghiệp trong báo chí là yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ những người làm báo và cơ quan báo chí, có chuyên nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công chúng và xã hội. Bảo đảm tính nhân văn là mục đích cao cả của hoạt động báo chí. Và, hiện đại để báo chí chuyển tải nhanh chóng, kịp thời, chính xác, rộng khắp nguồn thông tin chính thống đến với bạn đọc, công chúng.

Phát triển hệ thống báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại chính là xây dựng, củng cố một công cụ của Đảng trong giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ văn hóa và nhận thức chính trị cho Nhân dân, động viên, cổ vũ sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là xây dựng và tăng cường một loại hình vũ khí vô cùng sắc bén, lợi hại của Đảng trong cuộc đấu tranh chống các âm mưu thù địch, phá hoại của kẻ thù, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhân dân.

TS. Nguyễn Quang Vinh
Học viện Hành chính Quốc gia

(Tạp chí Người làm báo)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải