song
Một chuyến đi không thành công
Ngày xuất bản: 13/09/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 15018

 Tôi không dùng từ thất bại mà dùng từ không thành công. Một chuyến đi không thành công với đúng nghĩa của nó. Chuyến đi đó của tôi rơi vào năm 1990 của thế kỷ trước, cũng đã trên 30 năm rồi. Khi đó tôi đã là cây viết thiên hạ bắt đầu kiêng nể. Ấy thế mà có một chuyến đi, chuyến đi duy nhất không thành công.

Tác nghiệp

Tôi và Phóng viên - Biên dịch viên - Phát thanh viên tiếng Mông Thào Seo Sình (sau này anh chuyển về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và giữ chức Phó Giám đốc cơ quan thường trú VOV Tây Bắc rồi nghỉ hưu), bàn nhau đi công tác đến xã Suối Giàng của huyện Văn Chấn. Bàn xong là phải hành động luôn. Tính tôi không thích để dành.Thế là tôi đề cập với Trưởng phòng biên tập Đinh Trọng An (nay ông đã trở thành người thiên cổ), nêu một vài ý tưởng nghe rất sáng. Ông đồng ý ngay. Sáng hôm sau hai anh em khăn gói quả mướp lên đường đi Suối Giàng. Ngày đó phương tiện giao thông công cộng đỡ căng hơn một chút so với mấy năm trước. Người nhà chở chúng tôi bằng xe đạp từ khu tập thể Đài ra bến xe khách Yên Bái khoảng 7 km mua vé lên xe là đi, không phải xếp hàng lằng nhằng so với trước. Đến huyện Văn Chấn, hai anh em vào chào Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Ngoan (Sau này ông còn làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái) và nói, buổi chiều chúng em đi Suối Giàng. Ông Ngoan cám ơn và nói lên Suối Giàng mùa này rất đẹp. Là chè xanh một màu rất đậm, rất lạ so với các nơi khác. Chúng tôi đi bộ từ huyện lên Suối Giàng mất chừng gần 03 giờ đồng hồ. Mặc dù đoạn đường chỉ khoảng 15 km. Lên đến nơi cũng vào tầm 4 giờ chiều. Hỏi thăm vào nhà Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giàng A Tếnh. Anh Tếnh cũng là người Mông. Mọi giao dịch trở nên chóng vánh bởi anh Thào Seo Sình phát toàn bộ bằng tiếng Mông. Sau khi đề cập chương trình làm việc, Chủ tịch Tếnh bảo để sáng mai làm. Chiều nghỉ ngơi một tý rồi ăn cơm, uống rượu đã. Trong khi chờ đợi bữa tối, tôi tranh thủ đi dạo một vòng ngắn và quan sát theo cách của riêng mình. Đến một cây to có mấy đứa trẻ buộc trâu bò ở đấy, tôi hỏi cây gì đấy các cháu. Chúng tranh nhau trả lời: cây chè, cây chè chú ạ. Trời. Lần đầu tiên tôi thấy một cây chè khổng lồ đến như vậy. Thân cây sù xì cổ kính không khác gì so với cây đa nghìn năm. Dễ có tới 4 người ôm không xuể. Tôi hỏi tiếp: Thế có còn cây nào to hơn thế này không. Chúng lại tranh nhau nói. Không còn. Cây này là to nhất rồi. Có một cây to hơn nhưng bị trâu bò húc chết mất rồi (chẳng là trâu bò buộc ngay dưới gốc cây chè). Khí hậu ở Suối Giàng thật là đặc biệt. Ngày có nắng nhưng đêm về rất lạnh. Cũng có lẽ do đặc thù khí hậu vùng mà chè trở nên lá dầy hơn, xanh hơn và cây cũng khùng khiềng hơn. Lúc ăn cơm tối, trong cuộc trò chuyện với Chủ nhà, đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giàng a Tếnh, mang chuyện cây chè đại thụ ra nói, anh Tếnh cho biết: theo các nhà khoa học, cây chè đó có tuổi thọ trên dưới nghìn năm rồi. Còn tuổi thọ một vài trăm năm của chè ở đây phải chạy dài vài ki lô mét, từ Giàng A đến Giàng B. Theo thông tin từ các nhà khoa học, đây là vùng chè hết sức đặc biệt, thân cây trông rất xù xì nhưng sức sống cực kỳ mãnh liệt. Chè cho thu hoạch bốn mùa. Cây xanh tốt quanh năm. Chất lượng chè thì khỏi phải nói. Chỉ có là hảo hạng thôi. Mai làm việc xong, mời các anh ta đi từ đây xuống Giàng B dạo thăm một tý. Một tý của anh có khác gì đi chỉ vài con dao quăng, cũng chỉ vài chục cây số thôi mà.

Đêm nằm với bao nhiêu viễn cảnh về Suối Giàng, về cây chè đặc biệt, về bà con các dân tộc nơi đây. Một Suối Giàng cứ dập dờn trong cả giấc ngủ của tôi. Nhưng sáng ra, mọi sự soay vần và điều bất khả kháng xảy ra. Trước cửa nhà anh Tếnh cắm một cành lá có một mũi tên. Nghĩa là mọi người không được vào nhà. Do đi nhiều nên tôi có biết phong tục này. Tôi gọi anh Sình dậy xem sự thể thế nào. Sau vài câu trao đổi, anh Tếnh cho biết, lúc 3 giờ sáng bà xã nhà em  sinh cháu bé. Thế mà ngủ say hai anh em chúng tôi không hề hay biết. Uống xong ly nước chè buổi sáng, chúng tôi chào Chủ tịch Tếnh và ra trụ sở xã, cũng ngay gần đấy chờ làm việc với Bí thư Đảng ủy xã. Theo thông tin của anh Tếnh, Bí thư Đảng ủy xã phải chiều mới đến làm việc. Nhà ông cũng ở tận Giàng B, cách trụ sở nơi làm việc 13 ki lô mét. Đành cứ phải chờ thôi. Nhưng rồi sự chờ đợi đâu phải lúc nào cũng cho kết quả tốt. Chiều muộn, một cán bộ cùng làng với Bí thư Đảng ủy Suối Giàng đến thông tin: Bí thư có việc gia đình hôm nay không đến. Thế là chúng tôi không chờ nữa, cùng nhau đi bộ về nhà khách của huyện Văn Chấn. Đồ mang theo nào có nhẹ, một máy ghi âm R6 do Đức sản xuất nặng khoảng 04 kg, cộng với 6 quả pin cối cũng từng ấy ký. Chưa kể còn túi đồ nữa chứ. Khi làm được việc, mấy thứ đồ đó có là gì. Nhưng đi công chuyện mà lại là công chuyện không thành công thì những đồ này quả thực là trĩu nặng trên vai. Nằm ở nhà khách mà hai anh em không nói với nhau câu nào. Sao mà chán đến thế.

 Lần đầu tiên trong đời, tôi có một chuyến đi không thành công.

                                                                                          Nguyễn An Chiến

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải