song
Làm báo, viết văn – Cơ duyên, tình yêu và trách nhiệm
Ngày xuất bản: 06/02/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5369

 Nhà báo, nhà văn Nông Quang Khiêm, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái là cây bút không còn xa lạ với bạn đọc, anh đã có trong tay một vốn hành trang đầy đặn với các tập sách thuộc nhiều thể loại và những giải thưởng ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến với nghề.

 

Nhà báo, nhà văn Nông Quang Khiêm

Học Đại học Văn hóa, chuyên ngành Quản lý, cơ duyên thế nào lại về làm phóng viên rồi biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái, một công việc chẳng liên quan gì đến chuyên ngành đã học. Những ngày đầu vào nghề biết bao khó khăn, bỡ ngỡ. Thấy kiến thức mình bị hổng, không có gì hơn là phải tự học. Nông Quang Khiêm lao vào nghiên cứu tài liệu, cặm cụi tìm đọc các tác phẩm báo chí đoạt giải, các tập ký của thế hệ các nhà báo đi trước.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao giải B, Giải thưởng s áng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2023 do Ban Tuyên giao Trung ương tổ chức.

May mắn là trước khi viết báo Nông Quang Khiêm đã viết văn, làm thơ. Năm 13 tuổi anh bắt đầu làm thơ, 14 tuổi có thơ và truyện ngắn đăng trên Báo Yên Bái, từ đó anh trở thành cộng tác viên quen thuộc của Báo Yên Bái. Khoảng thời gian học đại học, may mắn được tham gia các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng viết văn, được gặp và trò chuyện với nhiều nhà văn nổi tiếng, tình yêu với những con chữ cứ lớn dần thêm. Thời gian này Nông Quang Khiêm sáng tác rất nhiều, anh đã xuất bản 2 tập truyện ngắn và 1 tập thơ dành cho thiếu nhi. Đặc biệt, tập truyện “Rừng Pha Mơ yêu dấu” đạt giải B giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2007.

Nông Quang Khiêm từng chia sẻ: “Tôi sinh ra ở miền núi, trong một bản nhỏ ven hồ Thác Bà thơ mộng, thấm đẫm không gian văn hóa Tày. Cuộc sống mới tràn về, cái bản nhỏ ấy đang cựa quậy theo nhịp sống hiện đại. Những con người, những mảnh đời, những thân phận nơi tôi sống, tôi chứng kiến chỉ cần kể lại thôi cũng thành một truyện ngắn rồi. Tôi đến với văn học tự nhiên và viết cũng tự nhiên như thế”.

Năm 2012, Nông Quang Khiêm trở thành phóng viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái. Cũng gọi là đã quen với viết lách, giờ thử sức với nhiều thể loại, đặc biệt là ký báo chí và phóng sự. Vậy nhưng những ngày đầu, háo hức được đặt chân đến nhiều nơi, khi về vẫn phải đánh vật với câu chữ để có một tác phẩm vừa ý. Đôi khi trằn trọc mãi vấn đề mình bắt gặp rồi nhận ra nghề báo không chỉ toàn màu hồng. Anh hiểu sự quan trọng của trải nghiệm, trí tuệ và sáng tạo, theo đó là một trái tim nhiệt huyết, biết rung cảm, cảm thông, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Cứ sau một chuyến đi, sau một bài viết Nông Quang Khiêm lại thấy mình trưởng thành hơn. Được lãnh đạo giao viết những bài thời sự nóng, quan trọng và hóc búa hơn.“Cuộc sống, văn hóa dân tộc miền núi luôn là đề tài vô tận để mình khai thác. Làm báo có quá nhiều điều thú vị và ranh giới giữa báo chí với văn chương cũng thật mỏng manh" Nông Quang Khiêm chia sẻ thêm.

 

Nhà báo, nhà văn Nông Quang Khiêm tích cực tham gia các hội thảo, tọa đàm, trại sáng tác để nâng cao nghiệp vụ

Và rồi trong Khiêm viết văn, làm báo luôn song hành, năng lực của văn chương giúp anh có lối viết linh hoạt, mềm mại, thanh thoát, tinh tế hơn, tạo nên sức hấp dẫn bạn đọc. Còn đối với văn chương, nghề báo giúp anh nhanh nhạy, xông xáo, dấn thân và năng động hơn trước hiện thực xã hội. Tham gia viết báo giúp anh có thêm cảm xúc, kiến thức, vốn sống, bổ sung hữu ích cho văn chương. Báo chí cho người đọc thấy những lát cắt, những mặt trái của xã hội, văn chương cho người đọc thấy những khuất lấp trong nội tâm. Hiện thực ngồn ngộn của báo chí sẽ là nguồn tư liệu quý giá xây nên văn chương.

27 năm gắn bó nghề viết, Nông Quang Khiêm đã xuất bản 9 tập sách (5 tập truyện ngắn, 3 tập thơ, 1 tập bút ký) và tập nào cũng đạt các giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương và của tỉnh, trong đó tập truyện ngắn “Tiếng hú trên đỉnh Pú Cải” nằm trong tủ sách “Văn học tuổi 20” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đã đạt ba lần giải B do Hội Văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái trao tặng (năm 2017), tập thơ song ngữ Việt – Tày “Cây cỏ và hoa” cũng đạt 2 Giải B giải thưởng Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 2021) và giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, giai đoạn 2021 – 2023. Cùng với nhiều giải thưởng khác, nhà báo, nhà văn dân tộc Tày Nông Quang Khiêm đã khẳng định được tên tuổi trong nền văn học đương đại.

 

Những tập sách đã được xuất bản của nhà báo, nhà văn Nông Quang Khiêm nhận được nhiều giải thưởng của Hội VHNT

Trong lĩnh vực báo chí, Nông Quang Khiêm cũng viết nhiều bút ký, phóng sự, nhạy cảm với thời cuộc, với đời sống thường ngày cùng lối viết giản dị, mộc mạc anh đã đi sâu khai thác những khía cạnh cuộc sống của con người vùng cao và nhiều tác phẩm đã đạt giải thưởng Giải báo chí tỉnh Yên Bái hàng năm. Với Khiêm làm báo là cơ duyên, nhưng trong hành trình đó có rất nhiều điểm tựa tạo động lực và sức mạnh để anh hoàn thành công việc của một nhà báo. Đó là từ những độc giả, khi nhận được phản hồi tích cực từ phía độc giả, đôi khi là một người không hề quen biết cảm ơn vì nhà báo đã nói hộ những suy nghĩ, trăn trở của họ hoặc khi cảm nhận được niềm tin họ đặt ở nơi mình trước mỗi bài viết… đều khiến anh có động lực, trách nhiệm hơn. Rồi gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, mỗi khi gặp khó khăn hay áp lực từ công việc, thấy những đồng nghiệp vẫn làm việc cần mẫn, những người thân trong gia đình chia sẻ công việc nhà để anh dành thời gian nhiều hơn cho viết báo, anh thấy mình không có lý do gì để không cố gắng, và mọi khó khăn đều vượt qua dễ dàng.

Trải qua một chặng đường sáng tác khá dài, với nhiều thể loại, Nông Quang Khiêm chứng tỏ được nội lực và sức bền của ngòi bút. Công việc chính của anh là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, kiêm Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban sáng tác trẻ Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (phụ trách mảng sáng tác trẻ dân tộc thiểu số của toàn quốc), anh vẫn say sưa viết truyện, viết thơ, đôi khi cả sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Dù phóng viên chỉ là kiêm thêm nhưng anh vẫn luôn dành thời gian đi cơ sở viết báo và tự hứa luôn chuyên tâm với nghề báo. Qua thời gian, tình yêu với nghề báo trong anh vẫn không hề vơi cạn.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải