Đêm khai mạc Lễ hội quế lần đầu tiên tổ chức với màn hát múa “Ngọt ngào hương quế” đặc biệt ấn tượng và hấp dẫn khi phác họa bức tranh chân thực về sự xuất hiện của cây quế đối với đồng bào người Dao nói riêng, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên nói chung, thì trong ngày tiếp theo của chuỗi sự kiện, khán giả cũng như du khách trong nước, quốc tế tiếp tục được đắm chìm trong không gian văn hóa đặc sắc rất riêng của đồng bào dân tộc Dao nơi đây thông qua việc tái hiện lại các lễ hội truyền thống của người Dao như: Lễ cưới, Lễ Cấp sắc, Cầu mùa…
Mới 7 giờ sáng, du khách và nhân dân địa phương đã tập trung rất đông tại nhà cô dâu Bàn Thị Nga ở thôn Khe Lợ, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên để xem sự chuẩn bị của nhà gái trước khi tiễn con gái về nhà chồng. Khác với lễ cưới của đồng bào Dao các địa phương khác, lễ cưới của đồng bào Dao xã Viễn Sơn không có trống, chiêng, khèn rầm rộ nhưng lại rất sâu sắc và ý nghĩa.
Nhà gái trên đường đến nhà trai.
Để lễ cưới được diễn ra trọn vẹn, trước đó nhà trai và nhà gái đã có sự bàn bạc, thống nhất chọn ngày, giờ đẹp để đưa, đón dâu nhập đinh (nhập khẩu) về bên nhà trai. Trước ngày cưới, nhà gái tiến hành lễ cúng tổ tiên để xin cắt đinh (chuyển khẩu) cho con gái trước khi về nhà chồng.
Nhà trai ra đón nhà gái.
Thầy mờ chúc rượu cô dâu, chú rể.
Đúng sáng diễn ra lễ cưới, cô dâu vận y phục đẹp và rực rỡ nhất, có đeo giá đầu (mán sừng) và dùng tấm khăn đỏ che mặt. Sau khi ông mờ (nếu chị gái liền kề cô dâu đã có chồng thì ông mờ chính là anh rể hoặc con gái cả lấy chồng thì bên ngoại sẽ là ông mờ) làm lễ đưa cô dâu về nhà chồng (nhà trai không phải đến đón mà nhà gái tự đưa dâu qua), cô dâu trước khi bước qua cửa phải quay đầu lại ngắm nhìn ngôi nhà 3 lần như một sự cảm ơn đối với tổ tiên, cha mẹ sinh thành dưỡng dục.
Khi đến nhà trai, nhà gái phải dừng lại trước cửa nơi hai hàng ghế để nhà trai ra tiếp nước, thuốc, rượu. Đến giờ lành, chủ hôn mời cô dâu vào giữa nhà nơi thờ cúng gia tiên để làm lễ nhập đinh (báo cáo với tổ tiên, từ nay gia đình có thêm một đinh nữa). Sau khi cô dâu, chú rể làm lễ xong, cô dâu xuống bếp tế lễ và múc nước cho ông mờ, chủ hôn, bố mẹ, gia đình nhà chồng rửa mặt. Khi rửa mặt xong, chủ hôn và gia đình nhà chồng cho tiền cô dâu để lấy may mắn cũng như mong muốn vợ chồng trăm năm hạnh phúc…
Nếu như lễ cưới diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi với những lời chúc trăm năm hạnh phúc dành cho đôi bạn trẻ thì Lễ Cấp sắc 12 đèn của đồng bào dân tộc Dao xã Viễn Sơn được tổ chức tại hội trường UBND xã lại đặc biệt trang nghiêm, mang đậm nét tâm linh, phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây.
Lễ Cấp sắc 12 đèn diễn ra với rất nhiều bước như: lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ, lễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc, lễ xuất binh, lễ ăn chay (từ lúc vào làm lễ cho đến khi kết thúc lễ tất cả những người được cấp sắc cũng như người đến dự đều phải ăn chay), bước học làm thầy và điệu múa rùa. Các nghi thức trên được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn…
Sau đó, các thầy đem lễ ra ngoài sân gọi Ngọc Hoàng bằng tiếng tù để thông báo cho Ngọc Hoàng biết bắt đầu vào lễ chính Cấp sắc 12 đèn và mời Ngọc Hoàng đến chứng giám. Tiếp đó là lễ thầy cúng truyền dạy đạo làm thầy cho các trò với yêu cầu làm thầy thì phải có tâm, có đức con cháu mới có phúc, có lộc. Trong lễ kết thúc, thầy cúng dẫn các trò lên "tồ sên" (nghĩa là thiên đình) để các trò nhận dấu ấn của Ngọc Hoàng và văn bằng âm – dương.
Đây là bằng cấp cao nhất trong cuộc đời một người đàn ông Dao đỏ. Sau khi làm xong lễ thông báo, các trò cùng vợ lần lượt quỳ dưới chân cầu thang nhận dấu ấn và văn bằng do các thầy cấp cho. Đây là thời khắc linh thiêng và quan trọng. Nhận bằng xong, các trò đem một bản đốt đi còn một bản đem cất kỹ để đến khi nào về cõi âm mới được đem đốt để thánh trời nhận ra và thu nạp họ.
Thầy cúng dẫn các trò lên "Tồ sên" (Thiên đình) để nhận dấu ấn của Ngọc Hoàng và văn bằng âm - dương.
Lễ Cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ.
Sau lễ Cấp sắc trang nghiêm, du khách và khán giả lại cùng nhau hướng về gia đình ông Bàn Thừa An ở thôn Khe Dứa để chứng kiến một sự kiện, một phần lễ đặc sắc mang đầy màu sắc tâm linh của đồng bào Dao nơi đây. Đó chính là lễ Cầu mùa với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa mang bội thu; cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an, cầu may mắn, cầu tài lộc…
Sau khi chủ nhà bày biện đầy đủ phần lễ cúng như: bánh chưng, gà trống, lợn đực (chia 5 phần), lợn đen, rượu, cum lúa nếp, tiền thật, giống rau, ngô, đỗ, đậu…, thầy cúng tiến về vị trí trang trọng nhất để tiến hành phần lễ. Phần lễ chia ra làm 3 bước gồm: bước một, trước ban thờ tổ tiên thầy cúng thông báo nội dung lễ cầu mùa; bước 2, thầy cúng làm lễ gọi Ngọc Hoàng về làm chứng cho lòng thành của gia chủ và mong muốn mùa màng được bội thu; bước 3, thầy cúng dùng bát nước rồi ngậm nước phun vào cum lúa để cầu cho mưa thuận gió hòa, không hạn hán, xanh lúa, trĩu bông…
Sau phần lễ, thầy cúng đưa cum lúa và các hạt giống cho chủ nhà để chờ đến mùa vụ, chủ nhà chủ động dọn đất, làm đất và cấy trồng bằng chính những hạt giống được thầy cúng làm trong phần lễ Cầu mùa…
Thầy cúng làm lễ Cầu mùa.
Trong chuỗi các sự kiện đặc sắc của Lễ hội quế diễn ra từ ngày 25 – 27/9 tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, khán giả và du khách không những được đắm mình trong phần hội tưng bừng, rực rỡ, lung linh huyền ảo mà còn được trải nghiệm qua phần lễ với không khí trang nghiêm, màu sắc tâm linh mang đậm nét truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Nhờ thế, Lễ hội quế lần đầu tiên tổ chức đã thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến thăm quan, du lịch và cũng qua Lễ hội đã quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Văn Yên đến với bạn bè gần xa.
Ngọc Sơn - Quyết Thắng
Nguồn: Theo Báo Yên Bái