song
Đâu phải viết cho vui
Ngày xuất bản: 07/07/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 14130

 Đã là trang viết, dù là đăng báo, tạp chí, phát trên sóng phát thanh truyền hình hay đăng trên trang thông tin điện tử đều phải thể hiện được bản lĩnh của mình. Viết ra là để phục vụ xã hội, đặc biệt là những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Dù tác phẩm đó có phản biện xã hội hay không, trước hết phải nằm trong cái chung nhất … không thể nói theo câu cửa miệng là viết cho vui. Viết gì cũng phải có vấn đề. Đối với các cây viết càng phải có trách nhiệm với xã hội. Nghĩa là không thể viết cho vui. Dù chỉ là một chút khai bút đầu xuân hoặc bàn luận về thời cuộc,  các cây viết đều phãi nghĩ suy, cân đo mới ra được sản phẩm. Có là viết ngẫu hứng đi chăng nữa cũng không phải là viết cho vui.

Tác nghiệp

Có những người ngồi một chỗ, thiếu thực tế, không chịu tìm tòi nghiên cứu thì hay nói ẩu, hoặc viết bằng một tư duy áp đặt cá nhân. Cứ như là một thứ định hướng dư luận. Song không phải. Đó là một thứ cẩu thả, viết lấy được và cho mình là đúng, là chân lý. Như vậy là không được. Bởi vì bạn đọc đâu phải nói gì, viết gì người ta cũng nghe. Thực tế cuộc sống không cho phép những cây viết hời hợt, mang tính võ đoán.  Chính vì thế, nhiều tác phẩm ra đời, bạn đọc, bạn nghe đài, bạn xem truyền hình có phản ứng, làm cho tác giả cũng phải suy nghĩ lại. Viết về vùng trời phải tìm hiểu về vùng trời. Không hiểu biết không viết. Ví thử máy bay bay trên không, thậm chí trong đêm mà sao vẫn đúng luồng, đúng tuyến. Không tìm hiểu sao biết được chứ. Hay là viết về vùng biển đảo. Đâu giống như trong đất liền. Người lính biển phải là những người dạn dày với nắng, với gió. Khi biên chế vào lực lượng này cũng phải lựa chọn những người chịu được sóng to, gió lớn. Còn vừa ra khơi xa tý đã say mềm thì làm sao chinh chiến được. Viết về đảo càng phải chú ý hơn. Đó là nơi đầu sóng, ngọn gió. Vận tốc gió rất kinh khủng, sẵn sàng thổi bay bất cứ thứ gì. Đứng không cẩn thận còn bị ngã do gió quật. Ra đảo mới thấu hiểu cuộc sống của lính đảo và người dân trên đảo. Ngay cả việc treo cờ cũng rất khó khăn. Kéo được lá cờ Tổ quốc rộng 25 mét vuông lên cho tung bay phấp phới cũng phải chờ hôm nào gió yên biển lặng mới thực hiện được. Còn lúc sóng to gió lớn ai kéo nổi lá cờ lên.

Thiếu thực tế, lấy tư liệu lại không kiểm chứng càng tai hại. Tính cẩu thả đã để lại nhiều bài học đau sót từ những trang viết thiếu trách nhiệm gây ra những hậu quả lớn không đáng có. Vụ vải thiều năm 2017, một bài đăng vải thiều ở Bắc Giang được mùa rớt giá. Phóng viên nọ đưa tin lại không tìm hiểu kỹ gây những hiểu lầm không cần thiết. Chỉ một bài báo ngắn cũng làm chao đảo tình hình. Dân tình thì náo loạn mà chính quyền cũng lúng túng. Thực tế rớt giá lúc đó là quả tu hú. Khi vải chưa chín, những quả tu hú lên ngôi. Nhưng khi vải chín, tu hú rớt giá cũng là lẽ đương nhiên vì loại quả này rất chua. Thực tế thì loại quả này cũng không nhiều, vì nhân dân trồng rất ít. Trong khi thị trường ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác giá vải thiều đang ngất ngưởng lại có tin rớt giá. Khi hay tin vải thiều rớt giá, tư thương sẽ không mua với giá cao mà ép bằng được giá thấp làm tổn hại cho người trồng vải. Sau một hồi dân hoang mang, dao động, chính quyền vào cuộc trấn an tinh thần. Sau đó vải thiều lại trở lại đúng vị trí của nó, giá cả hợp lý cho cả người trồng và những thương lái.

Hay như viết về vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người mà không tìm hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, cứ áp đặt vào thì không bao giờ hiệu quả. Làm công tác dân vận cũng vậy, cứ thao thao bất tuyệt thì làm sao mà vào được với đồng bào. Tất cả đều phải học và chọn lọc mới mang lại hiệu quả. Đơn cử, cán bộ khuyến nông cứ nói giống mới năng suất cao hơn hẳn giống cũ. Đồng bào không quan tâm đến mới hay cũ đâu. Mà phải đưa vào làm, mọi người thấy hiệu quả thì làm theo. Những trang viết cũng vậy, viết cho đồng bào phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Viết mà dài lê thê, ngôn ngữ lại quá xa với đồng bào thì sao đồng bào tiếp thu và hiểu được. Cho nên viết về vùng cao, viết về đồng bào các dân tộc thiểu số phải có kiến thức am hiểu nhất định về vùng đất, con người nơi đó thì trang viết mới phát huy hiệu quả.

Suy nghĩ và viết cho thấu tình đạt lý. Thế thì sao lại bảo là viết cho vui. Nhưng không hiểu mà cứ viết bừa thì là viết cho vui thật. Có người làm nghề ở miền xuôi lên công tác miền núi viết: Đi qua suối bị mấy con vắt nó bám vào chân sợ quá. Như vậy là nói bừa, viết bừa. Vắt thường hay sống ở những khe ẩm ướt và trong những rừng vầu. Làm gì có vắt bám vào chân khi lội qua suối. Có chăng suối có thể có đỉa. Nhưng ý người trẻ này là viết về con vắt chứ không phải con đỉa. Thật nực cười. Viết đâu phải dễ và viết thế nào cũng được. Người hổng kiến thức thể hiện rất rõ trên trang viết. Nhiều vấn đề đưa ra thiếu luận cứ. Viết một cách chung chung thiếu tính thuyết phục. Một món ăn đã không ngon còn nhiều sạn. Thử hỏi viết như thế để làm gì. Liệu có ăn sâu vào trong lòng độc giả. Khi bị chất vấn sao lại viết như thế khi không đủ hiểu biết. Cùn lên họ buột mồm, viết cho vui ý mà. Như vậy không phải là người của công chúng và không vì mục đích phục vụ công chúng.

Người viết phải có tâm mới có những trang viết tốt. Mỗi vấn đề cần viết đều phải trăn trở, suy nghĩ cho thấu đáo. Viết là để làm gì và phục vụ ai mới là quan trọng. Phía trước là cả một lực lượng công chúng rộng lớn đang chờ đợi các cây viết cho ra đời những sản phẩm, món ăn tinh thần tốt nhất. Vì vậy, những cây viết phải có trách nhiệm với công chúng. Còn đâu đó nói viết cho vui thì chỉ là những sản phẩm nhạt nhẽo, ít giá trị về nội dung và nghệ thuật.

Thế mới biết, làm nghề cầm bút đâu phải dễ. Đặc biệt là những người có ý thức trách nhiệm với cây bút thì không bao giờ cẩu thả, không viết lấy lệ. Những tác phẩm của các cây viết này thực sự có hồn, luôn tạo động lực cho sự phát triển. Như vậy cái câu cửa miệng của những người nói viết cho vui, tác phẩm của họ sẽ không tồn tại trong lòng rất đông khán thính giả và độc giả ở mọi lứa tuổi hiện nay.

                                                                                                    Nguyễn An Chiến

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải