song
Báo chí - Doanh nghiệp: Tạo “xung lực mới” trong đồng hành, hợp tác…
Ngày xuất bản: 03/10/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 764

 “Báo chí và doanh nghiệp đã phối hợp, hỗ trợ nhau từ lâu và đến nay cần được nâng lên cấp độ mới; chưa bao giờ cần thiết như bây giờ. Trong đó, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cần duy trì, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần cởi mở, minh bạch, tích cực” – ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Hợp tác 4 bên - bệ đỡ kịp thời, lan tỏa

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đặt ra vấn đề “nâng lên cấp độ mới” trong bối cảnh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW với nhiều nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đặc biệt, trong Nghị quyết 41 cũng có nêu vấn đề “Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam”. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò quan trọng của báo chí trong phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước.

Vẫn nhớ, ngày 25/7/2023, Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… có thể coi là một dấu mốc quan trọng, là sự cam kết đồng hành của Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ làm báo, đồng thời cũng là cơ sở để các nội dung của chương trình hợp tác được triển khai thành công, đạt được các mục tiêu đề ra.

Với sự chung tay, góp sức của 4 cơ quan, Chương trình phối hợp công tác với những “cam kết” cụ thể, hữu ích đã tạo điều kiện và xung lực mới cho sự đồng hành, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và giới báo chí - truyền thông, hướng đến cùng thành công và cùng đóng góp thực hiện mục tiêu lớn: đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc.

 

Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 25/7/2023.

Các nội dung trong chương trình phối hợp giữa 4 cơ quan trên đều hướng đến tạo nên mối quan hệ khăng khít, tin cậy giữa báo chí và doanh nghiệp, trong đó có cam kết khảo sát, đánh giá môi trường truyền thông báo chí thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; Truyền thông lan tỏa tinh thần và văn hoá kinh doanh từ các gương “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”; Hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số; bồi dưỡng đào tạo kiến thức kinh tế cho lãnh đạo cơ quan báo chí và các phóng viên, biên tập viên; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp, doanh nhân về quan hệ báo chí; Thiết lập cơ chế phối hợp giữa 4 cơ quan để tiếp nhận và xử lý các quan hệ báo chí, truyền thông và doanh nghiệp, tạo lập môi trường truyền thông báo chí lành mạnh, công bằng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Các hoạt động phù hợp khác theo sáng kiến, đề xuất và sự đồng thuận của các bên…

Trên thực tế, trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI, các cơ quan báo chí và đơn vị liên quan đã tổ chức các Diễn đàn báo chí đồng hành với Doanh nghiệp như Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững 2024”, diễn đàn “Báo chí kiến tạo – Nâng cao công tác truyền thông cho đơn vị, doanh nghiệp”.

Đặc biệt, tại Hội Báo Toàn quốc 2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã dành một phiên đặc biệt với chủ đề “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo”. Lần đầu tiên đại diện báo chí, doanh nghiệp và các công ty quảng cáo ngồi lại với nhau để bàn luận về khả năng hợp tác thúc đẩy quảng bá thương hiệu và hỗ trợ báo chí…

Và cũng là lần đầu tiên, Hội Báo Toàn quốc 2024 có chủ trương triển khai trưng bày các sản phẩm OCOP, với gần 70 gian hàng của nhiều tỉnh, thành phố… Bên cạnh các gian trưng bày các ấn phẩm báo chí tại Hội Báo Toàn quốc, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố đều phối hợp với các sở, ngành tại địa phương tham gia gian trưng bày và bán các sản phẩm OCOP.

Đây là hoạt động mới tại Hội Báo Toàn quốc 2024, nhưng nhận được sự quan tâm từ các địa phương trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền và thu hút đông đảo công chúng. Sự có mặt số lượng lớn gian hàng sản phẩm OCOP đã khẳng định sức hút và vai trò của truyền thông, báo chí trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, cũng như một minh chứng mạnh mẽ trong sự đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp…

Cho niềm tin bền chặt và phát triển bền vững

Tiếp tục hành trình xây dựng niềm tin bền chặt và cùng phát triển bền vững, ông Lê Quốc Minh cho rằng: “Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan tỏa tới công chúng”.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết từ năm 2022, VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam đều đặt vấn đề đạo đức, văn hóa lên trên hết. “Chúng tôi kêu gọi thúc đẩy xây dựng văn hóa trong các cơ quan báo chí. Chúng tôi nhấn mạnh văn hóa chính là điểm tựa giúp chúng ta khác biệt và phát triển bền vững, từ gốc văn hóa chúng ta lấy làm nền để hoạt động kinh doanh và phát triển. VCCI và Hội Nhà báo đều có chung quan điểm về hợp tác, nhấn mạnh về vấn đề văn hóa” - ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Trong câu chuyện hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI cũng như giữa báo chí và doanh nghiệp, theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và đội ngũ nhà báo cần đồng hành trên năm phương diện chính: nâng cao nhận thức chính trị, thúc đẩy văn hóa kinh doanh và văn hóa báo chí, tuyên truyền chính sách, hợp tác nâng cao năng lực và đấu tranh với những sai trái trong kinh doanh để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng.

“Việc có những nguyên tắc thống nhất chung giúp cho việc nhận diện đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo ra sức mạnh mềm của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, tạo áp lực xã hội để hạn chế tiêu cực trong giới doanh nhân, ngăn chặn trước những vi phạm có thể xảy ra… Khi có một vấn đề liên quan đến phạm trù đạo đức thì người ta sẽ luôn phải cân nhắc giữa việc có làm hay không làm? Khi những hành vi bị cả xã hội, cả cộng đồng doanh nhân coi là vi phạm đạo đức thì đó là một rào cản rất lớn mà các doanh nhân cần phải tính toán, xem xét trước khi hành động…” - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, sự hợp tác giữa hai lực lượng này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, góp phần xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và văn minh. Một trong những vấn đề còn tồn tại hiện nay là, báo chí đang thiếu những bài chuyên sâu, bổ ích, có kiến thức mới, góc nhìn mới, mở ra hướng vận dụng, ứng dụng, giải pháp… Tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 do Hội Nhà báo Việt Nam giao cho Báo Nhà báo và Công luận tổ chức ngày 21/9 vừa qua tại Phan Thiết bàn về “báo chí giải pháp” đã “điểm huyệt” rất trúng câu chuyện này.

Ở góc độ phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Tầm nhìn của các cơ quan báo chí, năng lực của phóng viên viết về lĩnh vực kinh tế, doanh nhân, doanh nghiệp là rất quan trọng. Báo chí giải pháp được đặt ra, ở góc độ nào đó cũng chính là một cách nâng cấp giá trị bản thân và mối quan hệ với doanh nghiệp trong tình hình mới. Đặc biệt, Việt Nam đang hội nhập quốc tế nhanh chóng, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều bỡ ngỡ khi bắt nhịp với luật thương mại quốc tế rồi những rào cản kỹ thuật… Trong bối cảnh đó, báo chí đồng hành với doanh nghiệp Việt như thế nào?… chính là câu hỏi mà giới doanh nhân đã và đang đòi hỏi và chờ đợi từ báo chí trong hành trình tới.

Có thể nói, những chính sách, những hành động cụ thể đã và đang tạo nên “xung lực mới” cho sự đồng hành được “nâng cấp” trên thực tiễn, góp phần giúp mối quan hệ hợp tác tương hỗ, cộng sinh giữa báo chí và doanh nghiệp thêm bền chặt và niềm tin với nhau thêm sâu sắc hơn. Trong đó, những cam kết hợp tác 4 bên, đặc biệt là hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và VCCI sẽ tiếp tục là những “cam kết” thúc đẩy hơn nữa tinh thần “đồng cam, cộng khổ” giữa báo chí và doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải