song
Phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan báo chí
Ngày xuất bản: 22/12/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 11731

Điều 24, Luật báo chí năm 2016 quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí. Đó là: Chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của cơ quan báo chí; Phê duyệt kết cấu nội dung ấn phẩm; kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; báo, chuyên trang của báo điện tử; Chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định ghi trong giấy phép; Quản lý nhân sự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà báo, phóng viên, nhân viên; quản lý tài sản, cơ sở vật chất của cơ quan báo chí; Không được đảm nhiệm chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí khác.

Trong nhiều năm qua, phần lớn những người đứng đầu cơ quan báo chí (Tổng biên tập báo, tạp chí; Giám đốc đài phát thanh, truyền hình) đã thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đáng chú ý là, về nội dung thông tin, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Tuy nhiên, hiện trạng không chỉ ở một tờ báo mà nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí đã mắc nhiều sai phạm, rõ nhất là tình trạng buông lỏng quản lý văn phòng đại diện (VPĐD). Theo ông Lưu Đình Phúc Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin & Truyền thông, nhiều VPĐD cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên tràn lan, có cả loại giấy chứng nhận phóng viên, phát sinh tình trạng bán giấy giới thiệu, giấy chứng nhận. Có trường hợp bán cho đối tượng không liên quan đến báo chí, thậm chí bán cho người buôn bán sắt thép, lợi dụng để đi làm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của các VPĐD là do cơ quan báo chí “khoán trắng” cho VPĐD. Khi đó, các cơ quan báo chí không kiểm soát được VPĐD đang làm gì và đang làm thế nào. Nhiều VPĐD, phóng viên thường trú (PVTT) hoạt động không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Có phóng viên chuyên về vấn đề sức khỏe, ô tô xe máy… nhưng đi vào cả vấn đề xây dựng, quy hoạch. Thậm chí tạp chí khoa học chuyên ngành cũng đề cập vấn đề xã hội. Nhiều VPĐD có phóng viên hoạt động độc lập không thông báo với chính quyền địa phương, khi chấm dứt hoạt động trưởng VPĐD cũng không thông báo. Công tác tuyển chọn PVTT độc lập, cộng tác viên ở địa phương cũng rất dễ dãi, không có nghiệp vụ, yếu kém về chính trị, đạo đức nghề báo. Có trường hợp từng chống người thi hành công vụ, vận chuyển quặng trái phép; có trường hợp đã bị truy nã, từng cướp tài sản công dân  giờ lại làm cộng tác viên "vác máy" đi phỏng vấn. Đáng lưu ý, có những phóng viên quan hệ với xã hội đen và những đối tượng chống phá chính quyền, quan hệ với kẻ cơ hội chính trị, tham gia tổ chức phản động và những đối tượng hay viết bài chống phá chế độ. Nhiều trường hợp tống tiền xong lại chuyển cho người khác tống tiền tiếp. Đây là thực trạng đáng báo động. Đối chiếu với quy định của Luật báo chí, trách nhiệm nói trên thuộc về người đứng đầu cơ quan báo chí để xảy ra vi phạm. Nhà báo, tinh thông nghề nghiệp, đương nhiên và trước hết phải hiểu và nắm rõ Luật báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Nhà báo nói chung đã vậy, người đứng đầu cơ quan báo chí càng phải tinh thông hơn ai hết. Về mặt tâm lý, nhà báo nào cũng muốn trở thành người làm báo tài năng và trong thực tế đã xuất hiện rất nhiều tài năng, nhưng không phải ai cũng trở thành người đứng đầu cơ quan báo chí. Có người đứng đầu cơ quan báo chí có tới hàng ngàn, hàng trăm, nhưng cũng có người đứng đầu cơ quan báo chí chỉ có vài chục hoặc dưới một chục cán bộ, phóng viên, công nhân viên thuộc quyền quyền quản lý, chỉ đạo, đồng thời tùy theo tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ được giao, vị trí xã hội, quyền hạn, quyền lợi thực tế cũng khác nhau. Tuy nhiên, mọi người cũng như mỗi người đứng đầu cơ quan báo chí đều phải nắm thật vững đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, thông minh, thông tuệ, bản lĩnh nghề nghiệp, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả đến đó. Song nói vậy nhưng không phải vậy, trong thực tế vẫn có người đứng đầu cơ quan báo chí về mặt này mặt khác còn không đủ tiêu chuẩn.

Hoạt động báo chí hiện nay đang đứng trước những thách thức lớn. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ truyền thông, xu thế hội tụ công nghệ ngày càng mạnh mẽ, đã hình thành nên những cơ quan truyền thông đa phương tiện với việc thực hiện đầy đủ các loại hình truyền thông. Sự phát triển của công nghệ internet, của các thiết bị di động cầm tay có kết nối internet đã làm thay đổi phương thức đọc, nghe, xem truyền thống của người dùng, chuyển dịch từ đọc báo giấy, nghe radio, xem tivi truyền thống sang đọc, nghe, xem báo chí, phát thanh, truyền hình thông qua việc sử dụng phương thức điện tử, thiết bị thông minh. Sự phát triển mạnh mẽ của internet, truyền thông xã hội đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí chính thống: báo in ngày càng sụt giảm về số lượng phát hành; nhiều cơ quan báo chí xin được giảm kỳ hạn của các ấn phẩm, thậm chí dừng xuất bản; nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo sụt giảm do sự cạnh tranh về quảng cáo thương mại của các phương thức truyền thông khác. Áp lực phải giữ, phát triển độc giả, khán, thính giả của các cơ quan báo chí cũng ngày càng nặng nề trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội. Trước thách thức và áp lực nói trên, người đứng đầu mỗi cơ quan báo chí phải cùng ban biên tập nghiêm túc chấp hành và kiên trì thực hiện chỉ đạo, định hướng thông tin ctheo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; bảo đảm, thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo định hướng thông tin. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các sự kiện lớn, vấn đề quan trọng của đất nước; nêu bật những thành quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xây dựng môi trường thông tin lành mạnh tiến bộ với dòng chủ lưu là thông tin tích cực góp phần tạo không khí tin cậy, phấn khởi, nỗ lực triển khai hoàn thành tốt ngay từ đầu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, và sắp tới là Đại hội XIII của Đảng. Nâng cao năng lực, trách nhiệm hiệu quả việc chấp hành công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, khẩn trương thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Khắc phục tình trạng "báo hóa” tạp chí.Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong nội bộ cơ quan. Phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên; khuyến khích đội ngũ những người làm báo không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát huy tốt sứ mệnh người làm báo.Nhận diện, đánh giá đúng, có biện pháp khắc phục các biểu hiện tư nhân hóa báo chí. Đánh giá thật đúng tình hình thực trạng để có giải pháp khắc phục hiện tượng một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc liên kết trong hoạt động báo chí để gây áp lực, tác động trong việc sản xuất, đăng, phát nội dung thông tin vì mục tiêu lợi nhuận thuần túy và lợi ích cục bộ; đánh giá đúng bản chất tình trạng lãnh đạo, phóng viên thành lập doanh nghiệp để xử lý khủng hoảng truyền thông, ký kết hợp đồng hợp tác truyền thông với chính các đối tượng mà mình phản ánh. Đây là vấn đề gây ra nhiều bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến phẩm giá, danh dự của những người làm báo chân chính, phải sớm có biện pháp khắc phục. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam trên cả hai khía cạnh nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Các cấp Hội Nhà báo cần phải tích cực thực hiện các chương trình hành động, các hoạt động cụ thể và thiết thực, có sức cuốn hút và lan tỏa đối với hội viên và các tổ chức chi hội. Quan tâm, tăng cường hơn nữa việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ cho những người làm báo trong bối cảnh đời sống truyền thông và đời sống xã hội ngày càng phong phú, đa dạng, sinh động, với nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh; thậm chí, có cả những mưu toan lợi dụng tự do dân chủ tổ chức các hoạt động trái pháp luật, đi ngược lại những giá trị, mục tiêu mà nền báo chí cách mạng chân chính đã và đang phấn đấu. Chủ động bám sát, tăng cường việc tiếp nhận thông tin do các cơ quan Đảng, Nhà nước cung cấp và nghiêm túc thực hiện trách nhiệm giải trình về việc làm của cơ quan báo chí khi có yêu cầu. Không tự tìm tòi, khai thác những nguồn thông tin thiếu kiểm chứng, không chính thức để đưa lên phương tiện báo chí truyền thông.

Đó chính là những giải pháp tốt nhất, có hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan báo chí hiện nay.

                                                                                                            B.Đ

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải