Một người làm báo trẻ hỏi nhà báo Hoàng Thế Sinh: “Sao đi cơ sở thấy anh ghi chép rất ít mà viết ra nhiều thế”. Anh cười và bảo: “Tất cả ở trong cái đầu, phải biết nhìn, biết nghe, ghi và suy ngẫm”. Nói như thế đồng nghĩa với việc đi thực tế lấy tư liệu và xử lý nó để viết bài. Kinh nghiệm của anh là bài học quí để mỗi người làm báo chúng ta có thể vận dụng trong quá trình tác nghiệp.
Phóng viên Đài PT - TH Yên Bái tác nghiệp
Do đặc thù nghề nghiệp, nhà báo phải đi nhiều nơi, thâm nhập thực tế thu thập các tư liệu, nắm bắt các nguồn thông tin để làm nên sản phẩm báo chí. Phóng viên có lúc phải lặn lội lên tận các bản xa xôi trên núi cao, cùng ăn ở, cùng sống với đồng bào địa phương để có những cứ liệu sống động cho từng bài viết. Việc đi lại thật vất vả, nhiều khi phải đi bộ vài tiếng đồng hồ mới tới nơi mình cần đến. Cũng vì vậy phải tận dụng thời gian mà làm việc bởi không dễ quay lại lần sau. Nhớ một lần lên công tác tại xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu. Mấy tiếng đồng hồ leo bộ từ Đồng Lú (huyện Văn Chấn), lên tới nơi thì đã mệt nhoài. Đúng giấc trưa thế là vào bữa, chén chú chén anh chúc tụng, bung biêng đến chiều đành quay về với hành trang nguyên vẹn như lúc đến. Từ đấy cho tôi bài học dứt khoát phải xong việc mới vào cuộc vui dù cán bộ, đồng bào ở cơ sở rất thịnh tình. Trong thời gian làm báo tôi cũng nhận ra rằng để có nguồn tư liệu phong phú thì phải có sự kết hợp giữa nghe, nhìn và ghi chép.
Điều đầu tiên khi đến nơi nào đó cần gặp người có chức trách tại địa phương (huyện, xã hoặc thôn bản) để nắm được khái quát tình hình. Chính từ đó sẽ phát hiện ra những điều mới hoặc tồn tại cần giải quyết ở cơ sở. Tôi tin nhiều nhà báo đã thực hiện và một số bài viết của tôi hầu hết phát hiện đề tài theo cách này. Cũng trong chuyến lên Phình Hồ không thành công trở về, tình cờ tôi nghe anh Nguyễn Lâm Thao – Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu lúc bấy giờ nói về gương cá nhân sản xuất giỏi Thào A Tông. Thế là lập tức hôm sau tôi đi xã Pá Hu để gặp con người đó. Rồi bài ký chân dung “Người giỏi Pá Hu” được hình thành và ra mắt bạn đọc.Trong quá trình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến tiếp xúc cử tri tại xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, được nghe anh Giàng A Chu – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội kể về gương hiếu học của con em đồng bào Mông nơi đây.Tôi đã ghi nhận và đưa vào bài “Gập ghềnh Chế Tạo”, coi đây như một điểm nhấn để xã phát huy nội lực trong công cuộc xây dựng nông thôn miền núi. Khi vào huyện Văn Chấn, được Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hợp Đoàn trình bày Dự án “Phục tráng và phát triển vùng đặc sản nếp Tan lả Tú Lệ”. Như vớ được của, tôi xuống ngay Tú Lệ tìm hiểu và mới có thành quả “Về vùng đặc sản nếp Tan”. Đồng thời phải nghe chính những người trong cuộc nói về họ. Không nghe Thào A Tông thì làm sao biết được ngoài lao động sản xuất giỏi anh còn coi trọng học văn hóa, để các con đều là cán bộ Nhà nước và bản thân sau này trở thành Bí thư Đảng bộ xã. Câu chuyện của bà con người Thái xã Tú Lệ cung cấp cho tôi truyền thuyết về nếp Tan lả, về đặc điểm địa lý của vùng đất đã sinh ra hạt gạo quí cùng cách chế biến và thưởng thức “Khẩu hang”. Còn bao nhiêu vấn đề khác nữa, nghe là một kênh thông tin cần thiết đối với nhà báo.
Quan sát trực tiếp cũng là phương pháp đáng tin cậy để thu lượm thông tin. Nhờ quan sát trực tiếp chúng ta ghi nhận được những hình ảnh; thấy được những chuyện ở chính nơi mình đến và đó là chất liệu sống giúp miêu tả sinh động hiện thực bài báo phản ánh. Cũng chuyến đi viết về Thào A Tông, nhân lúc đợi chủ nhà có việc chưa về, tôi tranh thủ quan sát toàn bộ cơ ngơi của ông. Những gì thấy được đưa vào thành chất liệu của bài viết “Ngôi nhà gỗ lợp Phi brô xi măng có mái hiên bốn xung quanh rộng hơn trăm mét vuông. Đây là cơ ngơi thứ hai dựng năm 1995 sau khi Thào A Tông rời bản Tà Tàu trên núi cao xuống định cư tại Pá Hu.Trong nhà, ngoài mấy chiếc giường nằm còn thì là những bì ngô, lúa chất ngất ước chừng 3-4 tấn. Góc nhà dựng 2 chiếc xe đạp, một cái bàn trên xếp ngay ngắn chồng vở học sinh và chiếc máy thu hình màu nhãn hiệu DeWoo. Kiểu bài trí tuềnh toàng mà tôi gặp ở nhiều gia đình người Mông chứng tỏ chủ nhà rất bận. Đưa tay chỉ cánh rừng, nương lúa và những thửa ruộng bậc thang quanh nhà, A Lử bảo tất cả của Thào A Tông. Mùa này mưa nhiều, lúa đủ nước nên xanh tốt lắm. Gió dưới thung lũng thổi lên khiến thảm lúa uốn lượn như từng đợt sóng chạy thẳng lên trời”. Hay một người bạn phóng viên viết phóng sự về phá rừng phòng hộ đầu nguồn “Đi bộ theo khe Đồng Lú chừng con dao quăng là đến nơi. Một con đường khá rộng vừa được mở theo khe luồn sâu vào rừng. Bên rìa khe, những cây gỗ bị chặt hạ và đánh bật cả gốc rễ nằm ngổn ngang. Án ngữ giữa lối là chiếc máy ủi trông như con bọ cạp khổng lồ đang trong tư thế sẵn sàng ngoạm đất, ngoạm đá để tiến sâu vào rừng thêm nữa. Leo lên một quả đồi đã bị phát trắng, thảm trà dày, nhiều cây gỗ và vầu nằm ngổn ngang. Lưng chừng đồi, đống gỗ được những kẻ tận thu gom lại choán một khoảng lớn, nhiều cây đường kính cỡ vòng tay người lớn, lớp vỏ tươi bên ngoài sùi lên từng cục nhựa đỏ rợn như máu. Vút tầm mắt, diện tích rừng đã phát trắng vẫn tủa lên những ngọn măng ánh xanh, leo lắt. Không còn rừng cây mẹ ken đỡ làm chỗ dựa để phát triển mập mạp, chúng trở nên yếu ớt như những đứa trẻ sớm phải rời bầu vú mẹ”. Từng có một số chuyến đi viết với Hoàng Thế Sinh, tôi thấy anh cũng rất coi trọng việc cảm nhận bằng giác quan. Đến sông giới tuyến Hiền Lương liền chạy ngay xuống bến vốc một ngụm nước nếm thử và ồ lên “nước có vị mặn”, sao mà giống như nhà bác học Ác si mét phát hiện ra định luật mới; tại rừng đước Cà Mau không quản đất sình lầy cởi ngay giày tất lội xuống tìm cảm giác mát lạnh phù sa nơi tận cùng Đất Mũi. Rồi leo lên tận đỉnh Phan Si Păng, cuốc bộ hơn bốn chục cây số theo đoàn khảo sát mở đường vào xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải) để có “Xa vời Chế Tạo” với đoạn văn đầy trải nghiệm “Rồi bỗng anh bạn đi trước tôi bật cười ha ha. Tôi đến gần mới hiểu, té ra anh bạn không điều khiển được đôi chân của mình nữa, rõ ràng định nhấc chân qua bãi phân trâu trong hố bùn thì chân lại thọc đúng vào bãi phân trâu đó. Thế là tôi cũng bật cười theo anh bạn: ha ha ha…”. Vậy là quan sát trực tiếp giúp nhà báo hiểu hơn về sự kiện, một vấn đề hay một con người. Nhà báo giỏi là phải biết sử dụng mọi giác quan: nhìn, ngửi, nghe, sờ, thậm chí nếm và cảm nhận. Nhưng không phải tất cả các chi tiết quan sát thấy đều đưa hết vào bài viết mà phải biết lựa chọn. Bởi vì không phải tất cả mọi chi tiết mà mình quan sát thấy đều liên quan đến sự kiện.
Quá trình tường thuật, miêu tả sự kiện, hiện tượng nhà báo thường đan cài nhận xét, đánh giá nhưng tập trung vẫn là ở phần kết. Tùy từng vấn đề đặt ra trong bài viết mà chọn cách: Có thể nhận xét, đánh giá về vấn đề đã nêu hoặc đề xuất kinh nghiệm, giải pháp; có thể kêu gọi hay cung cấp thông tin bổ sung; thông thường hay gặp vẫn là nêu nguyện vọng, mong muốn, định hướng tương lai. Đọc bài báo “Xuân Long chuyển mình cùng Nông thôn mới” của nhà báo nữ Thanh Chi tôi rất thích cái kết gợi mở “Làn gió Nông thôn mới đã và đang đem đến cho Xuân Long khí thế mới, cuộc sống mới. Khắp các thôn xóm khoác lên mình màu áo mới, màu áo của sự ấm no, hạnh phúc. Những vùng chuyển đổi rợp màu xanh hoa trái, những con đường bê tông uốn lượn với những hàng hoa tỏa sắc rực rỡ; cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt... Tất cả minh chứng cho sức sống mới, bước chuyển mình đi lên của một vùng quê đang hòa nhịp chung cùng sự phát triển của tỉnh, của đất nước”. Trong làng báo Yên Bái, nhà báo lão thành Bội Đông rất giàu kinh nghiệm trong việc nêu chính kiến về các sự kiện, hiện tượng thể hiện qua các bút ký, tùy bút. Gần đây với tùy bút “Thời gian hát lên ngô vàng và nếp trắng” nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Yên Bái, ông viết: “Vâng! 30 năm, thời gian ủng hộ chúng ta. Thời gian nâng bước ta đi. Thời gian hát lên ngô vàng và nếp trắng”. Thơ Chế Lan Viên đã tạo trường liên tưởng để nhà báo cho ra đời tác phẩm báo chí ấn tượng. Mượn ý ông, bước vào năm mới những mong các nhà báo sẽ thâm nhập cuộc sống muôn màu, có nhiều tác phẩm xuất sắc để “hát lên ngô vàng và nếp trắng”.
Thế Quynh