Báo chí xác định sứ mệnh “phò chính, trừ tà”, là “vũ khí sắc bén” để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc
Nền báo chí cách mạng Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh sáng lập từ năm 1925 với sứ mệnh đặc biệt là “Phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”. Căn dặn những người làm báo tại Đại hội lần thứ III những người làm báo Việt Nam, Người đã nói: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Trong bức thư gửi trí thức, nhà báo Nam Bộ (năm 1947), Bác đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà mà anh em văn hóa, tri thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để giành lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. “Phò chính, trừ tà” là những từ ngắn gọn, xúc tích và hàm chứa nhiều ý nghĩa nhất về trách nhiệm của người làm báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết từ cả cuộc đời và sự nghiệp làm báo vĩ đại của Người. Làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ của cách mạng. Họ dùng ngòi bút làm vũ khí để bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải, chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội. Đồng hành, gắn bó với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Đảng, đất nước và dân tộc, gần trọn một thế kỷ, báo chí cách mạng Việt Nam trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén, là phương tiện tuyên truyền quan trọng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời cũng là công cụ hàng đầu để định hướng dư luận, củng cố tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên và xây dựng lòng tin bền vững của Nhân dân với Đảng.
Là “người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”, là lực lượng xung kích trong đấu tranh chính trị, bảo vệ thành quả cách mạng, người làm báo có nhiệm vụ quan trọng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù. Đất nước bước ra khỏi chiến tranh, trên hành trình 50 năm xây dựng và phát triển, báo chí tiếp tục đồng hành cùng cách mạng, mang trong mình sứ mệnh tuyên truyền công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, chế độ và Nhân dân, đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Trước bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng trở nên đa dạng với nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta thì nhiệm vụ chính trị của báo chí càng trở nên đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết.
Phát động Cuộc thi chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” tỉnh Yên Bái năm 2024..
Thực trạng đấu tranh và những đóng góp quan trọng trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sự nghiệp phát triển đất nước là minh chứng cho năng lực thực thi sứ mệnh của báo chí.
Là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; đồng thời cũng là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam kể từ khi được khai sinh cho đến nay đã trải qua 99 năm đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Những năm tháng chiến tranh, hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên đã sát cánh cùng quân dân cả nước, có mặt trên tất cả các trận tuyến để phản ánh kịp thời, tường tận diễn biến, ghi lại những tư liệu quý của các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Hòa bình lập lại, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, báo chí tiếp tục thực thi sứ mệnh cao cả của mình trong công tác tuyên truyền, giữ vững định hướng chính trị, trở thành cầu nối bền vững, quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; đồng thời mạnh mẽ đấu tranh với những quan điểm cũ kỹ, lạc hậu, những hành động cản trở chủ trương đổi mới; chống lại những thói hư, tật xấu, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong xã hội; chống lại các quan điểm sai trái, những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động.
Trải qua mỗi thời kỳ cách mạng, báo chí đều không ngừng nỗ lực hoàn thành trọng trách của mình, trở thành công cụ hàng đầu và là lực lượng xung kích trong đấu tranh chính trị, bảo vệ thành quả cách mạng. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt báo chí dưới sự lãnh đạo, quản lý, đồng thời coi trọng sự phát triển toàn diện của báo chí, coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng. Không phụ sự tin tưởng, ủy thác của Đảng, của cách mạng, gần một thế kỷ qua, báo chí luôn làm tròn sứ mệnh, thực hiện đúng chức năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến về tình hình phát triển, thành tựu của đất nước và thế giới; góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến… Cùng với việc nỗ lực đảm bảo tuyên truyền bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách và thành quả xây dựng, phát triển của Đảng và Nhà nước, báo chí cũng thẳng thắn lên án, đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch, giả mạo; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”. Điều này không chỉ đúng ở thời điểm 50 năm về trước mà đến nay hay cho đến sau này vẫn sẽ còn nguyên giá trị. Những năm qua, báo chí không chỉ góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế mà còn tạo ra được một khí thế sôi nổi, truyền cảm hứng và tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đây là điều đã được thực tế chứng minh rất rõ ràng, nhất là trong những sự kiện, hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước những năm gần đây. Có thể đơn cử như trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, giữa bối cảnh “hỗn loạn” thông tin khiến cho cộng đồng hoang mang, lo sợ, thậm chí những thông tin sai lệch, những tin đồn lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội đã khiến cho nhiều nơi rơi vào tình trạng rối ren, phức tạp thì chính báo chí đã góp phần xoa dịu, ổn định lại trật tự xã hội bằng việc truyền tải những thông tin chính xác, đáng tin cậy. Trong suốt thời gian dài, báo chí đã trở thành kênh truyền thông hữu hiệu đồng hành cùng Nhà nước và Nhân dân chiến đấu với dịch bệnh. Bên cạnh việc cập nhật kịp thời tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng chống và quy định pháp luật liên quan; tuyên truyền, thông tin, giải thích các khái niệm khoa học, diễn giải các số liệu và thông tin y tế một cách đơn giản và dễ hiểu cho công chúng; tạo ra các nội dung giáo dục, tuyên truyền và nhắc nhở về các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách xã hội và tuân thủ các quy định y tế nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh… thì báo chí cũng không ngừng nỗ lực trong việc ngăn chặn, đấu tranh với những thông tin sai lệch về dịch bệnh; phản ánh và lên án những thông tin sai, những tin đồn thất thiệt về vaccine; kịp thời thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng, góp phần hoàn thành chiến dịch tiêm chủng quốc gia, đưa đất nước nhanh chóng vượt qua đại dịch.
Hay ở một sự kiện khác là hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ mới diễn ra trong tháng 5 vừa qua. Như lời kêu gọi “Cả nước hướng về Điện Biên anh hùng” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, qua báo chí ta thấy rõ âm hưởng hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” một lần nữa được tái hiện trên đất nước Việt Nam trong suốt mấy tháng trước khi diễn ra lễ kỷ niệm. Không khí, khí thế hào hùng của dân tộc xuất hiện dày đặc trên tất cả các mặt báo, các trang thông tin điện tử, các trang fanpage và mạng xã hội. Thông qua những bài viết, những chương trình đặc biệt, những bài phỏng vấn nhân vật lịch sử, những phân tích, bình luận về ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ… báo chí đã tạo ra một thông điệp lớn về sự kiện, vừa phần nào giúp gợi nhắc thế hệ trước nhớ về quá khứ hào hùng, oanh liệt; vừa gửi đến thế hệ trẻ ý nghĩa, giá trị lịch sử mà cha ông ta đã tạo dựng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng; đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh đẹp của quê hương, đất nước đến bạn bè trên toàn thế giới.
Phát huy vai trò giám sát, phản biện của mình, những năm qua, cùng với việc tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì báo chí cũng đồng thời làm rõ những vấn đề đang còn băn khoăn liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước; kịp thời biểu dương, cổ vũ những mô hình, điển hình, kinh nghiệm, cách làm tốt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa, tạo sức lan tỏa, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước.
Trải qua 99 năm xây dựng và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam luôn không ngừng lớn mạnh, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước với chất lượng nội dung ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Đội ngũ nhà báo cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt những yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra. Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2023 cả nước có 868 cơ quan báo chí, tổng số lao động trong các cơ quan báo chí là 41.000 người (trong đó, có 20.508 người được cấp thẻ nhà báo). Trong đó có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực; 127 cơ quan báo, 671 tạp chí, có 72 đài phát thanh, truyền hình. Ngoài ra còn có 259 báo, tạp chí điện tử; 2000 trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động hiệu quả. Với đội ngũ người làm báo được đào tạo bài bản, tâm huyết với nghề, gắn bó mật thiết với nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng nên một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; trở thành công cụ, vũ khí sắc bén của Đảng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Những thách thức báo chí phải đối mặt trong quá trình thực thi sứ mệnh
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn còn có những tồn tại, hạn chế nhất định như: xu hướng thương mại hóa, đề cao giá trị vật chất, xa rời tôn chỉ, mục tiêu; thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng tư tưởng; giật tít, câu like, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhà báo… Thiết nghĩ đây là điều khó tránh khỏi, cũng là thách thức rất lớn cho các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cả quá trình thực thi nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, khi công nghệ số ngày càng phát triển thì hoạt động của các thế lực thù địch càng trở nên phức tạp. Chúng sử dụng rất nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nguy hiểm nhằm tác động đến các tầng lớp trong xã hội. Khó khăn lớn mà báo chí gặp phải khi đấu tranh với các thế lực thù địch là chúng không chỉ tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận những thành tựu to lớn của Đảng, Nhân dân ta đã đạt được mà còn tấn công, đả kích trực diện nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; lợi dụng, cường điệu hóa những hạn chế, khuyết điểm của Đảng và hệ thống chính trị trong lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng bôi nhọ lãnh tụ, xuyên tạc lý lịch, thân thế sự nghiệp các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để thông qua đối tượng này trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời lợi dụng các sự kiện chính trị- xã hội “nhạy cảm”, việc bắt, xử lý số cán bộ cao cấp về tội tham nhũng; việc lợi dụng tự do ngôn luận để định hướng dư luận dẫn đến hiểu nhầm, hiểu không đúng bản chất sự việc nhằm lôi kéo, kích động người dân…
Một trong những thách thức lớn khác mà báo chí có thể đã hoặc sẽ phải đối mặt chính là các thế lực thù địch bằng những thủ đoạn tinh vi tìm cách lợi dụng chính báo chí để chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta. Chúng có thể lợi dụng những khe hở trong thông tin của báo chí để thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo sự thật; khai thác lỗ hổng bảo mật ở các trang báo điện tử để chỉnh sửa nội dung, chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải thông tin giả mạo, xấu độc, văn hóa đồi trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc làm người đọc mơ hồ, mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng, đạo đức và lối sống, làm xáo trộn tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân…
Một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực đấu tranh của báo chí trong tình hình mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn những người làm báo rằng: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”. Người luôn nhắc nhở rằng, báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng, vì có đường lối chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc được. Bởi vậy, để phát huy tốt vai trò, đồng thời khắc phục những hạn chế của báo chí cách mạng trong việc thực hiện nhiệm vụ nói chung, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng trong giai đoạn hiện nay thì một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu đối với mỗi người làm báo, chính là phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động; nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí; quan tâm, tạo điều kiện về môi trường làm việc hiện đại, năng động, bảo đảm cho các hoạt động báo chí diễn ra thuận lợi trên tinh thần tôn trọng tự do, dân chủ, sáng tạo; đồng thời quan tâm định hướng tốt công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý, giám sát tốt thông tin, nhất là những thông tin trên mạng xã hội, internet.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của báo chí hiện nay. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ số, hiện nay, ta không thể phủ nhận sự hữu dụng của mạng xã hội khi không gian này đã tạo điều kiện cho mọi người dân trên địa cầu có thể làm báo. Mỗi khi có vụ việc, sự kiện nào đó xảy ra (ví dụ như những vụ cháy lớn xảy ra và gây thiệt hại nặng nề về người ở Hà Nội gần đây), chỉ sau vài giây, sự việc đó đã lập tức xuất hiện tràn lan trên không gian mạng với đầy đủ thông tin, hình ảnh, tiếng động chân thực. Bởi vậy, để cạnh tranh và tồn tại, báo chí truyền thống cần thiết phải quan tâm chú trọng xây dựng cho mình các sản phẩm báo chí hiện đại, đa phương tiện, có hình thức đẹp, bắt mắt để thu hút độc giả. Đồng thời tìm ra cho mình một hướng tiếp cận, khai thác thông tin hợp lý nhất để chiếm được sự quan tâm và niềm tin từ độc giả (Đây chính là lợi thế của báo chí truyền thống).
Khai thác tối đa thế mạnh của không gian mạng để phục vụ công tác tuyên truyền. Trong thời đại ngày nay, khó khăn nhất trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải trên không gian báo chí truyền thống, mà là trên không gian mạng. Bởi vậy, chúng ta xác định không gian mạng chính là trận địa chính của báo chí, cũng là mặt trận chính trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị cốt lõi của văn hóa của đất nước. Cách đây 10 năm, Tập Cận Bình đã nhận định rằng: “Internet là mặt trận chính, chiến trường chính, tuyến đầu trong đấu tranh ý thức hệ. Mạng Internet là trận địa chính của công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Chúng ta không chiếm lĩnh trận địa này, người khác sẽ chiếm. Chúng ta không đoàn kết những người dân trên Internet, người khác sẽ lôi kéo”. Hiện nay, nước ta có hơn 1000 mạng xã hội, xuyên biên giới; có 259 báo và tạp chí điện tử, gần 2.000 trang thông tin điện tử tổng hợp, chưa kể đến các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân. Cùng với các ứng dụng OTT xuyên biên giới thì đây là những nguồn cung cấp thông tin voo cùng lớn, cũng là không gian vô cùng lớn để mọi thành phần xã hội hoạt động trao đổi thông tin; tạo cơ hội lớn cho các thế lực thù địch, phản động hoành hành, bôi nhọ, chống phá cách mạng. Cho nên, báo chí cần đẩy mạnh ứng dụng và quản lý hiệu quả các kênh truyền thông xã hội để lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng
Báo chí cần có biện pháp thiết thực, tích cực hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn để công chúng nắm được cách nhận biết, phòng tránh; kỹ năng tránh bẫy tin giả và cách đối phó, xử lý tin giả cũng như phân tích rõ hậu quả, trách nhiệm của mỗi công dân trước tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Kết luận
Xưa, thơ của cụ Đồ Chiểu từng có câu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm - Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư…”. Trong bài thơ “Là thi sĩ”, Sóng Hồng(*)- người anh cả của báo chí cách mạng Việt Nam đã viết: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền”.. Sau này, tư chất của người làm báo cách mạng chân chính được nhà báo Hữu Thọ đúc kết từ chính cuộc đời và kinh nghiệm làm báo của mình bằng cụm từ “Mắt sáng- lòng trong- bút sắc”. Có thể thấy, cây bút- thứ vũ khí đắc dụng của nhà báo xưa nay luôn có sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ. Báo chí là vũ khí của cách mạng, người làm báo là chiến sĩ cách mạng. Khi nhà báo dùng ngòi bút với sức mạnh phi thường của mình để “phò chính- trừ tà”, bảo vệ cái tốt đẹp, bảo vệ chính nghĩa, đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, chính là lúc nhà báo đang thực thi vai trò của một chiến sĩ cách mạng, thực thi sứ mệnh cao cả của báo chí để bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã dày công tạo dựng.
Ngày nay, trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp và đa dạng, trước những thách thức to lớn của thời đại, báo chí nói chung, những người làm báo nói riêng vẫn luôn không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút- chuẩn bị thật tốt “vũ khí” của mình để sẵn sàng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa của đất nước, của dân tộc; góp phần đưa đất nước Việt Nam phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong mỏi.
Theo Văn học Nghệ thuật Yên Bái
CÁC TIN KHÁC