Trong thời đại hiện đại hoá, việc ứng dụng rộng rãi kỹ thuật mạng vi tính, Internet, điện thoại di động... đã đưa tới sự thay đổi mang tính cách mạng trong phương thức truyền bá thông tin, làm thay đổi diện mạo của truyền thông một cách đáng kể. Những kỹ thuật này có thể tập hợp các hình thức truyền thông trước kia như văn tự, âm thanh, hình ảnh với Internet, video, clip... thành truyền thông đa phương tiện, truyền bá đi khắp nơi với tốc độ rất nhanh, chúng thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc. Khi mỗi người có chiếc điện thoại thông minh trong tay, mạng xã hội đã trở thành sợi dây kết nối toàn xã hội, có vai trò dẫn dắt dư luận, tư tưởng và hành động. Mỗi khi có những bất trắc xã hội xảy ra, một cảnh đời rủi ro, một hiện tượng hoặc một hành vi ngang trái, mạng xã hội là sợi dây kết nối sự sẻ chia hoặc tạo sự phản ứng của xã hội một cách rất kịp thời.
Trong xu thế của truyền thông đa phương tiện, truyền thông của nước ta có bước thay đổi mang tính cách mạng. Cả nước đã có trên 800 cơ quan báo chí, có 18.900 người được cấp thẻ nhà báo. Trong điều kiện có nhiều phương tiện, một cơ quan báo chí không còn sử dụng đơn điệu một loại hình báo chí mà phát triển đồng thời nhiều loại hình như báo in, báo điện tử, truyền hình. Internet... Bên cạnh những cơ quan báo chí chính thống, mạng Internet, mạng di động cũng đã trở thành phương tiện truyền thông có vai trò rất đáng kể. Hàng triệu người có thể truy cập mạng Internet, hàng chục triệu người sử dụng tài khoản Facebook để truyền bá thông tin. Nước ta có 92 triệu dân, có tới 48 triệu người “làm báo”, đó chính là những người sử dụng mạng xã hội. Có thể nói đó là nền báo chí công dân, mỗi người có tài khoản Facebook đều tham gia làm báo. Việc biên tập truyền bá thông tin ngày nay không nhất thiết phải do đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp đảm nhiệm như trước đây, cũng không kết cấu hạ tầng. Một bản tin, một đoạn tin nhắn, có thể tự do xuất hiện ở mọi nơi. Tính đa dạng, đa chiều, kịp thời những ẩn danh của mạng Internet và mạng di động đã phá vỡ sự độc quyền của báo chí trước đây và nó rất khó khiểm soát. Mọi sự kiện, mọi hiện tượng, mọi sự việc xảy ra hàng ngày, hàng giờ của xã hội đều có thể trở thành đề tài thông tin, kể cả những cái mới gọi là tin đồn hoặc suy đoán cũng có thể đưa lên mạng.
Tạp chí Người làm báo Việt Nam số tháng 6/2017 (Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam)
Đặc điểm trên, giúp chúng ta có được những thông tin mới nhất, nhanh nhất, đa dạng nhất. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến cho chúng ta những thách thức lớn. Những thế lực thù địch, những cá nhân bất mãn, lợi dụng đặc điểm này của truyền thông để đưa tin bịa đặt, vu khống, chống phá cách mạng, chia rẽ nội bộ, kích động, gây mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ. Mặt trái của những thông tin hỗn độn, đa chiều làm cho chúng ta khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Bởi thế, nhiều người đã ghét bỏ đối với kênh truyền thông có nhiều bịa đặt, vu khống, kích động, nhưng lại thấy từ bỏ chúng không dễ. Báo chí, truyền thông đa phương tiện ngày càng thể hiện rõ vị trí rất quan trọng trong xã hội. Nếu truyền thông bị mất kiểm soát chắc chắn nó sẽ gây nên những rắc rối lớn hoặc nó chống lại chúng ta. Cho nên những tin đồn thất thiệt, những tin vu khống, bịa đặt kích động, chia rẽ xã hội, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước phải được truy tìm, ngăn chặn và xử lý. Có như vậy truyền thông đại chúng mới thể hiện đúng đắn bản chất vốn có của nó là: vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, là lương tâm của xã hội, là công cụ để hoá giải các mâu thuẫn, xây dựng một xã hội ổn định, đoàn kết, lành mạnh và tiến bộ.
Chức năng của báo chí, truyền thông ngày nay phong phú hơn nhiều. Cùng với chức năng tuyên truyền, cổ động, tổ chức tập thể, báo chí truyền thống còn thể hiện rõ chức năng trí tuệ, chức năng kết nối, chức năng giải trí, giám sát, phản biện xã hội. Đa dạng hoá chức năng của truyền thông là xu thế lớn của xã hội tiến bộ, văn minh. Nhưng trước hết báo chí, truyền thông phải là tìm kiếm thông tin. Nhu cầu đầu tiên của con người đối với truyền thông là tìm kiếm thông tin, bởi vậy một trong những chức năng của truyền thông là dịch vụ cung cấp thông tin. Ai cung cấp thông tin nhanh nhất, mới nhất, chất lượng nhất, người đó sẽ chiếm lĩnh được ảnh hưởng của xã hội. Thông tin càng mới, càng nhanh, càng chân thực và chính xác thì càng có giá trị, càng thể hiện quyền chủ động và dẫn dắt dư luận. Một xã hội tràn ngập thông tin như hiện nay, trách nhiệm của truyền thông mà trước hết là kênh truyền thông chính thống, không chỉ đơn giản cung cấp thông tin mà phải cẩn thận chọn lọc, xử lý thông tin để cung cấp cho công chúng những thông tin giá trị chất lượng cao. Đặc biệt kênh thông tin chính thống phải là cầu nối đa chiều giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân. Với vai trò đó, ngành truyền thông phải đưa đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân bằng những hình thức sinh động, bằng cách hiểu, cách giải thích đầy trí tuệ, phải xử lý tốt mối quan hệ giữa truyền bá thông tin và dẫn dắt dư luận, giữa bám sát sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với tiếp cận thực tiễn, giữa truyền bá mặt tích cực với đấu tranh, phê phán tiêu cực. Nhưng nếu trên các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ có những thông tin trái chiều, chỉ toàn những hiện tượng tham nhũng, hủ bại, những vụ án rùng rợn, những thông tin đời tư, nhảm nhí... thì hỏi có ích gì cho dân, cho nước, cho sự tiến bộ xã hội, cho sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của con người.
Trong điều kiện chưa có được những cơ chế tốt nhất để giám sát quyền lực, quyền lực đang bị lạm dụng, gây tác động xấu thì giám sát của dư luận, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng. Giám sát dư luận vừa là phương thức quan trọng giúp Đảng và Nhà nước cải tiến công việc vừa là một kênh quan trọng để quần chúng phát huy mặt tích cực trong nhiệm vụ xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập thông tin. Các hiện tượng xã hội muôn màu, muôn vẻ, của thế giới rộng lớn này không có chuyện gì là không có. Nếu tuỳ tiện hoặc cẩu thả, không chọn lọc, xắp xếp, xử lý, kiểm chứng, mà cứ truyền bá lên báo, lên mạng, thử hỏi nó có ích gì cho xã hội, cho sự xây dựng và phát triển của đất nước. Điều đó đòi hỏi mỗi kênh truyền thông, mỗi tài khoản xã hội với trách nhiệm công dân và đạo đức người làm báo, phải cân nhắc, chọn lọc để cung cấp cho người thông tin có giá trị, chất lượng cao. Và mỗi người, phải tự chịu trách nhiệm về những điều mình đã truyền bá thông tin trước lương tâm và trước xã hội.
Hải Đường
CÁC TIN KHÁC