song
Ảnh hưởng của báo mạng điện tử trong hoạch định chính sách công ở Việt Nam hiện nay
Ngày xuất bản: 17/05/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 47974

 Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tích cực đến việc hoạch định chính sách công ở Việt Nam, trong đó có báo chí mạng điện tử. Báo mạng điện tử góp phần phát hiện vấn đề và xác định nhu cầu xã hội, tác động đến việc đưa vấn đề vào nghị trình, góp phần hình thành các chính sách, giúp công bố chính sách kịp thời, quảng bá rộng khắp và hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, bên cạnh thành công, thông tin trên báo mạng điện tử vẫn còn một vài hạn chế ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách. Tác giả gợi ý một số giải pháp nhằm hạn chế tiêu cực và phát huy tối đa ảnh hưởng tích cực của báo mạng điện tử trong quá trình hoạch định chính sách.

Chính sách công là quyết định của cơ quan quyền lực công để giải quyết những vấn đề do xã hội đặt ra trong một khoảng thời gian nhất định. Một chính sách công tốt sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của quốc gia phát triển. Tuy nhiên, để có một chính sách công hiệu lực và hiệu quả, chủ thể quyền lực công phải hoàn thiện tất cả các khâu trong chu trình chính sách công. Có nhiều nhân tố tác động đến chủ thể quyền lực công và quá trình hoạch định chính sách công như: năng lực của chủ thể hoạch định và những bên liên quan, cục diện chính trị trong nước, tình hình kinh tế, xã hội, dư luận xã hội, nguyện vọng của người dân, nguồn lực quốc gia, nhân tố quốc tế,... trong đó có báo mạng điện tử. Bài viết này sẽ làm rõ sự tác động và tầm ảnh hưởng của báo mạng điện tử đến hoạch định chính sách công tại Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế trong sự biến động to lớn của thời đại hiện nay.

Báo mạng điện tử là một loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức của một trang web, đươc phát hành trên mạng Internet. Trên thế giới, năm 1992 tờ báo mạng điện tử đầu tiên ra đời là Chicago Tribune. Ở Việt Nam, tờ báo điện đầu tiên là Tạp chí Quê Hương ra đời năm 1997, năm 1998 báo Nhân Dân phát hành trên mạng. Đến nay, Việt Nam có 90 báo và tạp chí điện tử, 215 trang điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.

Báo mạng điện tử có những điểm đặc thù như: khẳ năng cập nhập thông tin nhanh chóng và phong phú: thông tin của báo mạng điện tử hiện nay là sự hội tụ của cả báo giấy (text), báo tiếng (audio). (2) có khả năng tương tác nhiều chiều. (3) có sức chứa to lớn cả về không gian và thời gian - dung lượng của thông tin gần như không hạn chế. (4) đang thể hiện đóng vai trò to lớn trong xã hội, cụ thể: Báo mạng điện tử ra đời góp phần tạo ra bước ngoặt trong quá trình truyền tin và tiếp nhận thông tin đồng thời làm thay đổi cách làm báo. Bên cạnh đó, báo mạng điện tử cũng đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa nhà báo, công chúng và nguồn tin cũng như góp phần tăng hiệu quả xã hội của báo chí. Ở một số tờ báo điện  tử, bạn đọc đã trở thành những người góp phần xây dựng nên một phần chuyên mục trong tờ báo, tham gia vào quá trình tác nghiệp báo chí. Ví dụ: Báo tuổi trẻ onlien, chuyên mục Bạn đọc làm báo đã và đang thu hút một lượng lớn bạn đọc tham gia công tác. Ghi nhận những đóng góp quý báu của bạn đọc, bắt đầu từ năm 2011, báo Tuổi trẻ hàng tháng đã tiến hành trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi trẻ” dành cho các bạn đọc đã cung cấp thông tin (hoặc viết bài cộng tác) nhanh nhạy, thiết thực, hiệu quả xã hội cao.

Với những ưu thế, báo mạng điện tử đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị - xã hội, đặc biệt là quá trình hoạch định chính sách công của Việt Nam - 1 quốc gia được đánh giá là có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực. Theo công bố của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, hiện nay của nước ta có khoảng 34 triệu người sử dụng Internet, chiếm 36% dân số, đứng thứ 18/20 quốc gia  có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất thế giới.

Đầu tiên, báo mạng điện tử góp phần phát hiện vấn đề và xác định nhu cầu xã hội. Nhu cầu xã hội là những hiện tượng được xã hội quan tâm rộng rãi và cộng đồng yêu cầu chính quyền có giải pháp nhất định. Báo mạng điện tử góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách xác định rõ nhu cầu xã hội, bởi lẽ: (1) Do ưu thế onlien 24/7 - đưa tin bất kỳ lúc nào và không tốn kém nên báo mạng điện tử có thể cập nhận tin công khai, liên tục, nhanh chóng các hiện tượng theo độ nóng và gay gắt của nó, khiến người đọc quan tâm, thậm chí có hành động phản ứng cụ thể như viết bình luận trực tiếp, tham gia thăm dò ý kiến bạn đọc (kiểu answer sheet, yes/no question) của báo ngay phía dưới các bài báo. (2) Thông qua báo mạng điện tử các vấn đề nhanh chóng được đại chúng hóa với tốc độ cao. (3) Báo mạng góp phần xác định tính liên đới của vấn đề xã hội - quá trình kết hợp nhiều dẫn chứng liên đới có nguồn gốc từ một hành động giống nhau. (4) Báo mạng điện tử thúc đẩy và củng cố tính xác thực của nhu cầu chính sách thông qua việc liên tục đưa ra các bài xã luận hoặc phóng sự điều tra và cả những điều tra xã hội học trên mạng ngay sau bài báo.

Thêm vào đó, báo mạng điện tử tác động đến việc đưa vấn đề vào nghị trình. Nghị trình chính sách là danh mục tất cả các vấn đề xã hội mà chính quyền sẽ phải nghiên cứu để có giải pháp cụ thể trong thời gian xác định. Trong quá trình đưa tin về các nhu cầu, hiện tượng trong xã hội một cách liên tục, ồ ạt, cập nhật, báo mạng điện tử góp phần buộc các nhà lập pháp phải nghiên cứu, xác định vấn đề chính sách, đồng thời đưa vấn đề vào nghị trình để bàn thảo. Hơn nữa, báo mạng điện tử là một trong những chủ thể tham gia vào thiết kế nghị trình. Tuy không trực tiếp tham gia việc xây dựng nghị trình, nhưng với tư cách là phương tiện truyền thông đại chúng, báo mạng điện tử tác động đến người đứng đầu chính quyền ( chủ thể mạnh nhất), các chính khách, các viên chức đảm nhiệm xây đựng nghị trình, các chuyên gia theo dõi các chính sách cũ và tổ chức xã hội công dân, buộc họ phải có những tính toán nhất định trong việc sắp xếp nghị trình.

Ngoài ra, báo mạng điện tử tham gia và góp phần hình thành các giải pháp chính sách. Vấn đề xã hội có trở thành chính sách hay không phụ thuộc vào quá trình nghiên cứu để đề xuất các kịch bản giải pháp cho vấn đề có hợp lý và thuyết phục hay không. Kết quả của việc thảo luận các vấn đề đưa ra trong nghị trình chính sách sự nhất trí về việc cần thiết phải có các chương trình giải quyết các vấn đề chính sách. Trong quá trình này, báo mạng điện tử đã phần nào cung cấp dữ kiện cho bước nghiên cứu sơ bộ giải pháp như thông tin trực tiếp hoặc dựa trên cơ sở phân tích, đưa ra một vài gợi ý giải pháp giúp hình thành các giải pháp chính sách cho các nhà hoạch định chính sách (có những giải pháp mà bản thân nhà hoạch định chính sách không nghĩ ra), hoặc thông tin về quá trình thực hiện một chính sách của một vài nước nào đó để các nhà hoạch định học hỏi kinh nghiệm giải pháp, hay phân tích đánh giá việc thực hiện một chính sách trước đó để các nhà hoạch định rút kinh nghiệm. Qua các bài viết, các nhà hoạch định chính sách sẽ cân nhắc chọn giải pháp phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh trước khi chính thức ra chính sách. Bên cạnh đó, báo mạng điện tử còn góp phần thăm dò sự phản hồi: đồng tình, ủng hộ hay phản đối của đối tượng chính sách và những bên liên quan đối với các phương án chính sách.

Báo mạng điện tử còn là một trong những hình thức giúp công bố quyết định chính sách kịp thời, quảng bá rộng khắp và hữu hiệu nhất. Sau khi quyết định phương án chính sách, chủ thể quyền lực công phải công bố công khai toàn xã hội biết. Với đặc điểm của mình, rõ ràng báo mạng điện tử đã giúp cho các chủ thể quyền lực công trong việc công bố chính sách một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất. Báo mạng cũng giúp lưu thông toàn bộ các văn bản chính sách, giúp cho đối tượng chính sách và người quan tâm dễ dàng có được các văn bản chính sách (với các công cụ tìm kiếm trên mạng), giúp cho các nhà quản lý kiểm soát được nội dung chính sách và sự phản hồi chính sách từ phía bạn đọc. Trong quá trình công bố chính sách, báo mạng điện tử cũng góp phần định hướng dư luận đối với chính sách được công bố.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế làm cho báo mạng điện tử chưa thực sự phát huy hết lợi thế của mình để có ảnh hưởng tích cực đến quá trình hoạch định chính sách công:

Một là, báo mạng điện tử Việt Nam đôi khi còn đưa tin sai hoặc chưa đúng bản chất - thông tin đưa ra chưa chính xác. Điều này thể hện tính “ăn xổi ở thì”, sự thiếu chắc chắn, chưa khoa học, thiếu chuyên nghiệp của phóng viên và đội ngũ làm báo mạng điện tử. Cụ thể, có rất nhiều bài viết đưa tin làm dậy sóng dư luận xã hội, thông tin đưa ra lại thiếu chính xác làm cho người đọc mất lòng tin vào báo mạng. Ví dụ, câu chuyện liên quan đến việc “kẹo chứa” “bột đá” được một loạt các báo mạng lớn đăng, nếu đọc nội dung bài báo rõ ràng người đọc sẽ nhận ra rằng: kẹo mà có thể họ đã ăn được làm bằng bột đá tự nhiên mà là bột đá chuyên dụng và các nước trên thế giới đã cho phép sử dụng với hàm lượng nhất định. Hậu quả là những người làm kẹo bị điêu đứng còn người tiêu dùng được một phen lao đao và người đọc thì hoang mang.

Hai là, vấn đề quản lý tin và định hướng chính trị trên báo mạng điện tử còn chưa được chú trọng và chưa thực sự hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng tin tức của báo mạng có thể bị “biên tập” lại nếu bị hacker xâm nhập. Chẳng hạn, theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2014 có 7.300 trường hợp các cổng, trang thông tin điện tử tại Việt Nam bị tấn công, điển hình nhất là đợt tấn công vào hệ thống của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC-Corp) với hơn 800 máy chủ bị tấn công gây hậu quả nghiêm trọng gồm có: vtv, dantri,nguoilaodong, suckhoedoisong, vccorp,giadinh.net, cafef, cafebiz, kenh14, afamily, soha.vn, vneconnomy... Đặc biệt, hiện nay tại Việt Nam đã xuất hiện một số loại virus siêu đa hình, khi lây nhiễm, tự động biến đổi, tránh sự phát hiện của các phần mềm diệt virus. Qua công tác nắm tình hình an ninh, trật tự an toàn mạng Internet, các chuyên gia đã phát hiện một số phần mềm gián điệp quét, tìm và khai thác các lỗ hổng bảo mật. Các phần mềm này đều hoạt động ngầm trên máy tính, rất khó phát hiện, kiểm soát cũng như xử lý, khắc phục hậu quả. Điều này dễ dẫn đến những thông tin chính trị bị hack sẽ phản ánh sai lệch về lập trường và hậu quả về tư tưởng là rất lớn.

Ngoài ra, trước một khối lượng thông tin khổng lồ mang nhiều màu sắc chính trị khác nhau, nhiều khunh hướng khác nhau (do vấn đề quản lý và kiểm soát chưa chặt chẽ) trên các tờ báo mạng, người đọc bị rơi vào một mê hồn trận thông tin không biết thật giả ở đâu. Tính định hướng dư luận trên báo mạng điện tử gần như bị che khuất như vậy tính chính trị của chúng cũng bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến việc báo mạng điện tử sẽ dần mất đi sự ảnh hưởng, uy tín chính trị của mình trong quá trình hoạch định chính sách.

Ba là, ở Việt Nam hiện nay, báo mạng điện tử chỉ cung cấp thông tin mang tính “tiếp sức” cho các nhà hoạch định chính sách công. Bởi lẽ, hầu hết các bài báo, bài phóng sự hay xã luận chỉ đơn thuần cung cấp những con số của điều tra sơ lược, chưa phân tích kỹ về vấn đề chính sách công lên chưa tạo nguồn tư liệu đầy đủ và chính xác cho các nhà hoạch định chính sách công do chưa có những nhà báo có kiến thức chuyên sâu về chính sách công, phân tích chính sách công. Hơn nữa,các thông tin đưa ra cùng một vấn đề liên quan đến chính sách công lại không đa dạng hay có góc nhìn đa chiều mà hầu như sao chép của nhau.

Bốn là, đã xuất hiện hiện tượng “bắt tay hợp tác” giữa phóng viên với các công ty, tập đoàn, nhóm lợi ích trong việc đưa tin về các vấn đề vốn chưa bức xúc, chưa phải là vấn đề chính sách thành vấn đề chính sách hoặc gây nhiễu thông tin cho các nhà hoạch định chính sách qua ngòi bút của phóng viên nhằm PR, quảng bá cho các thương hiệu của các tập đoàn, công ty, nhóm lợi ích này gây hiểu lầm trong dư luận.

Năm là, sự hụt hơi trong việc cung cấp và phân tích thông tin chuyên nghiệp của các tờ báo mạng thuộc báo nghành. Có thể nói, hầu hết các tờ báo nghành gần như chưa thực cung cấp hay phản ánh những tin tức hữu ích về nghành của mình vì lý do phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nghành trực tiếp. Trong khi đó, lý thuyết, báo nghành là một trong những tờ báo quan trọng cung cấp thông tin được phân tích mang tính chuyên gia trong đặc thù nghành cho các nhà hoạch định chính sách một cách chính xác nhất.

Trên cơ sở phân tích những ảnh hưởng trên, nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, tăng cường ảnh hưởng tích cực đến quá trình hoạch định chính sách, chúng tôi xin đề xuất một giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần phải có một chính sách quản lý cũng như cơ chế hoạt động dành riêng cho báo mạng điện tử phù hợp với sự phát triển của đất nước cũng như xu thế của thế giới, với tiêu chí: quản lý chặt chẽ về tư tưởng chính trị, về chuyên môn và kỹ thuật (nghiêm phạt những báo có lỗi về tư tưởng, kỹ thuật và thông tin - tránh trường hợp đưa sai thông tin vì là báo mạng nên nếu có xóa bài thì các đường lick vẫn còn), cơ chế thông thoáng và rộng mở về hoạt động. Một thực tế là hiện nay ở Việt Nam có quá nhiều các trang báo mạng điện tử, các tòa soạn báo buộc phải cạnh tranh để tồn tại nên các phóng viên, ngoài làm chuyên môn, phải đi tìm kiếm quảng cáo cho báo mình (vốn không phải công việc của phóng viên), hiện tượng “giật tít câu wiew” để giữ “cần câu cơm” của mình là chuyện dễ hiểu. Vì vậy cần có cơ chế để các phóng viên chân chính làm và sống được bằng nghề của mình. Đây là một thách thức không nhỏ đối với một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam khi nghề báo trong nước chỉ mới bước vào giai đoạn chuyển đổi.

Thứ hai, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến đặc biệt là công nghệ thông minh và các loại thiết bị điện tử nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa báo mạng với người dân (tăng cường tỷ lệ dân đọc báo mạng điện tử). Thực tế cho thấy, đa số người Việt Nam có thói quen tìm thông tin trên công cụ tìm kiếm google... nên Việt Nam cần có phần mềm hỗ trợ phân loại báo mạng để đường link của các báo chí chính thống được hiện lên đầu tiên trong trang đầu của kết quả tìm kiếm. Có như vậy thì người dân mới có thể tiếp cận thông tin đáng tin cậy chuẩn xác cả về vấn đề chính sách, từ đó thông tin người dân cung cấp thông qua viết bình luận hoặc chuyên mục dành cho bạn đọc mới có giá trị tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách. Báo mạng điện tử vì thế sẽ là cầu nối chân thực giữa đa số dân chúng với nhà hoạch định chính sách. Đồng thời, Việt Nam cũng cần huy động nguồn lực để tạo ra những phần mềm bảo vệ tối đa nhằm hạn chế bị các hacker xâm nhập và phá hoại.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Một vấn đề khó khăn khá phổ biến là các phóng viên thường xuyên “nhảy việc” do có quá nhiều báo mạng điện tử hay do tính chất công việc vất vả. Từ đó, đội ngũ phóng viên không ổn định, trình độ đa dạng. Vì vậy, đào tạo đội ngũ phóng viên vừa hồng vừa chuyên (vừa có nghiệp vụ, chuyên môn vừa có đạo đức) là nhu cầu bức thiết. Việt Nam cần phải chuẩn hóa đội ngũ nhà báo đặc biệt cần đào tạo lại những phóng viên mới vào nghề, có những yêu cầu khắt khe khi cấp thẻ nhà báo, ví dụ như tiêu chí cần có ít nhất là trung cấp lý luận chính trị trở lên, có bằng đại học ngành báo chí ở những cơ sở đào tạo báo chí uy tín, có truyền thống và chuyên nghiệp...

Thứ tư, Việt Nam cần tạo cơ chế phối hợp giữa “ba nhà”: nhà khoa học, nhà báo, nhà hoạch định chính sách theo xu hướng tạo điều kiện cho nhà báo có cơ hội tiếp cận thông tin từ các nhà hoạch định chính sách công cũng như tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các nhà khoa học và hoạch định chính sách được thể hiện quan điểm của mình trên báo mạng. Hiện nay, Việt Nam đã có cơ chế phối hợp giữa nhà báo và nhà quản lý thể hiện trong quyết định số 77/2007/ QĐ -TTg của Thủ tướng chính phủ ra ngày 28 tháng 5 năm 2007 về ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế phối hợp giữa 3 “nhà” như đã đề cập. Cơ chế này không chỉ dựa trên giấy tờ mà còn phải dựa trên niềm tin giữa những bên liên quan.

Với tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội do đặc điểm vốn có của nó, cùng với xu thế phát triển chung của nhân loại trong kỷ nguyên thông tin, thời gian tới chắc chắn báo mạng điện tử sẽ phát triển hơn nữa về quy mô và phạm vi ảnh hưởng. Điều này cũng có nghĩa là những việc Viêt Nam cần làm là rất nhiều để có thể giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, phát huy tối đa ảnh hưởng tích cực của báo mạng điện tử trong quá trình hoạch định chính sách.

                                                                                         Nguyễn Vinh

Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải