song
Độc đáo Lễ Tết Rằm tháng Bảy của người Dao đỏ Văn Yên
Ngày xuất bản: 19/10/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 55347

Lễ Tết Rằm tháng Bảy là Lễ hội thường niên của đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên mọi miền Tổ quốc. Người Dao quan niệm rằng, ngày Rằm tháng Bảy là ngày con cháu người Dao cùng nhau tụ họp đông đủ, vui vẻ để cùng nhau sửa soạn mâm lễ cúng, tưởng nhớ đến tổ tiên, các vị thần linh đã che chở cho con cháu trong suốt năm qua.

Huyện Văn Yên là địa bàn có nhiều người Dao cư trú đông nhất so với các địa phương khác trong tỉnh Yên Bái. Người Dao có nhiều tên gọi khác nhau như: người Động, người Xá, người Mán... nhưng Dao là tên gọi chính thức. Chính người Dao tự gọi mình là “Kiềm miền” (tức là người ở rừng). Người Dao hiện sinh sống ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển).

Người Dao đỏ  là một trong những dân tộc lâu đời sinh sống trên địa bàn huyện, họ có nét văn hóa đặc trưng riêng rất độc đáo. Nhắc đến người Dao đỏ, thường thì chúng ta nghĩ đến lễ cấp sắc hay các lễ hội thường niên được đồng bào dân tộc Dao tổ chức. Tuy nhiên, sự độc đáo trong phong tục của người Dao đỏ ở Văn Yên còn được thể hiện qua việc ăn Lễ Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng 7 - Âm lịch) rất đặc trưng của dân tộc mình.

Thầy cúng đang làm lễ cúng Rằm tháng Bảy 

Anh Quán Ton Tiếp (ở thôn khe Cam, xã Ngòi A, huyện Văn Yên) cho biết: Người Dao đỏ lấy ngày 14 (âm lịch) là ngày chính Rằm. Tuy nhiên, bà con không ăn Rằm vào mỗi ngày 14, mà rải ra cả tháng. Bắt đầu từ ngày 1/7, khắp xóm trên bản dưới nhà nhà đều chuẩn bị gạo nếp ngon, lợn gà, rượu để chuẩn bị đón Rằm. Người Dao quan niệm ăn Rằm càng đông đủ con cháu, hàng xóm thì càng đông vui. Cỗ Rằm tháng Bảy được tổ chức theo từng gia đình. Mỗi gia đình chuẩn bị 5 - 7 mâm cỗ để mời anh em, hàng xóm. Tổ chức ở nhà này thì các nhà khác góp sức, góp nguyên vật liệu (góp lễ), xong nhà này thì lại đến nhà khác.

Mâm cơm cúng bao gồm: Một con heo, một con gà trống, bánh chưng người Dao, rượu và 5 cái chén, 1 chén nước và bát nhang, giấy bản của người Dao.

Anh Tiếp cho biết thêm: Tết Rằm tháng Bảy của người Dao đỏ là một trong ba Tết lớn nhất trong năm bên cạnh Tết thanh minh và Tết tạ ơn. Người Dao đỏ có quan niệm “vạn vật hữu linh”, do họ tin vào sự tồn tại của “cõi thiêng”, nơi mà ở đó các linh hồn tổ tiên, thần linh vẫn đang dõi theo cuộc sống của họ ở trần thế. Vì vậy, người Dao đỏ có tục thờ cúng tổ tiên và thần linh để tỏ lòng biết ơn. Trong dịp này, gia đình người Dao đỏ nào cũng đi nhờ thầy cúng về làm nghi lễ khấn cầu. Sau khi đã hoàn tất thủ tục trong nhà, mọi thành viên sẽ tề tựu dưới mái nhà thờ họ. Tất cả ngồi quây quanh ban thờ và mâm lễ để thể hiện lòng thành. Trưởng họ và hai thầy phụ lễ sẽ đứng ra làm lễ cho cả họ.

Đồng bào Dao đi tham quan mua sắm tại hội chợ.

Sau khi thắp 3 nén nhang lên ban thờ, thầy cúng sẽ bắt đầu đọc lời mời và làm lễ cúng với nội dung thể hiện lòng thành dâng lên tổ tiên, các chư vị thần linh thổ công, thổ địa, mong các vị về ăn tết cùng gia đình, phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đình được an khang thịnh vượng, cây trồng vật nuôi phát triển, nhà nhà đều ấm no hạnh phúc.

Tiếp theo đó, thầy cúng rót rượu vào chén, cầm 15 đồng tiền giấy để dâng lên mời ông bà tổ tiên, các chư vị thần linh thổ công, thổ địa về chứng giám cho lòng thành của con cháu. Cuối cùng, thầy cúng đốt toàn bộ số tiền vàng gửi cho tổ tiên, thần linh để làm lộ phí đi đường và tiếp tục mời rượu để tiễn tổ tiên, thần linh.

Tết Rằm tháng Bảy của đồng bào Dao đỏ còn đặc biệt ở chỗ chỉ đến rằm này các bà, các mẹ mới gói những chiếc bánh gù đen - một loại bánh đặc trưng của đồng bào Dao. Loại bánh này được làm từ gạo, giã với tro, thân cây vừng tạo thành bánh có màu đen, khi luộc chín có mùi vị rất lạ. Ngoài ra, còn bánh dày, bánh mật là những loại bánh không thể thiếu vào ngày Tết và Rằm tháng Bảy. Có lẽ cũng chính điều này, mà Rằm tháng bảy được nhiều trẻ nhỏ người Dao đỏ mong đợi.

Đối với người Dao đỏ, ngày Tết Rằm tháng Bảy là dịp để họ thể hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ về công lao của tổ tiên, thần linh và cầu mong sự ấm no hạnh phúc cho gia đình, làng bản. Bên cạnh đó, Tết Rằm tháng Bảy cũng là thời điểm để phân phát, bố thí thức ăn cho các sinh linh, cô hồn không nơi nương tựa. Đây chính là một tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Dao đỏ để thể hiện tấm lòng nhân ái đối với con người và chúng sinh.

Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải