song
Làm báo trong “kỷ nguyên số”
Ngày xuất bản: 03/11/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 208970

Trong thời đại "kỷ nguyên số (KNS)” và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0, việc cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, liên tục, tức thời được xem là vô cùng quan trọng, là vấn đề sống còn của mỗi tờ báo. Chính điều này đã tạo nên vị thế và cuộc tranh đua của báo mạng điện tử. Tuy ra đời sau so với các loại hình báo chí khác, nhưng báo điện tử đã nhanh chóng phát triển về số lượng, chất lượng và ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong đời sống báo chí, đời sống xã hội.

Phóng viên Phòng Báo Yên Bái điện tử trao đổi nghiệp vụ tác nghiệp.

Nhiều người "ngoại đạo” thường nói đùa vui: "Các chú làm báo trong thời đại KNS và cuộc cách mạng khoa học 4.0 dễ không mà! Cần gì đi đâu, ngồi ở nhà với chiếc máy tính kết nối Internet là có thông tin để viết tin, bài, có được ảnh". Quả không sai! Nếu trước đây, phương tiện tác nghiệp của nhà báo là cây bút, quyển sổ ghi chép, chiếc máy ảnh, máy ghi âm thì nay trong KNS những phương tiện ấy đã kết hợp tạo thành "5 - 6 trong 1”.

Chỉ cần máy tính, điện thoại thông minh thì có thể vừa ghi âm, ghi chép, chụp ảnh, ghi hình, phỏng vấn... trực tiếp giúp nhà báo tiếp nhận thông tin chính xác hơn, xử lý thông tin nhanh hơn, nhạy bén hơn. Dù bạn ở bất cứ đâu, chỉ cần một chiếc máy tính, một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng có kết nối Internet thì chúng ta có thể thỏa sức tìm kiếm các thông tin trên báo mạng điện tử ở tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… và cho phép mọi người trên toàn thế giới tiếp cận và đọc không bị phụ thuộc vào không gian và thời gian. Bạn đọc tìm đến báo điện tử không chỉ văn bản, hình ảnh mà cả âm thanh, video và các chương trình tương tác khác và nội dung được cập nhật liên tục.

Nhà báo Tô Anh Hải - Báo Yên Bái tâm sự: "Để có thể hòa mình vào dòng chảy báo chí sôi động hiện nay, người làm báo không những phải trang bị cho mình kiến thức sâu, rộng, tổng hợp mà còn phải tự học hỏi, tiếp cận công nghệ, khoa học. Từ đó, giúp ta xử lý thông tin nhanh hơn, ghi nhận thông tin chính xác hơn, truyền tin nhanh hơn, đo chất lượng và giá trị thông tin cũng nhanh và rõ hơn, giúp cho công chúng đón nhận thông tin một cách nhanh chóng”.
Theo dự báo xu hướng mới về báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay và trong những năm tiếp theo gồm 7 yếu tố (nhanh hơn, đa dạng, tương tác nhiều chiều, chuyên sâu, uy tín, sâu rộng và gắn kết với mạng xã hội). Tất cả những yếu tố này sẽ tạo nên mô hình tòa soạn hội tụ, gắn với truyền thông xã hội tức là được chia sẻ liên tục cộng đồng, cá nhân, đa chiều, đa dạng, đều này khác với báo truyền thống là kiểm duyệt, sàng lọc, hệ thống chờ đợi tin tức.

Trở lại với báo Yên Bái nói chung và Yên Bái điện tử nói riêng, thời gian qua, các ấn phẩm này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các thông tin đưa lên báo điện tử luôn đảm bảo đúng định hướng tuyên truyền, không sai sót về chính trị, lỗi kỹ thuật được giảm thiểu; đảm bảo được tiêu chí: nhanh, chính xác, kịp thời và đầy đủ, được độc giả và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá cao.  Nhằm phấn đấu "Đổi mới giao diện báo Yên Bái điện tử theo hướng giao diện tùy ứng, 80% nội dung về tỉnh Yên Bái trên Yên Bái điện tử được chia sẻ lên mạng xã hội.

Đồng chí Nông Thụy Sỹ - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Yên Bái cho rằng: "Để tờ báo đạt chất lượng, hình thức phù hợp với xu thế của thời đại làm báo trong KNS, đòi hỏi mỗi cán bộ, phóng viên phải tự thân tự học, tự đọc, tự rèn luyện, tự nâng cao trình độ, đặc biệt là về trình độ công nghệ thông tin để đáp ứng tốt với công việc, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Việt Nam hiện có trên 93,4 triệu người, trong đó có 35 triệu người sử dụng Internet, có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook.... Chỉ cần một vài thiết bị cá nhân phổ biến như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, thông tin và hình ảnh về một sự kiện hay nhân vật nào đó sẽ dễ dàng được đưa lên Internet và nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến khắp nơi trên thế giới chỉ trong một vài giây.

Đây là tính ưu việt của làm báo trong KNS. Ngược lại, nó cũng đem lại nhiều sự phiền toái, bởi hiện nay, nhiều nhà báo áp dụng vào công nghệ số 4.0 chỉ cần ngồi bàn ghế sa - lông vẫn có thể viết được phóng sự hay, thông tin nhanh chóng. Chính điều này, đã làm cho nhiều nhà báo gặp tai họa bởi những thông tin không chính xác, không được kiểm chứng, không rõ nguồn gốc nên khi đăng tải có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho một cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng, làm mất uy tín của báo chí.

Làm gì để đáp ứng được xu thế của báo điện tử trong kỷ nguyên của công nghệ số mà vẫn đảm bảo được phương châm: nhanh - chính xác - kịp thời - đầy đủ? Trước hết, mỗi cán bộ, phóng viên của Báo Yên Bái không ngừng ra sức tự học tập về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ thuật về quay, dựng các tác phẩm truyền hình Internet và làm chủ được công nghệ số như hiện nay.

Sở dĩ, nêu ra vấn đề này, bởi phóng viên báo điện tử cơ bản giống như phóng viên báo in; tuy nhiên, điều khác biệt ở đây là trước một sự kiện lớn thì phóng viên báo điện tử luôn phải tìm mọi cách để đưa thông tin được cập nhật sớm nhất, nhanh nhất, chính xác, đầy đủ, không sai sót, nên đòi hỏi mỗi phóng viên phải tự học, tự nâng cao trình độ, nghiệp vụ của mình.
Cùng với đó, vai trò của người biên tập luôn giữ vị trí trung tâm để xử lý và điều phối thông tin. Nếu sự phối hợp giữa phóng viên và người biên tập không nhịp nhàng thì hiệu quả không cao, không đáp ứng yêu cầu của tờ báo điện tử. Vì vậy, các biên tập viên, những người được giao và xuất bản ấn phẩm luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu làm báo theo hướng hiện đại, theo mô hình hội tụ, có thể trong vài năm tới, bạn đọc chỉ ấn vào tin bài thì có người đọc, hoặc bạn đọc chỉ nói đầu đề, tít bài thì các tin bài sẽ hiện ra và thiết bị đó có thể tự động đọc tin, bài cho mình nghe... nên chúng ta cần có kế hoạch, chiến lược và dự báo được xu thế phát triển của báo điện tử.      

Văn Tuấn

Nguồn: Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải