song
Nhớ anh Minh Đăng
Ngày xuất bản: 30/06/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 22716

Tôi non nớt ra đời vào năm 1927 ở phố Hội Bình, thị xã Yên Bái. Nhà nghèo cơm ăn không đủ no, áo quần không đủ mặc phải vá chằng vá đụp, nói gì đến học hành. Các chị tôi mới hơn 10 tuổi đã phải đi ở, đi làm thuê. Mẹ tôi thì già yếu vẫn một nắng hai sương làm thuê, gánh nước kiếm tiền nuôi con. Mới 6 tuổi tôi đã phải làm việc nhà như người lớn. Khi 10 tuổi tôi đã theo mẹ đi gánh nước thuê, đi làm phụ hồ, rồi vào rừng lấy củi, lấy nứa về bán. Vất vả quá mà tiền chẳng được là bao, thương tình một số người khuyên tôi nên đi tập làm máy khâu. Tôi đi học máy khâu mà suốt 3 năm trời chỉ gánh nước, lấy củi, rửa ấm chén, quét nhà quần quật suốt ngày, không được sờ đến máy khâu, không được cầm đến kim chỉ. Ngán ngẩm, tôi bỏ học máy khâu đi học cắt tóc. Ở tuổi 13 vào tuổi 14 hằng ngày tôi ra chợ Yên Bái vác bàn ghế, quét tước chỗ làm hàng cho các phó cắt tóc. Tối đến tôi lại vác tất cả bàn ghế đi gửi. Cứ thế, cặm cụi rồi bác Hai Trố động lòng dạy tôi học cắt tóc. Bác gọi con các nhà nghèo quen biết, không có tiền cắt tóc đến, bảo tôi dùng kéo, tông đơ cắt. Thật không may, việc học của tôi dang dở thì bác Hai Trố chết đột ngột do bị cảm. Tôi đành liều xin với hiệu cắt tóc Ngọc Dung làm thợ phụ. Tôi làm ở đó đến cuối năm thì thành thợ chính. Những ngày tháng làm việc ở hiệu cắt tóc Ngọc Dung tôi dần biết nhiều chuyện, biết người dân Yên Bái dù nghèo đói nhưng luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Tôi biết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái do ông Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Tôi biết về Hội Thanh niên đoàn. Tôi biết các anh chị tham gia Hội này. Đó là anh Phạm Lợi, Nguyễn Văn Vạc, Nguyễn Hữu Hiên, Đỗ Trọng Thị, Hoàng Huy Mộc, Mai Xuân Khôi, Đinh Phúc Sấn… đều là người ở thị xã. Các anh đã treo cờ đỏ búa liềm trên cây nhội trước cửa trường tiểu học Pháp – Việt ở phố Yên Thái. Các anh còn căng khẩu hiệu tại bức tường và cây gạo sau nhà viên Chánh xứ với dòng chữ lớn “Đả đảo thực dân Pháp bắt thanh niên Việt đi lính sang nước Xiêm”. Các anh đã gây ấn tượng mạnh, tăng thêm lòng yêu nước, thương nòi trong tôi.

Cùng với đó, nhờ Hội Truyền bá Quốc ngữ của thị xã, trong đó có anh Minh Đăng mà chúng tôi vẫn gọi là cậu giáo, tôi được học chữ vào buổi tối. Hội đã cấp giấy, cấp bút, mực suốt ba tháng hè năm 1942 ngay tại trường tiểu học Pháp – Việt ở phố Yên Lạc mà tôi biết đọc, biết viết, biết làm 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Tối tối, không còn học tôi cùng bạn bè rủ nhau ra sân căng tập võ. Nghe nói học võ để đánh Tây, chúng tôi liều lĩnh đi đánh Tây say rượu. Tối ấy anh Lượt, anh Tuyến đen rủ nhau đi. Anh Lượt biết nhiều tiếng Tây, ra đường gặp Tây đi lẻ anh chào hỏi, trò chuyện, còn chúng tôi thủ sẵn cái gậy, lừa lúc đường vắng là xông tới, phang vào khoeo chân Tây say, bị đánh nó kêu rống lên. Tốp lính đi tuần thấy vậy thì chạy tới, lôi nó về đồn.

Những việc làm ấy của chúng tôi nào ngờ anh Minh Đăng biết. Anh tên thật là Nguyễn Hữu Minh, con cụ Quế Hương, ở phố Yên Thái, người nhỏ nhắn thư sinh, đã tham gia lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Anh gặp tôi trò chuyện, giảng giải, phân tích: Đánh Tây là phải đánh vào lũ xâm lược cướp nước ta, không phải đánh thằng Tây say rượu. Phải đánh Tây như bên tỉnh Cao Bằng. Biết tôi là thợ cắt tóc trong hiệu Ngọc Dung, anh khuyên tôi: “Hằng ngày ở hiệu cắt tóc Ngọc Dung có nhiều lính Pháp đến cắt tóc, chú nên làm quen, trò chuyện, hỏi han về gia đình, vợ con, quê quán, làm thế nào để chúng nhớ nhà, nhớ quê hương, cả thu thập các chuyện của chúng, rồi nói lại với anh”. Từ đó tôi làm quen với một số lính khố đỏ, lính Pháp. Trong đó tôi khá thân thiết với anh Quang, anh Thành lính khố đỏ. Cuối năm 1944, hai anh này phải chuyển sang Cao Bằng. Khi đi, anh đưa cho tôi một vé sổ xố Đông Dương với giá mua 1 đồng, không đợi được ngày quay thưởng. Các anh bảo cứ cầm lấy vé này, khi quay may mà trúng thưởng thì cất dùng làm vốn. May sao ngày mở thưởng, vé trúng trị trá 10 đồng, một khoản tiền lớn tôi chưa hề mơ tới. Khi đến lĩnh, biết tôi chưa đủ tuổi 18, họ trả lời “không được phép lĩnh”. Tôi về, nhờ bác Ngọc Dung đi lĩnh hộ. Khi lĩnh, bác Ngọc Dung phải chi 1 đồng cho nhân viên kho bạc. Nhận 9 đồng tiền thưởng tôi dùng 1 đồng để liên hoan với gia đình bác Dung và các bạn thợ cắt tóc. Còn 8 đồng tôi nhờ bác Ngọc Dung mua hộ bộ đồ cắt tóc.

Tết năm Ất Dậu (1945), anh Minh Đăng đến nhà chúc tết, mừng tuổi tôi 1 đồng. Biết tôi đã vào tuổi 18, anh bảo thêm 5 hào nữa, mua lấy cái thẻ thuế thân để thuận lợi tới các làng xã xa. Anh còn hướng dẫn tôi đóng hòm cắt tóc có 2 ngăn. Ngăn trên để bộ đồ cắt tóc, còn ngăn dưới thì để tài liệu tuyên truyền của Việt Minh. Khi đóng hòm thợ mộc thấy lạ có hỏi thì bảo “ngăn dưới để cân muối đem bán, trốn thuế quan”. Làm theo lời anh, từ đó tôi đã là người của Việt Minh. Đến ngày 2 tháng 3 năm 1945, tôi được kết nạp vào Đoàn thanh niên Cứu quốc. Tổ chức này trong mặt trận Việt Minh của thị xã Yên Bái.

Đến 22 tháng 3 năm 1945. Nhật đảo chính Pháp ở thị xã Yên Bái. Ngay đêm đó chúng tôi vận động nhân dân phá kho thóc tại chợ Yên Bái. Nói là kho thóc nhưng thực ra đó là hai quán chợ, còn thóc là những bao tải đựng gạo đã sôi chín, làm khô, khi ăn chỉ đổ nước sôi vào là thành cơm. Ngay trong đêm chúng tôi đã lấy, phân tán hết cho dân, cả những cây nứa buộc làm rào bảo vệ cũng hết sạch.

Các việc làm của Việt Minh rất được lòng người, nhân dân tin phục, hăng hái tham gia, phong trào rất sôi nổi. Thời gian đó, phát xít Nhật cho tên tay sai Từ Kính thuê rạp chiếu bóng Tư Đoan để tên Sái Phỉ, nhà báo của Nhật từ Hà Nội lên thuyết trình, kêu gọi thanh niên vào các tổ chức phản động như Tân Việt phục quốc, Đại Việt quốc gia, Quốc dân Đảng, …. Tên Sái Phủ đang hênh hoang về cái gọi là chống Nhật, chống Pháp, chống chính phủ Trần Trọng Kim thì họa sĩ Đào Xuân Thịnh đứng dậy, hỏi to: “Còn Việt Minh nữa, sao không nói đến?”. Tên Sái Phỉ vội nói bừa: “Việt Minh cũng chống Nhật, chống Pháp… những người Nhật không chấp nhận tổ chức này”. Nghe vậy, anh Tiến Cảnh, là thanh niên cứu quốc đứng dậy, vạch mặt : “Cùng nói là chống Nhật, chống Pháp, chống chính phủ Trần Trọng Kim như nhau mà sao lại không chấp nhận?”. Thế là mọi người nhao nhao phản đối, vạch rõ mặt chuột, rồi ùn ùn bỏ ra về. Thất bại, cả lũ tay sai túm lại, nhiếc móc tên Sái Phỉ, cho là ngu dốt, vội vã làm hỏng việc.

Mấy hôm sau Ủy ban mặt trận Việt Minh họp, phân công anh Minh Đăng làm chủ nhiệm Việt Minh của thị xã Yên Bái. Anh Trí Dũng làm ủy viên thường trực. Anh Mai Văn Ty phụ trách phong trào công nhân và nhà ga Yên Bái. Anh Trần Phan (tức Trần Thủy) làm ủy viên theo dõi phong trào thanh niên và công chức, binh lính trong bảo an binh. Chị Thêm phụ trách phong trào phụ nữ và giới tiểu thương ở thị xã Yên Bái.

Lúc này lý trưởng phố Yên Hòa biết tôi hoạt động Việt Minh, đã báo cho hiến binh Nhật đến bắt. Các anh trong tổ chức Việt Minh phát hiện được đã giao cho tôi rủ thêm một số thanh niên khỏe mạnh, hăng hái thoát ly vào chiến khu Vần. Từ đó, tôi đã sống, chiến đấu trong lực lượng vũ trang của Việt Minh. Riêng anh Minh Đăng, là đảng viên đầu tiên của thị xã Yên Bái, cũng là người gần gũi, thân thiết đã bồi dưỡng, giúp tôi đi theo con đường cách mạng và trưởng thành, thì tôi nhớ ơn suốt đời.

Hồi ký: Trần Cao Đàm

(viết theo lời kể của ông Đặng Ngọc Chi)

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải