song
Kiến tạo Môi trường văn hóa báo chí Bài 1: Văn hóa báo chí: Vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí
Ngày xuất bản: 16/07/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8406

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Văn hóa của người làm báo nói một cách giản dị là hướng tới 4 chữ “TÂM SÁNG, BÚT SẮC”.

LTS: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021; đồng thời thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2025, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí”. Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng 12 tiêu chí, trong đó với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí và 6 điểm dành cho người làm báo. Báo Nhà báo & Công luận với chuyên đề “Kiến tạo môi trường văn hóa báo chí” với sự góp mặt của các nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí sẽ cùng trao đổi xung quanh vấn đề này.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Văn hóa của người làm báo nói một cách giản dị là hướng tới 4 chữ “TÂM SÁNG, BÚT SẮC”. “Tâm sáng” là phẩm chất quan trọng hàng đầu, phản ánh cái đức của người làm báo. Chỉ khi nhà báo có tâm sáng thì mỗi tác phẩm báo chí của họ mới thật sự có ích cho xã hội. Chỉ khi có tâm sáng, bài viết của nhà báo mới bảo đảm tính trung thực, chính xác, giàu tính chiến đấu, làm tròn sứ mệnh “phò chính, trừ tà” với tinh thần xây dựng; đấu tranh với cái xấu phải luôn song hành bảo vệ cái đúng, khơi dậy điều tốt đẹp trong cuộc sống”…

Nhiệm vụ trọng tâm, căn cốt

Nhận thức sâu sắc văn hóa báo chí như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã chú trọng xây dựng đội ngũ những người làm báo có lập trường chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp; có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; biết vượt qua cám dỗ, thực sự tâm huyết, khách quan trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Điều này đã tạo nên nét đẹp văn hóa cho mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo cách mạng.

Đặc biệt, những năm qua, một số cơ quan báo chí lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân… ngoài việc tích cực triển khai những quy tắc nghề nghiệp chung còn nỗ lực, triển khai xây dựng những quy tắc đạo đức nghề nghiệp riêng cho cơ quan, cho phóng viên, trong đó đều nhấn mạnh tinh thần này.

Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trên cả nước coi vấn đề giáo dục đạo đức, nâng cao văn hóa cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm, căn cốt. Không chỉ vậy, những năm qua, nhiều bài báo, nhiều chuyên mục đã thể hiện được vai trò, vị thế trong nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa, thắp lên ngọn lửa tri thức. Mỗi sản phẩm báo chí thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, góp phần bồi đắp ý chí, nhuệ khí cách mạng và khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân ta.

 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ ban ngành, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội báo toàn quốc năm 2022. Ảnh: Sơn Hải

Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”; Luật Báo chí; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan báo chí làm tốt công tác giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng cho người làm báo, đề cao văn hóa báo chí, vẫn còn một số tổ chức cơ quan, Hội Nhà báo chưa thực sự chú trọng công tác này. Do đó dẫn đến tình trạng vẫn còn một bộ phận phóng viên thiếu tu dưỡng đạo đức, phẩm chất nghề  nghiệp, có những hành vi tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự.

Đặc biệt, với sự xuất hiện của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm, nhiều tờ báo bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh, theo đuổi mọi cách để tìm kiếm nguồn thu, kể cả những cách thức làm suy giảm chức năng tư tưởng - văn hóa cốt lõi.

Một bộ phận không nhỏ báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, chọn lựa đề tài, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế. Bản sắc của tờ báo bị bỏ quên, yếu tố văn hóa, nhân văn trong tác phẩm báo chí không được coi trọng, hình ảnh của tờ báo mờ nhạt trong lòng bạn đọc…

Trong buổi lễ phát động phong trào thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa, đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Cùng với sự buông lỏng, thỏa hiệp của cơ quan báo chí là sự xuống cấp về chuyên môn, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo. Một số nhà báo coi nhẹ lao động nghề nghiệp, bỏ qua nguyên tắc tác nghiệp cơ bản, thông tin thiếu khách quan, thiếu xác thực. Nội dung tin bài cổ vũ hành vi phản thuần phong mỹ tục, đào bới mặt trái xã hội, moi móc đời tư, gây hoang mang cho người đọc, gây tổn thương tinh thần, tổn hại hình ảnh cá nhân và tổ chức. Hiện tượng lệch chuẩn tư tưởng, lệch chuẩn văn hoá ở một số phóng viên đã xuất hiện. Tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí doạ nạt, tống tiền, vi phạm pháp luật, có chiều hướng gia tăng…”.

Trên thực tế, chỉ tính năm 2021, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đó chỉ là con số rất nhỏ trong hàng vạn người làm báo, nhưng cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nghề báo và danh dự của những người làm báo chân chính.

Mỗi tòa soạn là một điểm sáng văn hóa, người làm báo là hạt nhân văn hóa

Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết. Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” vừa qua cũng không ngoài mục đích góp phần nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí; qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa.

Để kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí; xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, văn hóa báo chí của người làm báo cần rất nhiều yếu tố. Trong định hướng của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa có đưa ra 6 giải pháp, trong Bộ tiêu chí thực hiện “cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” của Hội Nhà báo Việt Nam vừa ban hành cũng đưa ra 12 điểm quan trọng.

Nhìn chung, những định hướng ấy đều tập trung nhấn mạnh rằng để kiến tạo một môi trường văn hóa báo chí thì mỗi cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nước nhà cần phát huy ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, trước sứ mệnh nghề nghiệp trong tình hình mới.

Mỗi cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin bảo đảm kịp thời, chính xác, toàn diện, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; tập trung xử lý, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa”; “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; biểu hiện tư nhân núp bóng chi phối hoạt động báo chí…

Xây dựng các quy định, quy chế của tòa soạn về quy trình tổ chức đề tài, tác nghiệp, thẩm định, biên tập, phê duyệt xuất bản, cải chính, phản hồi thông tin báo chí; quy chế quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hướng tới mô hình văn hóa.

Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, nguồn lực hoạt động; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực quản lý cho đội ngũ những người làm báo…

Có thể nói, là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, những người làm báo không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan lỏa những giá trị tốt đẹp đó mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi… Chính vì thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ trong bản chất, giá trị cốt lõi của nghề nghiệp, văn hóa luôn là ngọn đuốc soi đường, là giá trị bất biến mà mỗi người làm báo luôn phải nỗ lực gìn giữ, phát huy để tiếp tục phụng sự xã hội, phụng sự Tổ quốc, xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải