song
Bùi Văn Đốc - người thương binh đem "mật ngọt" cho đời
Ngày xuất bản: 10/08/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 16977

Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Bảo do thương binh Bùi Văn Đốc cùng các cựu chiến binh (CCB) thành lập đã thu hút 25 hộ CCB và hội viên nông dân tham gia nuôi ong lấy mật với số lượng gần 1.000 đàn ong cho sản lượng mật khai thác bình quân khoảng 6.000 lít/năm.

Thương binh Bùi Văn Đốc (thứ hai bên phải) giới thiệu sản phẩm mật ong với lãnh đạo Hội CCB thành phố Yên Bái.
Thương binh Bùi Văn Đốc (thứ hai bên phải) giới thiệu sản phẩm mật ong với lãnh đạo Hội CCB thành phố Yên Bái.

Sau 2 năm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1981, khi phục viên đã mất đi 21% sức khỏe, thương binh hạng 4/4 Bùi Văn Đốc ở thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái vẫn không quản ngại gian khó bắt tay vào phát triển kinh tế từ chăn nuôi, cấy lúa, trồng chè… dần tạo dựng cuộc sống ổn định. Từ năm 1998, ông Đốc vừa làm kinh tế vừa tham gia vào công tác xã hội của thôn, xã. 

Từ khi xã Minh Bảo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhận thấy địa phương có lợi thế về hoa rừng thiên nhiên, thương binh Bùi Văn Đốc cùng những CCB vận động bà con trong thôn, xã phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ong lấy mật nâng cao thu nhập. Để mọi người học và làm theo, bản thân ông đã gương mẫu đi đầu tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc ong. 

Nhờ sự kiên trì, quyết tâm, đàn ong của ông sinh trưởng, phát triển tốt. Với việc duy trì thường xuyên 40 - 50 đàn ong, trung bình mỗi năm ông thu về khoảng 300 lít mật, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông có nguồn thu từ 40 - 50 triệu đồng. 

Năm 2018, sau khi bàn bạc cùng gia đình và trao đổi với một số CCB trong xã, ông Đốc quyết định tham gia xây dựng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Minh Bảo để có điều kiện thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật cơ bản về nuôi ong như: cho ăn, phòng bệnh, cách chia đàn, nhận biết ong chúa, thu hoạch mật ong và chế biến tạo các sản phẩm từ mật ong... 

Đồng thời, các thành viên HTX cũng như các hộ chăn nuôi cam kết nuôi ong đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngay sau thành lập, HTX Nông nghiệp Minh Bảo đã được Liên minh HTX tỉnh Yên Bái chứng nhận là thành viên Liên minh HTX Việt Nam tỉnh Yên Bái.

Thương binh Bùi Văn Đốc chia sẻ: "Nghề nuôi ong lấy mật sẽ tận dụng những điều kiện thuận lợi từ hệ sinh thái thực vật phong phú cũng như tiềm năng, lợi thế về rừng tại địa phương. Nghề này không đòi hỏi nhiều nhân lực, đầu tư không cao mà lại cho nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, ong là loài vật nuôi có thế mạnh, nhưng cũng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe. Nuôi ong phải tuân theo đúng quy định kỹ thuật như: địa điểm nuôi ong phải ở nơi có không gian rộng rãi, trong sạch, không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, hóa chất độc hại. Thùng ong phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, bảo đảm vệ sinh…”. 

Từng bước mở rộng quy mô, từ một vài hộ nuôi ong, đến nay, HTX Nông nghiệp Minh Bảo đã thu hút 25 hộ CCB và hội viên nông dân trong xã tham gia nuôi ong lấy mật với số lượng gần 1.000 đàn ong đang cho khai thác mật, với sản lượng mật bình quân khoảng 6.000 lít/năm. Sản phẩm mật ong của HTX được thực hiện theo quy trình sản xuất, đóng chai dán nhãn và được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đánh giá cao. 

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và để sản xuất sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thực hiện theo Chương trình OCOP quốc gia, hiện tại, HTX đã làm hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm mật ong đa hoa tự nhiên đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao để đánh giá và xếp hạng sản phẩm của tỉnh phê duyệt. 

Với quan niệm còn sức khỏe còn lao động, nghị lực vươn lên phát triển kinh tế của thương binh Bùi Văn Đốc và các CCB đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong Phong trào thi đua "CCB gương mẫu” tại địa phương, đem mật ngọt cho đời, theo đúng nghĩa.

Vũ Đồng

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải