song
Độc đáo tục cầu mưa của người Khơ Mú
Ngày xuất bản: 02/07/2021 3:20:04 SA
Lượt đọc: 16524

 Tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn - nơi cộng đồng người Khơ Mú tập trung khá đông, tục cầu mưa được tổ chức lồng ghép với lễ hội cầu mùa vào dịp sau tết Nguyên đán - thời điểm trước khi bước vào một mùa canh tác mới.

 

Nghi lễ cúng cầu mưa của người Khơ Mú nằm trong khuôn khổ Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam". (Ảnh minh họa)

 

Người Thái từ xa xưa có câu: "Thái ăn theo nước, Xá ăn theo lửa”. Nghĩa là, người Thái sinh sống dựa vào nguồn nước, còn người Xá, tức người Khơ Mú sinh sống dựa vào đốt nương làm rẫy, do đặc thù địa bàn cư trú của họ chủ yếu ở vùng đồi núi cao.

Chính vì đặc thù địa hình cư trú cũng như hình thái kinh tế dựa vào nương rẫy, nên với người Khơ Mú, mỗi một năm mưa thuận luôn là điều kiện tiên quyết quyết định đến cuộc sống của họ no đủ hay đói kém. Bởi vậy, nghi thức cầu mưa từ xa xưa đã trở thành nét sinh hoạt tâm linh vô cùng quan trọng đối với người Khơ Mú. 

Tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn - nơi cộng đồng người Khơ Mú tập trung khá đông, tục cầu mưa được tổ chức lồng ghép với lễ hội cầu mùa vào dịp sau tết Nguyên đán - thời điểm trước khi bước vào một mùa canh tác mới. Lễ hội cầu mùa gồm phần lễ và phần hội; trong đó phần lễ tập trung vào nghi lễ rước mẹ lúa (thần ngũ cốc); dâng các lễ vật tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần núi, thần mưa và mẹ lúa đã phù hộ cho dân làng một mùa màng no đủ, cầu mong bước sang năm mới đấng linh thiêng lại phù trợ cho dân làng mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Sau các nghi lễ cúng tế, thầy cúng, trưởng bản tổ chức một đội diễn xướng gồm các nam thanh nữ tú biểu diễn cảnh chọc lỗ tra hạt. 

Người Thái từ xa xưa có câu: "Thái ăn theo nước, Xá ăn theo lửa”. Nghĩa là, người Thái sinh sống dựa vào nguồn nước, còn người Xá, tức người Khơ Mú sinh sống dựa vào đốt nương làm rẫy, do đặc thù địa bàn cư trú của họ chủ yếu ở vùng đồi núi cao.

Thầy mo mang theo ống nước vẩy ra bốn hướng tượng trưng cho nước mưa rơi xuống làm cho lúa, ngô, hoa màu tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Cùng với màn biểu diễn chọc lỗ tra hạt là màn biểu diễn nghi thức cầu mưa chủ yếu do đàn ông diễn xướng. 

Đạo cụ biểu diễn gồm hình nộm con rồng, con thuồng luồng, mặt nạ và búa cho người đóng vai thần sét, nỏ, giáo mác của người trong vai thợ săn, dao rựa của người làm nương. Bà con Khơ Mú giải thích: hình tượng con rồng tượng trưng cho thế lực quyết định mưa nhiều hay ít; thần sét là thế lực gây ra sấm chớp; thuồng luồng có vai trò tạo mưa.

Trong khi múa, tùy đặc thù từng đối tượng mà người múa thể hiện các động tác tương ứng. Chẳng hạn, hình nộm con rồng thì lướt bay ở tầng cao; thần sét thì vung búa dũng mãnh, uy lực; thuồng luồng vần vũ tạo mưa; người đi săn ngó nghiêng tìm thú; dân bản chặt cây, phát rừng, chọc lỗ tra hạt… 

Ý nghĩa của màn diễn xướng này thể hiện nguyện vọng của con người mong muốn được hòa quyện với thế giới tự nhiên, siêu nhiên để có được cuộc sống tốt đẹp nhất. 

Không chỉ diễn xướng trong nghi lễ cầu mùa, diễn xướng cầu mưa còn được biểu diễn trong ngày tết với ý nghĩa tạo bầu không khí làng bản tươi vui, náo nhiệt, nhắc nhở mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa về tục này và nêu cao ý thức gìn giữ. Ngoài ra, người Khơ Mú còn có những tục cầu mưa khác rất độc đáo. Ví như gặp năm ít mưa, đe dọa mùa màng, người Khơ Mú họp nhau lại rồi lấy mo cau kết hình thuồng luồng rồi cả bản kéo nhau khiêng hình nộm ra suối cắm xuống nước. 

Sau đó, bà con lấy hạt cây mát - loại hạt có độc đem dã nhuyễn đổ xuống suối để ruốc cá đem lên bờ nướng ăn và cùng nhau vui đùa. Theo quan niệm dân gian của người Khơ Mú, cá chính là "gà” của thuồng luồng. Do vậy, việc bắt "gà” lên ăn sẽ khiến thuồng luồng nổi giận và gây mưa trừng phạt. Nếu làm cách này mà trời vẫn nắng hạn, bà con sẽ làm một cách chọc tức trời bằng những việc làm trái ngược "đạo trời”, trái với quy luật tự nhiên. Chẳng hạn, con cua rất kỵ với rau dớn, nên khi lấy cây rau dớn nút vào hang cua sẽ khiến cua bị chết. 

Việc nấu nướng phải có xoong nồi, nhưng người Khơ Mú lại lấy cây đóng cọc làm kiềng, lấy mai cua ngửa lên làm nồi rồi bẻ rau dớn bỏ vào để nấu. Hoặc lấy bẹ chuối để làm máng nước lần cũng là trái với quy luật tự nhiên. Bởi lẽ, cây chuối làm ra nguồn nước; trong khi đó, người dân lại lấy nước để làm máng nước…

Những cách làm trái ngược "đạo trời” và quy luật tự nhiên như thế sẽ khiến trời nổi giận lôi đình gây ra sấm chớp, mưa bão để trừng phạt. Để tiến hành nghi thức này, dân bản chỉ lựa chọn những người đàn ông khỏe mạnh để thực hiện. Bà con cho rằng, khi con người làm những việc trái ngược này, ông trời trông thấy sẽ giáng sét xuống ngay tại chỗ đó để trừng trị. Vì thế, những người đàn ông khỏe mạnh trước hết phải bạo gan, hơn nữa phải làm những việc trái ngược ấy một cách chóng vánh rồi bỏ chạy thật nhanh để tránh sét đánh trúng.

Không biết những cách cầu mưa như trên hiệu nghiệm đến đâu, nhưng qua những cách làm này cho thấy, quan niệm, ước vọng về một cuộc sống no đủ của người Khơ Mú cổ xưa rất hồn nhiên, mộc mạc.

 Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải