song
Ngộ nhận về quyền lực và áp lực kinh tế đang đẩy báo chí đi sai hướng…
Ngày xuất bản: 23/11/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 3541

 Việc các nhà báo, phóng viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo để dọa dẫm, sách nhiễu cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để trục lợi là có thật và đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn…

Tại Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam vừa qua đã có nhiều ý kiến chia sẻ của lãnh đạo các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề: Một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc cũng như kiến nghị một số giải pháp để khắc phục tồn tại này.

Ngày càng nhiều những con số đau lòng…

Theo thống kê mới nhất của Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam, đến nay đã có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm. Trong đó, 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ thu hồi thẻ hội viên. Trong đó, nhà báo, phóng viên thường có vi phạm về cưỡng đoạt tài sản. Các chuyên gia nhận định đó là những con số đau lòng, song, con số này cũng chưa phản ánh hết những “góc khuất” trong hoạt động báo chí hiện nay.

 

Đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, làm chủ công nghệ, tuy nhiên bên cạnh đó, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập.

Nhắc đến thực trạng khó khăn của các cơ quan trong thời điểm hiện tại, nhà báo Tạ Bích Loan – Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí VTV3 cho biết, các cơ quan báo chí đang phải oằn mình chống chọi với các nền tảng mạng xã hội cũng như những nền tảng số khác, kéo đến 70 - 80% doanh thu báo chí bị mất đi. Báo chí trong nước đang phải cố gắng chia nhau thị phần ít ỏi còn lại. “VTV năm nay mất 30% quảng cáo - một con số rất lớn” - nhà báo Tạ Bích Loan thông tin.

Thực tế cho thấy, chi đầu tư phát triển báo chí chỉ chiếm dưới 0,3% tổng chi đầu tư ngân sách nhà nước. Nhiều cơ quan chủ quản thậm chí không những không giúp gì về nguồn lực tài chính để hoạt động, ngược lại còn áp đặt cơ quan báo chí phải có một số khoản đóng góp để bổ sung chi hoạt động của cơ quan chủ quản. Câu chuyện về kinh tế với đầy rẫy những áp lực được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những sai phạm của báo chí trong thời gian qua.

Theo nhà báo Tạ Bích Loan, thống kê cho thấy đại đa số sai phạm nằm ở các tạp chí. Tạp chí nào có chữ “doanh nghiệp”, “môi trường”, “pháp luật”, “xây dựng” thường xảy ra nhiều sai phạm. Và đến khi xử lý, thì ở đơn vị nào cũng có cùng một văn bản nói rằng phóng viên hay cộng tác viên đó đã được cho nghỉ việc - như là một công thức văn bản chung hay như 1 tấm “bùa” hoá phép khi các cơ quan chức năng yêu cầu báo cáo sai phạm.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhận định, hiện nay, do cơ chế tự chủ nên không ít các tòa soạn giao khoán định mức kinh tế truyền thông cho các phóng viên đã dẫn đến áp lực về việc làm, thu nhập khiến người cầm bút dễ sa ngã, đôi khi phóng viên đặt mục tiêu có hợp đồng kinh tế hơn là chú trọng đến chất lượng bài viết. Một hiện tượng phát sinh từ việc lợi dụng cơ chế tự chủ là tình trạng phóng viên các tạp chí điện tử chuyên ngành “xé rào” đi viết bài chống tiêu cực hoặc PR cho doanh nghiệp nhưng thực chất là để dọa dẫm vòi tiền, đòi quảng cáo hoặc hợp đồng truyền thông để hưởng lợi cá nhân hoặc nộp lại cho đơn vị dưới danh nghĩa “nuôi sống tòa soạn”. Hiện tượng này gọi là “báo hóa tạp chí” gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín các nhà báo chân chính, làm xã hội hiểu sai lệch vai trò của báo chí. 

Báo chí có đang ngộ nhận về quyền lực?

Lâu nay, một số nước phương Tây từng quan niệm báo chí là “quyền lực thứ tư”, sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhiều nhà báo, phóng viên Việt Nam cũng tin vào quan niệm này, họ nhầm tưởng rằng báo chí hoặc bản thân họ trong vai trò người làm báo đang có quyền lực thực sự. Từ đó, họ khệnh khạng, hành xử vượt quá các chuẩn mực về đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, thậm chí vi phạm pháp luật.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà báo Trần Mạnh Quyết - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư cho biết, dựa trên thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, tất cả nhà báo, phóng viên đều rất hiểu về Luật Báo chí, rất hiểu về Quy trình tác nghiệp báo chí, tuy nhiên có thực hiện đúng hay không lại là câu chuyện khác.

Có rất nhiều câu chuyện hành hung hay cản trở tác nghiệp báo chí, có ý kiến về phóng viên chuyển về Ban Biên tập của tờ báo hay chuyển đến Ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam.

Đầu tiên chúng ta phải đặt câu hỏi liệu phóng viên của mình làm đã đúng hay chưa? Và thông thường phóng viên sẽ trả lời là làm đúng quy trình, cho đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc rất mạnh mẽ, đến mức cơ quan điều tra “ra tay” thì nhiều câu chuyện lỗi lại nằm ở phóng viên” - nhà báo Trần Mạnh Quyết cho hay.

Theo nhà báo Trần Mạnh Quyết, khi chúng ta bảo vệ quyền lợi phóng viên, hội viên thì những phóng viên, hội viên đó đã trung thực cho chúng ta biết sự việc chưa? Đôi khi những người làm báo ngộ nhận rằng, những điều khoản trong Luật Báo chí cho ta những quyền hạn rất lớn, vô hình trung khi đến làm việc với Nhân dân, với các đơn vị, với doanh nghiệp đã đưa ra nhiều yêu cầu vượt ngoài khả năng, vượt ngoài quy định được cung cấp, với thái độ hống hách gây ra bức xúc và mẫu thuẫn từ đó mà phát sinh…

 

Nhà báo Trần Mạnh Quyết - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư nhìn nhận, một bộ phận người làm báo đang ngộ nhận về quyền lực của mình.

Câu chuyện một bộ phận phóng viên đang bị ngộ nhận về quyền lực của cơ quan báo chí của mình, của chính bản thân mình đã gây ra nhiều vi phạm đáng buồn. Còn nếu phóng viên thực hiện đúng quy trình tôi tin chắc rằng sẽ không có vấn đề gì xảy ra” - ông Quyết nhấn mạnh.

Có thể nói, công tác đấu tranh với nhận thức sai lệch cần được triển khai mạnh mẽ để khẳng định rằng, báo chí Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng nhưng không bao giờ được cho đó là quyền lực để gây nên những hành vi sai trái. Và, dù nó có quyền thì quyền ấy chính là quyền “phò chính, trừ tà”, như đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh: “Những người làm báo phải có trách nhiệm góp phần xây dựng một nền báo chí xanh, lành mạnh tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với nền Báo chí Cách mạng. Cần xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam luôn giữ “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải